Bầu
cử Mỹ: Bỏ phiếu qua thư có đảm bảo an toàn?
14/10/2020
Một chuyên viên bầu cử gốc
Việt nói rằng bỏ phiếu bằng thư là cách bỏ phiếu ‘an toàn, tiện lợi, thoải mái
và đảm bảo trung thực’ vì đã được ‘giám sát rất chặt chẽ’ trong khi một số cử
tri gốc Việt ‘không yên tâm’ về bỏ phiếu qua thư.
Gần một tháng nữa đến
ngày bầu cử ở Mỹ 3/11 nhưng hàng triệu cử tri trên nhiều tiểu bang đã thực hiện
quyền công dân của mình bằng cách bỏ phiếu qua thư, nhất là trong bối cảnh dịch
bệnh COVID.
Tuy nhiên, một số cử tri
Cộng hòa không tin tưởng về bỏ phiếu qua thư vì họ cho rằng ‘dễ tạo điều kiện
cho gian lận’. Bản thân Tổng thống Cộng hoà Donald Trump cũng nhiều lần bày tỏ
nghi ngờ về cách bỏ phiếu này.
‘Ai cũng nhận được phiếu bầu bằng
thư’
VOA trao đổi mới một nhân
viên bầu cử có 16 năm kinh nghiệm ở Hạt San Diego, miền nam bang California, để
tìm hiểu cách thức đảm bảo tính an toàn và trung thực của việc bỏ phiếu qua
thư.
Ông Sử Nguyễn, cư
dân thành phố San Diego và là chủ tịch cộng đồng người Việt ở đây, cho biết quận
hạt chỗ ông có truyền thống bỏ phiếu qua thư lâu nay.
“Vì dịch bệnh, để tránh tình trạng tập trung đông
người sẽ không tốt cho người lớn tuổi, những người có bệnh từ trước, thống đốc
tiểu bang đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan tổ chức bầu cử phải gửi phiếu bầu bằng
thư cho tất cả những người đã ghi danh đi bầu mặc dù người ta không có nhu cầu
đi bầu bằng thư,” ông Sử trình bày.
Sau khi nhận được bộ phiếu
bầu bằng thư này, cử tri có quyền lựa chọn: hoặc là điền phiếu xong và đem ra
bưu điện gửi, hoặc là chờ đến ngày phòng phiếu mở cửa thì đem ra bỏ phiếu, cũng
theo lời nhân viên bầu cử này.
Ngoài việc gửi cho bưu điện,
các cử tri bỏ phiếu qua thư có thể đến 126 thùng phiếu đặt sẵn trên khắp hạt
San Diego để bỏ phiếu của mình vào thùng mà không cần chờ đến ngày bầu cử. “Những
điểm thả phiếu này (drop-off box) bây giờ đã đi vào hoạt động rồi và có người
canh giữ,” ông nói.
Lá phiếu có thất lạc?
Ông Sử cho biết cử tri có
thể theo dõi hành trình của lá phiếu để đảm bảo không bị thất lạc. Mỗi lá phiếu
đi đến đâu đều được thông báo cho từng cử tri nếu họ lựa chọn hình thức được
thông báo. Còn nếu ai muốn chắc hơn nữa thì có thể gọi thẳng vào văn phòng bầu
cử để hỏi thì sẽ được cho biết lá phiếu của họ hiện đang ở đâu.
“Nếu tới ngày cuối cùng
mà cử tri cũng không yên tâm và nghĩ rằng lá phiếu của mình đã bị mất thì có thể
yêu cầu được gửi lá phiếu thứ hai. Văn phòng bầu cử nhận được lá phiếu nào của
họ trước thì lá phiếu đến sau sẽ bị vô hiệu,” nhân viên bầu cử này giải thích.
‘Cẩn thận chữ ký’
Ông Sử cũng lưu ý các cử
tri phải cẩn thận khi ký tên ngoài phong bì trước khi gửi đi: phải chính cử tri
đã bỏ phiếu ký tên chứ không được để cho người khác trong gia đình bầu thay hay
ký thay.
“Tiến trình kiểm phiếu được
tổ chức rất chặt chẽ để tránh gian lận. Đầu tiên họ sẽ xác nhận cử tri đó có phải
là người đã đăng ký trong hồ sơ lưu trữ hay không. Họ sẽ đem hồ sơ lưu trữ ra để
so sánh chữ ký, nếu chữ ký khớp thì lá phiếu đó mới được đếm. Nếu không giống
nhau thì cử tri sẽ nhận được lá thư từ văn phòng bầu cử yêu cầu xác nhận có phải
là chính họ ký tên hay không,” ông nói và kêu gọi các cử tri khi nhận được phiếu
bầu qua thư ‘phải đọc kỹ hướng dẫn để bầu cho đúng’.
Trên lá phiếu có rất nhiều
nội dung bầu chọn từ Tổng thống cho đến tiểu bang và địa phương, ngoài ra còn lấy
ý kiến về các dự luật nữa. Nếu ai chỉ bầu cho Tổng thống thôi mà bỏ qua các nội
dung khác thì lá phiếu của họ vẫn có giá trị,nhân viên bầu cử này cho biết.
Một điều nên lưu ý, vẫn
theo lời ông Sử, là ở cột điền tên ứng viên – vốn dành cho những ứng viên nào nộp
hồ sơ ứng cử trễ nên không kịp in tên trên lá phiếu – các cử tri nếu đã bầu cho
một người ở trên rồi mà vẫn tiếp tục điền tên người đó một lần nữa thì lá phiếu
đó coi như không hợp lệ. Cột đó chỉ dành điền tên những ứng viên không có tên
trên phiếu bầu mà thôi.
‘Có thời gian suy nghĩ’
Từng bỏ phiếu qua thư
trong nhiều kỳ bầu cử, ông Sử nói bầu qua thư giúp cử tri có nhiều thời gian
cân nhắc, tìm hiểu và nếu có thắc mắc thì có thể gọi điện đến văn phòng bầu cử
để hỏi.
“Mình có thời giờ để đảm
bảo những gì mình bầu là thỏa đáng rồi mới gửi đi,” “không bị áp lực gì hết.”
“Bầu bằng thư là một
phương pháp rất đơn giản và thoải mái cho cử tri. Mình không cần tốn tiền xăng
để đi ra phòng phiếu,” ông Sử nói thêm.
Ông kêu gọi các cử tri nếu
bỏ phiếu qua thư thì nên bỏ phiếu sớm ‘để có thời gian theo dõi và kiểm soát lá
phiếu của mình’.
‘Không yên tâm’
Khác với ý kiến của nhân
viên bầu cử này, ông Tommy Lưu, một cử tri tại Hạt Fairfax, bang
Virginia, nói với VOA rằng ‘đã nghe rất nhiều vụ gian lận về bỏ phiếu qua thư
trên mạng xã hội’ nên quyết định sẽ đi bỏ phiếu trực tiếp.
“Tôi đã thấy họ đăng tải
những hình ảnh có bao nhiêu lá phiếu trong thùng rác hay bỏ bên đường cho xe
rác đến thu gom,” ông nói. “Tôi sẽ đi đến phòng phiếu để yên tâm hơn.”
Ông Lưu cho biết gia đình
ông đã nhận được phiếu bầu qua thư vốn tự động gửi về nhà cho các cử tri đã
đăng ký, nhưng ông đã ‘ném tất cả vào thùng rác’.
“Sau đó tôi mới biết là nếu
không có lá phiếu đó thì sẽ không đổi được lá phiếu khi đến phòng phiếu. Do đó
tôi đã lên trang web của tiểu bang để yêu cầu họ gửi lại lá phiếu qua thư
khác,” ông nói.
Ông Lưu đang chờ đợi đến
sau ngày 14/10, hạt Fairfax chỗ ông ở sẽ mở thêm nhiều điểm bỏ phiếu nữa (hiện
giờ chỉ có một điểm). Khi đó, ông sẽ đưa cha mình, hiện đã ngoài 80 tuổi, đi bỏ
phiếu trực tiếp.
Về mối lo COVID, ông Lưu
nói cha con ông sẽ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội nên ‘không sợ’.
Khi có nhiều điểm bỏ phiếu
thì xếp hàng sẽ ngắn hơn và sẽ đỡ sợ hơn, ông nói thêm.
No comments:
Post a Comment