Liệu
Việt Nam có thành con hổ châu Á mới?
17/10/2020
Với lực lượng lao động rẻ,
được đào tạo tốt, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nền kinh tế có độ mở cao,
chính trị ổn định, khả năng kiểm soát dịch bệnh cùng bối cảnh chiến tranh
thương mại, Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để trở thành con hổ kinh tế mới
của châu Á, các chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia
cũng lưu ý gánh nặng các tập đoàn quốc doanh và những cản trở trong môi trường
kinh doanh ở Việt Nam, nhất là vấn đề tham nhũng, sẽ đặt ra những thách thức
cho sự phát triển của quốc gia này trong thời gian tới.
Theo báo cáo ‘Triển vọng
Kinh tế Thế giới’ vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, GDP của Việt Nam
trong năm 2020 ước tính ở mức 340 tỷ đô la Mỹ, vượt qua Malaysia và Singapore
và dự đoán sắp sửa vượt qua cả Philippines (hiện có GDP 367 tỷ đô la) để trở
thành nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực, sau Indonesia và Thái Lan.
Mở cửa và xuất khẩu
Trong bài viết có tựa đề
‘Việt Nam sẽ là điều thần kỳ mới ở châu Á?’ đăng trên tờ New York Times, ông
Ruchir Sharma, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại hãng quản lý đầu tư Morgan
Stanley và là tác giả của cuốn ‘Mười nguyêntắc của các quốc gia thành công’, dự
đoán Việt Nam sẽ theo chân các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để làm
nên ‘điều thần kỳ kế tiếp’ ở châu Á.
“Sau Đệ nhị Thế chiến, những
‘điều thần kỳ châu Á’ - đầu tiên là Nhật Bản, sau đó là Đài Loan và Hàn Quốc, gần
đây nhất là Trung Quốc - đã vươn lên thoát nghèo bằng cách mở cửa cho thương mại-đầu
tư và trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu. Giờ đây, Việt Nam đang theo con
đường tương tự, nhưng trong một thời đại hoàn toàn mới,” tác giả này viết.
Ông đưa ra so sánh rằng
‘trong những năm bùng nổ, những điều thần kỳ châu Á đầu tiên đã có mức tăng trưởng
xuất khẩu hàng năm đạt gần 20% - gần gấp đôi mức trung bình của các quốc gia có
thu nhập thấp hoặc trung bình vào thời điểm đó và Việt Nam đã duy trì tốc độ
tương tự trong ba thập kỷ’.
Ngay cả khi thương mại
toàn cầu sụt giảm trong những năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 16% mỗi
năm, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và gấp ba lần mức trung bình của
các nước mới nổi, ông Ruchir Sharma lưu ý.
Để phục vụ cho nền kinh tế
hướng xuất khẩu, Việt Nam đã dành nguồn lực để xây dựng đường sá, bến cảng để
đưa hàng hóa ra nước ngoài và xây dựng trường học để đào tạo nhân lực trong khi
các nước mới nổi khác chi mạnh tay cho phúc lợi xã hội nhằm lấy lòng cử tri,
cũng theo chuyên gia này.
Việt Nam hiện được xếp hạng
cao về chất lượng cơ sở hạ tầng so với bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn phát
triển tương tự, ông nói.
Về thu hút đầu tư nước
ngoài, trong 5 năm qua, ông Sharma cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt
Nam đạt trung bình hơn 6% GDP, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia mới nổi
nào. Phần lớn số tiền đó đổ vào xây dựng các nhà máy chế tạo và cơ sở hạ tầng
liên quan, và phần lớn đầu tư đến từ các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản
và Trung Quốc.
Chuyên gia của Morgan
Stanley này chỉ ra rằng Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích cho các nhà sản
xuất rời bỏ Trung Quốc để tìm nhân công rẻ hơn. Thu nhập bình quân đầu người
hàng năm ở Việt Nam đã lên gần 3.000 đô la Mỹ, tức tăng gấp 5 lần so với cuối
những năm 1980, trong khi chi phí nhân công vẫn chỉ bằng một nửa so với Trung
Quốc, và nguồn nhân lực này được đào tạo tốt hơn một cách khác thường so với mức
thu nhập của họ.
Kiểm soát dịch tốt
Ông nêu bật việc Việt Nam
đang dịch chuyển từ các sản phẩm công nghệ thấp sang trình độ công nghệ cao hơn
và khen ngợi độ mở của nền kinh tế Việt Nam với hàng loạt hiệp định thương mại
lớn.
“Nguồn lao động có trình
độ đó đang giúp Việt Nam ‘leo lên các nấc thang’, có lẽ nhanh hơn bất kỳ đối thủ
nào, để sản xuất những mặt hàng ngày càng phức tạp. Sản phẩm công nghệ đã vượt
qua may mặc để trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vào năm 2015,
và chiếm phần lớn thặng dư thương mại kỷ lục của nước này trong năm nay,” tác
giả trình bày trong bài báo.
hiều hướng và quay sang ủng
hộ mở cửa biên giới – chính quyền cộng sản nước này đã ký kết hơn một chục hiệp
định thương mại tự do - trong đó có một thỏa thuận trọng đại mới được ký kết với
Liên minh châu Âu là EVFTA.”
Việt Nam cũng đã tận dụng
cơ hội các nước khác đang lao đao vì dịch bệnh để đối phó tốt với dịch. “Kiểm
soát đượcđại dịch đã cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa nền kinh tế trở lại
và hiện nước này đang được dự đoán là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới
trong năm nay,” ông viết.
Ông đưa ra dẫn chứng là
trong khi nhiều nước đang bị sụt giảm tăng trưởng nặng nề và phải tìm đến Quỹ
Tiền tệ Quốc tế (IMF) xin giải cứu thì Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ 3%t
trong năm nay. Ấn tượng hơn nữa, tăng trưởng đó là nhờ vào thặng dư thương mại
kỷ lục, bất chấp giao thương toàn cầu sụp đổ vì dịch bệnh.
Môi trường khó khăn
hơn
Tuy nhiên, so với những
con rồng châu Á ban đầu, những điều kiện thuận lợi hiện nay không còn nữa, ông
Ruchir Sharma lưu ý. Đã qua rồi thời kỳ toàn cầu hóa nhanh chóng, với dòng chảy
thương mại và đầu tư ngày càng tăng. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại trên
toàn thế giới. Trong môi trường này, các cường quốc không còn bỏ qua các chiến
thuật mà các nước châu Á trước đó đã tận dụng để có lợi thế.
Tuần trước, Hoa Kỳ chính
thức cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và khởi xướng cuộc điều tra tương tự
như cuộc điều tra vốn khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc, ông cảnh
báo.
Sự lãnh đạo của một đảng
độc tài gần nửa thế kỷ được kinh tế gia này cho là ‘mối đe dọa thậm chí còn lớn
hơn nữa đối với tăng trưởng liên tục của Việt Nam’. “Nếu không có đối lập, đảng
độc tài có thể thúc đẩy tăng trưởng rất nhanh, nhưng thường những chính sách
tùy hứng không được kiểm soát của họ dẫn đến các chu kỳ bùng nổ và sụp đổ thất
thường, cản lại sự phát triển,” ông nhận định.
“Liệu Việt Nam có thể tiếp
tục thành công này, bất chấp những thách thức tiềm tàng như dân số sụt giảm,
thương mại giảm sút và chính phủ độc tài vẫn tiếp tục nắm quyền? Có thể được,”
ông lập luận. “Mặc dù tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động ở nước này đang
chậm lại, phần lớn người Việt Nam vẫn sống ở nông thôn, do đó, nền kinh tế có
thể tiếp tục phát triển bằng cách dịch chuyển lao động nông ngiệp sang các nhà
máy ở thành thị.”
Theo ông, cho đến nay,
chính phủ Việt Nam đã không có sai lầm chính sách nghiêm trọng vốn thường làm
chậm tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia chuyên chế khác. Do đó, ông nhận định
‘chủ nghĩa tư bản chuyên chế đang có hiệu quả ở Việt Nam một cách khác thường
thông qua các chính sách kinh tế mở và quản lý tài chính khôn ngoan’.
Tuy nhiên, ông cũng dự
báo Việt Nam có thể xảy ra vấn đề ở khu vực kinh tế nhà nước vốn chiếm phần lớn
nợ xấutrong hệ thống ngân hàng. Mặc dù sau nhiều đợt cổ phần hóa, nhà nước nắm
quyền sở hữu ít tập đoàn hơn, nhưng những công ty mà họ sở hữu vẫn rất lớn và
chiếm gần một phần ba sản lượng kinh tế.
“Cần lưu ý rằng các khoản
nợ tăng cao cũng dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính đánh dấu sự kết thúc
tăng trưởng bền vững ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, và giờ đây là cả Trung
Quốc,” ông viết.
‘Điểm son’
Trong khi thế giới khốn đốn
vì dịch Covid thì Việt Nam không mấy hề hấn và điều này đã giúp Việt Nam vươn
lên rất nhiều, Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc giảng dạy chương trình MBA tại
Keller Graduate School of Management tại Mỹ nhận định với VOA.
“Dịch Covid-19 đã khiến
kinh tế Philippines suy thoái trầm trọng, giảm đến 7-8% trong khi Việt Nam vẫn
tăng 3%,” ông chỉ ra và nói ông tin quy mô kinh tế Việt Nam sẽ vượt Philippines
ngay trong năm nay.
Ngoài ra chiến tranh
thương mại Mỹ-Trung cũng khiến Việt Nam được lợi nhờ tăng cường xuất khẩu vào Mỹ,
ông nói thêm.
“Mỹ là nền kinh tế lớn,
tiêu thụ nhiều. Một khi Mỹ bớt mua của Trung Quốc và quay sang mua hàng của Việt
Nam thì chỉ một phần nhỏ trong số đó cũng giúp gia tăng kinh tế Việt Nam,” ông
chỉ ra và dẫn chứng là giao thương của Việt Nam với Mỹ đã tăng 30% so với năm
ngoái.
Tiến sĩ Lộc nêu ra những
‘điểm son’ của Việt Nam so với các nền kinh tế láng giềng khác là: có trên 20
hiệp định thương mại tự do trong đó có những hiệp định lớn như RCEP, EVFTA,
CPTPP; vị trí địa lý thuận lợi với nhiều hải cảng và đầu tư nhiều vào giáo dục
và hạ tầng.
“Điểm son hơn hết là Việt
Nam hiện tại dân số gần 100 triệu, trong đó 65-70% là dưới 37 tuổi. Trên 10 năm
nay Việt Nam đã đầu tư khoảng 8% GDP vào cơ sở hạ tầng và giáo dục,” ông nói và
cho biết tỷ lệ đầu tư này là gấp đôi Philippines.
Do đó, ông nhận định rằng
Việt Nam ‘có điều kiện thuận lợi để bỏ qua những ngành công nghệ thấp và đi vào
kỹ nghệ cao hoặc ít nhất là kỹ nghệ trung’.
“Đầu tư trực tiếp nước
ngoài ở Việt Nam đang đi về hướng kỹ nghệ cao đó,” ông lưu ý và cho rằng Việt
Nam cần xây dựng những tập đoàn lớn thì ‘mới có đủ tiềm lực tài chính, công nghệ
để tập trung vào nghiên cứu, phát triển’.
“Việt Nam cần có khả năng
sáng chế, chế tạo và tiếp nhận chuyển giao công nghệ,” ông khuyến nghị và cho rằng
Việt Nam không thể dựa vào công nghệ nước ngoài mãi.
Thách thức
Tuy nhiên, vị giáo sư này
cảnh báo môi trường kinh doanh ở Việt Nam dù có tiến triển nhiều trong những
năm qua vẫn còn thua xa các nơi khác như Hong Kong hay Singapore vì những luật
lệ, thủ tục và ‘chi phí bôi trơn.’
“Việt Nam hiện giờ tham
nhũng có giảm bớt nhưng vẫn nằm trong nhóm tham nhũng nhất thế giới,” ông lưu
ý. “Việt Nam chắc chắn cần phải cải thiện.”
Ông cũng chỉ ra bài học từ
Nhật Bản là sau hàng chục năm tăng trưởng liên tục, nước này đã chựng lại trong
vòng 20 năm qua ‘vì số nợ của các tập đoàn quá lớn’.
Ông cảnh báo số nợ của
các tập đoàn nhà nước hiện nay vẫn rất nhiều mặc dù đã được cổ phần hóa. “Nếu
không cẩn thận và tư hữu hóa dần dần thì các tập đoàn này sẽ vỡ nợ,” ông Lộc nói.
Về lợi thế xuất khẩu của
Việt Nam, chuyên gia này khuyến cáo nên ‘đa dạng hóa’ chứ không nên tập trung
vào một số thị trường như Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro.
Dẫn ra việc Việt Nam được
xếp vào nhóm ‘tiểu hổ’ châu Á cùng với Indonesia, Malaysia, Thái Lan và
Philippines, Tiến sĩ Lộc dự đoán rằng trong vòng 5-7 năm nữa, nền kinh tế Việt
Nam ‘sẽ vượt Thái Lan’ trở thành quốc gia lớn thứ hai trong khu vực.
No comments:
Post a Comment