Lý Thái Hùng
29/05/2019
Sau gần một tháng không xuất hiện do bị đột quỵ, vào
chiều ngày 14 tháng 4 khi đến công cán ở Kiên Giang, ông Nguyễn Phú Trọng đã xuất
hiện liên tục trong ba cuộc họp với cán bộ chủ chốt (14/5), Bộ chính trị (15/5)
và Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương đảng khóa 12 (16/5). Trong khi đó, giữa
Quốc hội và Chính phủ hiện đang tranh cãi về việc tăng giá điện hôm 20 tháng 3,
gây ra nhiều ý kiến trái chiều do sự kiện người dân đã phải đương đầu với đời sống
quá đắt đỏ, trăm thứ thuế, mà bây giờ giá điện lại tăng cao một cách bất ngờ.
Hai diễn biến này cho thấy tình trạng bất ổn trong xã hội Việt Nam đang có nguy
cơ bùng phát.
Những sóng ngầm nội bộ Đảng CSVN sắp biến thành sóng dữ
Xuất hiện trong ba cuộc họp, những phát biểu của ông
Nguyễn Phú Trọng đã được cho phổ biến công khai trên truyền hình và mạng
Internet mà trước đây không hề có. Nhưng điểm đáng chú ý của cả ba cuộc họp,
ông Nguyễn Phú Trọng không đứng phát biểu mà ở thế ngồi với dây chằng phía sau
ghế. Điều này cho thấy là tuy ông Trọng đã phần nào hồi phục sau đột quỵ, nhưng
chân vẫn còn yếu không thể đi và đứng được lâu nên có thể phải ngồi xe lăn.
Nguyễn Phú Trọng ngồi xe lăn
Có lẽ để khỏa lấp việc chưa đi đứng được bình thường,
cũng như để hóa giải những sự đồn đoán vô năng sau cú đột quỵ, phe ông Trọng đã
cố tình để cho ông Trọng phát biểu một số nội dung mang tính chất “giáo huấn”
và “ra lệnh” đối với cán bộ Trung ương, để chứng tỏ rằng, ông Trọng vẫn còn
minh mẫn và cầm chịch quyền lực.
Thực tế, ông Trọng bị đột qụy vào thời điểm mà đảng
CSVN bận rộn nhất của năm 2019. Đó là thời kỳ chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ
các cấp. Tức là thời kỳ tuyển chọn và đóng chốt những nhân sự cốt lõi cho các
hoạt động ở địa phương trong 5 năm trước mặt. Đây là lúc mà ông Trọng và phe
nhóm sử dụng hiệu ứng của việc đốt lò trong hai năm qua để thanh lọc và đưa
hàng ngũ cán bộ của phe ông Trọng vào nắm giữ các đảng bộ và trung ương đảng.
Sự kiện đột qụy
của ông Trọng khi đến Kiên Giang là điều bất ngờ – bất ngờ hơn cả việc ông quyết
định đi công cán ở Kiên Giang lần đầu tiên ngay trong ngày sinh nhật 14/4. Hệ lụy
của cú đột quỵ bất ngờ, xui xẻo này của ông Trọng (nhưng là niềm vui lớn bất ngờ
đối với các phe nhóm khác như phe Nguyễn Tấn Dũng, phe Nguyễn Xuân Phúc, phe
Nguyễn Văn Chi…) là triều đại của ông Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc sớm hơn dự
trù.
Với những quyền lực đang nắm trong tay, đa số người
ta nghĩ là ông Trọng sẽ tiếp tục giữ ghế Chủ tịch nước và Tổng bí thư thêm một
nhiệm kỳ 13 (2021-2026). Nhưng nay tất cả mọi sự đã đảo ngược, ông Trọng cùng một
lúc phải chèo chống ba việc vô cùng khó khăn: tìm người kế thừa mình; tổ chức Đại
hội 13 thành công; gạn lọc, ngăn chận người của những phe nhóm khác ra tranh
giành ghế ở đảng bộ địa phương và bầu vào tân trung ương đảng.
Tình hình nói trên chắc chắn sẽ tạo ra những biến động
với những đợt sóng ngầm đấu đá bên trong nội bộ đảng CSVN ngày một gay gắt hơn
khi gần đến đại hội 13. Sự đột quỵ của ông Trọng không chỉ làm cho phe ông Trọng
mất dần ưu thế cầm chịch quyền lực, mà còn làm cho diễn tiến bầu bán nhân sự ở
cấp địa phương và trung ương trong Đại hội sẽ trở lại rộn ràng với các đòn chạy
chức, chạy quyền được thao túng bởi các phe nhóm. Đấu đá nội bộ lần này sẽ còn
gay gắt, trầm trọng gấp bội so với tình hình đại hội đảng 12 (2016-2021).
Những bất mãn xã hội sẽ tỏa rộng, dâng cao hơn nữa
Trong khi đó xã hội Việt Nam lại bùng phát quá nhiều
yếu tố tiêu cực một cách dồn dập: vụ tranh cãi về sách đánh vần công nghệ giáo
dục đã thí nghiệm hơn 4 thập niên mà chưa có kết luận; vụ gian lận thi Trung học
phổ thông Quốc gia 2018 liên quan đến hàng loạt bài thi của con em cán bộ được
nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; vụ lình xình trong việc truy tố
thủ phạm ấu dâm cựu thẩm phán Nguyễn Hữu Linh ở Đà Nẵng; và như đổ dầu thêm vào
lửa, người dân ngỡ ngàng khi nhận hóa đơn tiền điện tăng từ 50% đến 70% sau khi
Bộ Công Thương điều chỉnh tăng giá điện từ ngày 20 tháng 3, 2019.
Việc tăng giá điện, theo Bộ Công Thương cho biết là
đã dự trù thực hiện vào Quý II năm 2018 nhưng cuối cùng hoãn lại vì lo sợ làn
sóng phản đối của xã hội cùng lúc với sự thảo luận và thông qua Luật An Ninh Mạng
và Luật Đặc Khu ở Quốc hội (đã dẫn đến cuộc biểu tình rầm rộ ngày 10 tháng 6,
2018 khắp 12 tỉnh thành). Qua việc nhà nước CSVN phải tăng giá điện dù biết sẽ
gây công phẫn trong dư luận quần chúng cho thấy là tình hình kinh tế của Việt
Nam đang gặp khó khăn, thu không đủ chi, dù họ có khoe rằng đầu tư ngoại quốc
(FDI) gia tăng.
Theo báo cáo của Bộ Tài Chánh, năm 2018, CSVN đã phải
vay khẩn cấp 16 tỷ Mỹ Kim để trả nợ đáo hạn là 11 tỷ Mỹ Kim và cho việc chi
dùng là 5 tỷ Mỹ Kim. CSVN hiện nay thất thoát 3 nguồn thu rất quan trong: 1/ Dầu
thô xuống giá; 2/ Thuế nhập khẩu giảm vì muốn hấp dẫn đầu tư; 3/ Thuế đất xuống
vì thị trường địa ốc bị khủng hoảng.
Để bù đắp vào việc thiếu hụt ngân sách, CSVN chỉ còn
một con đường duy nhất là tăng thuế, tăng giá. Sau đợt tăng giá điện và xăng, trong thời gian tới,
CSVN sẽ tăng 5 loại thuế bao gồm thuế giá trị phụ trội-VAT, thuế tiêu thụ đặc
biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên mà Bộ
Tài Chánh dự trù tăng vào năm 2018 nhưng đã dời lại năm nay.
Sự thiếu hụt ngân sách đã cho thấy là sự phát triển
không bền vững của nền kinh tế hoàn toàn dựa vào đầu tư ngoại quốc, trong khi
thực chất các ngành kinh tế quốc doanh và tư doanh quá yếu kém, khiến cho chất
lượng cuộc sống của người dân thấp kém, tâm lý bất an với những vấn nạn xã hội
phát sinh ngày càng nhiều, chênh lệch giàu nghèo gia tăng, cùng với sự xuống cấp
thê thảm về văn hóa, đạo đức xã hội.
Trong khi đó với cuộc chiến mậu dịch đã và đang bùng
nổ sang nhiều lãnh vực về công nghệ, tiền tệ và gián điệp giữa Hoa Kỳ và Trung
Quốc hiện nay chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực lên tình hình Việt Nam.
Việt Nam được cho là quốc gia hưởng nhiều lợi ích về đầu tư ngoại quốc (FDI) do
những công ty muốn tránh áp thuế của Mỹ di dời nhà máy sang Việt Nam, nhưng với
sự yếu kém của nền kinh tế hiện tại, Việt Nam tiếp tục là nước gia công và lệ
thuộc vào Trung Quốc ngày một nhiều hơn.
Ngoài ra, xung đột Biển Đông hiện có thể bùng nổ bất
cứ lúc nào khi mà Bắc Kinh càng ngày càng gia tăng quân sự hóa các đảo với tham
vọng kiểm soát Biển Đông, trong khi đó, Hoa Kỳ đã tăng cường tuần tra biển Đông
và lôi kéo CSVN hợp tác với Hoa Kỳ và quốc gia đồng minh để ngăn chận tham vọng
của Bắc Kinh.
Với mối quan hệ phức tạp nói trên, CSVN hiện đang ở
thế đu dây rất chênh vênh và có thể xảy ra những đột biến chính trị nội bộ khi
mà xung đột Trung – Mỹ bùng nổ thành cuộc chiến toàn diện.
Nhằm ngăn chận sự bất mãn trong dân và những chuyển
biến phức tạp của tình hình, CSVN đã một mặt trấn áp mạnh mẽ các lực lượng dân
chủ, bắt giữ gần 300 nhà hoạt động với án tù nặng nề từ 5 đến 20 năm tù giam
trong ba năm vừa qua. Mặt khác, dùng Luật An Ninh Mạng để khống chế những
Facebooker không được loan truyền những thông tin chống chế độ, đồng thời tạo
áp lực với công ty Facebook tháo gỡ những bài viết, những youtube mà chế độ cho
là bất lợi cho mình.
Theo bản tin Reuters ra ngày 24 tháng 5, thì từ tháng
7 đến tháng 12 năm 2018, Báo cáo Minh bạch của Facebook đã hạn chế truy cập lên
đến 1.553 nội dung đăng tải và 3 hồ sơ ở Việt Nam, so sánh với 265 nội dung bị
hạn chế trong thời gian 6 tháng nửa đầu năm 2018. Tức là Facebook đã bị áp lực
của Bộ 4T để gia tăng mức hạn chế tới 500% các thông tin liên quan tới chế độ
trong nửa năm cuối 2018.
Phản kháng phi bạo lực sẽ mở rộng trên đường phố
Tuy nắm trong tay một lực lượng công an mật vụ rất lớn
và sẵn sàng dùng xã hội đen để đàn áp, răn đe những người yêu nước, CSVN không
thể tồn tại mãi để trấn áp người dân khi mà kinh tế kiệt quệ, thu không đủ chi,
xã hội rối loạn vì bất mãn tràn lan.
Các dấu hiệu dẫn đến những khó khăn nói trên đã biểu
lộ rõ bản chất bấp bênh của xã hội ”phồn vinh giả tạo” hiện nay tại Việt Nam dưới
định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.
Hơn thế nữa, dù ông Trọng không đột quỵ và tiếp tục
đốt lò chống tham nhũng đi nữa thì guồng máy thống trị độc tài đầy những hệ lụy
và xáo trộn cũng có ngày ”đột quỵ”, họa chăng chỉ với qui trình chậm hơn một
chút mà thôi.
Cố Tiến Sĩ Gene Sharp một người từng nghiên cứu về đấu
tranh Bất Bạo Động đã chỉ ra rằng mọi cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài cộng
sản thường trải qua bốn thời kỳ.
Thời kỳ 1, tăng cường sức mạnh của người dân bị áp bức
bằng lòng tự tin, vượt sợ hãi và đứng lên phản kháng.
Thời kỳ 2, từ phản ứng cá nhân liên kết thành nhóm,
thành các đoàn thể xã hội, các định chế quần chúng.
Thời kỳ 3, làn sóng bất mãn của người dân tạo thành
những lực phản đối bùng nổ ở khắp nơi
Thời kỳ 4, sự xuất hiện một lực đầu tàu với một chiến
lược tổng thể để tạo áp lực sinh tử lên chế độ độc tài.
Nếu nhìn theo diễn trình nói trên, tình hình Việt
Nam hiện đang ở vào Thời kỳ 3 với sự mở đầu của những bất mãn xã hội và những
ngấm ngầm phân hóa nội bộ đảng. Kinh nghiệm đưa đến sụp đổ các chế độ độc tài tại
Đông Âu đều phải có 3 yếu tố: đấu đá nội bộ bất phân thắng bại, kinh tế khủng
hoảng không còn có thể cứu vãn, và bất mãn xã hội cùng với những cuộc phản
kháng của người dân lan rộng ở nhiều nơi khiến chế độ lúng túng đối phó.
Việt Nam hiện đang hội tụ cả ba yếu tố này. Guồng
máy thống trị như một cỗ xe đang lao dốc không phanh; với lực đẩy kiên trì và mạnh
mẽ của người dân, con tàu CSVN sẽ chỉ có một điểm đến duy nhất, đó là đáy vực.
Nói tóm lại sau 43 năm đấu tranh, với những
chuyển biến phức tạp của tình hình xung đột Mỹ – Trung và những bất mãn của người
dân đang lan rộng trong xã hội, chưa bao giờ mà công cuộc chấm dứt ách độc tài
Cộng sản lại có nhiều chỉ dấu lạc quan như hiện nay. Chúng ta hy vọng là tình
hình Việt Nam sẽ có những diễn biến đột xuất trong thời gian trước mặt.
No comments:
Post a Comment