Sự kết thúc chiến tranh Việt
Nam (Phần 1)
Henry Kissinger
Đỗ Kim Thêm, dịch
28/04/2023
https://baotiengdan.com/2023/04/28/su-ket-thuc-chien-tranh-viet-nam-phan-1/
Lời người dịch: Nguyên tác của bản dịch là “The Vietnam War and its Conclusions”, một
trích đoạn trong tác phẩm Leadership – Six Studies in World Strategy của
Henry Kissinger do Nhà xuất bản Penguiun Press, New York ấn hành ngày 5-7-2022,
(Trang 149-163).
Trong bài viết, Kissinger nêu lên chiến lược
nguyên thuỷ khi đàm phán của Richard Nixon đề ra là binh sĩ Mỹ và Bắc Việt phải
cùng lúc rút ra khỏi miền Nam. Nhưng khi Kissinger dự thảo cho Hoà ước Paris,
có sự thay đổi điều kiện là Lê Đức Thọ chỉ chấp thuận cho việc binh sĩ Mỹ
đơn phương ra đi trong khi binh sĩ Bắc Việt được tiếp tục đồn trú tại miền Nam.
Kissinger không giải thích tại sao phải chấp nhận điều kiện này.
Trong cuốn sách Kissinger’s
Betrayal: How America Lost the Vietnam War, do Nhà xuất bản Real Clear
Publishing ấn hành vào tháng 4 năm 2023, Stephen B. Young đã dẫn chứng nhiều
nguồn tài liệu và thư tín của Ellsworth Bunker, Henry Kissinger, Lưu Văn Lợi và
Nguyễn Anh Vũ, Anatoly Dobrynin, Claude Dulong-Sainteny cũng như trực tiếp phỏng
vấn Bunker và Nixon. Stephen B. Young kết luận, Kissinger đã qua mặt cả Nixon
khi tự ý đề ra điều kiện cho binh sĩ Bắc Việt ở lại. Lá thư của Kissinger gửi
cho Bunker vào ngày 25-5-1971 và biên bản cuộc họp ngày 9-1-1971 tại Toà Bạch Ốc
với Đại sứ Dobrynin là hai bằng chứng cụ thể.
Sau khi tiếp xúc với Kisinger, Đại sứ Dobrynin
xác nhận với Moscow và Hà Nội là: “…Nếu Hoa Kỳ cam kết rút toàn bộ lực lượng
trong một thời hạn nhất định và có thể không yêu cầu lực lượng QĐNDVN rút đồng
thời ra khỏi miền Nam … Bắc Việt nên cam kết tôn trọng lệnh ngừng bắn trong thời
gian Hoa Kỳ rút quân …”
Richard Nixon nói không biết Kissinger thật sự
làm gì vào năm 1971.
Cho đến nay, Kissinger chỉ lăp lại các biện
minh quen thuộc: Hậu quả của Watergate làm cho Nixon ra đi, Quốc hội Mỹ cắt giảm
viện trợ làm cho miền Nam không thể tiếp tục chiến đấu, không thú nhận bị Lê Đức
Thọ lừa đảo và hay có bất cứ một trách nhiệm nào về chính trị hay đạo đức cá
nhân. Kissinger vẫn chưa trả lời các cáo buộc của Stephen B. Young.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/0-2-1068x601.jpg
Đại tá Bùi Tín của QĐNDVN chào tiễn biệt toán lính Mỹ
cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào ngày 29 tháng 3 năm 1973. Nguồn ảnh: Picture
alliance / AP / Charles Harrity
***
Khi Nixon tuyên thệ nhậm chức vào tháng Giêng
năm 1969, Hoa Kỳ đã có gần hai thập niên can dự tại Việt Nam, 30.000 binh sĩ đã
tử thương trên chiến trường và nhiều cuộc biểu tình phản chiến, đôi khi bằng bạo
lực. Trong lần gặp gỡ Nixon đầu tiên sau khi thắng cử tại khách sạn Pierre, ông
nhấn mạnh, kiên quyết kết thúc cuộc chiến Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ông
hứa với các gia đình tử sĩ về một sự kết thúc phù hợp đối với vinh dự của Mỹ.
Ông muốn đạt được việc này bằng chính sách ngoại giao thông qua liên kết với
Liên Xô. Ý tưởng về việc mở cửa đối với Trung Quốc cũng có thể sẽ đóng một vai
trò, nhưng ông sẽ không bán tháo (chủ trương). Một nền an ninh của các dân tộc
tự do, hoà bình thế giới và tiến bộ tuỳ thuộc vào việc tái lập và đổi mới tinh
thần lãnh đạo của Hoa Kỳ. Các nỗ lực về chính trị và quân sự cũng phải được duy
trì song song.
Ngay trong lúc đầu của nhiệm kỳ tổng thống
Harry Truman, Hoa Kỳ đã tham gia việc bảo vệ miền Nam để chống lại sự nổi dậy của
Cộng sản bằng cách gởi các cố vấn quân sự. Eisenhower gia tăng viện trợ Mỹ và
nâng số lượng các cố vấn quân sự từ 35 lên đến gần 700 vào năm 1956, đặt họ trực
thuộc Toà Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Vào lúc cuối nhiệm kỳ, Eisenhower kết luận là,
qua việc mở ra các đường tiếp vận mới, các đơn vị Bắc Việt thâm nhập được Lào
và Kampuchea, hai nước yếu và trung lập nằm cạnh biên giới Nam Việt Nam, làm
cho tình hình an ninh tại Sài Gòn ngày càng bị đe doạ và do đó phải kháng cự.
Các đường tiếp vận, một hệ thống mà sau này nổi
danh là đường mòn Hồ Chí Minh dài 1000 cây số chạy qua một khu vực rừng hoang
dã dọc theo biên giới phía nam của miền Nam Việt Nam; do đó, rất khó để phát hiện,
tấn công hay phong toả. Đường mòn Hồ Chí Minh trở thành một điểm quan trọng của
các nhà chiến lược Bắc Việt để họ làm suy yếu và cuối cùng làm sụp đổ chính phủ
miền Nam.
Trong lúc chuyển giao quyền tổng thống vào năm
1960, Eisenhower khuyên John F. Kennedy, người kế nhiệm, là nên điều động quân
Mỹ đến khu vực, và trong trường hợp cần thiết, chống lại các cuộc xâm nhập
trong các nước láng giềng trung lập. Kennedy không thi hành ngay các lời khuyên
này của Eisenhower, nhưng thay vào đó, cố thử tìm kiếm một giải pháp chính trị
thông qua ngoại giao với Hà Nội. Kết quả là một Hiệp ước Quốc tế về Trung lập
Lào được ký kết vào năm 1962.
Về sau, khi Hà Nội vi phạm tình trạng trung lập
của Lào qua việc thâm nhập nghiêm trọng, Kennedy phản ứng bằng cách gởi 15.000
binh sĩ Mỹ đến để huấn luyện và cố vấn cho các đơn vị chiến đấu của Nam Việt
Nam. Vì chính quyền Kennedy nhận ra là Ngô Đình Diệm, nhà lãnh đạo độc tài Nam
Việt Nam, thiếu sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng và ý chí chính trị để chiến thắng,
nên thúc giục quân đội lật đổ. Cuộc đảo chính đã đưa đến việc sát hại ông Diệm
vào ngày 2 tháng 11 năm 1963 và làm suy yếu chính quyền Nam Việt Nam ngay trong
lòng cuộc nội chiến, mà theo định nghĩa, một chính quyền bị bao vây là một cái
giá chủ yếu. Bắc Việt dùng cơ hội này để thâm nhập các lực lượng chiến đấu
chính quy nhằm tăng cường cho các lực lượng quân kháng chiến.
Sau vụ sát hại Kennedy vào ngày 22 tháng 11
năm 1963, Lyndon B. Johnson đã theo lời khuyên của toán công tác về an ninh quốc
gia mà gia tăng các nỗ lực quân sự tại Việt Nam. Ông tiếp nhận nhóm này có từ
thời Kennedy, trừ một người trong nhóm chệch hướng là George Ball, Thứ trưởng Bộ
Ngoại giao (1). Tuy nhiên, không bao lâu sau, Johnson nhận ra rằng, các hỗn loạn
chính trị trong khu vực phức tạp hơn, vì các rối rắm qua việc triển khai một
chiến lược quân sự.
Đối với Mỹ, quy mô tuyệt đối của việc gởi quân
Mỹ đến một khu vực xa xôi tạo ra chuyện tối cần thiết là phải chấm dứt chiến cuộc
một cách nhanh chóng. Nhưng Hà Nội kéo dài xung đột để làm kiệt quệ tinh thần
người Mỹ. Trong một cuộc đọ sức giữa một đạo quân được cơ giới hoá với lực lượng
du kích trong rừng rậm, quân du kích có lợi thế hơn, chắc chắn họ sẽ thắng.
Tháng Giêng năm 1969, Bắc Việt kiểm soát 1/3
lãnh thổ phía Tây của Lào và một phần của Kampuchea, vì nó lọt ra ngoài phạm vi
của các lực lượng Mỹ. Họ sử dụng các nơi này như là những căn cứ, một phần lớn
là để gởi hàng tiếp vận tới miền Nam và đe doạ vùng cực nam của miền Nam, kể cả
Sài Gòn. Do đó, Bắc Việt có vị thế tiếp vận để thử thách tinh thần kiên trì của
người Mỹ ở trong nước. Như Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Bắc Việt, giải thích cho
Harrison Salisbury, ký giả của tờ New York Times, là họ theo đuổi một chiến lược
dựa vào một niềm tin, người Bắc sẽ chiến đấu cho Việt Nam kiên cường hơn người
Mỹ, điểm chủ yếu là nhiều người Việt sẵn sàng chết cho Việt Nam nhiều hơn người
Mỹ.
Bế tắc trên chiến trường và số lượng thương
vong tăng cao, tạo ra phân hoá xã hội tại hậu phương Mỹ. Trong thời chính quyền
Johnson, những cuộc thảo luận trong các khuôn viên đại học về các mục tiêu và
khả năng thực hiện của cuộc chiến đã bắt đầu. Khi Nixon tuyên thệ nhậm chức, những
cuộc thảo luận đã bộc phát và trở thành những đối kháng trong mối quan hệ về
giá trị và phương pháp của Mỹ. Cuộc chiến có chính nghĩa không? Nếu không được
biện minh, tốt hơn là nên từ bỏ toàn bộ công cuộc chiến đấu. Mặc dầu thoạt đầu
thái độ bỏ cuộc được coi như là cực đoan; về sau, quan điểm này có trong phần lớn
giới trí thức của xã hội Mỹ.
Chủ thuyết xem Mỹ là ngoại lệ bị đảo lộn; chủ
thuyết duy tâm nhằm đề cao việc hỗ trợ cho Mỹ đảm nhận trách nhiệm quốc tế sau
Thế chiến thứ hai được đề cập trở lại khi Mỹ đối diện với cuộc chiến Việt Nam,
nhằm vào việc bác bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu. Cuộc khủng hoảng niềm tin do việc
Mỹ tham chiến tại Việt Nam đã vượt ra khỏi vấn đề cuộc chiến và chuyển hướng
sang bản chất đích thực và nền tảng trong các mục tiêu của Mỹ.
Phong trào phản chiến ngay trong lòng các đại
học tạo thành các cuộc biểu tình của quần chúng, nó đạt đến cao điểm làm cho Tổng
thống Johnson không thể xuất hiện trước công chúng trong các cuộc vận động
tranh cử vào năm 1968, chỉ với ngoại lệ khi nào ông đến các căn cứ quân sự. Tuy
vậy, việc rút quân đơn phương ra khỏi cuộc chiến không được dân chúng ưa chuộng.
Hubert Humphrey, ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ và Richard Nixon, đối thủ
của Đảng Cộng Hoà, đều từ chối việc rút quân đơn phương. Nhưng trong cuộc vận động
tranh cử, họ hứa hẹn là sẽ tìm ra một đường lối kết thúc cuộc chiến qua đàm
phán.
Nixon không nói rõ bằng cách nào, nhưng chỉ
nói là sẽ có một phương sách mới. Tuy nhiên, các các cơ sở của Đảng Dân chủ phản
đối các việc rút quân mà không đề cập đến chi tiết. Vấn đề gây cho Đảng Dân chủ
chia rẽ và ngày Đại hội đảng để đề cử ứng viên vào tháng Tám xáo trộn là thúc
giục đòi hỏi việc rút quân của hai phía (Mỹ và Bắc Việt) ra khỏi Nam Việt Nam.
Nghị sĩ Edward Ted Kennedy và các đảng viên Dân chủ theo phe bồ câu dự trù
khuôn khổ của việc đề nghị rút quân Mỹ, nhưng chỉ đề cập đến như là một số lượng
quân đáng kể.
Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi, Nixon
kiên quyết tìm ra một lối thoát đầy vinh dự tại Việt Nam, đó là tất yếu cho vai
trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Trong thời gian chuyển quyền sau bầu cử, chúng
tôi định nghĩa “đầy vinh dự” là những người Đông Dương đã chiến đấu cho tự do của
họ có được một cơ hội để tự quyết định cho vận mệnh của mình, trong khi phong
trào phản chiến tại Mỹ chỉ đòi hỏi một phía rút quân, điều mà Nixon cực lực phản
đối.
(Còn tiếp)
*****
Sự
kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần 2)
Henry Kissinger
Đỗ Kim Thêm, dịch
29/04/2023
https://baotiengdan.com/2023/04/29/su-ket-thuc-chien-tranh-viet-nam-phan-2/
Theo quan điểm của Nixon, quyền lợi quốc gia
đòi hỏi phải có một đường lối trung dung giữa chiến thắng và rút quân. Theo
Nixon, rút quân không điều kiện đưa đến sự thoái vị về tinh thần và địa chính
trị, nói khác đi, một sự thiệt hại nặng nề về ý nghĩa của Hoa Kỳ đối với trật tự
quốc tế.
Khi Nixon nhậm chức, ông khám phá ra các lý do
thiết thực để từ chối việc rút quân đơn phương. Vị Tham mưu trưởng Liên quân ước
lượng rằng, để chuẩn bị cho việc rút nửa triệu quân và các thiết bị phải cần thời
gian 16 tháng. Ngay cả khi cho rằng, việc ước lượng của vị Tư lệnh này bị ảnh
hưởng do ác cảm, kinh nghiệm đầy hỗn loạn trong việc rút 5.000 lính Mỹ ra khỏi
Afghanistan trong năm 2021 cho thấy tình trạng vô trật tự tiềm ẩn qua việc rút
quân đơn phương trong điều kiện chiến tranh. Tại Việt Nam, có khoảng hơn
150.000 binh sĩ Mỹ và ít nhất là 800.000 binh sĩ Bắc Việt và một số lượng tương
đương binh sĩ miền Nam, thái độ của họ là có cảm tưởng bị phản bội, có thể xảy
ra từ sự thù nghịch cho đến hỗn loạn.
Chính vì thế, như đã tuyên bố trong cuộc vận động
tranh cử, Nixon quyết định đạt được sự liên kết một giải pháp ngoại giao với
Liên Xô. Ông theo đuổi chiến lược này ngay khi đối diện cuộc tấn công của Bắc
Việt, nó bắt đầu nội trong ba tuần sau khi ông nhậm chức, trước khi ông đưa ra
bất cứ một hành động quân sự quan trọng nào, việc này làm cho hơn 6.000 binh sĩ
thương vong trong sáu tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Nixon muốn tìm ra một sự kết hợp ngoại giao bằng
cách áp lực buộc Liên Xô cắt giảm viện trợ cho Hà Nội. Ban Tham mưu của tôi dự
kiến một kế hoạch ngoại giao để giải thích, trong đó chúng tôi chuẩn bị trình
bày các tương nhượng cho Bắc Việt, để có thể thông qua Moscow. Song song, với
bí danh “Duch Hook” (2), Ban Tham mưu của tôi có các chọn lựa khác là việc leo
thang quân sự (chủ yếu là phong toả và ném bom). Trường hợp Moscow từ chối các
đề nghị của chúng tôi, Nixon muốn cố thử áp đặt bằng bạo lực quân sự (việc này
đã xảy ra, khi một phần lớn kế hoạch quân sự được thực hiện trong ba năm sau
này, tháng 5 năm 1972, như là phản ứng trước việc tấn công của Hà Nội trong chiến
dịch mùa hè đỏ lửa).
Là nhà đàm phán của chính quyền Johnson với Bắc
Việt, Cyrus Vance tỏ ra nhạy bén cho ý tưởng khi được bổ nhiệm làm đặc sứ trong
trường hợp đề nghị của chúng tôi được đồng thuận.
Được Nixon thoả thuận, tôi đưa ra một khái niệm
với Anatoli Dobrynin, Đại sứ của Liên Xô tại Hoa kỳ, mà không nêu chi tiết.
Chúng tôi không nhận được câu trả lời nào từ phía Moscow, nhưng trong lần gặp gỡ
đầu tiên vào tháng 8 năm 1969 với Bắc Việt, Xuân Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Hà Nội, từ chối lời đề nghị với lập luận là Hà Nội không bao giờ đàm phán thông
qua phe thứ ba.
Trong khi nghiên cứu về các đường lối ngoại
giao, Nixon đề ra một khái niệm chiến lược toàn diện trước thế giới vào ngày 25
tháng 7 năm 1969. Về địa điểm của bài diễn văn, ông chọn một nơi vắng vẻ thuộc
phía Tây Thái Bình Dương của đảo Guam, ông dừng lại ở đây vào buổi chiều trong
chuyến công du khắp thế giới, ngay trước đó ông chào đón các nhà phi hành không
gian Mỹ, khi họ vừa từ mặt trăng trở về.
Qua lời tuyên bố có vẻ đầy ấn tượng trong cuộc
họp báo này, Nixon trình bày về chính sách Đông Nam Á; thực ra, bài diễn văn
này đã được Toà Bạch Ốc chuẩn bị cẩn trọng và tu chỉnh ngay trong chuyến bay,
nhằm nhấn mạnh đến mối bang giao của Hoa Kỳ và các đối tác trong vùng. Nixon cảnh
báo về các nguy cơ do các chế độ Cộng sản tại Trung Quốc, Bắc Hàn và Bắc Việt
gây ra và tiếp tục lập luận là:
“Hoa Kỳ phải tránh một chính sách mà các nước tại
châu Á trở nên quá lệ thuộc vào chúng ta, đến độ mà chúng ta bị ràng
buộc trong các cuộc tranh chấp như cuộc tranh chấp mà chúng ta có tại Việt
Nam”.
Dĩ nhiên, báo chí tháp tùng có hỏi về các chi
tiết mà Nixon đã chuẩn bị sẵn để trả lời. Ông đáp:
“Tôi tin rằng, thời điểm đã đến khi Hoa Kỳ phải nhấn
mạnh đến hai điểm về mối quan hệ đối với tất cả các nước thân hữu châu Á.
Thứ nhất: Chúng ta sẽ tuân thủ các nghĩa vụ kết
ước … nhưng thứ hai, trong những vấn đề có liên hệ đến an ninh nội địa và bảo vệ
quốc phòng, với ngoại trừ việc các cường quốc có trang bị vũ khí hạt nhân đe doạ,
Hoa Kỳ sẽ khuyến khích và có quyền kỳ vọng các quốc gia châu Á là sẽ càng lúc
càng tự lo liệu về các vấn đề của họ và đảm nhận trách nhiệm”.
Những gì mà về sau nổi danh là “chủ thuyết
Nixon” bao gồm ba nguyên tắc cơ bản:
1. Hoa Kỳ sẽ tuân thủ các nghĩa vụ kết ước.
2. Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng bảo vệ trong trường hợp
cường quốc nguyên tử đe doạ tự do đối với một trong các nước đồng minh của
chúng ta hoặc một nước mà sự sống của họ còn được Hoa Kỳ xem như cần thiết cho
nền an ninh của Hoa Kỳ và toàn khu vực.
3. Trong trường hợp có các loại tấn công khác,
nghĩa là, các cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước của các cường quốc không có vũ
khí hạt nhân, Hoa Kỳ sẽ yểm trợ bằng quân sự và kinh tế, khi được họ yêu cầu.
Nhưng Hoa Kỳ cũng chờ đợi các nước bị đe doạ trực tiếp, đảm nhận trách nhiệm chủ
yếu trong việc cung ứng nhân lực cho việc bảo vệ.
Trong khuôn khổ mà về sau được gọi là “Việt
Nam hoá chiến tranh”, Hoa Kỳ muốn viện trợ quân sự, huấn luyện và yểm trợ không
quân theo theo nguyên tắc thứ ba trong ba nguyên tắc kể trên, để cho Sài Gòn có
điều kiện cầm cự cho đến khi nào đủ mạnh để tự bảo vệ. Mục đích của chủ thuyết
Nixon là thể hiện việc người Mỹ kiên quyết và khả năng của miền Nam Việt
Nam có thể phòng thủ để Hà Nội đồng thuận về một giải pháp chính trị, nó cho
phép dân chúng miền Nam tự quyết định tương lai của mình.
Nixon hứa tuân thủ các nghĩa vụ của Hoa Kỳ đối
với các đồng minh kết ước như Nam Hàn và Thái Lan và cũng bảo vệ các nước khác
tại châu Á, khi họ bị các cường quốc nguyên tử đe doạ, việc này ám chỉ Trung Quốc
và Liên Xô. Sự khác biệt giữa Nixon và các bậc tiền nhiệm là ông làm ràng buộc
phạm vi các viện trợ Mỹ, các nước bị đe doạ phải tự nhận trách nhiệm bảo vệ. Mục
tiêu chính là ông muốn trấn an các nước mà sự sống còn của họ dựa vào niềm tin
về vai trò của Mỹ, khi các cuộc đàm phám để chấm dứt chiến tranh Việt Nam không
đánh dấu về việc triệt thoái chiến lược từ châu Á (3).
Vào cuối nhiệm kỳ, tổng thống Johnson đã có
các cuộc đàm phán chính thức với Bắc Việt và được tiếp tục dưới thời Nixon.
Hàng tuần đại diện của Bắc Việt, Mỹ, chính quyền miền Nam của Sài Gòn và Mặt trận
Giải phóng miền Nam gặp nhau tại khách sạn Majestic, Paris. Hà Nội không bao giờ
xem các cuộc đàm phán này là một tiến trình ngoại giao, mà chỉ là một giai đoạn
tiếp tục của một chiến lược tâm lý, để họ làm hao mòn ý chí của Mỹ và làm sụp đổ
chính quyền “bất hợp pháp” của Nam Việt Nam.
Vào những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động
tranh cử năm 1969, Tổng thống Johnson công bố với niềm hy vọng tràn trề là Bắc
Việt theo đuổi hai mục đích trong các cuộc đàm phán này: Đối với chính phủ Nam
Việt Nam phải mất tính chính danh, để trước hết Hà Nội hoàn toàn từ chối đàm
phán với họ và kiên trì là Mặt trận Giải phóng miền Nam là phía đàm phán cho miền
Nam tại bàn hội nghị.
Sau khi một thoả hiệp được tìm ra để cả hai
phe của miền Nam được tham dự đàm phán chính thức, Hà Nội từ chối không hề nói
đến bất cứ vấn đề nội dung nào. Mục tiêu của Bắc Việt là kéo dài các cuộc đàm
phán cho đến khi nào Hoa Kỳ kiệt sức hoặc do các phản đối của dân chúng Mỹ đến
độ phải quay lưng từ bỏ Đồng minh Nam Việt Nam.
Diễn đàn đàm phán chính thức tại khách sạn
Majestic mà phái đoàn Bắc Việt do Xuân Thuỷ lãnh đạo, mang lại một kỳ tích bất
thường. Trong bốn năm được gọi là đàm phán, không có tiến bộ nào đạt được và kết
quả chỉ nhằm trình bày hàng loạt các lời tuyên bố cho có hình thức với nội dung
rỗng tuếch.
Vào mùa hè năm 1969, Nixon tìm hiểu rằng qua
kênh đàm phán với Moscow có thể đạt được kết quả đầy vinh dự theo quan điểm của
chúng tôi. Trước khi thực hiện cách này để gia tăng áp lực, ông quyết định thử
lại một lần nữa khi khởi động lại các cuộc đàm phán. Việc này có hai phần: Tôi
phải huỷ chuyến du hành thế giới để hội kiến với Xuân Thuỷ tại Paris vào ngày 4
tháng 8 năm 1969. Đó là cuộc mật nghị đầu tiên mà từ đó cho đến tháng 4 năm
sau, một kênh mật đàm giữa Lê Đức Thọ và tôi diễn ra.
Pháp là quốc gia duy nhất trong khối NATO có
quan hệ ngoại giao với Hà Nội, và cuộc gặp gỡ do Jean Sainteny, Đại sứ Pháp tại
Hà Nội, thu xếp. Đối với tôi, phu nhân của Sainteny là một người bạn thân thiết
sau khi bà đã tham dự một khoá học quốc tế kéo dài ba tháng trong khuôn khổ
chương trình mùa hè của Đại học Harvard, do tôi giảng dạy. Nhờ thế, cuộc mật
nghị giữa các giới chức của Nixon và Việt Nam diễn ra trong một căn phòng sang
trọng của Sainteny trên đường Rivoli. Khi ông giới thiệu những người Việt cho
chúng tôi, ông đặt điều kiện là không được phép phá vở bất cứ các đồ gia dụng
nào.
Một cuộc trao đổi sau đó cho thấy trước viễn cảnh
bế tắc trong ba năm sau. Xuân Thuỷ lên lớp giảng dạy về cuộc chiến đấu hào hùng
của người Việt cho độc lập và lòng kiên quyết của Hà Nội để theo đuổi cuộc chiến
cho đến cùng. Tôi nghe các lời này lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần
trong nhiều năm và kết thúc bằng việc công bố các điều kiện tiên quyết của Hà Nội.
Đến phiên tôi, tôi giải thích là sẵn sàng đàm phán trên cơ sở của một tiến
trình chính trị mà tất cả các phe nhóm, kể cả những người cộng sản, có thể tham
gia.
Nixon chỉ thị cho tôi nên dùng cơ hội cho các
biện pháp táo bạo. Tôi đã truyền đạt là nếu cho đến ngày 1 tháng 11 mà chúng
tôi không có được một hồi đáp giá trị nào về các đề nghị của chúng tôi thông
qua các kênh ngoại giao của hai phía, chúng tôi sẽ cứu xét đến các biện pháp
khác hơn là ngoại giao, có hàm ý về việc dùng biện pháp quân sự. Xuân Thuỷ,
cũng như những nhà đàm phán Việt mà tôi gặp gỡ, họ tỏ thái độ rất lịch sự khi
trả lời bằng cách lặp lại các điều kiện tiên quyết của Hà Nội: Mỹ rút quân và
chính phủ Sài gòn sụp đổ trước khi có các cuộc đàm phán đầy ý nghĩa.
Vì Nixon không có ý định thảo luận trong các
điều kiện như vậy, nên vào ngày 20 tháng 10 tại Toà Bạch Ốc, ông quyết định lặp
lại một tối hậu thư cho Dobrynin, Đại sứ Nga. Nixon cầm một tập ghi chú màu
vàng từ trên bàn của phòng Bầu Dục đưa cho vị Đại sứ và nói: “Tốt hơn, ông nên
đưa ra một vài ghi chú”. Dobrynin đặt vài câu hỏi cần làm sáng tỏ và cho là
không biết gì về nội dung của vấn đề. Để ép Moscow và Hà Nội phải cho ngày hẹn
chót, Nixon còn đi xa hơn khi cho rằng ngày 3 tháng 11 ông dự trù sẽ có bài diễn
văn nói chuyện về vấn đề Việt Nam. Việc này trở thành một trong các cách hùng
biện nhất của ông.
(Còn tiếp)
*****
Sự
kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần 3)
Henry Kissinger
Đỗ Kim Thêm, dịch
29/04/2023
https://baotiengdan.com/2023/04/29/su-ket-thuc-chien-tranh-viet-nam-phan-3/
Bất chấp những cuộc biểu tình đang làm tê liệt
Washington từ mấy tuần qua, Nixon kêu gọi đa số người Mỹ thầm lặng nên kiên quyết
cho một nền hoà bình trong vinh dự.
“Đừng để các nhà viết sử ghi là, Mỹ một nước hùng mạnh
nhất thế giới, chúng ta đứng bên kia lề đường và cho phép các hy vọng cuối cùng
về hoà bình và tự do của nhiều triệu người bị bóp nghẹt bởi các sức mạnh của
các chế độ độc tài. Và tối nay, trước
quý vị là đa số thầm lặng dân chúng Mỹ, tôi yêu cầu quý vị hãy yểm trợ”.
Nhưng ông từ bỏ những gì trong tiến trình mà
ông công bố, đây là lần duy nhất trong lúc tôi làm việc chung với ông. Khi
chúng tôi tiến gần đến ngày hẹn chót của tối hậu thư tháng 11, Hà Nội không
thay đổi thái độ hay tổng thống không có một quyết định gây hậu quả nào, theo
đúng nguyên tắc là Cố vấn An ninh Quốc gia, tôi soạn thảo hai văn bản ghi nhớ đệ
trình cho Tổng thống để phân tích vấn đề về các quyết định quan trọng.
Bản ghi nhớ đầu tiên phân tích, liệu việc Việt
Nam hoá chiến tranh có thực sự đạt được các mục tiêu của chúng ta đã thoả thuận
không. Bản thứ hai trong ngày hôm sau phân tích các động lực khích lệ cho một
giải pháp ngoại giao trong các chiến lược hiện hành. Nixon quyết định duy trì
các chủ trương đang tiến hành trên thực tế.
Để tránh việc leo thang quân sự mà ông đe doạ
và Ban Tham mưu của ông chuẩn bị, cũng như tránh việc triệt thoái binh sĩ đơn
phương do Hà Nội và các phong trào phản chiến tại Mỹ đòi hỏi, điểm chủ yếu mà
ông quyết định theo đuổi tiến trình Việt Nam hoá, như ông đã khởi thảo trong cuộc
họp báo tại đảo Guam. Trong bài diễn văn ngày 3 tháng 11, ông mô tả chiến lược
là việc rút các binh sĩ Mỹ một cách tuần tự, cùng lúc các cuộc đàm phán tiến
hành, cho đến khi nào Sài Gòn đủ mạnh cho một giải pháp chính trị, để người dân
miền Nam có khả năng tự định đoạt cho số phận của mình. Chương trình Việt Nam
hoá chiến tranh do Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laid triển khai và Nixon công bố,
có nghĩa là một việc rút quân tuần tự của binh sĩ Mỹ, cùng với việc thay thế bởi
các binh sĩ miền Nam. Khi Nixon đọc diễn văn, việc rút quân khoảng 100.000 binh
sĩ Mỹ đã được thực hiện.
Lúc đó, tôi không thoải mái với quyết định của
Nixon. Trong suốt nhiều năm, khi suy nghĩ về các giải pháp tương ứng khác, tôi
kết luận rằng Nixon đã đề ra một tiến trình khôn ngoan hơn. Nếu như ông theo những
trực giác đầu tiên, có lẽ ông sẽ có khủng hoảng nội các, nó kết hợp bởi các cuộc
biểu tình phản chiến tại các thành phố làm cho cả nước sẽ bị tê liệt. Việc mở cửa
cho Trung Quốc vẫn chỉ là một ý tưởng; các phản ứng đầu tiên Bắc Kinh vẫn chưa
nhận được (4). Việc đối mặt đọ sức với Liên Xô tại vùng Cận
Đông và Berlin chưa kết thúc, và các cuộc đàm phán với Liên Xô còn trong thời kỳ
thăm dò. Hơn thế, lúc đầu năm quan trọng này, trong chuyến công du của Nixon tại
châu Âu, các Đồng minh châu Âu đã tỏ ra có ác cảm, chống lại cuộc chiến tại
Đông Nam Á.
Vì thế, dù có những dè dặt ban đầu, trong những
năm sau đó, tôi thực hiện quyết định của Nixon với niềm tin tưởng. Cả Nixon và
tôi đều tin rằng sự ổn định của một cấu trúc quốc tế được phát triển cần phải
được minh chứng, thông qua một chiến lược khả tín của Mỹ, chúng tôi không hoang
phí, nhất là đối với Trung Quốc và Liên Xô.
Bất chấp việc giới tinh hoa khinh miệt, Nixon
cố gắng giữ lời hứa mà ông đưa ra với đa số người Mỹ thầm lặng, không phải chỉ
tránh việc thất bại nhục nhã mà cũng tránh được việc gởi con em đến trong một
cuộc chiến không kết thúc. Liệu các mục tiêu này có phù hợp theo trọng tâm của
những cuộc thảo luận đang diễn ra trong cả nước không, và không khí bạo loạn
trong các khuôn viên đại học và trên các đường phố, cũng như những chống đối
thường trực của giới thân cận Nixon áp đặt các cưỡng chế.
Mặt khác, trong nhiều thập niên, Hà Nội đã
không tranh đấu chống Pháp và Mỹ vì lợi ích của một tiến trình chính trị hay một
thoả hiệp đã được đàm phán, nhưng chỉ muốn đạt đến một chiến thắng chính trị
toàn diện.
Vì Nixon muốn cố thử xem có một giải pháp đàm
phán không, ông chấp nhận các cuộc mật nghị về chính trị. Sau đó Hà Nội phái Lê
Đức Thọ, Uỷ viên Bộ Chính trị, làm Trưởng đoàn Bắc Việt đến Paris, nơi mà tôi gặp
ông khoảng cứ ba tháng một lần. Cuộc gặp gỡ này mang nhiều thực chất tiến bộ
hơn các cuộc đàm phán chính thức, nhưng cũng với mức độ không đáng kể.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/04/1-58.jpg
Xuân Thuỷ bắt tay Henry Kisinger trước sự chứng kiến của Lê Đức Thọ sau một
lần đàm phán. Nguồn: Getty Images/ Fine Art America
Cứ mỗi lần gặp, Lê Đức Thọ đọc lời cáo buộc về
những vi phạm của Mỹ gây ra đối với Việt Nam. Các điều kiện đòi hỏi tối thiểu
và tối đa của Hà Nội giống nhau. Điều kiện tiên quyết cho Hà Nội đàm phán là
chính quyền Sài Gòn phải được thay thế bởi các nhân sĩ “yêu chuộng hoà bình” và
toàn thể lính Mỹ phải rút. Khi chúng tôi tìm hiểu định nghĩa của họ về những
người “yêu chuộng hoà bình”, thì nhận ra rằng, không một khuôn mặt chính trị nổi
danh ở Nam Việt Nam nào có đủ tiêu chuẩn của họ.
Nhưng Nixon không nản lòng. Hai năm sau, vào
ngày 25 tháng 1 năm 1972, trước sự ngạc nhiên của giới truyền thông, họ cáo buộc
rằng từ lâu ông không quan tâm đến tiến trình hoà bình, ông công bố biên bản
các cuộc mật nghị của tôi với Lê Đức Thọ trong thời gian hai năm.
Trong một bài diễn văn trong cùng buổi tối,
ông đưa ra một đề xuất chung quyết trong các điểm chính. Ông kết hợp một cuộc
đình chiến, việc tự quản của chính quyền miền Nam và rút quân Mỹ, một chiến lược
mà ông âm thầm chấp nhận giống như trong bài diễn văn trong ngày 3 tháng 11 năm
1969.
Hà Nội phản ứng bằng cách khởi động một cuộc tấn
công vào ngày 30 tháng 3 năm 1972 trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa. Họ huy động tất
cả các sư đoàn chiến đấu, ngoại trừ một sư đoàn, và lần đầu tiên kể từ khi
Nixon nhậm chức, họ chiếm được tỉnh lỵ Quảng Trị.
Qua cuộc leo thang quân sự, Hà Nội suy đoán rằng
Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng về một cuộc họp thượng đỉnh với Liên Xô, dự trù vào
tháng 5 năm 1972, năm Mỹ có tranh cử.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chúng tôi
đang kết thúc các mục tiêu trong chương trình Việt Nam hoá chiến tranh: Cho đến
cuối năm 1972, toàn bộ các đơn vị chiến đấu đã được triệt thoái. Cuối năm 1972,
có ít hơn 25.000 binh sĩ còn lại trong nước, con số xuống thấp vì lúc Nixon nhậm
chức là hơn nửa triệu. Trong khi các đơn vị bộ binh miền Nam đã tham chiến với
sự yễm trợ của không quân Mỹ, để chống trả các cuộc tấn công mới của Hà Nội. Số
lượng thương vong của binh sĩ Mỹ xuống thấp đáng kể, từ 16.899 trong năm 1968
còn lại là 2.414 trong năm 1971 và chỉ còn 68 trong năm 1973, khi Mỹ hoàn toàn
rút hết các đơn vị còn lại ra khỏi nước, chiếu theo Hiệp định Paris.
Thời điểm của chiến dịch mùa hè đỏ lửa đã làm
gia tăng nguy cơ vì Nixon có thể đáp trả bằng bất kỳ hành động nào. Chuyến Hoa
du của Nixon là một bước lịch sử đầu tiên làm thay đổi Chiến tranh Lạnh; cuộc họp
thượng đỉnh tại Moscow vào tháng Năm trở thành một diễn biến quan trọng khác. Tại
Washington, đa số đồng thuận cho việc hạn chế quân sự; đúng như dự đoán, Nixon
phản bác cách này.
Trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia tại
Toà Bạch Ốc vào buổi sáng ngày 8 tháng 5 năm 1972, Tổng thống xác nhận việc leo
thang để báo thù có thể gây hại cho cuộc họp thượng đỉnh tại Moscow và các công
tác trù bị này kéo dài hàng tháng. Nhưng nếu chúng ta không hành động gì hoặc bị
đẩy lui ra khỏi Việt Nam, điều đó đoán chắc là, trong các cuộc đàm phán với
Moscow, chúng ta mang danh là thoái thác vai trò lãnh đạo quốc gia.
Trình bày trước quốc dân trong ý nghĩa này,
Nixon đề ra quan điểm của Mỹ. Điểm chủ yếu là ông lặp lại các đề nghị về hoà
bình mà ông đã đề ra vào tháng Giêng: Ngưng chiến và triệt thoái quân Mỹ là điều
kiện đáp ứng cho việc công nhận chính phủ Sài Gòn, một chính phủ được thành
hình qua một tiến trình chính trị mà trước đó đã được thoả thuận.
Nixon giải thích:
“Đối với chúng tôi, chỉ có hai vấn đề để lại trong
cuộc chiến này.
Thứ nhất: Trước cuộc xâm lăng ồ ạt, chúng tôi phải đứng
nhìn, gây thiệt hại cho sinh mạng của 60.000 người Mỹ, kể cả các nhân viên
dân sự, để lại cho những người miền Nam trước một đêm dài khủng bố? Việc này sẽ
không xảy ra. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì phải làm để bảo vệ mạng sống của
người Mỹ và vinh dự của Mỹ.
Thứ hai: đối với các thái độ hoàn toàn ngoan cố
trong bàn hội nghị, chúng ta phải liên kết với kẻ thù để thiết lập một chính phủ
cộng sản tại miền Nam sao? Việc này cũng sẽ không xảy ra. Chúng ta sẽ không vượt
qua lằn ranh từ tinh thần hào phóng để đến sự phản bội”.
Theo một nguyên tắc mà ông thường phát biểu,
người ta phải trả cùng một giá trong một hành động nào đó khi làm nửa vời, cũng
giống như khi làm trọn vẹn, Nixon bấy giờ ra lệnh thực hiện toàn bộ các biện
pháp mà ông dự kiến lúc đầu cho năm 1969. Ông tiên liệu việc gài mìn các hải cảng
Bắc Việt và ném bom các đường tiếp vận, bất cứ nơi nào mà họ đặt ra. Với các biện
pháp này, ông huỷ bỏ thoả ước về việc đình chỉ không kích có hiệu lực từ năm
1968.
Moscow chọn cách né tránh các thách thức, và
cuộc họp thượng đỉnh xảy ra đúng như dự trù. Liên Xô lên án việc leo thang,
cũng như việc phong toả; tuy nhiên, họ giới hạn việc phê bình chỉ trong một buổi
ăn tối tại tư thất của Breschnews. Liên Xô không đe doạ, cuối cùng, trong cùng
trong buổi tối này, Ngoại trưởng Andrei Gromyko và tôi lại tiếp tục thảo luận về
việc giới hạn vũ khí chiến lược (SALT).
Ngay sau cuộc họp thượng đỉnh, Nilolai
Podgory, Tham mưu trưởng, nhân danh lãnh đạo nhà nước Liên Xô, đi thăm Hà Nội.
Liên Xô không đề ra các biện pháp báo thù, Moscow kết luận, không thể từ bỏ các
nỗ lực để làm quân bình đối với sáng kiến của chúng tôi về Trung Quốc.
Tháng 7, Đồng minh Nam Việt Nam tái chiếm Quảng
Trị. Hà Nội trở nên bị cô lập, cả Liên Xô và Trung Quốc đều không viện trợ,
ngoại trừ các phản đối chính thức. Trong cùng tháng, các cuộc đàm phán với Lê Đức
Thọ lại tiếp tục.
Trong khi các quan điểm chính thức vẫn không
thay đổi, nhưng ông có một giọng điệu thân thiện hơn. Ông đặt vấn đề tìm hiểu tốc
độ mà đàm phán có thể đạt được một thoả thuận chung cuộc, ông dự trù đạt được mức
đột phá.
(Còn tiếp)
*****
Sự
kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần cuối)
Henry Kissinger
Đỗ Kim Thêm, dịch
29/04/2023
https://baotiengdan.com/2023/04/29/su-ket-thuc-chien-tranh-viet-nam-phan-cuoi/
Trong cuộc họp ngày 8 tháng 10, ông đột nhiên
đưa ra một tài liệu chính thức, với tài liệu này, Hà Nội sẽ chấp nhận đề xuất
cuối cùng của Nixon vào tháng Giêng. Ông xác định là: Đề nghị mới này đúng là của
Tổng thống Nixon tự đề xuất: Đình chiến, chấm dứt chiến tranh, trao trả các tù
binh và rút quân.
Chủ yếu các điều này là đúng, dù có một vài cạm
bẫy được nhận ra trong các cuộc đàm phán. Nhưng khi chấp nhận chính phủ Sài Gòn
như là một cấu trúc liên tục, chúng ta đã đạt được một trong những mục tiêu
chính.
Khi Lê Đức Thọ chấm dứt, tôi yêu cầu có thời
gian. Sau khi ông rời phòng họp, tôi quay sang Winson Lord, người bạn và là một
phụ tá đặc biệt của tôi, bắt tay ông và nói: “Chúng ta có thể tiến hành việc
này” (5).
Sau khi kềm chân chúng tôi gần ba năm dài, bây
giờ, Lê Đức Thọ thay đổi hẳn thái độ, bởi vì Hà Nội nóng ruột khi cho rằng, các
cuộc đàm phán đang đứng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ; mặt khác, sau đó Hà Nội
lo sợ phải thương thuyết với vị tổng thống tái đắc cử do đa số chọn.
Nixon ý thức rằng trong nhiệm kỳ thứ hai có lẽ
ông sẽ gặp phải thái độ thù nghịch của Quốc hội, khi họ sẵn sàng cắt giảm các
viện trợ cho chiến tranh.
Trong một thời gian ngắn, các tính toán về chiến
thuật của hai phía cùng theo về một hướng: Cuối cùng, cuộc xung đột đã đến một
điểm mà các học giả nghiên cứu về các giải pháp trong hội nghị cho rằng đã chín
muồi.
Khi Lê Đức Thọ và tôi cùng trải qua ba ngày ba
đêm dài để soạn thảo bản thoả thuận chung quyết (ngoại trừ việc đồng thuận của
Nixon và Sài Gòn), hoà bình đang trong tầm tay, và Hà Nội thúc giục chúng tôi kết
thúc ngay công việc.
Nhưng cả Nixon và tôi đều không muốn kết thúc
cuộc chiến bằng cách áp đặt lên dân tộc mà họ đã đứng về phía chúng ta chiến đấu
trong suốt 20 năm. Và Sài Gòn cũng biết rõ là cuộc chiến đấu sống còn của họ
không thể kết thúc với một hòa ước, họ kiên quyết về các cuộc đàm phán được kéo
dài qua các chi tiết, trong một tiến trình cho thấy là không phải chỉ có miền Bắc
có khả năng chịu đựng. Thật ra, chiến thuật trì hoãn của Sài Gòn có ý nghĩa sâu
xa hơn: Lo sợ bị bỏ rơi với một kẻ thù ngoan cố, mà từ “hoà bình” đối với họ chỉ
có ý nghĩa chiến thuật.
Trong khoảng thời gian này, tình hình đúng là
một sự đảo ngược, mà nó đã xảy ra trong suốt nhiệm kỳ đầu của Nixon: Hà Nội
thúc ép chúng tôi kết thúc một thỏa ước mà họ kéo dài gần mười năm. Họ muốn quy
định cho chúng tôi về những gì đã được thảo luận và công bố toàn bộ các văn bản
về kết quả đàm phán.
Trong cuộc họp báo ngày 26 tháng 10 năm 1972,
tôi giải thích về diễn tiến của tình hình và nhấn mạnh là vẫn còn cam kết cho
quy luật đàm phán. [Với sự đồng thuận của Nixon], tôi dẫn nhập bằng cách dùng
câu: “Hoà bình đang ở trong tầm tay”. Tôi kết thúc lời tuyên bố với đoạn
văn nhằm phản ảnh mức khẩn thiết và giới hạn của chúng tôi:
“Chúng tôi sẽ không để bị thúc ép trong một thoả ước,
cho đến khi nào mà các quy định của thoả ước này là hợp lý. Chúng tôi cũng sẽ
không để bị chệch hướng từ một thoả ước mà những quy định của thoả ước này là
đúng đắn. Và với thái độ này và sự hợp tác của phía bên kia, chúng tôi tin là
có thể tái lập rất sớm hoà bình và thống nhất tại Hoa Kỳ”.
Sau khi Nixon tái đắc cử vào ngày 7 tháng 11,
Lê Đức Thọ tin rằng thời gian đã đến cho phía của ông và dùng các chiến thuật để
làm đình trệ trong thời kỳ trước khi cuộc đột phá về đàm phán.
Cho đến đầu tháng 12, Nixon kết luận rằng, Hà
Nội đang tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, ông
đề ra một chiến dịch không kích với phi cơ B-52 để chống các mục tiêu quân sự.
Lệnh này đã bị truyền thông, Quốc hội và quốc tế phê bình kịch liệt.
Nhưng hai tuần lễ sau, Hà Nội trở lại bàn hội
nghị, và đồng ý các tu chỉnh do Sài Gòn đòi hỏi. Hòa ước Paris được ký kết vào
ngày 27 tháng 1 năm 1973, văn bản bao gồm các điều khoản quan trọng mà Nixon đề
ra một năm trước đó.
Chín quốc gia, cũng như các chính phủ Sài Gòn
và Hà Nội và Cộng Sản miền Nam chính thức đồng thuận bản hòa ước và đánh dấu một
cao điểm về chính sách Việt Nam của Nixon.
Tuy nhiên, vào tháng 3, Hà Nội lại vi phạm hòa
ước một cách nghiêm trọng, bằng cách dùng đường mòn Hồ Chí Minh để đưa một số lớn
thiết bị quân sự vào miền Nam. Đầu tháng 4 năm 1973, Nixon quyết định không
kích trên các đường tiếp vận của Hà Nội. Việc này được dự định cho đầu tháng 4,
sau khi các tù binh Mỹ hồi hương từ các nhà tù Bắc Việt.
Giữa tháng 4, John Dean, Cố vấn Toà Bạch Ốc, bắt
đầu hợp tác với các công tố viên liên bang trong vụ điều tra liên quan đến các
cáo buộc việc tham gia vụ nghe lén và các hoạt động khác của Nixon. Vụ lùm xùm
này loan ra tai tiếng rất nhanh, mà ngày nay nổi danh là Watergate. Do ảnh hưởng
của vụ này, Quốc hội dùng quyền bảo lưu để cấm toàn bộ các hành động quân sự tại
Đông Dương.
Hòa ước Paris luôn tuỳ thuộc vào tinh thần sẵn
sàng và khả năng chấp hành các điều kiện quy định này. Hòa ước dựa trên sự mặc
định là, đầu tiên, như trong cuộc tấn công của Bắc Việt trong năm 1972, Sài Gòn
đã chứng tỏ có khả năng cầm cự các khả năng quân sự của Bắc Việt, cho đến khi
nào mà miền Nam nhận được tiếp liệu như đã ghi trong Hiệp định, (cụ thể là, các
vũ khí và thiết bị được thay đổi trên căn bản một đổi một), thứ hai, trong trường
hợp có một cuộc tấn công toàn diện của Bắc Việt, không lực Mỹ sẽ sẳn sàng hỗ trợ.
Trong cuộc điều tra Watergate, công luận mệt mỏi,
không hỗ trợ cho một cuộc xung đột thêm tại Đông Dương. Quốc hội cắt giảm toàn
bộ các viện trợ quân sự cho Kampuchea và vì thế, để nước này cho Khmer đỏ chiếm
đóng. Quốc hội giảm bớt viện trợ quân sự và kinh tế cho Nam Viêt Nam đến 50%, cấm
chỉ mọi hoạt động quân sự bằng bộ binh, không quân trong và tại các ven biển của
Bắc Việt, Nam Việt, Lào và Kampuchea. Trong tình hình này, việc thực thi các giới
hạn của Hiệp định là không thể được, và các hạn chế dành cho Hà Nội tiêu tan.
Với Hiệp định Paris, Nixon đã mang về cho đất
nước một kết quả thể hiện được vinh dự và địa chính trị, mà kết quả này về sau
bị choáng ngợp do thảm hoạ nội chính. Tháng 8 năm 1974, Nixon từ chức tổng thống.
Tám tháng sau đó, Sài gòn thất thủ sau một cuộc tấn công toàn diện của quân đội
Bắc Việt, kể cả các sư đoàn chiến đấu. Ngoài Hoa Kỳ, không một nước nào trong số
chín cường quốc quốc tế đứng ra bảo đảm Hiệp định, phản đối.
Chiến tranh mang lại một sự phân hoá nội bộ
trong xã hội Mỹ, cho đến nay vẫn còn xâu xé. Cuộc xung đột mang lại một phong
cách trong cuộc thảo luận công cộng mà nó có ít liên quan đến nội dung hơn là động
cơ chính trị và các bản sắc. Nổi giận đã thay thế cho cuộc đối thoại như là một
phương tiện để thực hiện các tranh chấp, và sự bất đồng trở thành một cuộc xung
đột của các nển văn minh. Trong tiến trình này, người Mỹ đang đứng trước cơ
nguy trong việc quên đi các điều kiện mà các xã hội trở thành vĩ đại, nó không
phải chỉ bằng chiến thắng của một phong trào hay đè bẹp chống đối trong nước,
không phải là chiến thắng của phe này với nhóm kia, mà là qua một mục tiêu
chung và hoà giải.
__________
Chú thích của tác giả:
1. Khi làm như vậy, Johnson đã tuân theo trường
phái tư duy đang thịnh hành, thuyết này cho rằng những thách thức của cộng sản
tại châu Á có cùng đặc điểm với châu Âu trong thập niên1940 và 1950. Do đó, Mỹ
có thể chống lại bằng cách đề ra những lằn ranh an toàn cho dân chúng bị đe doạ,
họ có thể tập hợp để theo đuổi tự do của họ. Thật không may, có một sự khác biệt
quan trọng giữa hai trường hợp: về cơ bản, các xã hội châu Âu là gắn kết và do
đó, khi mang lại được an ninh, họ có thể để xây dựng bản sắc lịch sử của họ.
Ngược lại, Đông Dương bị chia rẽ về sắc tộc và
do nội chiến. Chiến tranh xâm lược diễn ra không chỉ qua các ranh giới theo địa
lý mà còn ngay trong lòng xã hội. Năm 1965, Lâm Bưu, trợ lý của Mao, đã đưa ra
một tuyên ngôn kêu gọi nông dân khắp thế giới trỗi dậy và đánh bại các thành phố.
Cả hai chính quyền Kennedy và Johnson giải thích các thách thức của cộng sản là
một cuộc thập tự chinh trong toàn cầu, mà trong đó Đông Dương tiêu biểu cho
giai đoạn đầu tiên.
2. Tôi không có hồi ức hay phân tích lý do tại
sao hoặc ai chọn tên cho các bí danh này.
3. Vào tháng 6, ngay trước khi Nixon khởi hành
cho chuyến đi vòng quanh thế giới, một cuộc triệt thoái gồm 30.000 quân đã được
thông báo. Việc cắt giảm này được đề ra để chuẩn bị cho bản tuyên bố tại Guam,
nhưng dường như đến quá sớm trong chiến lược.
4. Xem Chương 3, trang 170-171.
5. Winston đã được thuyết phục không nên từ chức
để phản đối Hoa Kỳ khi xâm nhập nhằm chống các căn cứ của Hà Nội đóng tại
Campuchia trong năm 1970. Tôi lập luận rằng, ông nên lựa chọn giữa hai việc, một
là mang băng biểu tình trước Toà Bạch Ốc và hai là ở lại trong một thời gian để
chúng ta cùng nhau hoàn tất nhiệm vụ.
6. Các giả định có thể so sánh được đã chi phối
và duy trì Hiệp định đình chiến Triều Tiên năm 1953.
***
Bài liên quan:
Henry
Kissinger đã bỏ rơi miền Nam như thế nào?
Hồ sơ tội
trạng của Henry Kissinger – Chistopher Hitchens
Chuyện thắng
thua sau ngày 30 tháng 4 năm 1975
No comments:
Post a Comment