Thursday, April 27, 2023

CUỘC CHIẾN KHÔNG GIAN : AI CHIẾM ƯU THẾ? (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Cuộc chiến không gian: Ai chiếm ưu thế?

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

26 tháng 4, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/cuoc-chien-khong-gian-ai-chiem-uu-the/

 

Các tài liệu mật bị rò rỉ cho thấy Hoa Kỳ thật sự lo lắng về những mối đe dọa trên không gian do Trung Quốc gây ra.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-1252038266.jpg

Tàu Starship của SpaceX được phóng lên không gian với hỏa tiễn Super Heavy từ căn cứ Starbase ngày 20 Tháng Tư 2023 (ảnh: Jonathan Newton/The Washington Post via Getty Images)

 

Trung Quốc quyết tâm so kè với Mỹ

 

Chương trình không gian của Nga ở trong tình trạng mất phương hướng, trong khi Trung Quốc (TQ) đã phát triển được một số phương cách để làm giảm ưu thế không gian của Mỹ. Khả năng không gian của TQ đã đủ để đe doạ các tài sản không gian quan trọng của Hoa Kỳ và đồng minh. TQ cũng sẵn sàng sử dụng chúng trong cuộc xung đột tiềm tàng với Đài Loan. Đánh giá của các tài liệu mật cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của không gian trong cuộc chiến tranh hiện đại đồng thời nhắc lại các loại đe dọa từng được các nhà phân tích quân nói đi nói lại trong nhiều năm qua – The Washington Post cho biết.

 

Hồi chuông cảnh báo diễn ra khi Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ (US Space Force) bước vào sinh nhật năm thứ ba và khi các lãnh đạo cấp cao của Ngũ Giác Đài liên tục đề cập đến mối đe dọa ngày càng tăng từ không gian. Phát biểu vào tuần trước tại hội nghị Space Symposium ở Colorado Springs, tướng Chance Saltzman, người đứng đầu các hoạt động không gian của Lực lượng Không gian, nêu rõ:

 

“Ngũ Giác Đài nhìn thấy một loạt đe dọa cực kỳ tinh vi trên không gian, từ việc gây nhiễu các vệ tinh thông tin liên lạc, hệ thống định vị toàn cầu, nguy cơ va chạm giữa tàu vũ trụ và các vệ tinh khác đến việc dùng tia laser gây chói tàu vũ trụ, các cuộc tấn công mạng và cả kiểu tấn công “nesting dolls” (những con búp bê làm tổ, nói về một vệ tinh thả ra những vệ tinh con trên diện rộng để theo dõi tàu vũ trụ của kẻ thù).

 

Bộ trưởng Không lực (Air Force) Frank Kendall cho biết, TQ đã tăng gấp đôi số vệ tinh trên không gian kể từ khi Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ được thành lập, và nước này hiện có hơn 700 vệ tinh đang hoạt động với 250 dành riêng cho hoạt động ISR (intelligence, surveillance, reconnaissance-tình báo, giám sát, trinh sát). Cả TQ và Nga đều có khả năng dùng hỏa tiễn tiêu diệt vệ tinh trên quỹ đạo. TQ từng làm như thế vào năm 2007, trong khi Nga dùng hỏa tiễn phá hủy một vệ tinh đã chết vào năm 2021, tạo ra bãi rác không gian khổng lồ bị Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế lên án.

 

Các tài liệu bị rò rỉ cũng cho thấy Nga đã thử nghiệm hệ thống tác chiến điện tử Tobol để phá vỡ hệ thống vệ tinh internet Starlink của SpaceX (hệ thống đã giúp Ukraine duy trì kết nối mạng trong cuộc xung đột với Nga). Trong báo cáo hàng năm “Space Threat Assessment” (đánh giá mối đe dọa không gian) công bố vào tháng này, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) nhận định:

 

“TQ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong mục tiêu trở thành nước dẫn đầu thế giới về không gian. Năm 2022, TQ tiếp tục phát triển các tài sản không gian và các tài sản phản không gian (counterspace assets) với quyết tâm duy trì vị thế quốc gia có năng lực vũ trụ đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ”.

 

TQ cũng đã xây dựng một trạm vũ trụ trên quỹ đạo thấp của Trái đất, hạ cánh một tàu vũ trụ ở phía xa của Mặt trăng và đưa một xe tự hành lên sao Hỏa. TQ có chương trình đưa phi hành gia lên cực Nam của Mặt trăng, nơi chương trình Artemis của NASA cũng có ý định đưa phi hành gia đến đó.

 

Theo giới chức Mỹ, tính đến nay, TQ có chương trình không gian năng động hơn so với Nga. Một trong những tài liệu bị rò rỉ nêu rõ: “Chiến lược quân sự tổng thể của TQ để thiết lập và duy trì sự thống trị thông tin trong một cuộc xung đột tiềm ẩn là tiền đề cho học thuyết không gian và phản không gian của Bắc Kinh trong đó nhấn mạnh đến năng lực và TTP (tactics, techniques and procedures-chiến thuật, kỹ thuật và phương thức). Chương trình này nằm trong kế hoạch tấn công quân sự vào Đài Loan, TQ sẽ gây nhiễu các vệ tinh thông tin liên lạc và tình báo nhìn xuyên được qua các đám mây, làm suy giảm hoặc phá hủy mạng lưới mặt đất và phá hủy các vệ tinh cảnh báo sớm bằng hỏa tiễn đạn đạo”.

 

.

Nga gặp khó

 

Chương trình không gian đang gặp khó khăn của Nga rất có thể bị thu nhỏ lại trong thập niên tới khi nước này phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và sự trỗi dậy của SpaceX (công ty đã ngốn một mảng lớn doanh thu không gian của Nga). Theo các tài liệu tình báo bị rò rỉ, trong khi chương trình không gian của TQ phát triển đều đặn, chương trình của Nga lại giảm dần. Một tài liệu lý giải: “Ngoài sự cạnh tranh toàn cầu, các mối quan hệ đối tác phương Tây bị cắt đứt và chuỗi cung ứng bị gián đoạn cũng cản trở khả năng tạo nguồn tài trợ cho chương trình không gian của Nga, vốn đã suy giảm từ năm 2020”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/GettyImages-945258098.jpg

Dmitry Rogozin (phải) đã bị thay thế vị trí đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

 

Không đề cập trực tiếp SpaceX, nhưng tài liệu lưu ý: “Vào năm 2020 một công ty thương mại lớn của Hoa Kỳ đã được cấp phép vận chuyển các phi hành gia và hàng hoá đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), làm mất khỏan tiền $75-85 triệu mà Hoa Kỳ phải trả cho mỗi chỗ ngồi trên tàu vũ trụ của Nga trước đây. Nhiều khách hàng nước ngoài cũng hủy các vụ phóng đã lên kế hoạch bằng hỏa tiễn Nga và các hoạt động khác liên quan đến không gian của Nga khiến nước này mất một nguồn doanh thu đáng kể”.

 

Một yếu tố khác dẫn đến sự sụp đổ dần dần của chương trình không gian của Moscow là “Nga không dễ dàng có được các trang thiết bị phụ tùng do lệnh trừng phạt của phương Tây. Hậu quả là việc sản xuất các vệ tinh quân sự và dân sự bị đình trệ”. Các công ty Nga cố tạo ra các thành phần cấp không gian cho những vệ tinh quan trọng nhưng chất lượng thấp dẫn đến trục trặc trên quỹ đạo. Năm ngoái, Điện Kremlin đã bổ nhiệm Phó Thủ tướng Yuri Borisov thay thế Dmitry Rogozin làm người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos. Khi còn tại chức, Rogozin đe dọa chấm dứt quan hệ đối tác với Hoa Kỳ trên ISS để trả đũa việc Mỹ chọn phe trong cuộc chiến Ukraine.

 

 




No comments: