Friday, May 31, 2019

BẢN TIN NGÀY 31/05/2019 (Báo Tiếng Dân)




31/05/2019

Tin Biển Đông

Tướng Mỹ kêu gọi ‘hành động tập thể’ với Trung Quốc do thất hứa về Biển Đông, VTC đưa tin. Ngày 29/5, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết, ông không kêu gọi hành động quân sự, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải thực thi luật pháp quốc tế, “hành động tập thể” để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm vì đã từ bỏ cam kết không quân sự hóa Biển Đông.

Tướng Dunford nói: “Mùa Thu năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Barack Obama rằng họ sẽ không quân sự hóa các đảo. Vậy mà những gì chúng ta thấy ngày nay là đường băng 10.000 feet (3 km), kho chứa đạn dược, triển khai thường xuyên khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng hàng không…”.

Zing có bài: Dự luật mới của Mỹ đe dọa mạnh tay với Trung Quốc trên Biển Đông. Bài viết phân tích dự luật trừng phạt Trung Quốc vì các hành động gây hấn ở Biển Đông và Hoa Đông vừa được một số thượng nghị sĩ Mỹ đưa ra Quốc hội nước này. Dự luật liệt kê 25 công ty ở Trung Quốc liên quan đến quá trình bồi lấp và xây dựng trái phép trên Biển Đông, trong đó có Công ty Nạo vét CCCC, một công ty con của Tập đoàn Xây dựng Đường bộ Trung Quốc (CCCC), đã nạo vét và xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Dự luật này còn đi kèm với chiến lược mới, khuyến khích các cuộc tập trận hải quân mở rộng và tăng cường sự phối hợp, hợp tác quân sự trong khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, cam kết triển khai 60% sức mạnh Hải quân Mỹ trong khu vực.


Hơn 200 hành khách và phi hành đoàn phải chờ vị khách VIP

Hôm qua, Tiếng Dân có bài của tác giả Hồng Hà, phản ánh chuyện hơn 200 hành khách và phi hành đoàn của Vietnam Airlines phải hoãn chuyến bay tới 72 phút, để chờ đón vị khách VIP Đỗ Trường Minh, TGĐ Bảo Việt. Chuyến bay bị hoãn theo yêu cầu của Phó TGĐ Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, bắt hơn 200 người phải chờ một vị khách VIP.

Khách VIP Đỗ Trường Minh – TGĐ Tập Đoàn Bảo Việt. Ảnh: HN News

Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: 215 hành khách chậm chuyến bay đi Đức vì phải chờ một… “khách VIP”? Theo “thông tin từ flightradar24, một trong những website uy tín cung cấp cho người dùng mọi dữ liệu của tất cả các chuyến bay trực tiếp trên toàn thế cho thấy, chuyến bay VN31 dự kiến khởi hành 22h10, nhưng giờ cất cánh thực tế vào 23h22”. Vietnam Airlines lấy lý do, tối ngày 28/5, chuyến bay bị “ảnh hưởng của mưa dông” tại TP HCM.

Chuyến bay VN31 của Vietnam Airlines delay 72 phút để chờ một khách VIP. Ảnh: Chụp từ màn hình flightradar24/GDVN

Facebooker Đặng Như Quỳnh cho rằng, chuyện ông Lê Hồng Hà can thiệp vào các chuyến bay đã làm ảnh hưởng tới tiền bạc và thời gian của mọi người. Ông đề nghị Vietnam Airlines nên đổi tên thành Bảo Việt Airline. Ông Quỳnh viết: “Tôi đề nghị tất cả những ai bị nhỡ chuyến quốc tế hay trong nước, đặc biệt là nối chuyến, lần sau sẽ gọi cho Phó Tổng Giám Đốc Lê Hồng Hà để được ông ấy chỉ đạo máy bay chờ“.



Ngành điện độc quyền

Phó TT Vương Đình Huệ nói: “Không tăng giá điện trong tháng 3 thì giá tiêu dùng còn tăng cao hơn“, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Ông Huệ giải thích: “Thực tế trong 10 lần điều chỉnh tăng giá điện thì đã có 4 lần trong tháng 3. Nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác – như tháng 7 chẳng hạn – thì tỷ lệ phải cao hơn để bù đắp được khoản 20.000 tỷ đồng”.

Người dân đã quen các kiểu ngụy biện như vậy và hiểu rằng, quan chức CSVN đến lúc cần phải “tận thu” để giữ chế độ (ngoài chuyện vơ vét cho túi riêng) thì họ sẽ “tận thu”. Họ sẽ viện đủ mọi lý do họ để tận thu. Các cấp lãnh đạo từ Chính phủ đến các bộ, ngành và EVN đều đã đồng thuận phương án “móc túi” dân.

Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp dẫn lời ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi về vụ tăng giá điện “phải chăng do độc quyền”? Ông Hiếu cho rằng, chuyện tăng giá điện, giá xăng dầu: “Phải chăng, nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền, không có sự cạnh tranh của ngành điện trong việc mua bán truyền tải điện”.

Báo Dân Việt dẫn lời ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: “Tăng giá điện 8,36% người dân lợi chả thấy đâu mà răng chẳng còn”. Ông Cương nói: “Có một việc đáng so sánh là ở một số nước do nắng nóng họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn sao chẳng thấy ai so sánh. Cứ rao giảng tăng giá điện các bên được lợi, nhưng thực tế với người dùng lợi đâu chả thấy mà răng chẳng còn”.

Trang An Ninh Tiền Tệ dẫn lời ĐBQH Nguyễn Thị Phúc: Tránh tình trạng ‘té nước theo mưa’ trong tăng giá điện. Bà Phúc cho rằng, chuyện tăng giá điện dễ tạo hiệu ứng “té nước theo mưa”, làm cho hàng loạt mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh sẽ đồng loạt tăng giá, khiến người dân bất bình.

Bà Phúc đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ, giám sát hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp, đề phòng những yếu tố bất thường của thị trường. Đáng tiếc là làn sóng lạm phát không thể bị kiểm soát bởi nghị quyết, chỉ đạo, bởi lạm phát tăng khi giá điện, xăng tăng.
Trang Kinh Tế Đô Thị viết: Cảnh báo nguy cơ lạm phát vượt mục tiêu. Tổng cục Thống kê thừa nhận, trong tháng 5/2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, phản ánh biến động giá chủ yếu do giá xăng, dầu, điện, tăng. Còn theo Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tăng trưởng GDP năm 2019 vẫn đạt mục tiêu của Quốc hội, nhưng lạm phát sẽ khó kiểm soát hơn.


“Công bộc” của dân: Kẻ móc túi dân, kẻ quịt nợ dân

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Nữ cán bộ ở TP.HCM dùng 7,4 tỉ tiền ‘rút ruột’ quỹ hộ nghèo vào việc gì? Ngày 29/5, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ án Quách Vân Loan, cựu cán bộ chuyên trách giảm nghèo, tăng hộ khá, tại UBND phường 11, quận 6, tham ô tài sản gần 7,4 tỉ đồng, bằng cách ‘rút ruột’ ngân sách hỗ trợ người nghèo.

Theo cáo trạng, bà Loan đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để lập 267 hồ sơ khống, vay vốn quỹ xóa đói giảm nghèo, thu hồi vốn vay, nhưng không nộp lại mà chiếm đoạt gần 7,4 tỉ đồng. Tại tòa, bị cáo Loan khai, do thiếu nợ một khoản tiền lớn nên túng quẫn, làm liều.
Báo Giao Thông viết: Liên tục nghỉ ốm, Phó giám đốc một sở ở Bình Định bị tố nợ hàng chục tỉ. Ngày 30/5, ông Nguyễn Mỹ Quang, GĐ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Định cho biết, đã nhận được đơn tố cáo của nhiều người về vụ ông Tr. H. A, PGĐ sở này nợ nần dây dưa của nhiều người với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng: “Những người này gửi đơn đến sở nhờ can thiệp để động viên ông A. trả nợ. Tuy nhiên chuyện nợ nần cá nhân giữa anh A. với họ là quan hệ dân sự, lãnh đạo sở không thể can thiệp được”.

Ông Quang xác nhận, ông A bắt đầu xin nghỉ phép để vào TP.HCM chữa bệnh từ cuối tháng 11/2018. Từ đó đến nay, ông A. liên tục xin nghỉ phép để chữa bệnh, thỉnh thoảng mới xuất hiện ở cơ quan.


Vấn nạn BOT tiếp tục hoành hành

Vụ “hỗn loạn” trạm BOT T2: Bộ Giao thông nghiên cứu phương án di dời trạm, theo báo Dân Trí. Đây là trạm BOT được đặt tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, vận hành để hoàn vốn đầu tư cho dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL91, theo hình thức BOT. Đây là một trong các trạm BOT bị tài xế phản đối liên tục trong thời gian qua, vì không ít tài xế chỉ điều khiển phương tiện qua quãng đường không dài nhưng phải trả tiền bằng cả chặng.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật nói: “Bộ GTVT ghi nhận bất cập tại trạm thu phí này ở cả hướng các xe di chuyển trên QL80 theo hướng Kiên Giang – An Giang và hướng An Giang – Đồng Tháp khi qua trạm T2 trên QL91. Bộ GTVT đang cập nhật lại lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính của dự án”.

UBND tỉnh An Giang chính thức dẹp bỏ trạm “BOT” đường lên đỉnh núi Sam. Hai trạm “BOT” do Công ty MGA tự ý lập ra “không còn nhân viên hay bảo vệ chặn đường yêu cầu khách phải vào mua vé như những ngày trước đó”.

Trước đó, ngày 27/5, một nhóm du khách đến từ tỉnh Đồng Tháp lên đỉnh núi Sam nơi Bà Chúa Xứ từng ngự, nhưng bị những bảo vệ, nhân viên của Công ty MGA chặn lại đòi thu phí với giá 10.000 đồng/người. Một người dân cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng lên đây cúng bái để cầu sức khỏe và làm ăn may mắn nhưng đâu có chuyện bị ai chặn đường thu tiền. Đi du lịch tâm linh mà bị thu tiền vô lý kiểu đó thì mai mốt ai dám tới đây nữa”.

Báo Đất Việt đưa tin: TP.HCM muốn chuyển nhiều dự án BOT, BT sang đầu tư công. Sở GTVT TP HCM đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án mở rộng QL13, QL22, QL1A, QL50, đường Vành đai 2, từ đầu tư theo hình thức BOT, BT sang đầu tư công bằng vốn ngân sách, do Chính phủ chưa có các quy định cụ thể về hoàn trả quỹ đất cho nhà đầu tư theo hình thức BT.


Bạo hành trẻ em

Báo Thanh Niên đưa tin: Ăn trộm 50.000 đồng, bé gái 12 tuổi bị công an đánh bầm tím mông. Sáng 30/5, ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, xác nhận thông tin này và cho biết, nạn nhân là em Nguyễn Thị Cẩm Giang, bị đánh đến bầm tím mông vì ăn trộm tiền của hàng xóm là ông Nguyễn Song Thao, công an viên thôn Trần Phú.

Em Cẩm Giang bị đánh bầm tím mông. Ảnh: PNPL

Ông Lĩnh nói: “Sáng nay, chúng tôi đã gọi ông Thao lên lập biên bản sự việc và bắt ông này viết bản tường trình. Hiện Công an huyện Kỳ Anh cũng đã về phối hợp với công an xã để làm rõ. Ông Thao cũng thừa nhận đã hơi nặng tay với bé gái”,  em Giang bị bệnh thiểu năng trí tuệ, tính cách không bình thường nên gia đình đã cho nghỉ học.

Bố dùng búa đánh con gái 5 tuổi dập não vì không chịu đi chơi cùng, theo báo Tiền Phong. TAND tỉnh Bình Dương mở phiên xử sơ thẩm bị cáo Phạm Văn Hóa, quê An Giang về hành vi dùng búa đánh vào đầu con gái 5 tuổi gây chấn thương, dập não.

Theo cáo trạng nêu, tối 9/11/2018, Hóa tìm đến phòng trọ của vợ cũ ở thị xã Thuận An để đón con gái đi ăn tối. Tuy nhiên, bé Q không chịu đi mà bỏ trốn vào tiệm tạp hóa. Hóa cho rằng vợ cũ ngăn cản 2 bố con gặp nhau nên xảy ra cự cãi.

Hóa nói: “Một là tao chết, hai là nó chết tao đi tù” rồi cầm búa xông vào tiệm tạp hóa tìm bé Q, đánh vào phần thái dương của bé Q. làm bé ngất xỉu, phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.


Tin giáo dục

Báo Người Lao Động có bài: NÓI THẲNG: Hãy loại bỏ nền giáo dục nói dối! Nhà dột từ nóc. Đất nước này được xây dựng trên nền tảng dối trá, những người lãnh đạo đất nước gạt dân mấy chục năm rồi, nào là họ đang dẫn dắt dân đi tới “thiên đường XHCN”, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”… Cho tới bây giờ họ vẫn gạt dân. Nếu chỉ loại bỏ nền giáo dục nói dối không thôi, làm sao loại được?

Thông Tấn Xã VN dẫn lời ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: “Ngành giáo dục càng cải cách lại càng kém đi”. Ông Hiếu phân tích: “Giáo dục là lĩnh vực lớn, quan trọng, được cả xã hội quan tâm. Thế nhưng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn loay hoay với hàng loạt vấn đề, chưa giải quyết được triệt để, rốt ráo những bất cập. Cải tiến nối tiếp cải tiến nhưng cải tiến không mang lại hiệu quả rõ ràng, chưa đáp ứng được sự phát triển của xã hội”.

Ông Hiếu cũng thừa nhận, người dân ngày càng mất niềm tin, sau làn sóng các sai phạm nối tiếp sai phạm, từ gian lận thi cử, đến bệnh thành tích, bạo lực học đường… diễn ra suốt mấy chục năm qua, với tầng suất càng ngày càng tăng.

ĐBQH Thái Trường Giang nói về chuyện khó tin ở VN: “Bây giờ tìm 1 học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể”, theo VietNamNet. Ông Giang bình luận: “Thực chất sao được, không phải là bệnh thành tích thì là gì khi mà lớp học có 43 học sinh thì có 42 học sinh giỏi, chỉ có duy nhất 1 học sinh loại khá. Còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy? Theo tôi là có rất nhiều nếu chúng ta tiến hành 1 cuộc khảo sát. Ngành giáo dục bây giờ tìm 1 học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể”.

Dĩ nhiên không có chuyện nền giáo dục VN đầy học sinh giỏi, mà là đầy những vở diễn. Có sinh viên kể với chúng tôi rằng bạn ấy vẫn nhớ những ngày tiểu học, trung học, mỗi khi có dự giờ các giáo viên “diễn tập” từ trước đó khoảng một tuần.

Báo Một Thế Giới có clip: Bé trai bị 4 bạn học đấm đá tới tấp, cô giáo mầm non ngó lơ, gây phẫn nộ. Clip ghi lại cảnh“bé trai bị bạn nữ cùng lớp đạp lên người. Chuyện chưa dừng lại ở đó khi bé trai này bị 3 bạn nam lao tới đấm đá tới tấp và chỉ biết ôm đầu”, trong khi cô giáo làm ngơ: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/05/B%C3%A9-trai-b%E1%BB%8B-4-b%E1%BA%A1n-h%E1%BB%8Dc-%C4%91%E1%BA%A5m-%C4%91%C3%A1-t%E1%BB%9Bi-t%E1%BA%A5p-c%C3%B4-gi%C3%A1o-m%E1%BA%A7m-non-ng%C3%B3-l%C6%A1-.mp4?_=1


“Cát tặc” hoành hành


VnExpress có bài: Sông Hồng biến dạng trong cơn đói cát. Sông Hồng gắn liền với lịch sử văn minh người Việt ở Bắc Bộ, nhưng giờ đây “người dân bắt đầu thấy sợ dòng sông thiêng. Họ sợ thiếu nước tưới, sợ ruộng vườn biến mất dưới lòng sông và sợ dòng sông sẽ liếm căn nhà đi như vụn bánh. Sông Hồng biến dạng chưa từng thấy cả về dòng chảy, mực nước lẫn tính cách”.

Do vấn nạn “cát tặc” hoành hành, đến cả chính quyền thủ đô cũng làm ngơ, nên “đáy lòng dẫn bị hạ thấp, dẫn đến mực nước cũng bị hạ thấp rất nghiêm trọng”. Thông tin này được xác nhận bởi GS.TS Trần Đình Hòa, PGĐ Viện Khoa học Thủy lợi VN. Hình dáng của sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội từ năm 1989 đến nay, ngày càng nhỏ lại.

Báo Công An TP Đà Nẵng đặt câu hỏi: Ngang nhiên khai thác cát sỏi trái phép, xã làm ngơ? Người dân khu vực suối Máu, giáp ranh giữa 2 xã Hồng Tiến và xã Bình Điền (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế), phản ánh, mấy ngày gần đây, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép diễn ra rầm rộ giữa ban ngày. Họ ngang nhiên tập kết cả máy xúc, phương tiện vào đây để hoạt động khai thác.

Bài viết lưu ý, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực này, diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người, thậm chí là có cả chính quyền địa phương. “Đứng trên QL49 từ cầu Hồng Tiến nhìn vào, dễ dàng nhận thấy những chiếc xe ben sau khi ‘ăn’ đầy cát sỏi từ xe múc đã lần lượt di chuyển ra khỏi khu vực”.


***




No comments: