Thư
viện BULAC Paris : Nơi lưu trữ nhiều ấn bản cổ nhất của Việt Nam
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 26/05/2023 - 09:00
Số báo cổ nhất của tờ Gia Định báo được lưu trữ ở
đâu ? Chắc hẳn rất nhiều người sẽ bất ngờ khi biết là số báo này được lưu ở Thư
viện đại học Các ngôn ngữ và Văn minh BULAC tại Paris. Cho đến ngày 31/05/2023,
người quan tâm có thể nhìn thấy số 4, xuất bản ngày 15/07/1865, cùng với rất
nhiều tác phẩm cổ khác trong khuôn khổ triển lãm « Chữ quốc ngữ,
nhân tố cơ bản trong sự đổi mới văn hóa Việt Nam từ năm 1860 đến 1945 ».
Triển lãm sách cổ tiếng Việt « Chữ quốc ngữ, nhân tố cơ bản
trong sự đổi mới văn hóa Việt Nam từ năm 1860 đến 1945 », thư viện BULAC,
Paris, Pháp, đến hết ngày 31/05/2023. © BULAC
Những tác phẩm này nằm được đặt trong tủ kính,
ngay lối đi chính ở tầng trệt của thư viện để mọi độc giả có thể ngắm. Chị Nguyễn Thị Hải, phụ trách phông tiếng Việt và triển lãm, giới thiệu :
« Đây là một triển lãm nhỏ do BULAC tổ chức.
Người xem có thể xem rất nhiều cuốn sách mà trước đây chỉ được nghe nói đến, ví
dụ từ điển của Alexandre de Rhodes, từ điển của Taberd, hoặc những cuốn sách đầu
tiên được xuất bản bằng chữ quốc ngữ ở Thái Lan, những cuốn sách được xuất bản
bằng chữ quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký, cuốn tiểu thuyết đầu tiên theo phong cách
phương Tây ở Việt Nam như Truyện thầy Lazaro Phiền của
Nguyễn Trọng Quản, hoặc tờ Gia Định báo, tờ báo chữ quốc ngữ đầu
tiên, với số báo được gọi là cổ nhất hiện nay được lưu trữ tại BULAC.
Các bạn cũng có thể nhìn thấy những cuốn sách dịch của
Trương Vĩnh Ký, những cuốn sách dịch của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản từ những năm
1909 như Tam quốc chí diễn nghĩa hoặc Ba
người lính ngự lâm pháo thủ, Những người khốn khổ hoặc Qui-li-vơ
du ký… Những cuốn sách đó được lưu trữ ở BULAC từ rất lâu mà có rất nhiều độc
giả không biết đến. Đây là lần đầu tiên BULAC giới thiệu đến độc giả những cuốn
sách được xuất bản bằng chữ quốc ngữ từ giữa thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ
XX ».
.
Một trong những phông tiếng Việt cổ nhất Pháp
Phông tiếng Việt của BULAC là một trong những
phông cổ nhất Pháp, khoảng 150 tuổi vào năm 2023, rất phong phú với khoảng
13.000 đầu sách (16.500 cuốn), cùng với khoảng 100 tạp chí và đầu báo. BULAC mở
cửa rộng rãi cho công chúng, không cần bất kỳ điều kiện nào.
Mai
Lan Urrizalqui, học thạc sĩ ngành Quan
hệ Quốc tế tại trường INALCO, một độc giả thường xuyên của BULAC, cho biết :
« Em học tiếng Việt vì em là người Pháp gốc Việt.
Em thường đến BULAC để đọc sách về khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam vì có
nhiều sách về khoa học chính trị và kinh doanh quản lý ở Việt Nam. Ngoài ra
cũng có nhiều sách về nghiên cứu ở Việt Nam và ngữ pháp để luyện tập tiếng Việt ».
Lou Vargas, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Lịch sử tại Trường Cao đẳng Thực
hành (EPHE), học tiếng Việt vì đam mê từ nhỏ nhờ một người bạn gốc Việt :
« Trước đây khi em học tiếng Việt, em đến BULAC
thường xuyên để tra từ điển, đọc các tác phẩm văn học Việt Nam, xem cách nghiên
cứu về địa lý, lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Bây giờ, em đang làm luận án tiến
sĩ về bia hậu. Vì BULAC mở cửa cho tất cả mọi người, cho nên em cũng thường
xuyên quay lại đây để làm việc, để mượn sách và hôm nay em đến để trả
sách ».
https://s.rfi.fr/media/display/4dfb410c-fa11-11ed-aa57-005056a90321/w:980/p:16x9/Lou-et-Mai-Lan.webp
Slide
Phông tiếng Việt của BULAC được gộp từ nhiều
thư viện khác nhau : một phần của Viện Viễn Đông Bác Cổ - EFEO, Khoa Ngôn
ngữ và Văn minh Đông Á - LCAO của Đại học Paris Cité và nhất là từ Thư viện
liên đại học các ngôn ngữ phương Đông - BIULO. Sách báo bắt đầu được sưu tập
ngay năm 1869 khi Trường Sinh ngữ phương Đông - INALCO mở khoa tiếng Việt và đặc
biệt là nhờ công của Abel Des
Michel, năm 1872 được bổ nhiệm làm giáo sư Trường
Sinh ngữ phương Đông. Ngoài viết sách, ông còn liên kết với các nhà nghiên cứu
Việt Nam thời đó, như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của để mua
sách xuất bản ở Sài Gòn rồi đưa sang Pháp làm công cụ giảng dạy và nghiên cứu
tiếng Việt tại Paris.
Chị Nguyễn
Thị Hải nói tiếp :
« Ở BULAC có rất nhiều sách được coi là một
phông không chỉ chứng kiến cho việc dạy tiếng Việt ở Paris, mà nó còn là một
nhân chứng lịch sử cho sự phát triển của chữ quốc ngữ và phổ biến chữ quốc ngữ ở
Việt Nam. Trong số sách quốc ngữ, có thể thấy những cuốn từ điển được xuất
bản từ khi hình thành chữ quốc ngữ, như Từ
điển Việt-Bồ-Latinh, Phép giảng tám ngày của Alexandre de
Rhodes xuất bản năm 1651, cuốn Từ điển Annam-Latin và Latin-Annam của
Taberd xuất bản năm 1838.
Sau đó vào khoảng những năm 1850, có thể thấy những
cuốn sách chủ yếu là giáo lý tôn giáo và những câu chuyện kể về tôn giáo được
xuất bản bằng chữ quốc ngữ ở Thái Lan, ví dụ Giáo lý yếu lý quốc ngữ. Từ năm 1860, việc in ấn bằng chữ quốc ngữ ở
Nam Kỳ bắt đầu phát triển, nên có rất nhiều sách đầu tiên được in bởi Bản in
Nhà nước.
Chúng ta có thể thấy Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký xuất bản năm 1866. Đó là bản
xuất bản đầu tiên và là một bản rất đặc biệt bởi vì chúng ta biết đến Chuyện
đời xưa của Trương Vĩnh Ký với những bản tái bản sau này, chỉ với khoảng
74 truyện kể, trong khi bản đầu tiên năm 1866 có tất cả khoảng hơn 100 truyện.
Vì trong đó có những chuyện không phù hợp với giáo lý Công Giáo nên đã bị kiểm
duyệt và bị xóa bỏ. Đây là bản đặc biệt mà BULAC đang giữ ».
.
Kho sách Hán-Nôm và tạp chí quý hiếm
Phông tiếng Việt của BULAC còn nổi tiếng với
nhiều đầu sách Hán-Nôm quý hiếm. Tất cả đều có thể tra trực tuyến trên trang
web của thư viện. Đây là kho báu mà chị Nguyễn Thị Hải không giấu niềm tự
hào :
« Hiện nay, trong phông tiếng Việt ở BULAC có
khoảng hơn 100 đầu sách Hán-Nôm và chủ yếu là sách văn học, vì mối liên hệ đặc
biệt giữa Trường Sinh ngữ phương Đông với các nhà học giả ở Nam Kỳ thời đó như
Trương Vĩnh Ký, cho nên các tác phẩm được mua, tức là các sách Hán-Nôm thời kỳ
đó, chủ yếu là các tác phẩm văn học được lưu truyền rất rộng rãi ở miền Nam Việt
Nam, cũng như là những tác phẩm tuồng, ví dụ tuồng Kim Vân Kiều hoặc Lục Vân Tiên, tiếp theo là các
tác phẩm văn học như Lâm Sinh Lâm Thoại hoặc Cung oán
ngâm khúc… Tất cả những tác phẩm đó đều được lưu ở BULAC.
Nếu các bạn muốn tìm hiểu, trên trang web của thư viện
BULAC, khi vào đến trang danh mục thư viện, thì sẽ thấy danh sách mà chúng tôi
tạo ra cho độc giả để độc giả dễ dàng tiếp cận hơn. Các bạn sẽ thấy danh mục :
Sách Hán-Nôm, trong đó có khoảng hơn 100 đầu sách và có thể xem trực tiếp trên
đó ».
https://s.rfi.fr/media/display/372817d8-fa12-11ed-91dd-005056bfb2b6/Nguyen-Thi-Hai.webp
Chị Nguyễn Thị Hải, phụ trách phông tiếng Việt tại BULAC, Paris, giới thiệu
Triển lãm « Chữ quốc ngữ, nhân tố cơ bản trong sự đổi mới văn hóa Việt Nam từ
năm 1860 đến 1945 ». © RFI / Thu Hằng
Như đề cập ở trên, số báo cổ nhất còn lại của
tờ Gia Định báo hiện được lưu tại BULAC. Kho tạp chí phong phú
được ghi trong danh mục « Tất cả những các tạp chí của Việt Nam xuất
bản trước năm 1945 » để độc giả dễ dàng truy cập trên thư mục của
thư viện.
« Ở BULAC có tất cả nào khoảng 70 đầu báo trước
năm 1945, trong đó phải kể đến Gia Định báo, tờ báo
quốc ngữ đầu tiên được xuất bản ở Sài Gòn năm 1865. Hiện nay chúng ta được biết
là số báo cổ nhất còn giữ được cho đến nay là số 4 của tờ Gia Định báo xuất
bản ngày 15/07/1865 thì hiện nay BULAC là thư viện duy nhất có được tờ báo này.
Ở BULAC, các bạn có thể đọc được rất nhiều tờ báo
khác được xuất bản ở Nam Kỳ, ví dụ Lục
Tỉnh Tân Văn, Nông Cổ Mín Đàm, An Hà báo, hoặc những tờ báo
sau này, như Nam Phong tạp-chí, thậm chí chắc các bạn đã nghe đến
báo tên là Tập báo ta (Notre Revue) của Nguyễn Văn Vĩnh
được xuất bản vào năm 1909 thì ở BULAC cũng có, tiếp theo phải kể đến những tờ
như Phụ nữ Tân văn, Sông Hương, Đông Dương tạp
chí».
Trong lúc tham quan thư viện, chúng tôi gặp
Nguyễn Văn Phúc, một nghiên cứu sinh Việt Nam ở Ý tham gia chương trình trao đổi
sáu tháng với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CASE) tại Paris. Thư viện BULAC
là một nguồn tài liệu hữu ích cho nghiên cứu của Phúc.
« Chủ đề nghiên cứu của em là về mối liên hệ giữa
luật và giới tính dưới tầm nhìn lịch sử. Em sẽ nghiên cứu về mối quan hệ giữa
hai vấn đề này theo dòng thời gian phát triển ở Việt Nam và cũng so sánh với
Trung Quốc và với Pháp để làm rõ chủ đề. Em biết đến thư viện BULAC vì BULAC có
nhiều tài liệu về Việt Nam, không những về văn hóa, mà có một số tài liệu về luật
đúng với chuyên ngành của em. Đến cuối tháng Tư này em trở về Ý. Trong quá
trình 6 tháng, em đã hoàn thành được một chương của luận văn, nghiên cứu về khoảng
thời gian phong kiến của Việt Nam ».
Được thành lập năm 2011, thư viện BULAC là một
đơn vị công, không trực thuộc bất kỳ trường đại học nào như nhiều người vẫn lầm
là của INALCO. Thư viện mở cửa miễn phí cho tất cả mọi người từ 10 đến 22 giờ
hàng ngày và cung cấp rất nhiều dịch vụ tiện ích cho sinh viên, nhà nghiên cứu.
Chị Nguyễn Thị Hải cho biết phông tiếng Việt vẫn không ngừng được mở rộng, bổ
sung rất nhiều đầu sách báo mới hàng năm.
« Có thể nói rằng phông tiếng Việt ở BULAC là một
trong những phông tiếng Việt cổ của nước Pháp và có thể nói là duy nhất được
thường xuyên cập nhật những nghiên cứu mới về Việt Nam. Hiện nay, mỗi năm với
nguồn kinh phí hiện tại, chúng tôi có thể mua khoảng tầm 200 đầu sách và chủ yếu
là đầu sách tiếng Việt được gửi từ Việt Nam sang, cùng với 25 đầu báo, cũng chủ
yếu bằng tiếng Việt.
Về phần mua sách báo tiếng Việt, chúng tôi liên hệ với
một công ty xuất khẩu sách tại Việt Nam. Họ có thể gửi cho chúng tôi danh mục để
chúng tôi chọn. Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng phải tìm trên tất cả các kênh hoặc
mạng xã hội để biết được những xuất bản mới ra, đặc biệt là những cuốn sách phục
vụ cho nhu cầu của sinh viên, cũng như các nhà nghiên cứu Việt Nam học ở đây để
có thể cập nhật những nghiên cứu mới nhất ở Việt Nam giúp cho sinh viên, cũng
như các nhà nghiên cứu ở Pháp có thể có những cái nhìn trao đổi và những cái
nhìn cập nhật nhất đối với sự phát triển nghiên cứu tại Việt Nam hiện
nay ».
-------------------------------
CÁC NỘI
DUNG LIÊN QUAN
Viện
Viễn Đông Bác Cổ, EFEO và kho sách quý hiếm về Việt Nam
Kho
tài liệu Việt Nam trong Hội Thừa Sai Paris - MEP
Kho
sách Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Pháp - BNF
No comments:
Post a Comment