Friday, October 16, 2020

GIẢI NOBEL Y - SINH 2020 và CUỘC CHƠI MỚI BẮT ĐẦU (Trần Gia Huấn)

 


Giải Nobel Y – Sinh 2020 và cuộc chơi mới bắt đầu

Trần Gia Huấn

15/10/2020

https://baotiengdan.com/2020/10/15/giai-nobel-y-sinh-2020-va-cuoc-choi-moi-bat-dau/

 

Đầu tháng 10/2020, Ủy ban Nobel của Hoàng gia Thụy Điển đã vinh danh ba khôi nguyên: Harvey J. Alter và Charles M. Rice, người Mỹ, Michael Houghton gốc Anh, sống ở Canada, cho công cuộc tìm kiếm virus viêm gan C mà ngày nay thế giới biết tới với tên Hepatitis C. 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/0-107.jpg

Ba nhà khoa học nhận giải Nobel về y – sinh, từ trái: Harvey J. Alter, Charles M. Rice và Michael Houghton

 

Vào năm 1947, nữ bác sỹ chuyên khoa gan người Anh đã chia viêm gan thành hai nhóm: viêm gan A và B (hepatitis A, B) dựa vào những dấu hiệu lâm sàng và đường lây nhiễm.

 

Viêm gan A (hepatitis A) lan truyền qua đường ăn uống, thời gian ủ bệnh ngắn, những biểu hiện lâm sàng như vàng da, vàng mắt, mệt mỏi chán ăn rất rầm rộ, nhưng qua đi khá nhanh. Bệnh nhân không bị ảnh hưởng lâu và nặng, ít biến chứng, và thường có kháng thể tự nhiên.

 

Viêm gan B (hepatitis B) truyền qua đường máu hoặc những chất tiết, thời gian ủ bệnh lâu, biến chứng nặng và lâu dài như sơ gan, ung thư gan. Số nạn nhân tử vong do biến chứng rất cao. Vào thời điểm đó, chưa một ai biết nguyên nhân gây ra viêm gan A hay B.

 

Mãi đến năm 1967-1968, hai bác sỹ người Mỹ là Carleton Gajdusek và Baruch Blumberg mới chứng minh được rằng viêm gan là do virus. Phát hiện này như một trái bom tấn ném vào ngành gan học (hepatology). Hay nói cách khác, đó là một cuộc cách mạng sâu sắc trong chẩn đoán, điều tri, chăm sóc, phòng ngừa, truyền máu, sản xuất vaccine về căn bệnh hiểm nghèo viêm gan. Ông đã giành giải Nobel Y Sinh năm 1976.

 

Tuy vậy, vào thời điểm đó, nền y học hiện đại của nhân loại mới chỉ biết một phần nhỏ về chứng viêm gan.

 

.

Không phải viêm gan A, cũng không phải viêm gan B

 

Harvey J Alter, sinh tại New York, khi còn là bác sỹ trẻ phụ việc cho Baruch Blumberg tại viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, đã đưa ra một quan sát: Nhiều bệnh nhân có dấu hiệu viêm gan rất rõ, nhưng không tìm thấy virus viêm gan A hay B. Rồi ông lại thấy nhiều người không mang virus viêm gan A hay B nhưng vẫn truyền bệnh viêm gan cho người khác.

 

Ông tạm gọi dạng bệnh này là “Viêm gan không phải A, không phải B” (non A, non B hepatitis). Quan sát này đã đưa ông vào con đường tìm kiếm nguyên nhân.

 

Michael Houghton, dựa vào những nhận định của Harvey Alter mà tiên đoán rằng nguyên nhân phải là virus. Nếu không bắt được thủ phạm, thì đi tìm dấu vết của nó. Ông cùng đồng đội đã đi một đường vòng, tìm kháng thể trước, rồi từ đó sẽ tìm ra kháng nguyên. Ông lập luận như vậy.

 

Charles M. Rice sinh năm 1952 tại Sacramento, California, đang làm việc tại Đại học Washington, St. Louis, một chuyên gia về di truyền học phân tử, cũng lao vào cuộc săn lùng phù thủy.

 

Đã mười năm qua đi kể từ khi họ bắt tay vào công việc, nhưng đều vô vọng. Cuối năm 1978, Harvey Alter cầm trên tay một ống nghiệm có chứa huyết thanh gây bệnh viêm gan cho động vật thí nghiệm, nhưng không cách gì tìm ra thủ phạm nằm ngay trong đó. Ông khổ đau tuyệt vọng viết một bài thơ như lời cầu nguyện:

 

No antigen or DNA

No little test to mark it way

Oh great liver in the sky

Show us where and tell us why

Send us thoughts that will inspire us

Let us see this elusive virus.

 

(Tạm dịch: Không thấy kháng nguyên hay ADN. Biệt vô âm tín. Ôi buồng gan vĩ đại trên trời cao. Hãy chỉ cho chúng tôi ở đâu và tại sao. Hãy ban cho chúng tôi niềm cảm hứng. Để chúng tôi tìm ra con virus quỷ quyệt này).

 

Đến 1989, Harvey Alter là người kết thúc một chặng đường dài gian khổ, rong ruổi hơn hai thập kỷ để tìm ra thủ phạm gây bệnh viêm gan C.

 

Các nhà y học thế giới xếp cuộc săn lùng virus viêm gan C là một trong những cuộc tìm kiếm gai góc nhất trong lịch sử y khoa đương đại. Nó khó gấp mười lần cuộc tìm kiếm virus HIV (SIDA) và khó gấp nhiều, nhiều lần so với việc tìm ra corona virus.

 

Nhưng rồi họ đã thành công. Hàng triệu mạng người được cứu mỗi năm. Họ đã đặt nền móng cho những nhà dược học tìm kiếm thuốc đặc trị. Họ cũng đã mở đường để chúng ta hiểu rằng virus viêm gan C thuộc nhóm flaviriruses, cùng họ hàng với virus sốt xuất huyết, sốt vàng, và bệnh West Nile. Họ cũng đã đặt ra một lộ trình nếu muốn chiến thắng một loại virus, phải tìm ra thủ phạm, tìm thuốc đặc trị, và cuối cùng loại trừ nó bằng vaccine.

 

Giờ đây, bộ ba cùng nhau chia giải thưởng Nobel quang vinh, giành cho Y học – Sinh lý học 2020, trị giá 1.1 triệu Mỹ kim.

 

Charles Rice, 68 tuổi, đang làm việc tại Đại học Rockefeller, New York, còn Harvey Alter, 85 tuổi, vẫn đang tại Học viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ. Cả hai đang ngày đêm miệt mài trong cuộc tìm kiếm vaccine cho đại dịch virus Vũ Hán. Còn Michael Houghton, 69 tuổi, tại Đại học Alberta, Edmonton, Canada, vẫn đang vùi đầu vào công trình tìm vaccine viêm gan C. Ông hy vọng sản phẩm sẽ được hoàn tất vào khoảng năm 2030.

 

.

Cuộc chơi mới bắt đầu

 

Nhân loại đã phải mất hơn 20 năm mới tìm ra virus viêm gan C. Rồi từ khi bắt được nó đến nay đã 30 năm. Thế là nửa thế kỷ đã qua. Chúng ta chưa tìm ra vaccine cho virus viêm gan C. Tai họa vẫn đang lơ lửng trên đầu.

 

Tại sao một khám phá đã nằm im trong hộc tủ cách nay 30 năm, nay Ủy ban Nobel lại lôi nó ra vinh danh giữa lúc virus Vũ Hán đang tàn phá khắp hành tinh?

 

Các nhà bình luận cho rằng, Ủy ban Nobel muốn động viên, khích lệ các nhà virus học, vaccine học đang ngày đêm âm thầm tìm phương pháp điều trị và vaccine cho virus Vũ Hán (Sars-CoV-2).  Ủy ban Nobel cũng muốn nhắc nhở rằng, từ khi bắt được virus cho đến khi tìm ra vaccine là quãng đường đài đầy gian lao, khó nhọc.

 

Liệu nhân loại có thể loại trừ virus Vũ Hán bằng thứ vaccine “ăn xổi” của Nga, hay loại vaccine “mì ăn liền” của Tàu. Công cuộc chinh phục virus Vũ Hán mới bắt đầu. Người dẫn điểm ở vòng loại, chưa hẳn là người lọt vào trận chung kết. Người chiến thắng trận đầu, chưa hẳn là người chiến thắng ở trận sau cùng.

 

 

 

 

 


No comments: