Sunday, January 31, 2010

SUY NGHĨ DÂN CHỦ TRỞ THÀNH ĐIỀU NGUY HIỂM TẠI VIỆT NAM

Suy nghĩ dân chủ trở thành điều nguy hiểm tại Việt Nam
Mai Vân
Bài đăng ngày 31/01/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 31/01/2010 17:31 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6701.asp
Dưới đề mục ''Đàn áp tại Việt Nam'', tạp chí Anh Quốc The Economist số ra tuần này đã chạy tựa ''Lòng tin nguy hiểm'' bên trên tiểu tựa ''Học bổng ở nước ngoài, phiền toái ở trong nước". Bài báo tìm hiểu về cuộc đàn áp những tiếng nói không lọt tai đối với chính quyền Việt Nam đang diễn ra trong nước và ghi nhận rằng những người bị truy bức thường có đi học ở ngoại quốc.

The Economist nêu lên trước tiên trường hợp giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong ba người khởi xướng trang blog Bauxite, từ trung tuần tháng giêng, hầu như ngày nào cũng bị công an mời lên thẩm vấn. Tuần báo Anh nhắc lại là trang blog này chỉ trích việc Trung Quốc khai thác bauxite ở Việt Nam, và giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã có những quan hệ tốt với đồng nghiệp ngoại quốc. Vào năm 2000, ông đã trải qua một thời gian tại Đại Học Massachusetts, Hoa Kỳ.

Theo The Economist, vì hệ thống đại học và sau đại học Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, cho nên việc đi học ở các đại học Phương Tây được đánh giá cao. Có điều những người được đi học lại có nguy cơ trở thành nạn nhân đàn áp chính trị.

Tạp chí Anh nêu lại bản án ngày 20/01 vừa qua ở Thành Phố Hồ Chí Minh, theo đó luật sư Lê Công Định, 41 tuổi, và thác sĩ Nguyễn Tiến Trung, 26 tuổi, đã bị từ 5 đến 7 năm tù, vì bảo vệ dân chủ đa nguyên. Theo bài báo, đối với hai người này, con đường tù tội đã bắt đầu từ việc qua phương Tây du học.Lê Công Định có bằng cấp luật ở Hoa Kỳ, còn Nguyễn Tiến Trung đậu bằng thạc sĩ ở Pháp.

Bài báo cũng nhắc lại quá trình của hai người sau khi tốt nghiệp. Nguyễn Tiến Trung lúc ở Pháp đã có lập một trang web bảo vệ dân chủ, và đã thu hút chú ý những người Việt hải ngoại chống chế độ Cộng sản Việt Nam. Năm 2007, Nguyễn Tiến Trung đươc mời sang Mỹ, và một Việt kiều đã giới thiệu anh gặp tổng thống Bush. Trở về Việt Nam, Nguyễn Tiến Trung tham gia vào Đảng Dân Chủ Việt Nam, vừa mới được khôi phục lại sau một thời gian bị giải thể, và có liên hệ với cộng đồng người Việt ở California.

Luật sư Lê Công Định khi về nước đã làm việc cho nhánh tại Việt Nam của văn phòng luật sư New York, White & Case, cố vấn cho Việt nam về luật chống bán phá giá của Mỹ. Luật sư Lê Công Định đã có quan hệ với đảng Việt Tân ở hải ngoại , và vào tháng 3 năm ngoái đã từng tham dự cuộc hội thảo về cách phản đối không bạo động, do đảng này tổ chức ở Thái Lan.

Bắi báo còn nêu chi tiết về việc các ông Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định bị bắt vào tháng sáu năm ngoái cùng với 2 chủ công ty Internet, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long. Nhưng nếu thái độ cứng đầu của ông Thức đã khiến ông bị đến 16 năm tù thì ngược lại Lê Công Định có phản ứng của một người đầy kinh nghiệm. Ông công nhận là đã có vi phạm luật, vì theo hiến pháp, đảng Cộng sản nắm vai trò lãnh đạo, và việc ủng hộ một đảng chính trị khác là bất hợp pháp. Ông Lê Công Định đã kêu gọi đến sự khoan dung vì ông bị ảnh hưởng của ý tưởng Phương Tây.

The Economist thắc mắc là chưa rõ tại sao Việt Nam lại thực hiện chiến dịch đàn áp như hiện nay. Một số người giải thích đó là do sự căng thẳng trước Đại hội Đảng tổ chức vào năm tới đây. Một số người khác thì nói đến một cuộc đối đầu trong bộ chính trị giữa phe thân Trung Quốc và phái thân Phương Tây.

Trong phần kết luận, The Economist cho là việc cởi mở chính trị ở Việt Nam không khác gì thị trường chứng khoán, lúc trồi lúc sụt. Có điều tạp chí Anh nhân thấy là xu hướng phản kháng hiện nay có thể gia tăng, tuy là một cách khiêm tốn. Vì cho đến khi nào mà hệ thống giáo dục Việt Nam còn thúc đẩy những thành phần ưu tú trẻ ra học ở ngoài thì họ sẽ trở về nước với ảnh hưởng tư tưởng Phương Tây.



No comments: