CHIẾN
DỊCH “GIÓ LỐC” VÀ TÙY NGHI DI TẢN (Kỳ 1)
Kỳ 1/2: NHỮNG TẤM ẢNH LỊCH SỬ
CỦA MÁY BAY BELL UH - 1 HUEY
Ngày 28-4-1975 phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo
kích. Chiều 28-4-1975, theo lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, phi công
Nguyễn Thành Trung dẫn đầu phi đội ba chiếc A-37 từ sân bay Thành Sơn (Phan
Rang) ném bom phi trường Tân Sơn Nhứt.
Phi trường Tân Sơn Nhứt bị thiệt hại nặng,
không thể hoạt động, đảo lộn kế hoạch di tản bằng các máy bay vận tải cỡ lớn
C130, C141 của người Mỹ. Hơn một tuần trước, những máy bay này đã đưa hơn
55.000 đến 57.000 người Mỹ và người Việt (trong đó có hàng ngàn trẻ mồ côi Việt
Nam trong Chiến dịch Không vận Trẻ em Việt Nam Babylift) di tản từ Tân Sơn Nhứt,
cùng lúc hơn 70. 000 người di tản bằng đường biển.
Lúc ấy, dọc các con đường dẫn vào phi trường
như Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) trước nhà tôi, Trương Minh Ký (nay là
Lê Văn Sỹ), Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ)… luôn có nhiều nhóm người, nhóm gia
đình đi xe hơi, taxi, xích lô… lẫn đi bộ với hành lý nhẹ. Mẹ tôi ngạc nhiên, hỏi
họ đi đâu, làm gì. Hầu như không ai trả lời, hoặc chỉ trả lời cho qua. Họ cũng
đang rối bời, đang rất vội trước nhịp diễn biến quá nhanh của thời cuộc, chiến
sự.
Tối 28-4-1975, qua một băng thu âm sẵn, hàng
triệu thính giả miền Nam, trong đó có nhà tôi, đã lắng nghe Tổng thống Dương
Văn Minh kêu gọi "những người anh em ở phía bên kia ngừng bắn để thu xếp một
giải pháp bàn giao chính quyền". Một tín hiệu về số phận của Chính quyền
Việt Nam Cộng hòa.
Trong cuộc họp khẩn với Tổng thống Mỹ Gerald
Ford, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ quyết định chiến dịch Operation Frequent
Wind (chiến dịch Gió lốc) di tản bằng trực thăng, chiến dịch cuối cùng của Quân
đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.
Trưa 29-4, nhịp điệu bài “White Christmas”
(Giáng sinh trắng) vang lên trên sóng Đài Phát thanh Quân đội Hoa Kỳ, báo hiệu
cơn “Gió lốc” bắt đầu, với hàng trăm trực thăng lớn nhỏ. Chỉ trên dưới nửa
ngày, “Gió lốc” đã “thổi” được hơn 7.000 người Mỹ lẫn Việt từ nhiều điểm ở Sài
Gòn – Gia Định – Chợ Lớn di tản ra các hàng không mẫu hạm, tàu chiến của Mỹ chờ
sẵn ngoài khơi Vũng Tàu. .
Trong chiến dịch này, 14g30 chiều 29-4-1975,
Hugh Van Es - một nhiếp ảnh gia, phóng viên tự do người Hà Lan và sau
này là phóng viên Hãng thông tấn UPI - đã chụp được một số tấm ảnh, trong
đó có tấm ảnh di tản trên nóc tòa nhà Pittman năm, sáu tầng ở 22 Gia Long (nay
là Lý Tự Trọng; đối diện Vincom center Đồng Khởi hiện nay), giữa Sài Gòn. Chuyến
bay này của Bell UH-1 Huey được thực hiện nhằm đón phó thủ tướng kiêm tổng trưởng
quốc phòng Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Đôn và gia đình, trong đó có con trai ông
- một bác sĩ nhi khoa trẻ. Đi chuyến này còn có bác sĩ Trần Kim Tuyến, ông trùm
mật vụ dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Tấm ảnh này được coi là biểu
tượng cho dấu chấm hết của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Có ba loại trực thăng cất cánh trong “Gió lốc”,
chủ yếu là Bell UH-1 Huey (nhỏ). Còn lại là CH-46 (trung), CH-53 (hạng nặng).
Bell UH-1 Huey có tên chính thức là Bell UH-1
Iroquois, một loại trực thăng quân sự đa năng mà hầu hết người miền Nam từng thấy
vì từ 1955 – 1976, trong hơn 16.000 máy bay với nhiều phiên bản được làm ra,
hơn 7.000 chiếc được đưa sang miền Nam. Máy bay UH này dài 17,4 m, cao 4,39 m,
trọng lượng rỗng 2.365 kg, có tải 4.100 kg, trọng lượng cất cánh tối đa hơn
4.300 kg. Tốc độ tối đa của nó 217 km/g, tầm bay hơn 500 km, trần bay gần
6.000m. Nó có thể chứa từ 10-14 người, với kíp lái 1-4 người.
Nhịp điệu “White Christmas” cũng nhanh chóng
được nhiều phi công Việt Nam Cộng hòa nghe và truyền tai nhau (không ít người
dân Sài Gòn cũng truyền tai nhau mật hiệu đó). Và họ cũng bắt đầu một “chiến dịch”
di tản bằng máy bay trực thăng khác, không tên đã diễn ra từ trước đó và kéo
dài sang tận sáng 30-4-1975, do nhiều sĩ quan Không lực Việt Nam Cộng hòa tự thực
hiện.
Một số gia đình vùng Ông Tạ và xung quanh có
thân nhân trong Không lực Việt Nam Cộng hòa, đóng ngay căn cứ không quân Tân
Sơn Nhứt hoặc đóng ở phi trường Biên Hòa. Từ 28-4, có gia đình khu này đã nhận
được thông tin từ thân nhân mình: máy bay trực thăng sẽ đáp xuống đón ngay tại
nhà – nếu nhà cao tầng và có sân thượng.
Gia đình tiệm thịt chó nổi tiếng Cây Còn ở ngã
ba Ông Tạ đã sang nhà tiệm bánh Quang Minh bốn, năm tầng ngay ngã ba đề nghị
cho người thân là phi công đậu chiếc máy bay trực thăng trên nóc sân thượng
ngôi nhà này để di tản. Gia đình Quang Minh nếu muốn đi thì đi luôn. Nhưng nhà
Quang Minh không đồng ý.
Nhiều người trên đường Thánh Mẫu (nay là đường
Bành Văn Trân) vùng Ông Tạ còn nhớ trưa 28-4, một máy bay vận tải đa năng hai động
cơ cánh quạt Chinook bay lượn sát các mái tôn, chỉ cách vài thước, khu vực giữa
Nghĩa Hòa và Chí Hòa. Những tấm tôn rung bần bật dưới sức gió vốn rất mạnh của
loại máy bay vận tải này. Bên dưới máy bay, một thang dây lơ lửng. Chiếc
Chinook bay lượn nhiều vòng nhưng không đón được ai nên bay đi. Sau này, mọi
người đồn thổi viên phi công lái chiếc máy bay đó là con ông Cung, nhà gần Trường
tiểu học Nghĩa Hòa, đưa máy bay về đón gia đình di tản.
Ngoài đa số máy bay trực thăng bay được ra được
hàng không mẫu hạm hoặc các tàu chiến Mỹ ngoài khơi Vũng Tàu, một số chiếc đã bị
“rơi rụng”. Một chiếc rơi cuối nghĩa địa Chí Hòa/Thái Hòa/Ông Tạ, trong hẻm Tám
Thơm đầu ngã ba Ông Tạ, gần nhà một tay anh chị tên Tư Giàu. Nghe nói vì người
lên nhiều, quá tải, máy bay bốc lên vài mét rồi quay vòng vòng, rơi xuống. Cánh
quạt đụng cây thánh giá bằng bê tông trên một ngôi mộ, gẫy. Càng trực thăng va
vào một cạnh mộ, hất mảng này văng vô một ngôi nhà cách đó vài chục thước, thủng
tường.
Một số bà con xung quanh chạy ra xem, thấy người
bên trong, ngoài hành lý còn có mấy nồi cơm mới nấu và nồi thịt kho còn nóng.
Nghe nói đó là gia đình, bạn bè, con cháu một tiệm phở khu ngã ba Ông Tạ. Tất cả
tan hàng, lục đục dẫn nhau về. Riêng người phi công, có người bảo vẫn ở lại với
chiếc trực thăng gần hết đêm, chiếu đèn lên trời hy vọng đồng đội nào đó cứu.
Theo anh Lê Thắng, nhà trong ngõ Cổng Bom vùng Ông Tạ, người phi công tên Thắng,
em trai tên Thọ. Sau này, anh Thọ vượt biên mất tích. Em gái hiện đang bán tạp
hóa ở hẻm Gà, gần phòng khám Ông Tạ.
Trước đó ít phút, một chuyến trực thăng bay
qua khu ngã ba Ông Tạ. Người trên máy bay vẫy vẫy chào người bên dưới. Khu Chăn
Nuôi gần ngã tư Bảy Hiền cũng có một trực thăng “rụng cánh”.
Có chiếc rơi trên nóc một ngôi nhà góc Trần
Hưng Đạo - Ngô Quyền; có chiếc rơi gần ngã tư Lý Thái Tổ - Hồ Thị Kỷ hiện nay…
Thậm chí có cả một chiếc máy bay quan sát L-19 vốn bay chậm, người dân gọi là
“đầm già” không hiểu sao bị rơi trên đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Trần Phú),
may không vô nhà nào và không chết ai…
HÌNH :
https://www.facebook.com/photo?fbid=1714554068990639&set=pcb.1714554278990618&locale=vi_VN
Một phi đội
UH-1 của Mỹ hoạt động tại Việt Nam thời chiến tranh. Ảnh: Museumofflight
https://www.facebook.com/photo?fbid=1714554025657310&set=pcb.1714554278990618&locale=vi_VN
Một chiếc UH-1 thuộc không lực Việt Nam Cộng hòa năm 1971, được trang bị
bệ phóng tên lửa và súng mini 7,62 mm. Ảnh: US Air Force
https://www.facebook.com/photo?fbid=1714553998990646&set=pcb.1714554278990618&locale=vi_VN
Bức ảnh lịch sử về chuyến di tản bằng máy bay trực thăng Bell UH-1 Huey ở
tòa nhà 22 Gia Long, - Ảnh: Hubert van Es
https://www.facebook.com/photo?fbid=1714553988990647&set=pcb.1714554278990618&locale=vi_VN
Bức ảnh lịch sử ở góc nhìn rộng hơn - Ảnh: Hubert van Es
https://www.facebook.com/photo?fbid=1714554045657308&set=pcb.1714554278990618&locale=vi_VN
Hubert van Es - tác giả bức ảnh
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1714554085657304&set=pcb.1714554278990618&locale=vi_VN
Hai bãi đậu trực thăng di tản ở Tòa đại sứ Mỹ trên đại lộ Thống Nhứt, nay
là đường Lê Duẩn - Ảnh tư liệu
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1714554112323968&set=pcb.1714554278990618&locale=vi_VN
Một chiếc trực thăng rơi trên đường Lý Thái Tổ ngày 29-4-1975 - Ảnh:
Quang Thành- TTXVN
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1714554122323967&set=pcb.1714554278990618&locale=vi_VN
Một trực
thăng UH-1 rơi xuống một vườn chuối ở Bà Rịa - Ảnh tư liệu
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1714554252323954&set=pcb.1714554278990618&locale=vi_VN
Một chiếc máy bay hạng nhẹ L-19 rơi trên đường Nguyễn Hoàng, nay là Trần
Phú. Ảnh: Herve Gloaguen
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1714554205657292&set=pcb.1714554278990618&locale=vi_VN
Sau khi bay ra Hàng không mẫu hạm Mỹ ngoài khơi Vũng Tàu, nhiều máy bay
trực thăng bị đẩy xuống biển, lấy chỗ cho chiếc khác hạ cánh - Ảnh: AP
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1714554228990623&set=pcb.1714554278990618&locale=vi_VN
Sau khi bay ra Hàng không mẫu hạm Mỹ ngoài khơi Vũng Tàu, nhiều máy bay
trực thăng bị đẩy xuống biển, lấy chỗ cho chiếc khác - Ảnh: AP
.
==============================================
NHỮNG
CÁNH TRỰC THĂNG TRONG “GIÓ LỐC” VÀ TÙY NGHI DI TẢN
28-4-2023
22:51
Kỳ 2/2: CẬN CẢNH TẤM ẢNH LỊCH
SỬ TỪ NGƯỜI TRONG CUỘC
Tối 28-4, gia đình ông Trần Văn Oanh, Bắc 54
Vĩnh Phúc, chủ tiệm phở Ngọc Hương (nhưng đã thôi bán phở, chuyển sang xay bột
từ mấy năm trước) nhà mặt tiền số 497 Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ) nhận được
thông tin từ người con rể Nguyễn Hữu Dõng, đại úy phi công: chuẩn bị hành lý gọn
nhẹ, nhất là giấy tờ quan trọng, trưa 29-4 sẽ có máy bay trực thăng tới đón di
tản.
Nhà tiệm phở Ngọc Hương có hai vợ chồng, bảy
con: một con gái cả và sáu em trai. Bà Ngọc Hương tên Nguyễn Thị Mỹ, trắng trẻo,
có da có thịt khiến nhiều người tưởng lai tây. Mấy anh con trai người nào cũng
đẹp như mẹ, có anh hình như tập tạ, “đô” như “con kiến càng”. Cô con cả tên Trần
Thị Nương, gương mặt xinh xắn, nhìn cũng lai Tây như mẹ. Trước đó vài năm, năm
1972, khi đúng tuổi đôi mươi, cô là á hậu một cuộc thi người đẹp của báo Đông
Phương. Chị Nương là vợ anh Dõng, kém anh bảy tuổi. Hai vợ chồng mới có hai con
gái: Mai, một tuổi rưỡi và Loan, gần hai tháng tuổi.
Tất cả lớn nhỏ 11 người, cùng với phi công, kể
cũng tạm ổn cho một chuyến trực thăng Bell UH-1 Huey (tên chính thức là UH-1
Iroquois), phiên bản UH-1H. Loại này dùng động cơ Lycoming T53-L13 với công suất
1400 hp; được sản xuất nhiều và phổ biến trên chiến trường Miền Nam trước 1975.
Nó có thể chở 10 đến 14 người.
Cả gia đình ráo riết chuẩn bị hành lý, chủ yếu
giấy tờ tùy thân. Anh Trần Ngọc Hùng, đứa con trai thứ ba của gia đình, năm đó
17 tuổi, được anh rể giao nhiệm vụ cưa sẵn cây ăng ten trên sân thượng để máy
bay đáp.
11 giờ trưa 29-4-1975, đại úy Dõng cầm lái chiếc
máy bay trực thăng Bell UH-1 Huey, số hiệu 833. Bên cạnh là trung úy Khôi, bạn
học thời mới nhập ngũ của anh Dõng. Anh Dõng trước ở Phi đoàn 243 đóng ở Phù
Cát, sau chuyển về Phi đoàn 223 đóng ở Biên Hòa. Chiếc trực thăng bay từ Biên
Hòa về khu Lăng Cha Cả chưa tới 10 phút và nó đã yên vị trên mái nhà nhỏ (chuồng
cu) trên sân thượng nhà Ngọc Hương, nổ máy nhè nhẹ.
Đại úy Dõng từ máy bay leo xuống sàn thượng để
đưa vợ con lên, giao trung úy Khôi cầm cần lái. Loại trực thăng này có cần lái
tự động, thả tay ra là bật tới trước, bốc lên khi máy đang nổ.
Anh Hùng ẵm bé Loan, con chị Nương leo lên máy
bay đầu tiên và đã ngồi vào băng ghế trước. Khi anh Dõng đứng dưới sân đỡ chị
Nương và cháu Mai chuẩn bị lên máy bay thì một loạt đạn M16 từ dưới đất bắn
lên, ghim và thủng lỗ chỗ tường nhà tiệm vàng Vĩnh Thành cách một căn và cao
hơn một tầng. Không rõ của anh lính Việt Nam Cộng hòa nào. Sau này bình tâm,
anh Doãn đoán chắc anh lính nào đó phản ứng với chuyến bay di tản khi họ cảm thấy
bị bỏ rơi.
Nghe tiếng đạn bắn lên, trung úy Khôi đẩy cần
lái, nhấc hổng trực thăng lên, cũng nhằm thúc anh Dõng và vợ con. Đang ngồi
trên máy bay, anh Hùng thấy sàn trực thăng giật giật vài cái và bung cánh cùng
với block động cơ cánh quạt. Cánh máy bay chém bể một cạnh hồ nước trên sân thượng
nhà bác Mạnh (tên thường gọi là Cường) bên cạnh – giữa nhà Ngọc Hương và tiệm
vàng Vĩnh Thành khiến thân trực thăng xoay xéo khoảng 40 độ so với lúc đáp thẳng
góc và phần gân cứng này rớt trên sàn thượng nhà bác Mạnh.
Sau đó, anh Hùng, con bác Ngọc Hương có sang
nhà bác Mạnh coi, thấy vết đạn trên mảnh gân cánh rụng ở sàn sân thượng hồ nước.
Quan sát kỹ hơn, theo anh Hùng, cấu tạo cánh UH-1H, gồm đường gân rỗng cứng bằng
hợp kim cứng màu vàng như đồng nhưng nhẹ, dài suốt theo cánh; hình tam giác ở
phía đầu, bên trong là những lá xốp bọc tôn.
Một cánh văng ra, rớt xuống khu Chợ Lăng trên
đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) cách đó trăm thước, gần nhà
riêng của vợ chồng anh Thịnh - chị Liễu (con bác Mạnh nhà số 499) trong khu
này.
Theo anh Dõng, nếu chỉ nhìn tấm hình, ai cũng
nghĩ bãi đáp không đủ. Thực tế chiếc máy bay đã đáp ổn định trên nóc sân thượng
vài phút trước khi trung úy Khôi, viên phi công phụ đẩy cần lái để tránh đạn từ
dưới bắn lên. Anh Dõng vốn là một tay lái nhiều nên kinh nghiệm, trước đóng ở
Phù Cát, cho biết nhiều khi đón thương binh trong rừng, không đáp được, anh
dùng cánh quạt máy bay trực thăng chém bớt những tán lá cây trong rừng rậm để hạ
xuống.
Sau này nhớ lại, anh Hùng – khi đã là kiến
trúc sư - đã ghi nhận căn cứ vào thực địa nhà mình và thiết kế của trực thăng
UH-1H đã dựng lại đồ họa hình ảnh ngày nào. Nhìn mặt ngang, kích thước hai nhà
Ngọc Hương (497) và nhà bác Mạnh (499) cùng cao độ sàn thượng. Khoảng cách xa
nhất của cánh trực thăng cách tường nhà Vĩnh Thành là 1,295m. Phần nặng nhất của
trực thăng là động cơ ở giữa và ba bình xăng nằm dưới sàn của ba băng ghế ngồi
bao quanh, bố trí trọn trong diện tích giới hạn bởi hai càng đáp của chiếc
UH-1H.
Anh Vũ Công Hải, con trai chủ tiệm vàng Vĩnh
Thành, lúc ấy 12 tuổi, đang cùng gia đình tá túc ở nhà luật sư, dân biểu Trần
Văn Tuyên (nguyên thành viên của phái đoàn Quốc gia Việt Nam dự Hội nghị Genève
1954; tổng bí thư Việt Nam Quốc dân Đảng, hệ phái miền Nam; phó thủ tướng Đặc
trách Kế hoạch trong chính phủ Phan Huy Quát, Phan Khắc Sửu là Quốc trưởng).
Hôm sau 30-4 về nhà, nghe chị Bo, người làm bảo: “Cánh máy bay quất thủng một lỗ
trên tường nhà”.
Sau khi cánh quạt quẹt, quật vào những vật cản
xung quanh, chiếc trực thăng bị giật ngược lại phía sau khi đang lơ lửng. May mắn
nó không rơi xuống nhà thuốc tây Tân Châu bên trái (góc nhìn từ đường Trương
Minh Ký). Lúc ấy, anh Hùng đang ngồi trên băng ghế ẵm bé Loan, con anh Dõng -
chị Nương thì nhớt máy không rõ từ đâu đổ trùm lên hai cậu cháu Bé Loan khóc
ré, vãi cả phân trong mảnh khăn lớn trùm quanh người bé, trong lòng cậu mình
lúc đó 17 tuổi.
Bên dưới sàn thượng, chưa kịp lên máy bay lúc ấy
có ông bà Ngọc Hương, anh Dõng, chị Nương và bốn em chị Nương (người con trai
thứ hai, em chị Nương tên Trần Văn Ngọc, năm đó 19 tuổi, đi lính Thủy quân lục
chiến, mấy hôm sau mới về).
Tất cả rời máy bay. Đại úy Dõng buột miệng chửi
thề. Trung úy Khôi vơ vội khẩu súng máy trên máy bay chạy xuống cầu thang để đề
phòng chuyện chẳng may đối phó với những tay súng nào đó bên dưới vừa bắn lên.
May không có gì.
Cuộc di tản cả gia đình bất thành. Bà cụ và chị
Nương bật khóc. Ông cụ lặng đi, thở dài. Đám con trai trong nhà ngơ ngác. Anh
Dõng một mình chạy vô căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt sát bên cạnh, tìm chuyến
khác và đành đi một mình cùng chiến hữu. Anh Khôi không rõ đi đâu và tới giờ
hai bên vẫn bặt tin nhau.
Trước đó, không chỉ chiếc máy bay này, các phi
công bạn bè anh Dõng đã hẹn nhau ba chiếc, lần lượt đậu xuống sân thượng nhà Ngọc
Hương để đón gia đình Ngọc Hương và hai gia đình khác. Phút cuối, mạnh ai và
gia đình nấy đi nên chỉ một chiếc về đây.
Máy bay không phát nổ, nhưng do đầy xăng nên động
cơ vẫn kêu ì ì từ trưa đến tận bốn, năm giờ chiều, hết xăng mới thôi. Bà con
xung quanh lo lắng suốt buổi chiều hôm ấy.
… Sáng hôm sau, 30-4, cả gia đình bác Oanh vẫn
ở trong nhà 497. Cả nhà nghe những tiếng nổ rất gần. Khoảng chín, mười sáng,
anh Hùng nhìn qua khe cửa sắt, thấy những chiếc T54 của “phía bên kia” chạy từ
Lăng Cha Cả theo đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ) tiến đến ngã tư Trương
Minh Ký - Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai).
Chiếc đi đầu chạy qua. Bộ đội xe tăng trong
chiếc thứ nhì hay thứ ba nhìn lên, thấy phần đuôi chiếc trực thăng đưa xéo ra,
lập tức quay ngay nòng pháo xe tăng hướng lên chiếc máy bay. Cả nhà thót tim,
nghĩ “chắc gia đình mình tiêu rồi”... Nhưng may mắn, lính trên chiếc xe tăng đi
đầu cách đó vài chục thước nhìn lại, thấy được toàn cảnh, ra hiệu cho chiếc thứ
nhì và những chiếc T54 khác chạy tiếp. Cả đoạn đường nín lặng.
Chiếc máy bay trực thăng trong tấm hình lịch sử
chụp sau 1975 khi ấy chỉ còn cái “vỏ” máy bay. Và nằm ở đó gần một năm, ai qua
lại nơi đây đều thấy. Bà con hàng xóm sang phụ gài cây chống đỡ phần đuôi kẻo
nó đổ xuống thì mệt. Tất cả mọi động cơ, thanh truyền lái lẫn bình xăng đã được
một nhóm kỹ thuật trong Tân Sơn Nhứt ra tháo gỡ. Chiếc vỏ còn lại lần lượt được
gia đình, hàng xóm cưa ra từng khúc mang xuống bán ve chai.
1975 – 2023, 48 năm sau nhìn lại, người con
trai Trần Ngọc Hùng bảo: “Hình như có một bàn tay vô hình che chở mà cả gia
đình không hề hấn gì, duy chỉ có đứa em tôi là Khiêm bị mảnh nhôm trầy sượt
trên mặt. Và do chứa đầy xăng nên thân trực thăng nặng, không lật xuống phía
nhà thuốc Tây, thấp hơn một tầng. Dù bố mẹ tôi theo đạo Phật, thờ ông bà nhưng
ngày còn sống, mẹ tôi hay bảo rằng đất Lăng linh thiêng do có Cha Cả.
Cảm ơn Phật Trời. Cảm ơn Cha Cả. Cảm ơn Chúa
và Mẹ Maria đã che chở cả gia đình toàn vẹn giữa những lằn đạn cùng tai nạn hai
cánh quạt gãy. Chị Nương sau theo đạo Chúa và tôi cũng lấy vợ Công giáo”.
Nói thêm: Ngôi nhà có chiếc trực thăng của ông
bà Ngọc Hương (số 497 Trương Minh Ký cũ), khi chuẩn bị đi Mỹ, ông bà bán cho
bác sĩ đông y Trinh, Công giáo. Bác sĩ Trinh sau đó bán lại cho một người khác
và mua nhà bên cạnh nhà tôi. Mấy đứa con ông bác sĩ này học giỏi, sau này hầu hết
du học Mỹ.
HÌNH :
https://www.facebook.com/photo?fbid=1715172788928767&set=pcb.1715173458928700&locale=vi_VN
https://www.facebook.com/photo?fbid=1715172798928766&set=pcb.1715173458928700&locale=vi_VN
https://www.facebook.com/photo?fbid=1715172772262102&set=pcb.1715173458928700&locale=vi_VN
.
No comments:
Post a Comment