Nguyễn Tường Bách
29/05/2019
Người cười kẻ khóc
Trong số các khuôn mặt lãnh đạo tại châu Âu già cỗi
thì Tổng thống Pháp Macron có sắc diện trẻ trung nhất. Nhưng trong ngày bầu cử
Nghị viện châu Âu ngày 26.5 vừa qua, Macron cười không nổi. Mặc dù nỗ lực hết
mình nhưng đảng LaREM của Macron chỉ chiếm được 22,4% số phiếu. Mặt trận quốc
gia của bà Le Pen, được mệnh danh là ‟dân túy cực hữu“ qua mặt Macron với số
phiếu 23,3%, chiếm vị trí số một. Nếu ta nhớ Le Pen thất bại thảm hại trước
Macron trong vòng nhì bầu cử Tổng thống Pháp cách đây hai năm thì đây là thắng
lợi to lớn của bà, dù thật ra Mặt trận quốc gia thụt lùi nếu so với bầu cử Nghị
viện năm năm trước. Niềm an ủi duy nhất cho Macron là đảng của ông không phải
là đảng cầm quyền đại bại. Trong kỳ bầu cử châu Âu lần trước vị tiền nhiệm của
ông là Hollande chỉ chiếm được 14% số phiếu, bị qua mặt bên trái lẫn bên mặt.
Cuối ngày bầu cử, Le Pen tuyên bố đây là ‟thắng lợi
của nhân dân“. Nhân dân?, Nhân dân nào? Khác với trong các nước theo chế độ Cộng
sản, các đảng phái châu Âu ngại dùng từ ‟nhân dân“. Một đảng chiếm chưa đầy ¼
phiếu bầu cử tri mà dám tự nhận là ‟nhân dân“ ư? Nhưng biết đâu, có thể bà Le
Pen có lý?
Bên cạnh nụ cười của Le Pen, thêm một nhà lãnh đạo
cười tươi nữa. Đó là Nigel Farage, lãnh đạo đảng phái mới lập tại Anh, chủ
trương thoát ly châu Âu. Đảng của ông chiếm vị trí số một với số phiếu 31,6%.
Còn đảng bảo thủ của bà Thủ tướng May chỉ chiếm 8,7% và đảng Lao động 14%. Thế
là cả hai đảng truyền thống của Anh cộng điểm nhau lại cũng không bằng Farage,
vốn cũng được xem là ‟dân túy cực hữu“. Dân túy cực hữu là gì mà ghê gớm thế?
Pháp và Anh là hai nước rường cột của châu Âu. Ngoài
Le Pen và Farage, còn một nước mạnh nữa và một người cười tươi. Đó là nước Ý với
Savini, đương kim Bộ trưởng bộ nội vụ Ý. Đảng Pega của ông, cũng được gọi tên
là ‟quốc gia hữu khuynh“, chiếm vị trí số một với 33,6% phiếu bầu.
Sau chiến thắng vang dội tại ba nước lớn kể trên, ta
nên nhớ đến Orban tại Hungari, ông cũng được xem thuộc phía cực hữu, chủ trương
chống Liên minh châu Âu và cũng thắng lợi lớn trong ngày 26.5 vừa qua. Tại Áo
cũng có một chính khách trẻ trung như Macron, ông là Thủ tướng Kurz, thuộc phe
bảo thủ. Trong ngày 26.5 vừa qua, đảng của ông thắng thế nhưng ông vẫn cười
không nổi. Nguyên Kurz liên minh với đảng dân túy cực hữu FPÖ của Strache. Chỉ
một tuần trước khi bầu cử Nghị viện châu Âu, một đoạn phim quay lén do báo chí
tung lên cho thấy phó Thủ tướng Strache hiện nguyên hình là một con người sẵn
sàng tham nhũng và chà đạp các nguyên tắc pháp quyền. Buổi tối đầy rượu Vodka
và phát biểu ba hoa của Strache làm ông mất chức phó Thủ tướng. Một ngày sau
khi bầu cử châu Âu, Kurz bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, mất chức Thủ tướng.
Còn Đức thì sao? Đức sát gần Áo, cả nước theo dõi
FPÖ và Strache suốt cả tuần trước ngày bầu cử Nghị viện. FPÖ mất 2,5%, còn
17,2%, người ta hy vọng phe dân túy của Đức cũng thua. Nhưng không, phong trào
dân túy cực hữu tại Đức với AfD vẫn thắng lợi, họ chiếm 11% số phiếu, tăng 3,9%
so với nhiệm kỳ cũ. Điểm đặc biệt đáng chú ý tại Đức là hai đảng truyền thống
trung hữu trung tả CDU và SPD dù có liên hiệp lại với nhau cũng không còn đủ
túc số 50%. Phe ‟trung dung“ đã mất độc quyền chính trị tại Đức. Đối với nước Đức,
đây là điều đáng báo động nhất. Sau khi phong trào Dân chủ xã hội gần như biến
mất tại Pháp thì tại Đức, đảng SPD lâm vào tình trạng ‟rơi tự do“. Willy Brandt
đang cựa mình dưới mồ?
Dân say lúy túy
Không còn nghi ngờ gì nữa, nền chính trị và liên
minh châu Âu đang chuyển mình với tốc độ chóng mặt. Trong mỗi quốc gia có nhiều
đảng phái ra đời, nhiều đảng phái gần như biến mất, khung cảnh chính trị thay đổi
tận gốc rễ. Nước Anh đang bung khỏi cộng đồng châu Âu. Pháp đang chứa đầy mâu
thuẫn nội bộ và xem ra sẵn sàng nghe những lời tuyên truyền đầy quyến rũ của
phía cực hữu. Tại Ý, chủ trương cực hữu đã ngồi sẵn trong nội các, họ đã ban
hành các biện pháp chống châu Âu, chống di dân, đóng cửa biên giới. Tại Đức,
nơi mà người ta hy vọng có một nền chính trị ổn định và hợp lý thì phe cực hữu
đã chiếm ít nhất 11% trong mọi cuộc bầu cử các cấp. Bốn nước lớn lung lay như vậy
thì tất nhiên châu Âu đang đứng trước một tương lai không ai có thể vui cười nổi.
Một điều cần chú ý nữa là trong 20 năm qua chưa bao
giờ tỉ lệ cử tri đi bầu Nghị viện châu Âu cao như năm nay. Tại sao bỗng nhiên cử
tri quan tâm Liên minh châu Âu, họ yêu Liên minh quá chăng? Tại Đức tỉ lệ đó
tăng từ 48,1% lên 61,5%, tại Pháp từ 35% lên 52%. Cũng tại Pháp Mặt trận quốc
gia của Le Pen thắng lớn. Phải chăng những ai lâu nay chưa bao giờ đi bầu đều dồn
phiếu cho phe cực hữu cả? Phải chăng Le Pen không hoàn toàn vô lý với từ ‟nhân
dân“ to tát?
Nhưng may thay trong Nghị viện châu Âu phe cực hữu vẫn
chưa chiếm đa số. Nghị viện có lẽ sẽ bầu lên một vị Chủ tịch Liên minh châu Âu
thuộc khối bảo thủ hay xã hội, thay Juncker. Dù vị Chủ tịch đó mang tên là
Weber hay Timmermans hay ai khác, ông sẽ là thuyền trưởng của một con tàu kỳ cục.
Trên chuyến tàu đó có một nhóm hành khách mang tên Brexit. Nhóm này sẽ nhảy ra
khỏi tàu trong vài tháng tới. Một nhóm hành khách khác mang tên mỹ miều như ‟quốc
gia“ hay ‟tự do“ nhưng họ chỉ muốn đục phá con tàu châu Âu này để sau khi nó
chìm, ai về nhà nấy.
Con tàu châu Âu đồ sộ với 28 quốc gia và khoảng 400
triệu dân là một nền kinh tế thuộc loại giàu mạnh nhất địa cầu nay đang bị phân
hóa từ trong nội bộ, có nguy cơ rã ra từng mảnh. Các loại chủ nghĩa dân tộc, quốc
gia hay dân túy hay mang tên gọi nào khác chỉ muốn trở lại với quyền lợi hẹp
hòi của dân tộc mình, chống lại khuynh hướng toàn cầu hóa, chống mọi liên minh,
kỳ thị người nước ngoài. Các thế lực khác như Putin, họ Tập, thậm chí cả Trump
cũng chưa bao giờ mong một châu Âu đoàn kết và giàu mạnh. Ta không lạ gì khi thấy
Putin thân thiện với các nhóm cực hữu phương tây, nhất là với bà đầm Le Pen.
Ngược lại phe cực hữu sùng bái Putin mà hình ảnh cụ thể là bà ngoại trưởng nước
Áo. Putin cũng như họ Tập mong con tàu châu Âu sẽ chìm, hành khách bơi lỏm ngỏm
và họ sẽ dễ dàng thương lượng ‟song phương“ như họ Tập muốn làm tại châu Á. Sau
Willy Brandt, đến lượt De Gaulles và Helmut Kohl sẽ cựa mình dưới mồ.
Vì đâu nên nỗi
Nhưng tại sao phe dân tộc cực hữu lại ăn khách thế?
Brexit là tiếng động rầm rỉ đầu tiên báo hiệu trận động đất. Cuộc trưng cầu dân
ý ba năm trước đây được xem là cuộc bầu phiếu ‟ngu xuẩn“ nhất trong lịch sử nước
Anh vì cử tri không biết điều gì xảy ra cho cả nước sau khi mình tuyên bố ‟ly
khai“. Thế nhưng nó cho ta một thông tin quan trọng: đa số cử tri chán ngán
liên minh châu Âu, họ không muốn ‟lệ thuộc Brussels“ nữa. Phải chăng một lý do
lớn làm liên minh châu Âu chao đảo vì tổ chức của nó quá cứng nhắc, quá độc
đoán, quá tốn kém, không cho thành viên sự tự chủ cần thiết của mình. Nguyên tắc
nhất trí của châu Âu có thể giúp phô trương sức mạnh đối với Mỹ Nga và Trung Quốc,
nhưng rất dễ gây trì trệ trong nội bộ.
Hay, lại Trump chính là thủ phạm, thêm một lần nữa?
Khẩu hiệu ‟Nước Mỹ trước đã“ của vị Tổng thống Mỹ này nghe thật lọt tai. Nó dễ
làm vừa lòng tất cả mọi người, nhất là kẻ bình dân không ưa suy luận lôi thôi.
Tổng thống siêu cường đã nói thế và thắng cử thì tại sao chính khách các nước lớn
nhỏ khác không nên làm. Với chiêu bài ‟trước đã“, dù không nói ra, Pháp Anh đã
có sẵn vài vị thì Thụy Điển, Hà Lan, Ý, Áo lập tức có người bắt chước nêu cương
lĩnh. Tại Đức từng có một thời của đảng NPD theo xu hướng dân tộc cực đoan
nhưng không bao giờ đạt quá 5% phiếu bầu thì sau Trump đảng AfD đạt ngay trên
10% phiếu bầu. Ta không thể đánh giá thấp Trump và ảnh hưởng của ông.
Hay, ta hãy đổ hô dòng người di tản là nguyên nhân
làm nên sức mạnh các đảng phái dân túy cực hữu. Không phải sao, sự hiện diện và
hành xử của hàng triệu người di dân Hồi giáo tại các nước châu Âu đã làm người
bản xứ khó chịu, cảm thấy bị đe dọa. Các bảng thống kê đều nhất trí cho thấy
người dân cảm thấy ‟không an toàn“ so với thời trước. Họ chỉ biết phản kháng bằng
cách bầu phiếu cho các đảng phái chủ trương chống dân nhập cư. Ở đâu mà dân nhập
cư càng đông, dân chúng càng khép kín thì ở đó các đảng dân túy càng mạnh. Điều
này thể hiện rõ trong các đơn vị bỏ phiếu trong cùng một quốc gia. Trong phạm
vi cả châu Âu thì vì vấn đề nhập cư mà các nước trong Liên minh phân hóa và chống
nhau hơn bao giờ hết.
Hay, phải chăng trào lưu trở lại với tính cách dân tộc,
chống chủ trương toàn cầu hóa chỉ là đường đi bí ấn của tạo hóa, vốn có một sự
vận động tuần hoàn có nhịp điệu? Đã quá trăng tròn thì phải tới kỳ trăng khuyết.
Đã toàn cầu hóa tới mức tất cả thế giới đã thành một làng nhỏ và phụ thuộc lẫn
nhau thì phải tới thời kỳ đèn nhà ai nấy sáng, cố thủ bên trong?
Hay còn những nguyên nhân khác?
Liên minh châu Âu là thử nghiệm đầu tiên của nhân loại,
tập hợp nhiều quốc gia với tất cả các mặt khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ và
kinh tế vào trong một tập hợp chính trị vững chắc. Trong quá khứ rất nhiều
thành công chứng minh sáng kiến này là đáng giá và mang lại thành quả. Thế
nhưng cũng từ những ngày đầu chưa bao giờ châu Âu thiếu ý kiến phê phán, cho rằng
nó sẽ tan vỡ. Thực tế cho thấy các nước châu Âu đủ điều kiện để thành lập Liên
minh, nhưng lại không đủ đồng nhất để trở thành một thực thể chính trị và kinh
tế hùng hậu như các vị cha đẻ mong muốn.
Các nước châu Á như ASEAN hay cộng đồng châu Phi,
châu Mỹ la tinh nhìn Liên minh châu Âu để nghĩ đến khả năng của mình. Thế nhưng
như ta đã thấy ngoài châu Âu không nơi nào dám đi vào một mô hình như vậy cả.
Và hiện nay thì nó đang đứng trước những thử thách lớn nhất trong lịch sử 70
năm của mình.
Đồng tiền châu Âu liệu sẽ còn giữ được lâu hay Đức sẽ
trở lại in tiền Deutsche Mark, Pháp sẽ xài tiền Franc, Ý với tiền Lira? Trên
các tờ giấy bạc Euro đó người ta thấy in các biểu tượng của sự thống nhất các
quốc gia, như các Khải hoàn môn hoành tráng, hay các quảng trường rộng lớn chứa
hàng trăm ngàn người, hay các cây cầu nối những bờ vui. Khách thăm châu Âu băng
qua những chiếc cầu nối từ nước này qua nước khác, chỉ cần một chiếu khán, xài
một đồng tiền.
Những chiếc cầu này có thể sắp gãy.
27.5.2019
Nguyễn
Tường Bách
No comments:
Post a Comment