Chính
quyền VN: 48 năm vẫn cầm quyền như "lực lượng chiếm đóng"
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.04.30
Kể từ biến
cố 30/4/1975, bốn mươi tám năm đã qua, thế nhưng chính quyền cộng sản Việt Nam
vẫn ứng xử với đất nước “như một lực lượng chiếm đóng”, theo một nhà phân tích
chính trị và hoạt động dân chủ, đa nguyên từ châu Âu.
Lực lượng an ninh đặt
bảng cấm quay phim, chụp hình ở gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong
khi có cuộc biểu tình nhỏ chống Trung Quốc diễn ra ngày 18/5/2014. AP
“Chính quyền cộng sản ứng xử như một lực lượng chiếm
đóng, tất cả những chức vụ dù rất nhỏ như là phó phòng, như là hạ sỹ quan, đều
chỉ dành cho người cộng sản,” từ Paris, Pháp quốc,
kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, người từng làm chuyên viên ngân hàng và dạy môn kinh tế chính trị
tại đại học Minh Đức, Sài Gòn rồi giữ cương vị phụ tá Bộ trưởng kinh tế
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thời Đệ nhị Cộng hòa với hàm Thứ trưởng cho đến
ngày 30/4/1975, nói với đài Á Châu Tự Do tuần này trên quan điểm riêng, trong dịp
nhìn lại và đánh dấu tròn 48 năm biến cố lịch sử đối với đất nước Việt Nam.
“Chúng ta đang có cả một thế hệ mới có kiến thức, hiểu
biết, một thế hệ đã từ bỏ được di sản Khổng giáo để nhìn chính trị một cách
đúng đắn như là một phương thức điều hành quốc gia mang lại phúc lợi cho người
dân, một thế hệ rất là lớn.
Đảng cộng sản Việt Nam có bao nhiêu người? Tôi nghĩ
rằng họ có 5 triệu đảng viên, nhưng mà thực ra, bỏ ra những vị đã về hưu rồi,
thì còn lại khoảng 3 triệu đảng viên, họ là một thành phần rất là nhỏ. Nhưng
mà họ chiếm lĩnh hết.
Vậy thì chúng ta có một thành phần trí thức trẻ có
hiểu biết, đã rũ bỏ được văn hóa nhân sỹ của Khổng giáo, thành phần đó có kiến
thức, có khả năng, rất nhiều anh em bây giờ đi du học tại Âu châu, hoặc du học
tại Mỹ. Họ có những kiến thức dân chủ và tự do, nhưng họ bị gạt ra ngoài lề xã
hội.”
Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng,
thành viên sáng lập Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, một
tổ chức tập hợp nhiều trí thức, nhân sỹ Việt Nam ở Pháp quốc, châu Âu và hải
ngoại vốn có chủ trương vận động cho dân chủ và dân chủ hóa Việt Nam hậu
30/4/1975 bằng đường lối bất bạo động và trong tinh thần hòa giải dân tộc, đồng
thời cổ súy cho các đối thoại chính trị đa nguyên, đưa ra một lời cảnh báo với
chính quyền cộng sản Việt Nam ngày hôm nay, ông nói:
“Những chức vụ dù nhỏ nhất cũng dành cho những người
cộng sản, và tôi sợ rằng nếu đảng Cộng sản và những người cộng sản Việt Nam
không ý thức được điều đó, nó có thể là một trái bom nổ chậm và không tránh khỏi
thảm kịch đã xảy ra ở Romania, thảm kịch ở Indonesia.”
Tại Romania trước đây, chính phủ của Tổng Bí
thư đảng Cộng sản Romania khi đó, ông Nicolae Ceaușescu bị lật đổ bởi một cuộc
đảo chính vào tháng 12 năm 1989, theo trang Bách Khoa toàn thư mở Wikipedia
phiên bản tiếng Việt, mà trong biến cố đó, ông Ceaușescu và vợ là Elena đã trốn
khỏi thủ đô bằng trực thăng, nhưng họ đã bị quân đội bắt giữ và bị kết án với
hình phạt cao nhất bởi các lực lượng đảo chính trong cuộc cách mạng này.
Còn tại Indonesia trước đây, những vụ thanh trừng
tại đây trong giai đoạn hai năm 1965-1966 được cho là một cuộc thanh trừng chống
cộng sản, sau một cuộc đảo chính không thành ở thủ đô Jakarta mà sau này cuộc đảo
chính này bị đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Indonesia (PKI). Và vẫn theo trang mạng
Wikipedia phiên bản tiếng Việt, một ước tính được chấp nhận rộng rãi nhất là
hơn nửa triệu người đã thiệt mạng. Các cuộc thanh trừng là một sự kiện quan trọng
trong quá trình chuyển đổi các "trật tự mới" với đảng Cộng sản
Indonesia (PKI) đã bị loại bỏ như là một lực lượng chính trị và các biến động dẫn
đến các sự sụp đổ của Tổng thống Sukarno, và bắt đầu thời kỳ cầm quyền 30 năm của
tổng thống Suharto.
Và ông Nguyễn Gia Kiểng,
vẫn trên quan điểm cá nhân, nói tiếp:
“Điều đó là điều mà không ai muốn, bởi vì đất nước
Việt Nam, trên cơ thể Việt Nam, đã có quá nhiều vết thương rồi, và chúng ta
không có quyền tạo ra một vết thương nào mới nữa.
Chúng ta phải cố gắng một mặt phải giảng giải để cho
các anh em cộng sản hiểu rằng tương lai nào bắt buộc phải có đối với Việt Nam;
và mặt khác, chúng ta cũng phải giải thích cho những người tự coi là nạn nhân của
chế độ hiểu rằng nếu chúng ta tiếp tục trong tinh thần thù hận, chúng ta sẽ còn
tiếp tục là nạn nhân nữa. Con đường và lối thoát duy nhất, là lối thoát của sự
quảng đại, của tình cảm dân tộc, của tình anh em.”
Cuốn "Tổ Quốc Ăn Năn - Nghĩ lại đất nước trên
ngưỡng cửa một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới" của tác giả Nguyễn Gia Kiểng
xuất bản tại Paris năm 2004 và cuốn "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai - Dự án
chính trị dân chủ đa nguyên" do tác giả Nguyễn Gia Kiểng tham gia chấp
bút, xuất bản và được in năm 2015 tại Hoa Kỳ. Ảnh: Quốc Phương/RFA
Khi được hỏi liệu một lực lượng chính trị nào
đó lâu nay cầm quyền và củng cố quyền lực đã nắm được đó qua suốt nhiều thập
niên liên tục, có thể nào dễ dàng và tự nhiên hay là không, làm một sự thay đổi
mà có thể hiểu theo cách Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng đã đề cập, hay gợi ý như trên ở
Việt Nam, cựu thành viên nội các chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho đến tận ngày
30/4/1975 và người đã từng có thời gian bị đi tù ‘học tập cải tạo’ dưới chính
quyền cộng sản sau biến cố này, nói:
“Theo tôi, việc này dễ chứ không khó. Nếu chúng ta đọc
lại chính những con số, những báo cáo của đảng Cộng sản Việt Nam, họ nói rằng
trong 10 năm qua, họ đã kỷ luật 8.300 người về tội ‘tham nhũng’ mặc dù chiến dịch
chống tham nhũng là một chiến dịch rất lớn, nhưng mà bên cạnh đó họ đã kỷ luật
25.000 người vì ‘suy thoái tư tưởng’, vì ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’.
Tức là tôi nghĩ rằng phong trào lớn nhất trong đảng
Cộng sản Việt Nam hôm nay là phong trào hướng về dân chủ; và ‘tự diễn biến, tự
chuyển hóa’ chính là một cụm từ để chỉ những người có khuynh hướng dân chủ.
Tôi nghĩ chống tự diễn biến, tự chuyển hóa sự thực
là một điều vô lý. Một mặt thì kêu gọi ‘đổi mới’, chủ trương ‘đổi mới’, một mặt
lại chống ‘diễn biến’. Đổi mới là gì? Đổi mới là tự diễn biến chứ còn là gì nữa?
Nhưng mà họ muốn đổi mới mà không thay đổi và họ luẩn
quẩn ở trong sự bế tắc của chủ nghĩa Marx-Lenin mà ngày nay cả thế giới nhận định
là không những là sai lầm, mà còn độc hại nữa.
Thành ra tôi nghĩ họ không thể ngăn cản phong trào
và tâm lý tự diễn biến, tự chuyển hóa được đâu. Và trong số 25 ngàn người mà bị
quy là ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ đó, phải có những người trong đó mà có tư
tưởng, tức là những người trung cao cấp mà như thế.
Tôi nghĩ ngày hôm nay, niềm tin, niềm lạc quan chính
là tinh thần dân chủ và tình cảm dân tộc đã xâm nhập vào đảng Cộng sản Việt
Nam, và có những anh em ở trong đảng cộng sản đã nhận ra được rằng tương lai của
họ không phải là với đảng cộng sản, mà là với dân tộc.”
Khi được hỏi liệu Việt Nam nói chung tới nay
đã sẵn sàng hay chưa cho một sự đổi thay, hay cải tổ triệt để thể chế chính trị
- xã hội mà có thể được toàn xã hội và nhân dân cùng các giới kỳ vọng, mong đợi, ông Nguyễn Gia Kiểng nói:
“Để trả lời câu hỏi trên, tôi nghĩ rằng chúng ta
nhìn vào vấn đề, chúng ta nhìn vào thực tại, nhìn vào những vụ án như là vụ xử
mới đây xử 6 năm tù giam mà lại xử kín với một người như là Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng,
bởi vì anh bị cho là đả kích cố Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng hạn, nhìn vào đó,
chúng ta thấy chế độ này còn tàn bạo, còn dữ dằn lắm.
Nhưng mà thực ra, nếu chúng ta bình tĩnh nghĩ lại,
nhìn lại toàn cảnh của đất nước, chúng ta thấy rằng dân chủ hóa là không xa và
tôi nghĩ hạn kỳ dân chủ hóa là tương đối gần.
Tất cả vấn đề là tất cả chúng ta có quyết tâm hay
không mà thôi, mà nếu chúng ta chủ trương phải dân chủ hóa trong tinh thần hòa
giải và hòa hợp dân tộc, bằng đường lối gạt bỏ tất cả những âm mưu, những ý tưởng
về bạo lực, có thể hạn kỳ dân chủ sẽ rất là gần và không những chỉ là gần mà nó
còn đẹp nữa,” ông Nguyễn Gia Kiểng nêu
quan điểm với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng từ Lognes, thuộc
Île-de-France, miền bắc nước Pháp trong dịp này.
Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng sinh năm 1942 tại Thái
Bình, miền Bắc Việt Nam, trong một gia đình mà cha và các chú bác đều là đảng
viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, theo trang Wikipedia tiếng Việt. Năm 1954, ông di
cư vào miền Nam cùng với gia đình. Nguyễn Gia Kiểng học hết trung học năm 1961
và được học bổng đi du học Pháp. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư tại trường École
Centrale de Paris, ông học thêm cao học kinh tế rồi làm việc tại Pháp 5 năm và
về nước năm 1973. Về nước, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông làm chuyên viên
ngân hàng và dạy môn kinh tế chính trị tại đại học Minh Đức Sài Gòn rồi làm phụ
tá Bộ trưởng kinh tế với hàm Thứ trưởng cho đến ngày 30/4/1975.
Sau ngày này, ông bị đưa đi tập trung cải tạo
trong hơn ba năm rồi được sử dụng làm chuyên viên dưới chế độ mới cho đến khi
được đi Pháp do sự can thiệp của chính phủ Pháp năm 1982. Năm 1982, trở lại
Pháp, Nguyễn Gia Kiểng hành nghề kỹ sư và doanh nhân. Ông trở thành Chủ tịch, Tổng
giám đốc một công ty tư vấn cho đến khi nghỉ hưu năm 2005, để dành toàn thời
gian cho hoạt động chính trị, trong đó ông có thành lập một tổ chức chủ trương
đối thoại chính trị đa nguyên, bất bạo động, mang tên gọi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Ông là tác giả của cuốn sách chính luận bằng tiếng Việt “Tổ quốc ăn
năn – Nghĩ lại đất nước trên ngưỡng cửa một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới”
(Paris, 2004), mà đã được dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề “Whence… Whither…
Viêtnam?). Năm 2015, ông cũng tham gia chấp bút một cuốn sách khác có tựa đề “Khai sáng kỷ nguyên thứ hai – Dự án chính trị dân
chủ đa nguyên”.
No comments:
Post a Comment