NHỮNG SAI
LẦM MANG TÍNH NGUYÊN TẮC TRONG BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA MỚI
https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2146393568827395
Những điều viết dưới đây
là đề cập chung cho các bộ sách giáo khoa (SGK) mới, chứ không chỉ riêng cho
‘Cánh Diều’ hay ‘Kết nối trí thức với cuộc sống; và liên quan đến tất cả cả các
môn, chứ không riêng gì Tiếng Việt hay Toán.
Mục đích bài viết không
phải để chỉ trích cá nhân hay bộ SGK cụ thể, mà là để rút kinh nghiệm cho tương
lai, mong có được các bộ sách giáo khoa mới tốt hơn. Tốt hơn theo 5 phương diện:
1. Học ít mà biết nhiều.
2. Biết những điều quý
giá hữu ích.
3. Không mất nhiều thời
gian.
4. Không tốn nhiều công sức.
5. Không mất nhiều tiền bạc.
Vì hạn chế về đề tài,
dung lượng, và thời gian, nên bài viết còn những điều khiếm khuyết. Do vậy, bài
viết không cạnh tranh về tính đầy đủ và tính đúng đắn. Bài viết cũng không toan
tính áp đặt quan điểm của người viết cho người khác.
I. NHỮNG NGUYÊN
NHÂN HỆ THỐNG ẢNH HƯỞNG XẤU LÊN CHẤT LƯỢNG CỦA SGK
Trước khi các bộ SGK mới
ra đời đã xuất hiệu nhiều phản biện gay gắt của xã hội trên truyền thông về hai
phương diện: chất lượng và chi phí. Và nay, ngay khi vừa đưa các bộ SGK mới vào
giảng dạy đã bộc lộ những sai sót nghiêm trọng. Những sai sót của SGK mới là hậu
quả tất yếu từ những sai lầm mang tính nguyên tắc về cách tiếp cận trong thiết
lập cơ chế soạn SGK. Sau đây đề cập đến 6 nguyên nhân chính, đều có nguồn gốc
sâu xa từ một nguyên nhân thống soái.
1. HẠN CHẾ CHỈ 1 CHƯƠNG TRÌNH KHUNG VÀ CHỈ 1 TỔNG
CHỦ BIÊN
Trong vũ trụ không có thứ
gì là độc nhất. Vũ trụ biến hoá đa dạng không ngừng. Tiến bộ nhân loại là một
phần tiến hoá của vũ trụ. Bởi vậy nó chịu sự chi phối của quy luật vũ trụ. Hơn
200 quốc gia trên thế giới không chung một khung chương trình giáo dục. Quy định
một bộ khung chương trình duy nhất cho giáo dục là ràng buộc tiến hoá. Tự do học
thuật cần nhiều chương trình. Rõ ràng khi có 2 chương trình khung là có nhiều lựa
chọn hơn cho người dùng, chắc chăn tốt hơn khi chỉ có 1 chương trình khung.
Ngay cả chỉ có 1 chương
trình khung thì cũng không thể chỉ có 1 tổng chủ biên. Quy định này trói buộc
khả năng tự do toả sáng của các tổng chủ biên. Giống như thiết kế, cùng là thiết
kế máy bay, nhưng mỗi tổng công trình sư có một thiết kế khác. Hạn chế chỉ có 1
tổng chủ biên cho SGK mới đã ngăn cản đường sáng tạo của các tổng chủ biên
khác. Giá mà có 2 tổng chủ biên, thì tình trạng SGK mới đã không rơi vào hoàn cảnh
hiện nay.
2. CHỌN TỔNG CHỦ BIÊN CHƯA PHÙ HỢP
Các tổng chủ biên dù bác
học đa ngành đến đâu cũng không thể đứng đầu được ở nhiều môn học khác nhau.
GS Nguyễn Minh Thuyết có
chuyên môn về tiếng Việt nên có thể tham gia soạn thảo SGK môn tiếng Việt.
Nhưng đặt GS Nguyễn Minh Thuyết vào vị trí tổng chủ biên chương trình khung bao
gồm các môn toán, lý, hoá, sinh, địa , sử, ngoại ngữ… là quá sức của GS Nguyễn
Minh Thuyết. Thực tế việc GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên môn tiếng Việt lớp 1 trong
nhóm ‘Cánh Diều’ đã bộc lộ năng lực hạn chế của GS Nguyễn Minh
Thuyết ngay trong môn tiếng Việt lớp 1, chứ chưa nói đến vị trí tổng chủ biên của
toàn bộ chương trình cải cách SGK mới. Việc để xẩy ra những sai sót mang tính
nguyên tắc, không riêng gì trong môn tiếng Việt, mà ở các môn khác, đều có
trách nhiệm lớn ở tổng chủ biên chương trình khung.
3. CHỌN CÁC TÁC GIẢ VIẾT SGK MANG TÍNH KHÉP KÍN
Nhìn vào chủ nhân của các
bộ SGK và các tác giả SGK, thì biết đây là sân chơi khép kín của một nhóm người
chơi. Đây là rào cản đối với tự do học thuật, mà hệ quả là không cho ra đời được
những bộ SGK tốt.
4. TẬP THỂ VIẾT SÁCH GIÁO KHOA
Không có sách giáo khoa
xuất sắc nào – được viết bởi 5-7 tác giả. Những bộ sách giáo khoa xuất sắc nhất
– tuyệt đại đa số là của 1 tác giả, một số rất ít có 2 tác giả.
Hổ không ngồi chung với
sư tử. Nếu đã có hổ thì báo, chó sói, cáo cũng không thể cùng chung chuồng.
Không ai soạn nhạc cho học
sinh thì phải đưa cho học sinh nghe rồi sửa theo ý thích học sinh. Không ai vẽ
tranh cho thiếu nhi phải đưa cho thiếu nhi xem rồi sửa lại. Không nhà văn nào
viết truyện lại đi đọc cho khắp các tầng lớp người nghe để tiếp thu ý kiến, sửa
rồi mới in. Không công trình kiến trúc nổi tiếng nào lại có thợ sơn, thợ nề, thợ
mộc, thợ điện, thợ nước… đứng chung tên là tác giả.
Các tác phẩm văn học vĩ đại,
các bức tranh nổi tiếng, những tuyệt tác âm nhạc – chỉ có 1 người đứng tên. Các
giáo trình vĩ đại ở đại học đều được tác giả viết mà không cần biết đến ý kiến
sinh viên và người dạy.
Một loạt tác giả đứng tên viết giáo trình có nghĩa
là:
1/ Không ai trong số các
tác giả có đủ khả năng một mình viết giáo trình đó.
2/ Không phân biệt được
công lao đóng góp của mỗi người.
3/ Với sác xuất lớn, những
người đứng trong nhóm cuối mới là những tác giả lao động nhiều nhất.
4/ Chất lượng của giáo
trình được quyết định bởi tác giả có chất lượng thấp nhất.
Trong sáng tạo, càng tập
hợp được trí tuệ của nhiều người càng tốt. Nhưng là để phản biện chứ không phải
là đồng tác giả. Nếu theo ý kiến mọi người mà sửa tác phẩm của mình thì đó là
‘đẽo cày giữa đường’. Tại hoạ của SGK mới – là quá nhiều tác giả đứng tên trong
một cuốn sách giáo khoa phổ thông cho một môn của một lớp.
5. CHƯA THỬ NGHIỆM ĐÃ ĐƯA NGAY VÀO GIẢNG DẠY
Covid-19 làm thiệt mạng
hàng triệu người, mà không ai dám đốt cháy giai đoạn về sử dụng vaccine mới
sáng chế. Thế mà bộ SGK vừa được biên soạn, chưa hề được thử nghiệm, đã đưa
ngay vào giảng dạy chính thức.
Có phải nóng vội vì tài
chính? Đây là một sai lầm không thể chấp nhận được của Bộ GD&ĐT.
6. LỢI ÍCH KINH TẾ
Tất cả các nguyên nhân
trên đều chịu sự điều phối của nguyên nhân bao trùm là lợi ích kinh tế. Lợi ích
kinh tế mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chính lợi ích kinh tế đã đưa
SGK mới đến tình trạng hiện nay.
Nhưng cả 6 nguyên nhân
trên đều có chung một gốc xuất xứ. Tất cả các nguyên nhân nêu trên đều là “con
đẻ” của cơ chế độc quyền.
II. NHỮNG SAI LẦM
TRONG THỰC HIỆN NỘI DUNG
Về thực hiện nội dung,
tuy mức độ có khác nhau, nhưng các bộ SGK mới đều có chung những sai lầm. Sau
đây là một số sai lầm chính.
1. CHẠY THEO THỊ HIẾU TRẺ EM
Những tác giả viết SGK Tiếng
Việt lớp 1, vì đua tranh thị trường, nên chạy theo thị hiếu trẻ em. Họ chọn
hình ảnh, màu sắc, và thú vật làm 3 cột sống chủ đạo để mong sự ưa thích của trẻ
em mà chiếm được thị trường. Họ thấy điều hiển hiện trên bề mặt mà quên mất điều
sâu xa là nội dung phải giảng dạy.
2. XÁC ĐỊNH CHƯA ĐẦY ĐỦ MỤC ĐÍCH CỦA GIÁO DỤC
Viết và đọc chỉ là công cụ
để tiếp thu tri thức và sáng tạo tri thức. Tiếp thu tri thức và sáng tạo tri thức
mới là mục đích chính của giáo dục. Cho nên dạy viết và dạy đọc không thể rời
xa mục đích chính của giáo dục là cung cấp tri thức cho học sinh và dạy cho học
sinh cách sáng tạo tri thức.
Lớp 1 là khởi đầu. Dạy viết
đọc cho lớp 1 là một mục tiêu quan trọng. Nhưng quan trọng không kém là dạy cho
các em thành người. Vì thế phải xác định mục tiêu giảng dạy ở môn Tiếng Việt 1
ngoài viết và đọc là gì? Từ đó mà chọn nội dung các bài học liên quan đến viết
và đọc.
Hàng triệu người dân bao
đời không biết đọc biết viết mà họ vẫn tiếp thu được tri thức và sáng tạo được
tri thức. Họ ngâm thơ, hát, kể chuyện… và sáng tác mà không biết đọc biết viết.
Họ nên người mà không biết đọc biết viết.
Xa rời mục đích chính của
giáo dục đã làm các tác giả sa vào mua vui cho trẻ em trong dạy viết dạy đọc. Họ
đã sai lầm trong chọn lựa các nội dung để dạy viết và dạy đọc.
3. CHỌN SAI ĐỐI TƯỢNG LÀM BÀI HỌC. CHỌN QUÁ NHIỀU
THÚ VẬT VÀ CHUYỆN NGỤ NGÔN
Vì quên mục đích chính của
giáo dục, sa vào mua vui, nên các tác giả đã chọn thú vật làm đối tượng đưa vào
nội dung các bài dạy viết dạy đọc. Vì chọn thú vật nên phải lệ thuộc vào chuyện
ngụ ngôn. Cho nên chuyện ngụ ngôn tràn lan trong SGK Tiếng Việt 1.
Dạy người thì phải đưa
người ra làm đề tài để dạy. Dạy người mà lấy thú ra làm đề tài dạy là “vi phạm
tiên đề”. Dạy người mà ít hình người, toàn hình thú thì trong đầu chỉ nghĩ về
thú. Chuyện ngụ ngôn lại nặng về tiểu xảo, liên quan đến điều tốt lẫn thói hư tật
xấu, thành ra các yếu tố xấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên trẻ em.
Bộ não của Trẻ em lớp 1
hoàn toàn mới mẻ. Nên phải dạy các em những điều trượng nghĩa, làm những việc
cái thế, chứ không dạy tiểu xảo, thói hư tật xấu. Tâm hồn các em thơ ngây thánh
thiện, nên phải chú trọng dạy việc thiện, chứ không dạy điều ác. Điều tốt nhanh
quên, điều xấu nhớ lâu.
4. SỬA VĂN CỦA NGƯỜI KHÁC VÀ TỰ ĐƯA VĂN CỦA MÌNH
VÀO SGK
Sửa văn của người khác là
đại kỵ. Càng không bao giờ được đặt bút sửa văn của các văn hào. Không phải các
văn hào không có lỗi. Nhưng sửa văn của văn hào phải là những người đủ trí tuệ
tương đương. Người thường tuyệt nhiên tránh.
Để tránh bị phê phán, các
tác giả chọn truyện ngụ ngôn của các nhà văn nước ngoài. Nhưng chuyện ngụ ngôn
nước ngoài không phù hợp cho nội dung dạy viết và đọc, nên các tác giả phải gọt
đẽo. Và phạm vào đại kỵ. Làm hỏng cả truyện của các văn hào.
Cả SGK Tiếng Việt 1 của
Cánh Diều lẫn SGK Tiếng Việt 1 của ‘Kết nối trí thức với cuộc sống’ đều có nhiều
văn tự viết của tác giả, cũng như những đoạn văn không xứng đáng được đưa vào
sách giáo khoa lớp 1. Không tiện dẫn thí dụ cụ thể ra đây, vì làm bài viết quá
dài.
Có biết bao nhiêu bài thơ
hay, có biết bao nhiêu áng văn đẹp, có bao nhiêu câu chuyện thành điển tích mà
không đưa vào sách giáo khoa, sao phải dùng đến văn của các tác giả soạn sách
giáo khoa làm bài học? Phải có cách để cấm tuyệt đối các tác giả không được đưa
những đoạn văn hay câu chuyện tự sáng tác của mình vào sách giáo khoa.
5. XU HƯỚNG LẠM DỤNG CÁCH CHỌN TRẮC NGHIỆM
Từ mấy năm nay, cách thi
trắc nghiệm đã ảnh hưởng sang cả môn văn. Một bài thơ, bài văn, một bức tranh
có muôn vàn tư tưởng. Có những tư tưởng người đọc người xem thấy, mà tác giả
không thấy. Đó là sự mầu nhiệm của văn thơ nghệ thuật.
Nay cách chọn trắc nghiệm
lại xâm chiếm tràn ngập sang môn văn, và sang cả dạy viết và đọc ở lớp 1. Bắt
đánh dấu vào các ô tương thích với ý của các đoạn văn là điều không khuyến
khích trong dạy văn. Đó là bắt đầu gò bó trí tuệ sáng tạo của trẻ em đi vào tiểu
tiết, đi vào cụ thể, của tác giả, của giáo viên, rồi bắt các em xa lánh trí tưởng
tượng phóng khoáng của các em. Trẻ em có thể tưởng tượng ra những điều kỳ thú
ngoài bài viết. Đó mới là nguồn cơn của sáng tạo.
Không phải cứ tác giả bài
viết là có tầm nhìn đại bàng. Không phải cứ giáo viên là có tầm nhìn đại bàng.
Trong số các em thơ tuổi lớp 1 có tầm nhìn đại bàng. Không gò ép tầm nhìn đại
bàng vào tầm nhìn của các loài chim khác.
Liệt kê ra các sai lầm
trên đây là để tránh nó trong tương lai.
III. ĐÔI ĐIỀU VỀ
SÁCH TOÁN LỚP 1
Xem qua sách Tiếng Việt
1, thuận tay cầm đến sách Toán 1. Giật mình sửng sốt.
Chỉ có 10 con số, từ số 0
cho đến số 9 mà có thể biểu diễn bất cứ con số lớn ngàn vạn ức tỷ nào. Và với
các phép cộng trừ nhân chia thì thế giới các con số biến hoá khôn lường. Sự mầu
nhiệm của toán học nằm trong sự tối giản và phép biến hoá.
Thế mà sách giáo khoa
Toán 1 đang đi lệch hướng tối giản và hiệu quả của toán học.
1. MẤT QUÁ NHIỀU GIẤY TỜ CHO MỘT NỘI DUNG NHỎ
Chỉ dạy các số từ 0 đến 9
và phép cộng trừ đến 100, người nghèo ngày xưa dùng mấy nét vẽ, xoá đi xoá lại
trên cát, người nghèo gần đây, cần vài chục trang giấy với mươi buổi học. Còn
SGK Toán 1 mới thì sao?
Toán 1 bộ sách ‘Cánh Diều’
dày 172 trang với cơn man rừng rừng các hình vẽ. Ngoài ra, còn có sách ‘Bài tập
Toán 1’, ‘Bài tập Toán 2’ dày cũng tương tự . Còn nữa, 1 tập 36 bài phiếu thực
hành cuối tuần.
Toán 1 của bộ sách ‘Kết nối
trí thức với cuộc sống’ thì chia thành 2 tập, tập 1 dày 114 trang, tập 2 dày
106 trang, tổng thể là 220 trang. Chưa nói đến sách bài tập và bổ trợ.
Chỉ xem ngày giờ, tìm hiểu
độ dài, làm quen các hình và dạy cộng trừ đến số 100 mà trình bày đến 200 trang
sách. Quả là giàu có về giấy vở và thời gian cho một nội dung bé xíu.
Có người biện hộ, sách
bài tập, sách bổ trợ không ai bắt buộc mua. Nhưng tính thi đua của các bậc cha
mẹ – không để cho con bị thua thiệt, mong cho con mình hơn người – sẽ thôi thúc
các bậc phụ huynh mua sách, nhịn ăn nhịn mặc để cho con không thua kém bè bạn.
2. THỰC HÀNH BÀI TẬP NHIỀU QUÁ MỨC CẦN THIẾT
Hết thảy các con số từ
1-100 đều phải thực hành các phép cộng trừ với cơ man nào là hình vẽ. Trong
sách đã nhan nhản các bài tập, lại còn bài tập thêm về nhà, còn cả phiếu thực
hành cuối tuần. Đó là sự thực hành quá mức cần thiết. Nếu phải thực hành hết
các phép tính trong sách giáo khoa và trong sách bài tập thì đúng là “bỏ tù các
em trong bài tập toán”.
Không có nhà toán học vĩ
đại nào trên thế giới, ở tuổi thơ tương ứng, phải làm nhiều phép tính cộng trừ
dưới 100 như các em học sinh Việt Nam phải học sách Toán 1 năm nay. Phép cộng
trừ dưới 100 không làm nên Ác-si-mét.
3. SỬ DỤNG QUÁ NHIỀU HÌNH ẢNH MÀU MÈ
Ai cũng biết trẻ em thích
hình ảnh và màu sắc. Nhưng con số nào cũng bằng hình ảnh, phép tính nào cũng bằng
màu sắc thì dẫn đến loạn thị. Phép tính giản đơn đang biến thành phép tính rối
màu. Đó là sự lạm dụng màu sắc. Đúng là vẽ ra mà dạy!
4. KÉO DÀI QUÁ TRÌNH TIẾP THU TRI THỨC
Như đã nói ở trên, học
xem ngày giờ, làm quen với độ dài và hình vẽ, học phép cộng trừ cho đến 100 –
không cần đến nhiều trang sách, nhiều bài tập, và nhiều hình vẽ như trong sách
Toán 1.
Người viết sách giỏi là
viết dễ hiểu hơn, viết ngắn hơn người viết trước, chứ không phải viết dài hơn,
nhiều hình vẽ hơn, nhiều màu sắc hơn, rối rắm hơn người viết trước.
Nhưng nguy hại của viết
dài, rối rắm nằm ở điểm khác. Đó là kéo dài quãng đường tiếp nhận tri thức. Nó
đi ngược với bản chất toán học.
Điều may mắn của bạn khi
được học với thầy giỏi là thầy đưa điều phức tạp về đơn giản, thầy diễn giải
cái khó hiểu thành cái dễ hiểu, thầy cho bạn con đường ngắn nhất đến tri thức.
Bạn thật không may mắn khi gặp người thầy làm điều ngược lại.
Với đà này thì Toán 2,
Toán 3… Toán 12 sẽ thế nào đây? Học thì phải mua sách, phải trả học phí. Sách
in càng dày càng đẹp thì càng nhiều tiền. Người nghèo sẽ ra sao đây?
Đừng khoác áo các lý thuyết
cao siêu. Đơn giản chỉ có 2 phép tính cộng trừ. Đừng vin vào hình ảnh đẹp và
sách in đẹp bắt mắt. Các bậc phụ huynh và trẻ em sẽ thích điều đó. Nhưng sự tiến
bộ của công nghệ in ấn về hình thức không phải là lý do để làm quanh co nội
dung. Sự yêu thích màu mè và hình khối của trẻ em không thể là lý do kéo dài
hành trình tiếp nhận kiến thức. Nếu các phụ huynh biết rằng, chỉ cần không đầy
một nửa thời gian của 105 tiết học, con của họ vẫn thông thạo phép tính cộng trừ
đến số 100, nếu phụ huynh biết rằng, chẳng cần phải ngàn hình vẽ màu mè, chỉ
mươi trang sách giản đơn, con của họ vẫn thông thạo phép tính cộng trừ đến số
100, thì họ sẽ nhận ra rằng con họ đã học toán ngược với bản chất của toán học
là tối giản và hiệu quả.
5. HOANG PHÍ BỘ NHỚ TRẺ EM
Các tác giả soạn SGK Toán
1 vì muốn cung cấp cho học sinh nhiều thí dụ, với những hình vẽ nhiều màu sắc hấp
dẫn tuổi thơ, mà vô tình đã phạm sai lầm là đã hoang phí bộ nhớ và thời gian của
trẻ nhỏ.
Bộ nhớ của mỗi người có hạn.
Chứa điều này thì thôi chứa điều khác. Bộ óc của trẻ em lớp 1 còn trắng tinh,
thông tin lần đầu sẽ được lưu giữ khó quên. Nên phải đưa những thông tin quý, cần
thiết, nhớ mãi cả cuộc đời vào bộ nhớ của các em. Nhưng các nhà soạn SGK Toán 1
đưa cả hàng ngàn hình vẽ với nhiều màu sắc của cả 200 trang sách, chỉ để dạy
phép cộng trừ cho đến số 100, trải dài trong suốt 105 tiết học, không tính thời
gian làm bài tập thêm ở nhà, hỏi có phí phạm bộ nhớ và thời gian của các em
không? Hỏi có bao nhiêu hình vẽ đó hữu ích cho cuộc đời sau này của các em? Hỏi
sau 50 năm có bao nhiêu hình vẽ đó còn lưu giữ trong trí nhớ của các em? Những
bức tranh vô thưởng vô phạt đó không thể lưu giữ trong trí nhớ của các em, vì
nó phải nhường chỗ để lưu giữ thông tin hữu ích khác.
Cũng là trí nhớ tinh khôi
của em bé 6 tuổi, chân trần, lưng trần, đầu trần – ngó lên bầu trời sao. Em bé
6 tuổi đó biết tìm sao Bắc cực để xác định hướng đi trong đêm. Em biết sao Hôm
sao Mai để xác định thời gian. Em biết các chùm Đại hùng tinh, Tiểu hùng tinh,
Thần nông, Kim Ngưu, Tua Rua, Ngưu Lang, Chức Nữ… Em nhìn lên sao mà biết thời
tiết. Những chùm sao thức dậy trong em sự tò mò về vũ trụ bao la, không bao giờ
bị xoá khỏi trí nhớ em cho đến suốt cuộc đời. Đó là những lưu giữ đầu đời quý
giá.
Phải biết quý trọng mỗi
micron thể tích bộ nhớ tinh khôi của trẻ em. Không thể đưa vào bộ nhớ của các
em hàng ngàn hình ảnh màu mè rồi phải xoá. Không thể bắt bộ nhớ của các em phải
lặp đi lặp lại những phép tính thường nhật nhàm chán – cộng trừ của tất cả các
từ số 1 cho đến số 100, những phép tính mà toán học đã chỉ ra, là chỉ cần làm
thí dụ và suy ra, chứ không phải thực hành tất cả. Thực hành sao hết vô tận các
số. Phải dành thời gian và trí não của các em cho tiếp nhận và lưu giữ những
tri thức quý giá khác.
6. QUÁ NHIỀU TÁC GIẢ
Một điều sửng sốt khác,
là để viết sách Toán lớp 1 dạy 2 phép toán cộng trừ đến số 100, thì sách Toán 1
của ‘Cánh Diều’ có 5 tác giả và Toán 1 của ‘Kết nối trí thức với cuộc sống’ có
đến 6 tác giả. Thậm chí Toán 1 để cho giáo viên của ‘Kết nối trí thức với cuộc
sống’ dày 118 trang nhưng có đến 7 tác giả. Dạy cho học trò xem ngày giờ, dạy
cho học trò cộng trừ cho đến số 100 mà phải viết sách riêng để dạy cho giáo
viên!
Sách giáo khoa Toán lớp 1
lần này gọi nhớ lại thời sinh viên, khi học đại học ở Liên Xô. Thuở đó được học
giáo trình kinh điển ‘Giáo trình phép tính vi phân và tích phân’ (Курс
дифференциального и интегрального исчисления) gồm 3 tập khoảng 2000 trang của
GS Fichtengolz (фихтенгольц) – chỉ duy nhất một người viết. Và dạy cho sinh
viên năm thứ nhất là các thầy giáo đầu ngành, lâu năm, giỏi nhất.
Chừng nào mà sách giáo
khoa còn được viết bới một lô ‘xắc xông’ các tác giả 5 – 7 người như hiện nay,
thì chừng đó đừng mong có được bộ sách giáo khoa xuất sắc. Và chừng nào còn đếm
trang để tính kinh phí thì sách giáo khoa còn bị tiếp tục vẽ rồng vẽ rắn.
Nếu bất bình thì xin hỏi,
ở cơ chế của các nước Âu – Mỹ, các tác giả hiện đang viết SGK có viết SGK cùng
nhau một tập thể như thế này không? Có bán được SGK như thế này không?
Tiếp nhận sự chỉ trích là
một đẳng cấp. Chỉ những nhân cách lớn mới biết chấp nhận và tận dụng được chỉ
trích.
IV. TẠI SAO LẠI
XẨY RA TÌNH TRẠNG NHƯ VẬY?
TẠI CƠ CHẾ.
Cơ chế đẻ ra con người
như vậy. Cơ chế đẻ ra dự án như vậy. Con người và dự án đẻ ra bộ SGK như vậy.
V. AI CÓ LỖI LỚN
NHẤT?
Các tác giả SGK không thể
chối bỏ trách nhiệm về các lỗi nghiêm trọng của SGK. Nhưng họ không phải là người
có lỗi duy nhất.
Trách nhiệm lớn hơn thuộc
về ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trách nhiệm lớn không kém thuộc về ông Phó Thủ
tướng phụ trách ngành giáo dục. Và còn trách nhiệm của những người khác nữa.
VI. ĐỀ XUẤT
Bộ GD&ĐT cần thay đổi
quy trình viết SGK hiện nay, khởi đầu lại một giai đoạn mới bằng một quy trình
khác. Đừng sợ bị chê là thất bại.
Trong hoàn cảnh hiện nay,
chưa thể chống được lợi ích nhóm, thì chỉ cần 2 -3 bộ SGK. Càng nhiều bộ SGK
càng phí phạm thêm tiền bạc của nhân dân, mà chưa nâng cao được chất lượng.
Phải cách mạng cách lựa
chọn tác giả viết SGK. Phải thay đổi cơ chế viết SGK. Phải bắt buộc thực nghiệm
trước khi đưa vào sử dụng.
2 -3 bộ SGK cũng có tính
cạnh tranh – tuỳ thuộc vào cơ chế chọn lựa tác giả viết sách như thế nào. Mỹ chỉ
có 2 ứng viên cho chức tổng thống mà không ai có thể chê bai về tính cạnh tranh
và chất lượng các ứng viên.
Đây là thời điểm cần quyết
định từ cấp trên của Bộ GD&ĐT. Giáo dục quan trọng đến mức từ thường dân
cho đến người đứng đầu quốc gia – đều không thể ngủ.
No comments:
Post a Comment