Sunday, October 18, 2020

NGÔN NGỮ TRUMP (Nguyễn Văn Tuấn)

 


NGÔN NGỮ TRUMP

Nguyễn Văn Tuấn

17/10/2020  lúc 18:59 

https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1097490740698242

 

Báo chí cánh tả rất ghét ông Trump, ghét đến nỗi xem ông như là một kẻ thù. Một trong những lí do mà báo chí cánh tả ghét ông là vì cách ông ... nói. Sáu đặc điểm dưới đây về 'ngôn ngữ Trump' mà các chuyên gia phân tích giúp chúng ta hiểu hơn về ông Trump.

 

Ông Trump

 

Ông Trump vào Nhà Trắng với cái 'background' phi truyền thống. Ông ấy là tổng thống đầu tiên của Hoa Kì chưa từng giữ chức vụ trong hệ thống công quyền, và không từng phục vụ trong quân đội. Ông cũng là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mĩ mà mỗi phát biểu và mỗi chánh sách của ông trong lần tranh cử trước đều bị báo chí xuyên tạc từ đầu đến cuối.

 

Ông Trump làm bất cứ việc gì, từ nhỏ đến lớn, cũng đều bị chửi. Ông Trump không đeo khẩu trang là bị chửi là không làm gương; ông đeo khẩu trang thì bị chửi là bất tài, không kiểm soát được dịch. Thắng lợi của ông Trump trong ngoại giao ở Trung Đông là thất bại đối với New York Times và các tờ báo cánh tả. Có lẽ chính vì thế mà ông Trump không còn quan tâm đến báo chí cánh tả viết gì nữa, vì họ đã mất tinh thần khách quan trong việc đưa tin, và lẫn lộn giữa ý kiến advocacy và thông tin thật. Có thể nói rằng tờ NYT dần dần trở thành một tờ báo giống như những tờ báo của các thể chế toàn trị.

 

Nhưng không phải lỗi đều là của giới báo chí, mà chính ông Trump cũng là nguyên nhân của những chỉ trích cay nghiệt của giới báo chí. Ông từng gây tranh cãi khi gọi báo chí chống ông là "kẻ thù của nhân dân" (enemy of the people), một cách gọi của chế độ toàn trị Liên Xô cũ. (Thật ra, ở Mĩ câu này đã được giới quân sự Mĩ dùng vào thập niên 1970s, chớ ông Trump không phải là người đầu tiên). Gần đây, trong lần 'tranh luận' với Biden, ông Trump dùng câu "stand back and stand by" và thế là rộ lên suy đoán rằng ông Trump là người kì thị chủng tộc, theo chủ nghĩa người da trắng thuợng đẳng (mặc dù các kí giả Mĩ vẫn chưa dám khẳng định ông muốn nói gì). Còn nhiều cách nói như thế làm cho công chúng cảm thấy không thoải mái với tư cách của một tổng thống.

 

Không giống như những người văn hay chữ tốt như ông Obama hay Clinton, ông Trump nói năng rất bộc trực, thậm chí có khi khó nghe. Ông còn có những câu phát biểu có thể hiểu là tự cao tự phụ, tự khen mình (như "stable genius" hay "thiên tài ổn định"), hoặc dùng những chữ có khi được xem là không lịch duyệt và ngoại giao. Ông không dùng ngôn ngữ ẩn dụ kiểu "Dog Whistle" của Bush hay Clinton, mà nói thẳng: không thích ai, ông nói không thích, chớ không hoa mĩ. Ông từng nói thẳng những truyền thông cánh tả như CNN và NYT là "fake news".

 

Ngôn ngữ Trump

 

Ông Trump từng là một người có khả năng hùng biện. Xem qua những lần ông nói chuyện trước đây (trước khi đắc cử tổng thống), ông ấy có cách ứng đáp nhanh nhẹn, cách dùng chữ có khi 'hoa hoè', cách nói không vấp chữ, và cách liên đới câu văn cho thấy ông không phải là người tồi trong ăn nói.

 

Tuy nhiên, từ ngày ông trở thành tổng thống, thì cách nói của ông thay hẳn. Tuy vẫn cách nói nhanh nhẹn không vấp chữ đó, nhưng ông dùng chữ đơn giản và 'bình dân' hơn. Ông còn làm cho nhiều người nhức đầu, vì câu văn có khi chẳng tuân theo cú pháp nào cả. Các chuyên gia cũng đồng ý rằng chúng ta không thể kì vọng khả năng nhận thức của một ông cụ 70 tuổi bằng một người ở tuổi 40.

 

Một phân tích về cách Trump cho rằng ông là một tổng thống rất đặc thù, có 1 không hai, về cách dùng chữ và diễn thuyết. Các chuyên gia phát hiện 6 đặc tính trong các bài diễn thuyết hay ứng khẩu của ông [1]:

 

1. Ăn to nói lớn hay ngoa dụ, lặp lại nhiều lần.

Ông có xu hướng nói cường điệu bằng những tính từ như "very very", many many, super duper, incredible, terrible, best, worst, v.v. Ông còn hay có thói quen dùng trạng từ để nhấn mạnh (như really, extremely, enormously, v.v.) Ông cũng hay có thói quen lặp lại một câu văn ngắn, như “I didn’t wait long. I didn’t wait long."

 

2. Trực tiếp

Ông thường đi thẳng vào vấn đề, không lòng vòng để nói về một vấn đề hay đối phương, kể cả đối phương bên Tàu. Chính vì cách nói này mà giới học giả, hàn lâm, hay giới chánh trị chuyên nghiệp không thích ông, thậm chí bỡn cợt ông. Khi ông nói xây dựng bức tường "Build the Wall" là y như ông nói, không ai có thể hiểu khác.

 

3. Câu văn rời rạc

Trong những lần ứng khẩu, ông phát biểu những câu rất rời rạc, làm cho nhiều người bức tóc không hiểu nỗi ông muốn nói gì. Chẳng hạn như khi được hỏi về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử, ông nói “ … there is no collusion between certainly myself and my campaign, but I can always speak for myself — and the Russians, zero.” (... không có sự thông đồng nào giữa tôi [chắc chắn] và cuộc vận động, nhưng tôi lúc nào cũng có thể nói cho tôi - và chuyện người Nga, không.) Ai hiểu nổi câu đó. Chưa nói đến văn phạm tiếng Anh. Lại có khi ông nói thiếu chữ (như trong câu "If they don’t treat fairly, I am terminating NAFTA", hay "I don’t support or unsupport". (Đúng ra là "If they don't treat me fairly" và "I don’t support or unsupport it") [2].

 

4. Lạc đề và lan man

Tuy cách nói đi thẳng vào vấn đề nhưng sau đó ông lại lạc đề và ... lan man. Tiêu biểu cho đặc tính này là câu trả lời "stand back and stand by", thay vì đi thẳng vào vấn đề là lên án họ, ông lại đột ngột chuyển sang chuyện Antifa! Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngôn ngữ cho rằng việc 'chuyển tông' như thế là bình thường trong văn nói.

 

5. Trình độ cấp 4

Như đề cập trên, từ ngày trở thành tổng thống ông hay dùng chữ đơn giản và câu văn ngắn. Tiêu biểu là khẩu hiệu "Make America Great Again". Theo một phân tích 30,000 chữ từ các bài nói chuyện của ông, một chuyên gia ước tính rằng cách nói của ông tương đương với học trò lớp 4. Còn cựu tổng thống Bush thì trình độ lớp 7, Obama lớp 9. Mỗi câu văn của ông Trump trung bình 17 chữ (ngắn hơn nhiều so với Obama) nên các thông điệp của ông Trump làm cho người bình dân dễ hiểu và dễ gần ông.

 

6. Ngôn ngữ tiếp thị

Một chuyên gia ở ĐH Texas cho rằng chiến thuật nói của Trump giống như chiến thuật của giới quảng cáo, tức là thuyết phục bằng cảm tính hơn là lí trí. Ông hay nói "Believe me", "Many people are saying" (giống như cách nói "Ý của nhân dân" của các nhà cầm quyền cộng sản). Nói cách khác, cách nói của ông giống như cách nói của giới tiếp thị hơn là cách nói của một chánh khách.

 

Tóm lại, theo các chuyên gia về ngôn ngữ, ông Trump có lẽ cố ý chuyển cách nói 'hoa hoè' sang cách nói trực tiếp, đơn giản, cường điệu của giới tiếp thị. Cách nói này tuy có thể lấy lòng được đám đông bình dân, nhưng làm mất lòng và mất thì giờ của giới hàn lâm vốn quen thói phân tích từng câu, từng chữ để bắt bẽ ông.

 

Déjà-vu

 

Những ai từng sống qua thời chiến tranh và quan sát truyền thông Mĩ hiện nay có cảm giác như 'déjà vu'. Các nhóm truyền thông ghét Trump ngày nay cũng chính là các nhóm truyền thông phản chiến của phe tả vào thập niên 1970s.

 

Thời đó, giới truyền thông cánh tả Mĩ rất ghét cuộc chiến y như họ ghét Trump ngày nay. Mỗi một chiến thắng của phe Mĩ và đồng minh đối với truyền thông phản chiến là một chiến bại. Mỗi một chiến bại -- bất cứ nhỏ cỡ nào -- đối với New York Times là thảm hoạ. Mỗi một chiến thắng của đối phương -- bất cứ nhỏ cỡ nào -- đối với họ là một sai lầm thảm hại của Mĩ và đồng minh.

 

Phải công nhận rằng giới truyền thông cánh tả đã thành công mĩ mãn trong việc huy động công chúng Mĩ phản chiến. Những người lính Mĩ hồi hương bị phun nước miếng ngay tại phi trường, làm như họ là những kẻ tội phạm. Điều trớ trêu là sau này những người lính này được vinh danh trong ngày Memorial Day. Ngày nay, báo chí cánh tả chỉ đơn giản lặp lại trào lưu phản chiến đó sang chống Trump. Đó là nhận xét của bỉnh bút Peter Lucas của tờ Boston Herald.

 

12 BÌNH LUẬN   

 

 

 

 

 

 


No comments: