Lê Phan
May 25, 2019
Thủ Tướng Theresa May sẽ đi vào lịch sử như là thủ
tướng mà giai đoạn cầm quyền bị Brexit chế ngự, và sau cùng bị thất bại vì
Brexit.
Thủ Tướng Theresa
May tuyên bố sẽ từ chức vào Thứ Sáu, 7 Tháng Sáu, 2019. (Hình: Leon Neal/Getty
Images)
Thời gian của bà ở dinh thủ tướng số 10 đường
Downing, nay được chờ đợi sẽ kết thúc chỉ vừa ba năm, hơi lâu hơn một tí thời
gian của vị tiền nhiệm xấu số ngay sau giai đoạn hậu Thế Chiến, ông Anthony
Eden, bị sự tham gia tai hại của Anh Quốc vào cuộc xâm lăng Ai Cập hạ bệ, để lấy
lại Kênh Đào Suez và bị Mỹ buộc phải bỏ cuộc.
Nhưng như ông Eden về Suez, giai đoạn cầm quyền của
bà May sẽ vĩnh viễn được tóm tắt chỉ có một chữ Brexit và về cách mà bà đã để
cho Anh Quốc lạc vào một cuộc khủng hoảng chính trị vượt xa tầm mức của cuộc
phiêu lưu hồi năm 1956.
Không có bao nhiêu chính trị gia muốn vị thế của bà
May khi họ trông thấy bà chật vật với Brexit. Công tác chấm dứt liên hệ kéo dài
46 năm với Liên Hiệp Âu Châu (EU) hẳn đã làm nản chí bất cứ một lãnh tụ nào, một
phần không nhỏ vì cuộc trưng cầu dân ý cho biết dân chúng bỏ phiếu để ra khỏi
Âu Châu mà không biết tương lai giữa Liên Hiệp Âu Châu với Anh sẽ ra sao?
Nhưng Thủ Tướng May đã làm cho công việc này của bà
thêm bội phần khó khăn ngay từ lúc đầu khi không tham khảo ý kiến rộng rãi về một
thỏa thuận nào có thể thực sự đạt được với EU và được sự đồng ý của Hạ Viện.
Thay vì vậy, dựa trên một nhóm cố vấn nhỏ, bà đã đặt ra những lằn đỏ ngay từ
giai đoạn đầu khi mới lên cầm quyền để định nghĩa một chính sách Brexit cứng rắn
mà sau cùng đã chứng tỏ không duy trì nổi. Sau đó, khi bà sau cùng chấp nhận phải
dung hòa với Âu Châu những làm vậy thì bà lại làm bùng lên sự chống đối của phe
Brexit.
Chuyện không phải lúc nào cũng bi quan. Những ngày đầu
tiên khi bà mới nhậm chức có vẻ đầy hứa hẹn. Theo sau việc ông David Cameron,
sau khi đưa đất nước vào một thế kẹt khi cho phép trưng cầu dân ý chỉ vì muốn
làm im tiếng đám chủ trương Brexit trong nội bộ đảng ông, lại tổ chức một cuộc
trưng cầu dân ý lỏng lẻo và thiếu chi tiết đến nỗi không ai biết tương lai ra
sao, bà May là người cuối cùng còn lại trong cuộc tranh giành trong nội bộ đảng
với các đối thủ chính của bà – các ông Boris Johnson, Michael Gove, và bà
Andrea Leadsom – đã có vẻ tự mình hại mình.
Tuy là một người chủ trương ở lại với Âu Châu, bà đã
giành được sự ủng hộ của đảng mình với cả quyết “Brexit means Brexit” và rằng
không có chuyện không thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu dân ý dầu cho khít
khao. Bước vào ngưỡng cửa của dinh thủ tướng, bà đã hấp dẫn phe trung dung
trong đảng với viễn tượng “một quốc gia có lợi cho mọi người.”
Nhưng vì ảnh hưởng của cố vấn thân cận nhất, ông
Nick Timothy, luận điệu đoàn kết sớm bị bỏ sang một bên trong khi bà tìm cách củng
cố ủng hộ từ đám Brexiter ồn ào trong số các dân biểu Bảo Thủ. Bước nghiêm trọng
nhất – mà một số nói là bước dẫn đến thất bại – đã bắt đầu tại đại hội đảng Bảo
Thủ ở Birmingham hồi Tháng Mười, 2016. Bà May tuyên bố là Vương Quốc Thống Nhất
Anh sẽ rời khỏi thị trường chung Âu Châu và sẽ không tham gia và tuân thủ Tòa
Án Âu Châu nữa. Những lời tuyên bố của bà được đám cuồng tín trong đảng hoan
nghênh. Nhưng các công chức cao cấp, vốn là nòng cốt của chính phủ, sửng sốt
trước sự cắt đứt nghiêm trọng với Âu Châu mà tuyên bố này ngầm ý.
Lời hứa của bà, cũng trong bài diễn văn đó, khởi động
tiến trình của Điều 50 ra khỏi Âu Châu vào cuối Tháng Ba, 2017, cũng quan trọng
không kém. Một lần nữa, dĩ nhiên là đám Brexit thích thú vô cùng. Một viên chức
cao cấp trong ngành công vụ nhắc nhở “Nhưng thật điên cuồng vứt đi mọi vũ khí.
Nó được đưa ra để lấy những lời hoan hô mà không suy nghĩ đến hậu quả về cách
mà Liên Hiệp sẽ phản ứng và cách mà họ sẽ thiết lập việc điều đình với Âu
Châu.”
Chín tháng sau đó là tuần trăng mật cho thủ tướng.
Trong một bài diễn văn ở Lancaster House, bà May chuẩn bị cho điều mà một công
chức cao cấp gọi là Brexit cứng như kim cương.” Ngày hôm sau, phe báo chí
Brexit hết lời ca tụng. Tờ Daily Mail, trong một so sánh đầy sùng bái, gọi bà
là “thép cứng của một Thiết Phu nhân mới.”
Nhưng trong khi đó ở thế giới bên ngoài các chính trị
gia và doanh nhân hoảng sợ. Các doanh gia Anh, vốn lâu nay ủng hộ nhiệt thành
cho đảng Bảo Thủ, bị lờ đi khi họ khuyến cáo nguy cơ kinh tế của chính sách cứng
rắn đó. Đại sứ Anh Quốc tại Liên Hiệp Âu Châu, ông Ivan Rogers, một trong những
nhà ngoại giao hiểu biết nhất về Âu Châu của Anh và sẽ vô cùng quan trọng trong
cuộc điều đình với Âu Châu, từ chức, khuyến cáo là bà May đang đi sai đường.
Nhưng khi bà May, trước sự ngạc nhiên của mọi người,
giải tán Quốc Hội tổ chức bầu cử lại vào Tháng Sáu, 2017, là khi mà bà hết may
mắn.
Thủ Tướng May thừa hưởng một đa số nhỏ từ Thủ Tướng
David Cameron và tin là bà cần một đa số lớn hơn để thúc đẩy Brexit qua Hạ Viện.
Những cuộc tranh cử làm nổi bật sự thiếu khả năng vận động của bà. Bà cứng như
gỗ, cử chỉ như một robot ở các cuộc vận động tranh cử và bà hoàn toàn không có
khả năng trả lời phỏng vấn.
Tệ nhất là khi bà bỏ một trong những lời hứa trong
hiến chương của đảng cải tổ sự chăm sóc cho những người già vốn được rộng rãi
lên án là “thuế tử thần.” Mặc dầu rõ ràng đã nuốt lời, bà cả quyết không có gì
thay đổi, trước những nhà báo ngơ ngác. Câu ‘Nothing change’ đã được dùng để chế
giễu bà.
Vấn đề chồng chất khi cuộc điều đình chính thức với
Âu Châu bắt đầu ngay sau cuộc tổng tuyển cử. Liên Hiệp Âu Châu nhắc lại là chiến
thuật của bà May là vô ích. Anh Quốc, EU nói, sẽ phải chấp thuận một sự chia
tay ‘kiểu Canada’ đột ngột và toàn diện hay là “kiểu Na Uy” nhưng còn nhiều
liên hệ. Nhà điều đình chính của Âu Châu, ông Michel Barnier, khẳng định không
có đường nào ở chính giữa.
Bà May lúc đó mới thay đổi kế hoạch. Bà hiểu là nếu
bà đi theo con đường Canada, Anh Quốc sẽ phải tái lập biên giới thực sự với Âu
Châu vốn sẽ gây thiệt hại cho kỹ nghệ sản xuất và tiến trình hòa bình Ái Nhĩ
lan.
Việc này dẫn đến suốt phần còn lại nhiệm kỳ tạo “một
thỏa thuận đặc biệt riêng” vốn sẽ thấy Anh Quốc ra khỏi khối thị trường chung
Âu Châu trong khi không hiểu có phép thần thánh gì để duy trì những quyền lợi của
một quốc gia hội viên.
Trong khi điều đình và những cố gắng để đạt được một
thỏa thuận đã khiến bà May phải chấp nhận những nhượng bộ mà trước đó bà đã bảo
sẽ không bao giờ nhượng bộ. Bà công nhận hứa hẹn sẽ trả cho EU tiền ly dị lên đến
39 tỷ bảng Anh. Khi bà trình bày thỏa thuận đó cho nội các, hai bộ trưởng từ chức
sau khi bà công nhận là Anh Quốc sẽ tuân thủ các luật lệ về thuế quan của Âu
Châu. Nhưng sự lùi bước lớn nhất là về Ireland. Tháng Mười Hai, 2017, bà May ký
một thỏa thuận chính thức với EU bảo đảm là sẽ không bao giờ có một biên giới
thực sự với rào cản và đồn canh giữa Ái Nhĩ Lan và Anh Quốc sau Brexit.
Các cố vấn bảo là bà không hiểu hậu quả của hứa hẹn
vào thời điểm đó. Và nó trở thành vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong thỏa
thuận của bà. Bởi vì duy trì một biên giới mà không có biên giới có nghĩa là
Anh Quốc sẽ công nhận thuế quan chung với Âu Châu cho đến khi có một thỏa thuận
mậu dịch toàn diện. Bà May cả quyết điều kiện “chặn hậu” sẽ là tạm thời. Nhưng
phe cứng rắn trong đảng lên án là “nô lệ” và là một thu xếp mà Anh sẽ không bao
giờ ra khỏi.
Thủ tướng sau cùng đạt được một thỏa thuận với Âu
Châu, nhưng ba lần bị Quốc Hội bác. Vấn đề của Thủ Tướng May phát xuất từ bản
tính của bà. Bản năng thận trọng, bà thường bị cô lập, không có bạn. Nhưng bà
đã không phải là thủ tướng đầu tiên mất việc vì vấn đề Âu Châu. Các thủ tướng Bảo
Thủ tiền nhiệm của bà – từ bà Margaret Thatcher, ông John Major, ông David
Cameron – đều đã bị ngã ngựa vì vấn đề Âu Châu. (Lê Phan)
No comments:
Post a Comment