Thursday, April 27, 2023

BÍ MẬT LỊCH SỬ THÁNG 4 NĂM 1975 : TRUNG QUỐC ĐỊNH TUNG LÍNH DÙ XUỐNG BIÊN HÒA CHẶN BẮC VIỆT (RFA)

 



Bí mật lịch sử tháng 4 năm 1975: Trung Quốc định tung lính Dù nhảy xuống Biên Hòa chặn Bắc Việt?

RFA

2023.04.26

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/historical-secret-april-1975-china-planned-to-send-paratroopers-to-bien-hoa-to-block-north-vietnam-04262023081051.html

 

Việc Trung Quốc tìm cách can thiệp chính trị vào Miền Nam Việt Nam ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam là điều không mới, nhưng một kế hoạch can thiệp ở cấp độ “quân sự”, với việc tung vào hai sư đoàn Nhảy Dù để đánh chặn Quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn, lại là điều ít người biết đến. 

 

Bí mật lịch sử này lần đầu được Tiến sĩ sử học George Jay Veith tiết lộ trong phần “Tay chơi cuối cùng: Trung Quốc” (“The final actor: China,”) thuộc chương 24, “Ta sẽ tuốt gươm” (“I will draw out my sword”,) trong sách “Tuốt kiếm viễn chinh” (Drawn Swords in a Distant Land) xuất bản năm 2021. Cuốn sách “Tuốt kiếm viễn chinh” được TS. Jay Veith phát triển từ luận án tiến sĩ sử học ông bảo vệ tại Monash University, Australia. Nhân dịp 30/4, RFA phỏng vấn TS. Jay Veith về bí mật lịch sử này. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/historical-secret-april-1975-china-planned-to-send-paratroopers-to-bien-hoa-to-block-north-vietnam-04262023081051.html/@@images/8f5a966b-6bde-4745-96b4-1fe3fb1e465d.jpeg

Tổng thống Richard Nixon thăm Trung Quốc năm 1972.   The White House / National Archives

 

RFA: Trong sách “Tuốt kiếm viễn chinh” (Drawn Swords in a Distant Land), ông đã trình bày những tư liệu lịch sử chưa từng được ai công bố trước đây, thu thập được từ cuộc phỏng vấn với nhân chứng Nguyễn Xuân Phong. Xin ông cho biết tại sao lời kể của nhân chứng này lại quan trọng? Tại sao trước đây, ông Phong chưa từng công bố điều này? 

 

George Jay Veith: Nhiều nhân chứng và nhà nghiên cứu đã nói về những can thiệp chính trị của của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào Miền Nam Việt Nam ở giai đoạn cuối của cuộc chiến. Nhưng trong các cuộc phỏng vấn của tôi với ông Nguyễn Xuân Phong, bao gồm phỏng vấn trực tiếp và phỏng vấn qua email, ông ấy đã cung cấp cho tôi một kế hoạch can thiệp ở cấp độ quân sự của Trung Quốc vào Nam Việt Nam ở giai đoạn cuối của cuộc chiến. 

Có lẽ đây là lần đầu tiên điều này được tiết lộ bởi một nhân chứng lịch sử có thẩm quyền. Ông Nguyễn Xuân Phong là một nhân chứng lịch sử. Ông ấy là Quốc vụ khanh, Phó phái đoàn hòa đàm VNCH tại Paris từ 1968 đến 1975. Ông ấy xác nhận với tôi việc Trung Quốc liên lạc với ông để xây dựng một kế hoạch can thiệp trực tiếp bằng quân sự để ngăn cản Việt Nam thống nhất.

Ban đầu, ông Phong miễn cưỡng kể cho tôi các câu chuyện lịch sử mà mình là nhân chứng. Nhưng sau khi tôi tiếp tục gửi cho ông những tài liệu vừa được giải mật trong khoảng thời gian đó, cuối cùng ông ấy đã đồng ý kể cho tôi câu chuyện. 

Sau 1975, ông ấy bị đi tù. Những người Cộng sản Việt Nam không phải là không biết gì về kế hoạch can thiệp của Trung Quốc. Họ tra vấn ông ấy về quan hệ giữa Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Trung Quốc. Nhưng ông không trả lời, và sau này cũng không nói gì về điều đó, vì muốn bảo vệ những nguồn tin và nhân chứng liên quan. Ông ấy không bị tra tấn, nhưng họ từng đánh ông trọng thương một lần vì ông chỉ nói ngắn gọn là không biết gì về điều đó. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/historical-secret-april-1975-china-planned-to-send-paratroopers-to-bien-hoa-to-block-north-vietnam-04262023081051.html/nguyen-xuan-phong-in-paris-peace-talk.jpg/@@images/2820fc67-7884-426f-bc31-4fd3db9a7be1.jpeg

Ông Nguyễn Xuân Phong tại hòa đàm Paris. Ảnh: AP.

 

RFA. Ông Nguyễn Xuân Phong kể cho ông nghe về những sự kiện và hoạt động nào vào cuối cuộc chiến? Những hoạt động nào trong số này có liên quan đến sự can thiệp của Trung Quốc vào Miền Nam Việt Nam?

 

George Jay Veith: Ông Nguyễn Xuân Phong cho biết vào những ngày cuối của cuộc chiến, cả phía Bắc Việt và Trung Quốc đã liên lạc với ông. 

 

Phía Bắc Việt bắn tin cho ông, cho đại diện của Pháp (tướng Paul Vanuxem,) và một số nhân vật khác, rằng nếu ông Dương Văn Minh không được đưa lên nắm quyền trước ngày 26/4/1975, họ sẽ san bằng Sài Gòn bằng hai mươi ngàn viên đạn pháo. 

 

Còn phía Trung Quốc cũng cho người đến gặp ông để đưa ra một kế hoạch can thiệp quân sự nhằm ngăn chặn Bắc Việt chiếm Miền Nam Việt Nam. Mục đích của Trung Quốc là ngăn chặn một Việt Nam thống nhất. 

 

Kế hoạch của Trung Quốc, theo lời kể của ông Phong, là trước hết xây dựng một liên minh giữa chính quyền VNCH và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN). Sau khi có liên minh này, Tổng thống Dương Văn Minh sẽ đưa ra lời thỉnh cầu quốc tế giúp đỡ. Nhân cơ hội đó, Pháp sẽ hồi đáp bằng cách đưa vào Miền Nam Việt Nam một “lực lượng quốc tế” với danh nghĩa bảo vệ chính phủ mới, nhưng trong cái gọi là “lực lượng quốc tế” này sẽ có “hai Sư đoàn lính Dù của Trung Cộng.” Hai sư đoàn Dù này sẽ được thả xuống Biên Hòa.

 

Sau khi nhận tin từ phía Bắc Việt, ông Phong đã trở về Sài Gòn gặp Tổng thống Trần Văn Hương, người kế nhiệm sau khi ông Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 21/4/1975, để cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến có khả năng diễn ra ngay tại Sài Gòn. 

 

Sau đó, ông Phong gặp ông Trần Văn Đôn (lúc đó là Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng,) ông Trần Ngọc Liễng (đại diện của ông Dương Văn Minh, và là một tình báo của phía Bắc Việt, sau 1975 là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), và một đại diện của CMLTCHMNVN để bàn về giải pháp xây dựng một chính phủ liên hiệp giữa Chính phủ VNCH và Chính phủ CMLTCHMNVN.  

 

Ông Phong cho biết trong cuộc gặp này, ông đã nói rằng Pháp và một số nước khác sẽ hỗ trợ chính phủ mới. Nhưng ông không nói ra thông điệp mà Trung Quốc muốn ông chuyển đến Sài Gòn. 

 

Về kế hoạch của Bắc Kinh, ông Phong giải thích trong lần tôi phỏng vấn ông năm 2006 và 2008 rằng Bắc Kinh cho ông biết họ cần bốn ngày để điều quân và đưa quân đến căn cứ không quân. Theo ông, tính toán của Bắc Kinh là họ không muốn trực tiếp ra mặt, không muốn tạo ra hình ảnh mình là bên ngang nhiên mang quân vào Miền Nam Việt Nam. Trung Quốc muốn tạo ra một vở kịch trong đó người Pháp mới là diễn viên chính can dự vào đó. Pháp sẽ kêu gọi một quốc gia tham gia “lực lượng quốc tế” do mình đứng đầu để “giúp đỡ” chính phủ liên hiệp giữa VNCH và CMLTCHMNVN còn Trung Quốc sẽ tham gia vào. Trung Quốc nói rằng họ cần đưa quân vào để ngăn chặn đà tiến công của quân đội Bắc Việt nhưng cũng không thể đóng quân lại Miền Nam quá lâu, vì họ không muốn bị buộc tội là có âm mưu chiếm đóng. 

 

Ông Nguyễn Xuân Phong cho tôi biết là Trung Quốc, mà cụ thể là phái viên của Chu Ân Lai, lần đầu tiếp xúc với ông vào tháng 12 năm 1970. 

 

Theo tôi, kế hoạch can thiệp quân sự của Trung Quốc mà ông Nguyễn Xuân Phong tiết lộ trước khi qua đời năm 2017 là một trong những bí ẩn. Bí ẩn này sẽ được làm sáng tỏ hơn nữa nếu các nhà nghiên cứu tiếp cận được những tư liệu lịch sử chính thức mà các chính phủ liên quan công bố. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/historical-secret-april-1975-china-planned-to-send-paratroopers-to-bien-hoa-to-block-north-vietnam-04262023081051.html/chinese-airbor10t-1959.jpg/@@images/3bf22959-5a74-47fb-a5d1-8527304f6fc0.jpeg

Lực lượng Nhảy Dù của PLA trong lễ kỉ niệm 10 năm chiến thắng 1949-1959. Lực lượng này được Đặng Tiểu Bình và Lưu Bách Thành thành lập năm 1947. (Ảnh: Chính phủ Trung Quốc.)

 

RFA: Làm thế nào để kiểm tra tính chính xác của những câu chuyện ông Nguyễn Xuân Phong kể lại?

 

George Jay Veith: Hiện tôi chưa có nhiều tư liệu chính thức của các bên để xác minh thêm những gì ông Phong nói với tôi. Nhưng có nhiều người đã kể những câu chuyện liên quan về việc Trung Quốc cố gắng thuyết phục Tướng Dương Văn Minh trong những ngày cuối cùng là hãy yêu cầu sự giúp đỡ của Trung Quốc để cứu Miền Nam Việt Nam. Tôi tin rằng điều đó đã xảy ra. Tuy nhiên, ý định thực sự của Trung Quốc là gì vẫn còn là một bí ẩn. Có vẻ như Hà Nội cũng đã tin rằng Trung Quốc có một kế hoạch như vậy. Họ đã tra khảo ông Phong về điều đó. 

 

.

RFA: Trong sách “Tuốt kiếm viễn chinh”, ông có nói Trung Quốc còn tiếp xúc với cả ông Nguyễn Cao Kỳ và tìm cách tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Thiệu nữa? 

 

George Jay Veith:  Không rõ chính xác thời điểm Trung Quốc tiếp cận ông Nguyễn Cao Kỳ vì ông ấy không nói cụ thể lắm. Đại khái vào tháng 9 năm 1975, ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời phỏng vấn William Buckley trên tờ Firing Line, kể rằng Trung Quốc đã cử đặc vụ đến tận nhà ông tại Sài Gòn vào khoảng cuối năm 1972. Họ đề nghị ông ấy đảo chính ông Thiệu rồi  “tuyên bố Miền Nam Việt Nam trung lập, không thân Mỹ cũng không thân Nga.” 

 

Theo ông Kỳ kể lại, Trung Quốc “không muốn bị hở sườn phía nam, vì bị Bắc Việt, một vệ tinh của Nga trấn giữ.” Rồi đến tháng 12 năm 1975, ông Kỳ cũng kể lại lần nữa chuyện này trong một bài phát biểu ở Mỹ, được tường thuật trên tờ Baltimore Sun, ngày 6 tháng 12 năm 1975. Nhưng tôi không hiểu tại sao ông Kỳ không nhắc đến vụ này trong sách của ông. 

 

Ngoài tìm cách tiếp xúc với ông Kỳ, Trung Cộng còn tìm cách tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi đánh chiếm Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974, họ trao trả tù binh VNCH qua ngả Hong Kong và gửi thông điệp qua Tổng Lãnh sự VNCH ở Hong Kong tới Tổng thống Thiệu, yêu cầu thu xếp một cuộc hội đàm bí mật. Năm 2007, tôi phỏng vấn ông Jim Eckes, một bạn thân của ông Nguyễn Xuân Phong và là giám đốc một hãng hàng không ở Sài Gòn lúc đó. Gia đình ông Jim sống ở Hong Kong và ông ấy đi lại giữa Hong Kong và Sài Gòn thường xuyên. Do đó, Tổng Lãnh sự VNCH ở Hong Kong nhờ Jim chuyển thông điệp của Trung Quốc về cho ông Thiệu. Ông Jim Eckes kể tôi nghe là ông lại chuyển thông điệp cho Graham Martin, Đại sứ Hoa Kỳ ở VNCH, và thông điệp “nằm chết” tại đó.

 

.

RFA: Tại sao Trung Quốc hỗ trợ Bắc Việt trong suốt cuộc chiến nhưng không muốn Bắc Việt chiến thắng? Các nhà nghiên cứu trước đây đã nói gì về điều này?

 

George Jay Veith: Trung Quốc muốn Việt Nam bị chia nhỏ ra. Họ muốn Bắc Việt không quá mạnh, vì lúc đó họ nhìn thấy Việt Nam và Liên Xô có thể sẽ ký một hiệp ước liên minh.  

Kosal Path, Phó Giáo sư sử học tại Trường Đại học Brooklyn (Brooklyn College), nhận định rằng “giới nghiên cứu chia sẻ một nhận định chung là các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 1973 đã càng ngày càng lo ngại việc Hà Nội nghiêng về phía Moscow.” 

 

Lo lắng này của Trung Quốc hình thành trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Trung Quốc và Liên Xô trong khối Cộng sản trở nên khốc liệt từ thập niên 1960s. Hai cường quốc Cộng sản này đã giao tranh dọc biên giới vào tháng 3 năm 1969. Đến tháng 5 năm đó, Ấn Độ và Bắc Triều Tiên đã đồng ý tham gia liên minh với Liên Xô chống Bắc Kinh. Trung Quốc lo ngại họ sẽ nguy hiểm về an ninh nếu có thêm Bắc Việt Nam ở phía nam của họ tham gia liên minh này. Do đó, việc Bắc Việt Nam lấy thêm được Nam Việt Nam sẽ đi ngược lại lợi ích của họ.

 

Nhà báo Nayan Chanda trong cuốn sách "Người anh em thù địch" (Brother Enemy: The War After the War,) xuất bản năm 1986 cũng viết rằng Bắc Kinh đã “thực thi một cách nhất quán chính sách duy trì tình trạng chia cắt của Đông Dương bằng mọi giá. Họ cũng ngăn chặn các cường quốc khác hiện diện. Để làm điều này, họ thực thi thủ thuật “ngoại giao thầm lặng”, cố gắng gây ảnh hưởng kinh tế, và tất nhiên, không loại trừ sức mạnh quân sự.” 

 

Khi tiếp xúc với Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Alexander Haig để tiền trạm cho chuyến thăm tới Trung Quốc của Tổng thống Nixon tháng 2 năm 1972, Chu Ân Lai đã làm cho Haig sửng sốt khi khẳng định rằng: “Các ông đừng thua ở Việt Nam”, và rằng Trung Quốc “xem việc Hoa Kỳ thất bại và rút quân khỏi Đông Nam Á là nguy hiểm đối với Trung Quốc.”

 

RFA: xin cảm ơn Tiến sĩ George Jay Veith đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

 

------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Luật có cấm mặc đồ giống quân phục VNCH?

·        Nỗ lực xây dựng nền dân chủ thời VNCH

·        Hòa giải dân tộc nhìn từ cách đối xử với người đã mất trong chiến tranh

·        Con đường hòa giải: đi tìm điểm chung qua sự thật lịch sử

·        Phỏng vấn GS. Alex Thái Võ: Hàn gắn nỗi đau chiến tranh-nhớ và quên có chủ đích?





No comments: