Saturday, May 11, 2019

BẢN TIN NGÀY 11-5-2019 (Báo Tiếng Dân)




11/05/2019

Tin Biển Đông

Việt Nam và Nhật hợp tác chống lại sự bành trướng của TQ, VOA đưa tin. Theo tin từ đài truyền hình Nhật Bản NHK, phía Nhật đang giúp Việt Nam xây dựng hệ thống phòng thủ chống lại âm mưu bá quyền của Trung Quốc về mặt quân sự, trong bối cảnh Hà Nội thừa nhận Bắc Kinh chiếm nhiều hải đảo hơn trên Biển Đông. Đó là nội dung cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và người đồng cấp, ông Ngô Xuân Lịch, hôm 2/5 ở Hà Nội.

Ông Murray Hiebert, PGĐ Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, bình luận: “Việt Nam đang hướng tới Nhật Bản như một bờ dậu che chắn giữa lúc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, gây thêm áp lực cho Việt Nam, và ép Hà Nội từ bỏ các hoạt động thăm dò dầu khí, ngay cả trên thềm lục địa của Việt Nam”.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Việt Nam hoan nghênh lập trường của Ấn Độ về biển Đông. Theo đó, ngày 10/5, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chủ trì lễ đón chính thức và hội đàm với Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu. Bà Thịnh khẳng định, Việt Nam ủng hộ chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và hoan nghênh lập trường của Ấn về biển Đông trong thời gian qua.

Bà Thịnh đề nghị, Ấn Độ tiếp tục ủng hộ việc duy trì trật tự trên Biển Đông, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không.

Cập nhật tin Tổng – Chủ Trọng

Ông Trọng vẫn tiếp tục “buông rèm chấp chính”. Người dân chỉ thấy hình cũ, không hề nghe tiếng: Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 vào 29.5, báo Thanh Niên đưa tin. Theo chương trình dự kiến kỳ họp thứ 7 do Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình tại phiên họp 34 của UBTVQH ngày 9/5, thì vào chiều 29.5 tới, Quốc hội sẽ nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế.

Bài viết trên báo Thanh Niên nhấn mạnh chữ “trình bày”, có nghĩa là nếu chương trình diễn ra đúng như dự kiến thì ông Trọng sẽ đọc văn bản về vụ gia nhập Công ước số 98 của ILO trước Quốc hội VN. Nói cách khác, hoặc là QHVN nắm chắc thông tin rằng ông Trọng đã không còn méo miệng, nói chuyện rõ và tập phục hồi chức năng thành công sau tai biến, hoặc tình hình ông Trọng vẫn thế, nhưng có người đang muốn đẩy phe Tổng – Chủ vào ngõ cụt.


Tin nhân quyền

TAND tỉnh Đồng Nai phạt tù hai phụ nữ tuyên truyền chống phá Nhà nước, Zing đưa tin. Phiên tòa được tổ chức ngày 10/5, đã tuyên phạt bà Vũ Thị Dung, ở xã Phú Thanh, huyện Tân Phú, 6 năm tù và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, ở xã Phú Tân, huyện Định Quán, 5 năm tù, về tội “Tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước“.

Theo cáo trạng, bà Dung và bà Sương dùng điện thoại lướt Facebook rồi tương tác với tài khoản có tên “Tân Thái” và “Benny Trương” để xem các video, bài viết có nội dung chống phá chế độ CSVN, rồi kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, phản đối luật Đặc khu và dự luật An ninh mạng. Họ còn bị cáo buộc đã làm các tờ rơi có nội dung chống phá chế độ.

Hai người phụ nữ bị cáo buộc tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ tại phiên tòa. Ảnh: N.N/Zing

Facebooker Trần Thu Nguyệt viết: “Một chế độ dối trá lọc lừa, và cầm quyền muốn bắt ai thì bắt, muốn ghép tội cho ai thì ghép, muốn bỏ tù ai thì bỏ tù, vậy thì còn ra thể chế gì nữa. Cách đây 7 tháng người nhà của một trong 2 chị, có liên lạc với tôi, cho biết, mới bị bắt sáng ngày 13/10/2018, khi đang bán bánh mì ở ngoài chợ và đưa về nhà khám xét nhà, trong nhà không có tài liệu gì”.

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng bị cưỡng bức điều trị tâm thần, theo RFA. Mẹ của ông Lê Anh Hùng là bà Trần Thị Niêm và em trai ông Hùng vừa vào thăm ông ở Bệnh viện Tâm Thần Trung Ương I ở Hà Nội hôm 10/5. Gia đình ông Hùng cho biết, ông trông rất phờ phạc và yếu đi, do ông đã bị cưỡng bức tiêm thuốc điều trị tâm thần. Ông Hùng nhờ người thân chuyển lời kêu cứu đến các nhà hoạt động khác đang ở bên ngoài.


Cựu Chủ tịch xã dâm ô bé gái

Về nghi phạm dâm ô bé gái, là cựu Chủ tịch xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, báo chí viết tắt tên của ông ta, nhưng người dân cung cấp cho nhà văn Nguyễn Đình Bổn, tên đầy đủ của ông ta là Nguyễn Ngọc Phán. Con trai ông Phán là Nguyễn Ngọc Sơn, đương kim chủ tịch UBND xã Cẩm Phong.

Nghi phạm cựu Chủ tịch xã Nguyễn Ngọc Phán. Ảnh: Bạn đọc cung cấp cho nhà văn Nguyễn Đình Bổn

Báo Dân Việt có bài: Diễn biến ‘nóng’ vụ nguyên Chủ tịch xã bị tố giở trò đồi bại với bé gái 8 tuổi. Theo đó, Công an huyện Cẩm Thủy tạm giữ hình sự đối với ông Nguyễn Ngọc Phán, cựu Chủ tịch xã Cẩm Phong để điều tra về hành vi đưa bé gái 8 tuổi ra cánh đồng lúa giở trò đồi bại nên bị người dân “vây bắt”.

Bé gái 8 tuổi nghi bị ông P. đưa ra cánh đồng lúa giở trò đồi bại. Nguồn: DV


Nhà thờ Bùi Chu

Giáo phận Bùi Chu vừa thông báo tạm hoãn hạ giải nhà thờ chính tòa Bùi Chu, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Sáng ngày 10/5, linh mục Giuse M. Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện Giáo phận Bùi Chu, chính thức thông báo tạm hoãn hạ giải Nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Đây là một trong các nhà thờ lâu đời nhất Việt Nam, đã được nhiều kiến trúc sư và người dân lên tiếng phản đối ý định đập bỏ.

Linh mục Nguyễn Đức Giang cho biết, sau khi cầu nguyện chung, lắng nghe ý kiến của các linh mục hữu trách và những người thành tâm thiện chí về công trình Nhà thờ chính tòa Bùi Chu, Ban Xây dựng nhà thờ quyết định tạm hoãn việc đập bỏ công trình này và nói thêm, “chưa có quyết định về phương án cụ thể vào thời điểm này”.

Trang Viet Times đặt câu hỏi: Người ta nên làm gì khi chủ sở hữu không muốn giữ lại di sản? Phía UNESCO cho biết, không phải chủ sở hữu di sản nào cũng ý thức được chính xác giá trị của di sản mà mình đang có. “Khi ấy, nhiệm vụ của UNESCO là cung cấp, vận động hành lang để các chủ sở hữu có cái nhìn đầy đủ hơn”, như trường hợp 2 tượng Phật khổng lồ ở thung lũng Bamiyan, được đánh giá là kiệt tác điêu khắc, nhưng chính phủ Afghanistan tuyên bố không cần đến các bức tượng này, UNESCO đã can thiệp.



Các vụ chiếm đất

Thủ tướng vừa yêu cầu xử lý thông tin Tp.HCM lãng phí quỹ đất vàng ven sông, theo trang VnEconomy. Văn phòng Chính phủ chỉ ra, TP.HCM có lợi thế là hệ thống sông ngòi trong nội đô, tài nguyên quý, nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, nhiều năm qua, thành phố chỉ đưa ra tiêu chí bảo vệ mà chưa có hướng khai thác phát triển lợi thế kinh tế quỹ đất vàng ven sông, nên một số nơi bị lấn chiếm vô tội vạ.

Công an huyện Tuy Phong, Bình Thuận vừa khởi tố người thuê cơ giới ủi đất xâm hại bãi đá 7 màu, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Trưởng Công an huyện Tuy Phong cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Cao Văn Cư về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.

Vào đầu tháng 1/2019, ông Cư, đã lấn chiếm hơn 4.000 m2 đất công, tự ý thuê xe xúc, xe ủi san lấp mặt bằng, làm biến mất bãi đá con, đe dọa bãi rêu và phần còn lại bãi đá bảy màu. Điều rất lạ là ông Cư đưa xe cơ giới vào san lấp ngày đêm, tác động đến một địa chỉ du lịch nổi tiếng nhưng không hề bị chính quyền ngăn chặn mà chỉ lập biên bản rồi để đó.

Báo Đất Việt bàn về vụ vợ giám đốc lâm nghiệp chiếm đất rừng: ‘Xin cũng ngại’. Ông Dương Thanh Bình, Giám đốc Công ty Lâm Nghiệp Ka Nak nói: “Cũng vì bà Thủy nghĩ đơn giản đấy là khu đất bỏ hoang nên mới trồng cây như vậy. Bà ấy giấu tôi bởi bà ấy nghĩ xin cũng ngại. Sau khi bà Thủy trồng cây được hơn 1 tháng thì người ta kiện nên có dừng lại và không chăm bón gì ở đó nữa. Sau khi kiểm tra lại mới biết diện tích đất đó nằm trong quy hoạch nên chúng tôi đã thu hồi lại để trồng rừng”.

Trang Kinh Tế và Đô Thị đặt câu hỏi về vi phạm đất rừng tại H. Sóc Sơn: Bao giờ xử lý các biệt thự “khủng’? UBND huyện Sóc Sơn thống kê, trong 2 năm 2017 – 2018, toàn huyện có 269 trường hợp vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn 9 xã, với 65 công trình vi phạm đất rừng. Trong đó, xã Minh Trí có số lượng vi phạm cần xử lý lớn nhất với 22 công trình, hầu hết đều là biệt thự và nằm trên địa bàn thôn Minh Tân. Tuy nhiên, vẫn chưa có công trình vi phạm nào bị xử lý.

Bài báo cho biết, 22 chủ đầu tư các công trình này đã gửi đơn kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại nguồn gốc đất rừng. Phức tạp hơn khi nhiều hộ có công trình thuộc diện bị xử lý đã kéo xuống văn phòng tiếp dân của UBND TP Hà Nội để khiếu nại.



Kiếp làm nông

Giá hồ tiêu rơi tự do từ 250.000 đồng xuống 41.000 đồng/kg, báo Người Lao Động đưa tin. Trong hội nghị tổng kết niên vụ hồ tiêu 2018-2019, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN thừa nhận, trong năm 2018 giá tiêu duy trì được khoảng 55.000-60.000 đồng/kg, nay tiếp tục giảm chỉ còn khoảng 41.000 đồng/kg, tức chưa được 1/5 giá thời kỳ đỉnh cao. Trước đó, nhiều người cảnh báo, giá tiêu VN vẫn đang xuống rất thấp, đẩy nhiều nông dân trồng tiêu vào cảnh nợ nần, càng làm càng lỗ.

Báo Dân Việt có bài: Khủng hoảng giá, khiến cả chuỗi cung ứng hồ tiêu bất ổn. “Phản ứng dây chuyền” trong một nền nông nghiệp tụt hậu, thiếu liên kết: Giá tiêu tụt dốc, khiến các nhà cung ứng, chế biến và xuất khẩu không dám giao dịch. Nông dân thấy giá thấp thì giảm bán ra, khiến doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có giá thấp và chất lượng ổn định hơn, như Campuchia, Brazil, Indonesia. Nông sản VN chết dần trên chính “sân nhà”.


Tin môi trường

Ngày 10/5/2019, cá chết hàng loạt dạt vào bờ trên bãi biển Đà Nẵng, báo Người Lao Động đưa tin. Người dân ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, phát hiện một lượng lớn cá chết trôi dạt vào bờ biển Nguyễn Tất Thành, bốc mùi hôi thối và gây ô nhiễm nặng. Tại khu vực gần cửa xả Phú Lộc, cá chết được người dân phát hiện dạt vào bờ nhiều nhất, nước biển tại khu vực này đổi màu và sủi bọt bất thường nên người dân không dám xuống tắm biển.

Cá chết dạt vào bờ biển Nguyễn Tất Thành đã bốc mùi hôi thối. Nguồn: NLĐ


Tin khó tin: Thanh Hóa vinh danh chủ doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, theo báo Thanh Niên. Ngày 7/5, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và trao tặng danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa” cho 5 cá nhân tiêu biểu. Một trong 5 người đó bà Lê Bích Thắng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư – du lịch Hải Tiến.

Bài viết lưu ý, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp của bà Thắng làm chủ đã gây ô nhiễm môi trường. Cuối năm 2017, đầu năm 2018, hàng chục người dân xã Hoằng Thanh do không chịu nổi ô nhiễm đã kéo nhau lên trụ sở UBND xã yêu cầu chính quyền địa phương có biện pháp xử lý. Nguyên nhân là do Công ty Hải Tiến của bà Thắng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Báo Lao Động có bài: Một dòng sông “qua đời” và một rừng thông “tử nạn”. Đó là sông Dương Đông, đã bị người dân Phú Quốc xả ra 300 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, nhưng chỉ thu gom được khoảng 150 tấn. Những sông, suối trên hòn đảo này đã trở thành nơi chứa lượng rác không được thu gom, xử lý. Tình trạng quá tải rác đã kéo dài nhiều năm, nhưng chính quyền địa phương làm ngơ.


Cháy kho chứa tài liệu

Chủ tịch UBND TP HCM vừa đề nghị công an điều tra vụ cháy kho hồ sơ trợ giá xe buýt ở TP HCM, trang Bảo Vệ Pháp Luật đưa tin. Sáng 10/5, trong cuộc họp thường kỳ về kinh tế xã hội tháng 4 của UBND TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã giao công an điều tra vụ cháy nhà kho chứa tài liệu ở huyện Bình Chánh, trong đó nhiều hồ sơ quyết toán tiền trợ giá xe buýt đã bị cháy vào tối 2/5: “Sau khi có kết quả, UBND TP HCM sẽ công khai cho báo chí. Hiện nay, đang có nhiều câu hỏi nghi vấn về vụ cháy bí ẩn này”.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh lên tiếng về vụ cháy kho hồ sơ xe buýt, theo báo Đại Đoàn Kết. Sở GTVT TP HCM khẳng định, vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng có cháy nhiều thùng tài liệu liên quan đến các hoạt động của xe buýt từ hàng chục năm qua. Đặc biệt, nhiều thùng tài liệu này đã hết thời hạn lưu trữ, chuẩn bị đưa đi tiêu huỷ! Nhiều người đã đặt câu hỏi về vụ cháy có tính chất tiêu hủy tang chứng này.


***






No comments: