Sáng nay tôi ra khỏi nhà thì bị một lực lượng an
ninh đông đảo chặn lại, cấm ra khỏi nhà cả ngày hôm nay và sáng mai.
Lý do là vì tôi được phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
mời gặp vào sáng mai để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt
2019.
Nhân khi các anh em an ninh mời tôi ngồi nói chuyện,
tôi thẳng thắn cho biết việc ngăn chặn tôi đến dự buổi họp mặt sẽ gửi một thông
điệp tệ hại về tình trạng nhân quyền hiện nay. Vì vậy, nếu tôi không thể ra khỏi
nhà vì lý do đó thì còn tốt hơn ngàn lời mà cơ quan an ninh sợ tôi nói ra.
Anh an ninh của Sở Công an TPHCM giải thích rằng họ
cấm tôi đi vì lẽ ra các nhà ngoại giao Mỹ phải xin phép nhà nước VN trước khi gặp
tôi.
Tôi cười hỏi lại tôi đang ở tù hay đang là công dân
tự do, và có luật nào yêu cầu điều đó không. Anh ấy không trả lời được. Tuy
nhiên, sau đó tôi kiểm tra lại thì biết rằng anh ấy nói sai sự thật, vì việc
phái đoàn Mỹ gặp tôi đã được thông báo cụ thể cho các bộ liên quan của VN một
cách đàng hoàng.
(Ở đây xin mở ngoặc, tìm một nhân viên an ninh có khả
năng thuyết phục cao, mà không cần dối trá để lấp liếm sự thật quả nhiên là
khó! Xin đóng ngoặc).
Sau đó anh an ninh hỏi thăm công việc của tôi. Trước
khi tôi quay lên căn hộ của mình, anh ấy bóng gió đe dọa tôi như sau: "Đọc
nhiều chia sẻ gần đây của anh trên FB, các sếp của tôi định cử một đội đến cấm
anh ra khỏi nhà một tuần để anh tha hồ viết FB."
Tôi biết anh ấy nói nửa đùa nửa thật, nhưng quên rằng
mình là nhân viên công vụ, nên mọi lời nói và việc làm cần phải dựa trên hiến
pháp và pháp luật, như chính khẩu hiệu mà nhà nước vẫn thường rêu rao [cứ như
thể là thật!].
Có lẽ ngành an ninh quên đọc Điều 23 của Hiến pháp
năm 2013, trong đó nêu rõ: "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở
trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các
quyền này do pháp luật quy định."
Tôi chưa thấy pháp luật nào trao cho cơ quan công an
thẩm quyền và đặc quyền cấm công dân ra khỏi nhà vì bất cứ lý do gì, nhất là vì
nội dung nhạy cảm của FB mà người đó viết.
Hay Hiến pháp chỉ là bồn cầu để các anh ngồi lên ị
vào? Tôi hỏi thật!
---------------------------
Ngày 12-5 của 11 năm trước, nhà báo Nguyễn Việt Chiến
của báo Thanh Niên và nhà báo Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ bị bắt vì viết
bài chống tham nhũng trong vụ PMU18. Ngày hôm sau, Thanh Niên và Tuổi Trẻ đưa
tin phản đối. Hôm sau nữa,14-5, Thanh Niên giật cái tít “Hãy trả tự do cho các
nhà báo chân chính”. Đó là cái tít gây sóng gió trong làng báo, do chinh tôi thực
hiện trong khoảnh khắc được tự do.
Nhắc lại điều này tôi không có ý khoe mẽ gì mà chỉ để
nói rằng, tự do báo chí không phải nằm ngửa há miệng chờ sung. Không có chế độ
nào dọn sẵn mâm tự do báo chí mời anh thưởng thức. Nghề báo không cao sang cũng
không thấp hèn hơn bất kỳ nghề nào, nó chỉ khác nhiều nghề một chút, đó là nói
sự thật trong nhiều trường hợp cần sự dũng cảm chấp nhận rủi ro.
Lần đầu tiên sau năm 1975, báo chí chính thống mới
giật một cái tít yêu cầu chính quyền trung ương thả người. Một số đồng nghiệp
cho rằng, nếu Thanh Niên không giật cái tít đó thì sau vụ bắt hai nhà báo có lẽ
không có cuộc đàn áp tiếp theo với một loạt nhà báo bị thu thẻ, bị mất chức, bị
thi hành kỷ luật. Là vì bắt hai nhà báo nhằm mục đích bịt miệng những tiếng nói
chống tham nhũng trên truyền thông, nhưng do Thanh Niên “cứng đầu” nên phải đàn
áp tiếp cho tiệt nọc. Tôi không có thói quen suy đoán ngược, nhưng nghĩ đến
chuyện này vẫn thấy áy náy.
Lẽ ra tôi và anh Nguyễn Quốc Phong ở Báo Thanh Niên,
anh Đà Trang và anh Bùi Thanh ở báo Tuổi Trẻ đã bị bắt, nhưng đã may mắn không
sao, chỉ bị mất chức (trừ anh Đà Trang) và bị thu thẻ nhà báo, riêng việc thu
thẻ thì chỉ 1 năm sau được trả lại. Anh Nguyễn Công Khế tổng biên tập Thanh
Niên, anh Lê Hoàng tổng biên tập Tuổi Trẻ cũng bị mất chức, nhiều nhà báo khác
bị hành hạ lên bờ xuống ruộng. Khi giật cái tít trên tôi nghĩ một mình tôi mang
họa sau hai anh Chiến và Hải, sự việc liên quan đến rất nhiều người quả thật
tôi không hề nghĩ tới.
Từ khi cầm bút cho đến bây giờ, tôi chỉ viết những
gì tôi biết và tôi nghĩ, cho đăng những bài tôi thấy đúng, tôi hoàn toàn không
bị chi phối bởi bất cứ mối quan hệ nào. Rất may mắn là Tổng biên tập chấp nhận
con người ngang ngay sổ thẳng của tôi, nếu không thì tôi đã nghỉ việc từ lâu rồi.
Trong suốt 13 cuộc thẩm vấn, tôi nói với các cán bộ điều tra rằng tôi có tội gì
các anh có thể đếm từng chữ tôi viết và từng bài mà Thanh Niên đăng trong thời
gian tôi làm Tổng thư ký tòa soạn. Tôi không theo bè phái nào, không phục vụ
cho nhóm lợi ich nào, thậm chí trong giới báo chí tôi cũng không hề tham gia
nhóm này nhóm khác. Tôi cũng không có bất cứ quan hệ nào với các tổ chức và nhà
báo nước ngoài.
Nhưng bạn vẫn có thể bị trừng phạt về những điều
không liên quan đến lý do bị trừng phạt. Tôi rất hiểu điều đó. Và tôi đã bị cơ
quan điều tra đem tất cả những bài viết mà họ cho là “có vấn đề” đăng trên
Thanh Niên trong suốt 3 năm, kể từ khi xảy ra vụ PMU18 ra hạch sách tôi. Trong
đó có cả những bài của nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng, của Phó Tổng
giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Đăng Tuấn và nhà thơ Thanh Thảo. Thật là
lạ lùng, người ta đã không hỏi trực tiếp những người đó mà lại muốn quy tội cho
tôi. Đến cả những ý kiến bạn đọc mà tôi cho đăng trên Thanh Niên, người ta cũng
truy bản gốc xem tôi có bịa ra những ý kiến đó không. Tất nhiên là Thanh Niên
thời tôi làm không bao giờ đăng những ý kiến nào do báo bịa ra cả, một ý kiên bạn
đọc đưa lên báo có thể được rút ngắn lại, nhưng sự rút ngắn này không hề làm
sai lệch nội dung mà người viết muốn nói.
Trở lại điều tôi nói từ đầu về tự do báo chí. Ngay cả
nước Mỹ, quyền tự do ngôn luận tự do báo chí được bảo đảm bởi Tu chính án thứ
nhất Hiến pháp Hoa kỳ, nhưng một Đại thẩm phán Tòa tối cao từng nói, quyền này
“không phải do con cò mang tới”, hàm ý rằng phải có ai đó thực thi quyền này và
bị ngăn chặn thì các quan tòa mới biến quyền này thành hiện thực.
Ở nước ta, tự do báo chí là quyền được ghi trong Hiến
pháp, nhưng cũng phải có ai đó thực thi thì quyền này mới trở thành hiện thực.
Anh Chiến, anh Hải đã thực thi nó, nhưng khác với nước Mỹ một chút, thay vì các
quan tòa biến nó thành hiện thực thì lại đưa các anh ấy vào tù. Và các anh ấy
đã chấp nhận vào tù để tự biến nó thành hiện thực. Chúng tôi đã sát cánh cùng
các anh ấy, cũng sẵn sàng chấp nhận vào tù, cho đến bao giờ bản Hiến pháp không
bị coi là tờ giấy lộn.
No comments:
Post a Comment