Saturday, April 1, 2023

CẦN SA và ẢO MỘNG LÀM GIÀU CỦA NGƯỜI VIỆT NỚI XỨ NGƯỜI (Chi Phương / RFI)

 



Cần sa và ảo mộng làm giàu của người Việt nơi xa xứ    

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 29/03/2023 - 16:29

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20230329-.....BB%87t-n%C6%A1i-xa-x%E1%BB%A9

 

Đi tìm miền đất hứa, khát vọng đổi đời, một số người Việt ở hải ngoại đã chọn con đường làm giàu bằng việc trồng cần sa, hay còn gọi là nghề "chăn mèo". Không ít các trang trại cần sa được canh tác trên diện rộng đã bị triệt phá, nhiều người vướng vào vòng lao lý, như trường hợp của ông Tô Giang. Hành trình "buôn trắng bán cần" đã được cựu nhà báo bộc bạch lại trong cuốn Đường Xanh Viễn XứNếu Không Có Ngày Mai

 

https://s.rfi.fr/media/display/8e1b8d54-ce2f-11ed-a880-005056a90284/w:980/p:16x9/Sans%20titre%20%288%29.webp

Hình ảnh minh họa sách Đường Xanh Viễn Xứ, Nếu Không Có Ngày Mai của Tô Giang. © canva

 

Trong những năm gần đây, tin tức về người Việt bị bắt vì trồng cần sa trái phép trên diện rộng tại Úc và Anh không xa lạ đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Những trang trại cần sa bị thu giữ, trị giá lên đến hàng triệu đô la do người gốc Việt làm chủ. Như vào tháng 1/2022, cảnh sát Úc đã phát hiện gần 20.000 cây cần sa được trồng trong nhà kính trên 90 000 mét vuông, tại một khu đất “biệt lập và hẻo lánh” ở phía tây bang New South Wales. Trị giá của trang trại cần sa trái phép này lên đến 67 triệu đô la, một con số kỷ lục. Sáu người bị bắt, được cho là gốc Việt và thuộc băng nhóm tội phạm có mối liên hệ quốc tế. Một vụ khác, vào tháng 5/2022, trang Daily Telegraph của Úc đưa tin 3 công dân Việt Nam nhận tội vì canh tác cần sa ở Central Coast và phía tây nam Sydney, có trị giá hơn 6 triệu đô la.    

 

Đọc thêm Pháp phá vỡ một mạng lưới người Việt trồng cần sa và buôn ma túy

 

Tại Úc, chính phủ cho phép trồng cần sa vì mục đích y tế từ năm 2016, quá trình này cần thông qua nhiều cơ quan kiểm định và nhiều thủ tục liên quan. Tuy nhiên, việc sử dụng để giải trí, tàng trữ, trồng và buôn bán cần sa là vi phạm pháp luật. Tùy từng địa phương mà hình phạt có thể khác nhau. Tại một số bang, người bị bắt giữ vì tàng trữ một lượng nhỏ cần sa, có thể bị phạt 50 euro, trong khi một số bang khác, đây có thể bị quy vào tội hình sự, bị phạt một số tiền lớn và có thể bị kết án tù.     

 

Tuy nhiên, những lời cám dỗ “triệu đô” đã khiến một số người “xuất ngoại” tìm kiếm giấc mơ giàu sang nơi đất khách. Những người trồng cần sa còn được gọi trong giới theo tiếng lóng là “dân chăn mèo”. Vì hoạt động trong thế giới ngầm nên cũng có quy tắc ngầm, họ cần phải làm mọi cách để có thể che mắt, lẩn trốn sự truy lùng của luật pháp. Họ được ví như những chú chuột và chính quyền chính là những chú mèo. Muốn chăn mèo thành công thì phải biết cách luồn lách luật pháp, tìm ra những lỗ hổng để “siết chặt yết hầu con mèo”.    

 

Hiếm khi nào mà những thông tin về phương thức hoạt động trong thế giới ngầm này được tiết lộ công khai, nhưng ông Nguyễn Tô Giang, từng là một dân chăn mèo, là trường hợp đặc biệt đó. Trong cuốn tự truyện Đường Xanh Viễn Xứ, do công Ty Cổ Phần Văn Hoá và Truyền Thông Nhã Nam xuất bản năm 2021, ông Giang thuật lại quãng thời gian sống trong thế giới ngầm ở Úc : từ một người xa xứ làm công ăn lương, trở thành ông chủ cần sa xứ chuột túi ra sao, cho đến khi sa lưới luật pháp.  

  

Từng là một nhà báo, biên tập viên của đài truyền hình Nghệ An, năm 2013, ông Giang đã quyết định nghỉ việc để đi tìm miền đất hứa ở Úc dưới vỏ bọc “du học sinh”, học tiếng Anh ở Học viện Công Nghệ Melbourn (MIT). Với mục đích là đi để kiếm tiền, ông nhanh chóng móc nối với cộng đồng người Việt, và tìm được việc “trồng cần sa”, chính thức dấn thân vào nghề “chăn mèo”. Trong cuốn sách của mình, ông Giang không ngần ngại chỉ ra những mánh khóe nghề, từ việc ăn cắp điện, cách vận chuyển, cho đến cách tạo vỏ bọc “thiện lương” với hàng xóm và cả những lỗ hổng trong hệ thống luật pháp ở Úc.    

 

Đường Xanh Viễn Xứ là những lời bộc bạch với chính mình, nhưng cũng như là lời cảnh tỉnh của tác giả với người đọc về sự cám dỗ, những toan tính và thủ đoạn làm giàu trong bóng tối, đem lại cuộc sống trụy lạc chớp nhoáng, mà để lại chuỗi ngày dài đau khổ. Cuốn tự truyện này đã được dịch sang tiếng Anh bởi nhà nghiên cứu Lương Thanh Hải, chuyên nghiên cứu về tội phạm học và được phát hành ở Úc bởi nhà xuất bản Bonfirebooks với tên gọi Hearding Cats.   

 

Gần đây, ông Tô Giang đã tiếp tục cho ra mắt độc giả cuốn sách thứ hai, để tiếp nối câu chuyện của mình, với tên gọi Nếu Không Có Ngày Mai, do nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam biên tập. Cuốn sách thuật lại những năm tháng tù tội tại Úc cho đến ngày trở về “bị còng tay”, bị trục xuất khỏi nước Úc và con đường tìm lại ánh sáng.   

 

RFI đã có dịp trao đổi với tác giả Tô Giang về lựa chọn viết sách của mình, mô tả chặng đường làm giàu trong bóng tối để rồi sa ngã, cũng như con đường hoàn lương trắc trở nhưng không hẳn là đầy chông gai.  

 

                                                          ***  


RFI Tiếng Việt cảm ơn ông Tô Giang đã dành thời gian chia sẻ với quý thính giả của đài trong mục Tạp chí Xã Hội tuần này. Trước tiên, đâu là lý do khiến ông quyết định viết sách, viết lại những trải nghiệm chân thật của một nghề trong bóng tối, thường ít ai muốn chia sẻ, để lộ thông tin ?

 

Tô Giang  : Viết là một trong những đam mê của tôi, từ khi còn là sinh viên, tôi đã là cộng tác viên cho các báo thể thao ở Việt Nam. Sau đó, tôi đi làm báo và cũng đam mê viết, nhưng cuộc đời khiến mình ngắt quãng, khi nhìn lại bản thân mình thì thấy cái sai và muốn tìm lại bản năng viết của mình. Khi tôi đã quyết định viết sách thì là phải viết thật, tự truyện là phải chân thật. Con đường mình đã đi như lên thác xuống ghềnh, cũng gặp nhiều biến cố, mình từ một công nhân trở thành ông chủ, cũng đối chọi nhiều, từng ở các băng nhóm, cũng đã từng bị cướp, đã từng thành công, đã từng thất bại, với những âm mưu này kia, nhưng cuối cùng thì sao ? Đó là phải rời khỏi nước Úc, bị còng tay, áp giải ra sân bay và trục xuất khỏi nước Úc. Đó là những hình ảnh nhục nhã, đau đớn cho một cuộc đời, tôi đã về Việt Nam và cũng suy nghĩ, phải sống ra sao, tránh các ánh mắt đấy như thế nào. 

 

Mình đã định ra đi, tìm đến cái chết, vì đau khổ, vì thất bại của một người đàn ông. Nhưng nếu mình sống thì phải sống mạnh mẽ và tìm đến tri thức, thiện lương để thay đổi bản thân mình. Ba mươi tháng trong tù, tôi xem đây là một trường học lớn, một lớp học vĩ đại để thúc đẩy tôi mạnh mẽ, cống hiến nhiều hơn, thực hiện sứ mệnh làm người.   

 

.

Trong cuốn Đường Xanh Viễn Xứ, ông viết : “ Tôi đã lọt vào ma trận để rồi không có đường thoát, bước chân tôi đã ra đi, việc quay đầu về quê hương để làm lại là không thể vì hai chữ sĩ diện”. Vậy khi quay trở về Việt Nam, cho đến nay, ông nhìn nhận chữ sĩ diện đó như thế nào ? Điều gì mà ông thấy khó khăn nhất khi phải đối diện ?    

 

Sĩ diện là một thứ không có giá trị nhưng ai cũng giữ bằng mọi giá, Tôi nghĩ vẫn cần sĩ diện nhưng không phải vì chuyện đó nữa. Hiện câu chuyện sai lầm của mình đã khép lại, mình đang bước sang một chặng đường mới. Tôi thấy quãng thời gian viết sách, ngồi ở nhà, chăm mẹ ốm (rất khó diễn tả). Mẹ nhìn tôi mà không biết là tôi đã đi Úc 7 năm, mẹ tôi đã vô tri không còn nhận biết gì nữa, đó là một trong những nỗi đau mà tôi phải cố gắng hoàn thiện bản thân mình. Đau đớn đó chuyển qua quyết tâm của tôi xây dựng thành một con người mới sống có ý nghĩa, tìm một lối đi tốt nhất.  

 

.

Thông điệp mà ông muốn truyền tải qua hai cuốn sách là gì ?    

 

Khi tôi ở trong tù, tại cái Tết năm 2017, có gần 200 người Việt đón Tết ở một nhà tù gần Melbourn, tức gần một phần năm số tù nhân ở đó, tôi rất chua xót. Tôi thấy tôi cũng như những người Việt khác ở đây, ra đi với lý tưởng đổi đời để rồi lọt vào đây, thì đó là nỗi đau, nó khắc sâu vào tim và tôi phải làm gì đó, viết để chuyển biến, để thay đổi. Ý tưởng viết sách đã được nhen nhóm khi tôi còn trong tù. (Khi sách được xuất bản), rất nhiều người ở Úc, ở Anh đã nhắn tin cho tôi, một số người đã nói đến ý định bỏ đường chăn mèo. Đó là hạnh phúc của người viết, mình có tác dụng với người đọc. Tôi chưa nói rộng là ở xã hội, đối với cộng động, những người đang còn mải mê với tham ái, để biết cuộc sống này còn nhiều thứ, để mà chúng ta tiếp tục, sống một cách đẹp. Đó là những thông điệp mà tôi chuyển qua cuốn sách của mình.   

 

Nếu Đường Xanh Viễn Xứ là vết trượt dài để rồi té ngã, thì Nếu Không Có Ngày Mai là sự đứng dậy của một con người. Tôi đã viết cuốn thứ hai với cảm giác đỉnh cao của tuyệt vọng, nó đau, nhưng mà được chuyển hoá thành trang sách, vừa cảnh báo, vừa chữa lành những ai còn đau khổ vấp váp, hãy tin vào sự nhân ái của cuộc đời, tin vào sự thiện lương.    

 

.

Mặc dù có nhiều trường hợp phạm tội trồng cần sa trái phép đã bị pháp luật xử lý. Bộ Nội Vụ Úc đã trục xuất 380 công dân Việt Nam trong giai đoạn 2016-2017. Nhưng có vẻ như nhiều người vẫn chọn con đường này để làm giàu ?  

 

Rất nhiều người Việt, rất nhiều, tôi không nói là đa số, ở Úc, Anh, nhiều người lựa chọn con đường làm giàu nhanh là trồng cần sa. Tôi biết hệ thống pháp luật của những nước này không chặt chẽ nên nhiều người lựa chọn trồng cần sa. Trong khi cộng đồng ai cũng làm thì mọi người nói chuyện làm ăn, trồng cần sa với nhau như chuyện bình thường. Quá trình tôi ở Úc, ban đầu tôi chưa làm nhưng đi đâu ai cũng nghe nói câu chuyện này, khiến mình cũng phải nghĩ đến đây là con đường làm giàu bình thường.

 

Rất đông, nhiều người nữa, cứ đi nước ngoài là phải kiếm tiền bằng mọi giá, và chính vì vậy mình phải viết để những người ở nhà biết cuộc sống hải ngoại rất khó khăn, đừng gây sức ép, cuối cùng người đi xa phải kiếm tiền bằng mọi thứ. Không chỉ cần sa mà còn nhiều thứ khác nữa. Sau đó là cám dỗ của đồng tiền và nhận thức. Tôi cứ tưởng trước đây mình được đào tạo để trở thành người này người nọ nhưng nhận thức của mình chưa có. Mình đang chạy theo giá trị vật chất tầm thường. Nhưng đừng đánh mất lương tri, tôi đã đánh mất điều đó và nay tôi đang cố gắng tìm lại. Chạy theo chủ nghĩa vật chất rất nguy hiểm, không chỉ cần sa mà còn nhiều thứ khác nữa, nó kéo đổ thành trì đạo đức, khiến xã hội xuống cấp. Hai cuốn sách của tôi là sự cảnh tỉnh về chủ nghĩa quá coi trọng vật chất, cuối cùng đẩy người ta kiếm tiền bằng mọi giá.   

 

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Tô Giang vì những chia sẻ của mình !

 

 

 Đường Xanh Viễn Xứ, xuất bản năm 2021, Công Ty Cổ Phần Văn Hoá và Truyền Thông Nhã Nam, (14,40 € - Tiệm Mọt).

 

Nếu Không Có Ngày Mai, xuất bản năm 2022, NXB Phụ Nữ Việt Nam.

 

---------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Pháp phá vỡ một mạng lưới người Việt trồng cần sa và buôn ma túy

 

Pháp: Nhà trồng cần sa của mạng lưới người Việt bị cháy một cách bí ẩn

 

Thái Lan hợp pháp hóa cần sa để phát triển nông nghiệp và du lịch




No comments: