29/05/2019
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước sang một thời kỳ mới, không còn mang hình thức bao vây, đối đầu trong lĩnh vực kinh tế khi Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các công ty có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia trong đó dẫn đầu là tập đoàn Huawei Technologies.
Ngay sau đó Google tuyên bố cấm Huawei sử dụng tất cả phần mềm từ hệ thống điều hành Android, YouTube, Google Search, Google Play Store, Chrome cùng tất cả các phần mềm dịch vụ khác như Google Map, Gmail trong các phiên bản tương lai. Hai ngày sau các hãng sản xuất linh kiện như Qualcomm, Intel, Xilinx, Broadcom đồng loạt có động thái tương tự kéo theo Infineon Technologies nhà sản xuất chip của Đức, cũng tuyên bố dừng xuất xưởng sản phẩm của mình cho Huawei Technology.
Hình ảnh Huawei xấu hẳn trong mắt người tiêu dùng khắp thế giới, không ngoại trừ Việt Nam, nơi Huawei được Hà Nội nâng đỡ ngay từ những ngày đầu tiên khi tiến vào thị trường này. Hàng ngàn người hoảng sợ khi sở hữu chiếc cell phone mang nhãn hiệu Huawei khiến cho văn phòng đại diện của hãng này phải lúng túng giải thích cho hàng chục ngàn khách hàng nhưng không ai tin vào những lời giải thích ấy.
Thật ra Huawei bị Hoa Kỳ tiêu trừ không phải vì khả năng kinh tế mà nó đe dọa đối với các hãng điện thoại của Mỹ mà lý do xâu sa hơn là sự đe dọa an ninh lẫn tình báo mà Huawei đang âm thầm giám sát hệ thống kinh tế lẫn an ninh quốc phòng của Mỹ cũng như các đồng minh, trong đó có Nhật, Úc, Anh, Đức cùng nhiều nước khác. Đánh Huawei quyết liệt không những tạo ra sự sụp đổ âm mưu len lỏi vào các cơ quan quan trọng của Mỹ và đồng minh mà Bắc Kinh nhắm tới, nó còn làm cho kế hoạch “Một vành đai một con đường” phá sản khi Huawei lộ ra phía sau lưng nó là chính phủ Trung Quốc, một sự thật không thể chấp nhận khi Trung Quốc muốn làm ăn với thế giới.
Khi Huawei bị các tập đoàn IT của Mỹ cô lập tất nhiên nó phải quay lại thị trường nội địa để sống sót và giấc mộng bá vương của Tập Cận Bình xem như tan thành mây khói cho dù ông ta đang hô hào cuộc vạn lý trường chinh như Mao Trạch Đông từng làm.
Tập Cận Bình có thể còn những lá bài khác chống lại cuộc chiến tranh thương mại như không xuất khẩu “đất hiếm” sang Mỹ hay gây bất ổn trên Biển Đông, Biển Hoa Đông nhằm tạo áp lực với các nước trong khu vực khiến những nước này do bảo vệ sự an nguy của mình mà không thừa gió bẻ măng trước hành động quyết liệt của Mỹ.
Nhưng một lần nữa, Tập Cận Bình đã tính sai một nước cờ.
Nếu ngày 16 tháng 5 Trung Quốc rúng động vì Huawei bị gạt ra khỏi giấc mơ bá chủ thông tin toàn cầu, thì ngày 23 tháng 5 “Dự luật Biển Đông và Biển Hoa Đông” tiếp tục làm cho cả Bộ chính trị của Trung Quốc choáng váng.
Sau một thời gian nằm im tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, dự thảo luật này được hai nghị sĩ của lưỡng đảng là ông Marco Rubio, Nghị sĩ Cộng hòa dẫn đầu dự thảo luật cùng Nghị sĩ Benjamin Cardin thuộc đảng Dân chủ tái trình để tiến hành thủ tục thông qua. Lần này, những người ủng hộ dự luật hy vọng sẽ có kết quả khả quan hơn thời gian năm 2017 nhờ chủ tịch mới của Ủy ban Đối ngoại, Nghị sĩ James Risch, được tiếng là người theo dõi chặt chẽ các chính sách của Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post phỏng vấn Nghị sĩ Marco Rubio cho biết nếu được thông qua, chính phủ Hoa Kỳ sẽ thu giữ các tài sản có trụ sở tại Mỹ và từ chối hoặc thu hồi thị thực Hoa Kỳ của bất kỳ người Trung Quốc nào đóng góp cho các dự án xây dựng hoặc phát triển, hoặc đe dọa hòa bình, an ninh hoặc ổn định tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông. (*)
Nó cũng sẽ xử phạt các tổ chức tài chính nước ngoài tài trợ cho các hoạt động đó.
Trong những năm gần đây, chế độ Trung Quốc đã quân sự hóa các khu vực trên Biển Đông bằng cách xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo và rạn san hô nhân tạo. Ngoài các hoạt động quân sự này, họ cũng đã triển khai các tàu bảo vệ bờ biển và tàu đánh cá Trung Quốc cho các tàu đánh cá chặn đường vào các tuyến đường thủy và giúp chiếm giữ các bãi cạn và rạn san hô.
Nói với tờ South China Morning Post Nghị sĩ Rubio cho rằng Dự luật nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ về việc giữ cho khu vực Biển Đông và Hoa Đông tự do và mở cửa cho tất cả các quốc gia, đồng thời buộc chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc bắt nạt và ép buộc các quốc gia khác trong khu vực.
Dự luật cũng sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ báo cáo trước Quốc hội sáu tháng một lần về cá nhân hay công ty Trung Quốc liên quan đến các dự án xây dựng ở vùng biển, bao gồm cải tạo đất, xây đảo, xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin di động và xây dựng cơ sở cung cấp điện và nhiên liệu.
Việc thông qua dự luật sẽ bổ sung vào danh sách các biện pháp ngày càng tăng của Washington để chống lại tham vọng kinh tế và quân sự của chế độ Trung Quốc trên toàn thế giới.
Trung Quốc đang đứng trước sự thử thách ghê gớm vì các hành vi bá quyền tại Biển Đông mà Mỹ vừa đưa ra, nó cho thấy cuộc chiến tranh thương mại đã biến dạng sang một hình thái khác mà Bắc Kinh rất khó chấp nhận vì đã tiêu tốn quá nhiều công sức lẫn tiền bạc nhằm nắm trọn vùng biển đầy tài nguyên này. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc làm các nước trong khu vực tranh chấp lo sợ nhưng đối với Mỹ nó chỉ là một nguy cơ thách thức sức mạnh hải quân của Mỹ. Kinh tế luôn là ván bài được khả năng quân sự đứng phía sau bảo vệ nếu quân sự không đủ mạnh thì phát động cuộc chiến tranh thương mại sẽ tự mình đào hố chôn mình.
Hiểu rõ khả năng thật sự của Trung Quốc không ai bằng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và vì vậy khi một quyết sách đưa ra Tổng thống Mỹ không thể không dựa vào các báo cáo mà tình báo quốc phòng cung cấp cho ông. Không ai tin là cuộc chiến tranh tại Biển Đông sẽ xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong hoàn cảnh hiện nay nhưng cũng không ai tin rằng Trung Quốc sẽ ngoan cố chống lại biện pháp cấm vận sau khi dự thảo luật này được ban hành qua chữ ký cuối cùng của Tổng thống Donald Trump.
Nước cờ vây của Mỹ đã bắt đầu khởi động, các nước đồng minh đã song hành để hạ gục Huawei cũng như sẵn sàng mang sức mạnh quân sự của họ tiếp tay với Mỹ. Trung Quốc không có đồng minh nên ván bài xem ra gần như lật ngữa. Việt Nam không hẳn là đồng minh của Trung Quốc mặc dù trên thực tế đầy dẫy bằng chứng những liên hệ mật thiết giữa hai Đảng với nhau. Có lẽ Hà Nội nên đem sự kiện này ra bàn thảo một cách rốt ráo trong đại hội Đảng sắp tới thay vì bàn thảo những đề tài nhàm chán đã thảo luận trong nhiều đại hội Đảng trước đây để tìm một hướng đi thích hợp cho đối sách của mình vì trong thời buổi toàn cầu hóa không nước nào có thể an nhàn ngồi xem chiến tranh mà không bị ảnh hưởng.
--------------------------------------------
XEM THÊM
VOA Tiếng Việt - 30/05/2019
Nguyễn Hùng - 29/05/2019
*
29/05/2019
Nhiều người Việt ở Trung Quốc nói với VOA tiếng Việt rằng họ cũng ít nhiều chịu tác động của cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh với Mỹ, nhưng không nhiều bằng các doanh nghiệp địa phương như Huawei.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục “ăn miếng trả miếng” sau khi cuộc đàm phán nhằm chấm dứt thương chiến đổ vỡ giữa tháng này, khiến hai nước gia tăng mức áp thuế hàng hóa nhập khẩu của nhau trị giá hàng trăm tỷ đôla.
Mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ báo cáo quốc hội nước này rằng Trung Quốc là một trong chín nước, gồm cả Việt Nam, cần bị theo dõi chặt chẽ về vấn đề thao túng tiền tệ, một bước đi Bắc Kinh nói là “chính trị hóa” của Washington.
Ông Trần Quyết, một công dân Việt Nam sống ở Trung Quốc sáu năm qua, nói với VOA tiếng Việt rằng người Việt cũng bị ảnh hưởng vì chiến tranh thương mại, nhưng không nhiều vì “99% là lao động chui”, “không thể làm cho các công ty lớn”.
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về người Việt sang Trung Quốc làm việc, và VOA tiếng Việt không thể kiểm chứng được thông tin mà ông Quyết đưa ra.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung Quốc không nằm trong danh sách 10 nước nhận nhiều người Việt sang lao động.
Theo ông Quyết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chịu các tác động từ hành động được cho là "mạnh tay" của Mỹ.
“Các công ty ngày xưa làm ra sản phẩm xuất khẩu đi nước Mỹ thì bây giờ các công ty sẽ bị đóng cửa và công nhân sẽ không có việc làm. Bên này thất nghiệp rất chi là nhiều rồi”, ông nói.
Ông Quyết cũng bày tỏ “hy vọng” rằng các công ty ở Trung Quốc sẽ “chuyển sang Việt Nam” như dự báo của Tổng thống Donald Trump về việc “nhiều công ty bị áp thuế nhập khẩu cũng sẽ rời khỏi Trung Quốc”.
Một cửa hàng bán điện thoại Huawei ở Việt Nam.
Trong khi đó, ông Tùng Lâm, một người Việt khác ở Trung Quốc, cho biết rằng tập đoàn viễn thông Huawei dường như cũng hứng chịu hệ quả từ cuộc thương chiến vì giá điện thoại của hãng này giảm mạnh trên thị trường sau quyết định của Google.
“Tại các cửa hàng điện thoại, nó giảm sâu so với năm ngoái”, ông Lâm nói. Không chỉ tại Trung Quốc, tin cho hay, người sử dụng tại nhiều nơi như Singapore hay Philippines đã bán tháo điện thoại Huawei vì lo ngại không thể tiếp cận và cập nhật các ứng dụng của Google.
Theo quan sát của mình, bà Lâm Lệ Quân, một cô dâu Việt ở Trung Quốc, cho biết rằng bà sống “ở dưới quê” và “không đi làm” nên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ít ảnh hưởng tới bà.
Tuy nhiên, bà cho biết thêm, khi gửi tiền về cho người thân ở Việt Nam, bà thấy “đồng tiền của Trung Quốc [Nhân dân Tệ] khi đổi qua tiền Việt Nam thì giảm rất nhiều”.
Tin cho hay, trong tháng này, đồng tiền của Trung Quốc đã mất giá nhiều so với đồng đôla vì chiến tranh thương mại.
Trước tác động của thương chiến, ông Quyết cho VOA tiếng Việt biết rằng báo chí nhà nước Trung Quốc đã “mở cuộc chiến truyền thông” nhắm vào Mỹ.
“Đất nước nào, ví dụ như Việt Nam mình, thì cái gì nó cũng nói tốt cho Việt Nam, chẳng bao giờ nó nói xấu Việt Nam, nói tốt cho đối phương cả. Bên này thì nó nói xấu về người Mỹ và lại nói tốt về bản thân của nó. Đất nước nào nó cũng thế à”, ông nói tiếp.
Cũng liên quan tới thương chiến Mỹ - Trung, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 23/5 nói rằng Hà Nội đang “quan tâm theo dõi”, đồng thời bày tỏ “mong muốn Bắc Kinh và Washington sẽ sớm giải quyết bất đồng”.
"Đây là quan tâm chung của quốc tế bởi có ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và sự ổn định của kinh tế thế giới”, bà Hằng nói.
“Việt Nam quan tâm theo dõi và mong muốn hai nước sẽ sớm giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, thương lượng trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
No comments:
Post a Comment