Hoa
Kỳ đối phó với chiến thuật “bắt con tin” của Nga và Iran
Lương Thái Sỹ -
Saigon Nhỏ
28 tháng 4, 2023
Các trừng phạt mới được chính phủ Mỹ đưa ra
sau khi Nga từ chối chuyến thăm cấp lãnh sự lần thứ hai đến phóng viên Evan
Gershkovich của tờ The Wall Street Journal. Gershkovich, 31 tuổi, đang bị giam
trong nhà tù Nga với cáo buộc hoạt động gián điệp. Phía Mỹ khẳng định
Gershkovich không phải là gián điệp và chưa bao giờ làm việc cho chính phủ.
Đáp trả
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vừa áp đặt
các biện pháp trừng phạt mới đối với các cơ quan an ninh hàng đầu của Liên bang
Nga và Iran vì những hành vi giam giữ sai trái người Mỹ để sử dụng họ làm quân
cờ trao đổi chính trị sau này. Quyết định được đưa ra khi Bộ Ngoại giao Nga
không cho các quan chức Mỹ ở Moscow thăm Evan Gershkovich.
Phía Mỹ xem việc Gershkovich sẽ bị tuyên án tù
vào tháng tới là màn trả đũa hèn hạ việc Mỹ gần đây từ chối cấp thị thực cho
các nhà báo Nga đến New York để dự phiên họp chuyển giao nhiệm vụ chủ tịch Hội
đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho Nga theo lịch luân phiên. Thật ra các biện pháp
trừng phạt mới nhằm vào Cơ quan An ninh Liên bang của Nga (FSB) và tổ chức tình
báo của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã được quyết định trước
khi Gershkovich bị bắt giữ, nhưng chính việc giam giữ ông đã củng cố quyết tâm
thực thi lệnh trừng phạt.
Trong một tuyên bố, sau khi mô tả các biện
pháp trừng phạt là công cụ mới nhất của chính quyền Mỹ để gây áp lực lên các
chính phủ hoặc nhóm giam giữ sai trái công dân Hoa Kỳ, Tổng thống Biden nhấn mạnh:
“Hôm nay (và mỗi ngày) thông điệp của chúng tôi gửi tới Nga, Iran và thế giới
là những kẻ đang bắt giữ con tin hoặc giam giữ sai trái người Mỹ là không thể
chấp nhận được. Hãy thả họ ngay lập tức!”. Các cơ quan có thẩm quyền khác nhau
của Hoa Kỳ trước đây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với FSB, IRGC và
ban lãnh đạo của họ, gồm cả đóng băng tài sản những gì thuộc quyền tài phán của
Hoa Kỳ và cấm người Mỹ làm ăn với họ. Các biện pháp trừng phạt mới cũng áp đặt
các hạn chế tương tự và có hiệu lực tức thời.
Bổn cũ soạn lại
Gershkovich bị FSB bắt vào ngày 29 Tháng Ba,
2023 khi đang có chuyến đi viết bài tại thành phố Yekaterinburg của Nga. Ông bị
giam vào ngày hôm sau trong một nhà tù ở Moscow do FSB điều hành. Ngày 18 Tháng
Tư, ông xuất hiện trước một thẩm phán, nhưng người này bác đơn kháng cáo dỡ bỏ
lệnh tạm giam trước khi xét xử.
Ngày 27 Tháng Tư, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng
việc Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho các nhà báo Nga tháp tùng Ngoại trưởng
Nga Sergei Lavrov trong chuyến đi tới New York là một “hành động gây hấn”, khi
Nga sắp nhận chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bộ Ngoại
giao Mỹ xác nhận Nga đã từ chối yêu cầu chuyến thăm cấp lãnh sự lần thứ hai của
Đại sứ quán Mỹ đối với Gershkovich, và mô tả quyết định này là “hành động khiêu
khích”. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố: “Chúng tôi phản đối mạnh
mẽ việc Nga không tuân thủ nghĩa vụ trong Công ước Lãnh sự (Consular
Convention) cho phép chúng tôi quyền tiếp cận lãnh sự với các công dân bị giam
giữ một cách liên tục”.
Eileen O’Reilly, chủ tịch Câu lạc bộ Báo chí
Quốc gia (National Press Club) và Gil Klein, chủ tịch Viện Báo chí của Câu lạc
bộ Báo chí Quốc gia (National Press Club Journalism Institute) lên án động thái
của Nga và ra tuyên bố: “Hình phạt dành cho Evan, tương đương với tra tấn, là một
phản ứng thái quá và đáng lo ngại. Hãy khôi phục các chuyến thăm lãnh sự ngay lập
tức!”.
Chính quyền Nga đã không cung cấp bằng chứng
rõ ràng nào hỗ trợ cáo buộc gián điệp của họ. Các chính phủ phương Tây, truyền
thông toàn cầu ủng hộ tự do báo chí và các tổ chức nhân quyền trên khắp thế giới
đã tham gia cùng WSJ và chính quyền Mỹ đòi thả nhà báo ngay lập tức. Nhưng Nga
tiếp tục nói họ chỉ tuân theo luật riêng của mình. Các luật sư do Dow Jones
& Co (công ty mẹ của WSJ) thuê, đã lần đầu tiên được phép vào gặp
Gershkovich vào ngày 4 Tháng Tư. Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga, Lynne Tracy, được phép
tiếp cận nạn nhân lần đầu tiên vào ngày 17 Tháng Tư, khi bà chuyển lời người
phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby với lời hứa “Chúng tôi đang
làm tất cả những gì có thể làm để giúp ông được thả” (đây cũng là chuyến thăm
lãnh sự duy nhất được Nga đã cấp phép).
.
Luật Robert Levinson
Các biện pháp trừng phạt mới nằm trong sắc lệnh
hành pháp mà Tổng thống Biden ký vào năm ngoái để ngăn chặn các vụ bắt giữ con
tin và giam giữ sai trái trên khắp thế giới, đồng thời tạo cơ sở tăng cường nỗ
lực đưa những con tin Mỹ về nước.
Sắc lệnh chỉ đạo việc chính quyền xác định và
đề xuất các lựa chọn cũng như chiến lược cho tổng thống để giải thoát con tin
hoặc trao trả các công dân Mỹ bị giam giữ trái phép thông qua sự phối hợp liên
ngành. Tại Nga, Paul Whelan, một doanh nhân người Mỹ, bị bắt giữ từ Tháng Mười
Hai 2018 với cáo buộc tương tự như ông Gershkovich. Tại Iran, trong số những
người Mỹ bị giam giữ có nhà môi trường Morad Tahbaz bị giam từ 2018, hai doanh
nhân Emad Shargi và Siamak Namazi bị giam từ 2015 với cáo buộc hợp tác với một
chính phủ thù địch – Wall Street Journal cho biết.
Các quan chức Mỹ đã gây sức ép trong nhiều năm
để trả tự do cho họ nhưng chính phủ Iran vẫn kiên trì sử dụng họ làm con bài
thương lượng trao đổi. Các biện pháp trừng phạt được mở rộng dựa vào kinh nghiệm
của những nỗ lực trước đó do chính quyền Obama thực hiện nhằm giải quyết các vụ
bắt giữ con tin. Những biện pháp này vận dụng rất nhiều từ luật bắt con tin
“Robert Levinson Hostage Recovery and Hostage-Taking Accountability Act” (tên
công dân Mỹ bị giam giữ ở Iran vào năm 2007 và đã chết ở đó), trong đó quy định
chi tiết các tiêu chí của chính phủ Hoa Kỳ đối với những trường hợp bị giam giữ
sai trái, quy trình giải thoát con tin, các lựa chọn trừng phạt và sự tham gia
của gia đình người bị giam.
No comments:
Post a Comment