Thursday, May 30, 2019

GIÁO DỤC LIÊM SỈ (Lê Xuân Thọ)





Trong 1 nền giáo dục bỏ mặc liêm sỉ để chạy theo thành tích, thì vài năm sau nữa, nếu có xuất hiện thêm một ông Phó tổng Giám đốc Vietnam Airlines như ông Lê Hồng Hà đương nhiệm, yêu cầu phi hành đoàn và 215 hành khách phải dài cổ 72 phút chờ 1 người, cũng là điều… dễ hiểu.

1. Thật ra, không phải đợi đến khi các em học sinh quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận được quà khen thưởng là… giấy, dư luận mới đặt câu hỏi là những người làm giáo dục đang lừa dối các em. Bởi, sự lừa dối đó đã tiếp diễn qua nhiều năm rồi, mà ví dụ dễ thấy nhất là ở kỳ tổng kết cuối năm, tỷ lệ học sinh khá giỏi mỗi lớp gần như là 100%.

Và, nói như đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.Hồ Chí Minh) nhân câu chuyện 42/43 học sinh trong 1 lớp đạt loại giỏi, thì đó chính là hệ quả của căn bệnh thành tích. Và nó xảy ra bao nhiêu năm rồi, nhưng bây giờ mới chỉ có 1 trường bị phát hiện.

Cái vấn đề là, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đạo tạo, trong đó với vai trò là bộ trưởng của ông Phùng Xuân Nhạ, phải như thế nào chứ chẳng lẽ cứ bình chân như vại hay cứ mãi mỉm cười mãi sao?

Và, thêm cái vấn đề nữa là, phụ huynh hãy thôi xem cái đó là món đồ trang trí cho chính mình.

2. Khi tin ông Phạm Văn Thủy – Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tiếp tục làm trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La năm 2019, dư luận được phen… phản ứng gay gắt.

Là bởi, ông Thủy với vai trò trưởng ban chỉ đạo giống như năm ngoái, Sơn La đã bùng lên bê bối gian lận thi cử. Mà theo lời khai của các bị can liên quan, số tiền để sửa, nâng điểm là từ 700 – 1 tỷ đồng theo “điều khoản” là khi nào có được điểm “đẹp” mới thôi. Và cho đến giờ, vụ bê bối đó vẫn chưa được giải quyết.

Hẳn là, ông Thủy đã không còn (hoặc không có) sự liêm sỉ nên mới tiếp tục đảm nhận vai trò đó. Bởi nếu còn liêm sỉ, ông đã biết từ chối, hoặc nếu “lỡ” nhận thì khi thấy dư luận phản ứng sẽ xin thoái, chớ không để đợi người ta đòi thay người khác đảm nhận vị trí trưởng ban chỉ đạo thi cho người khác.

3. Vài hôm nay, mạng xã hội kháo nhau tin chuyến bay quốc tế của hãng hàng không Vietnam Airlines phải delay 72 phút chỉ vì 1 hành khách, theo yêu cầu của ông Lê Hồng Hà – Phó tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines.

Người khách trễ chuyến bay, bắt 215 hành khách và phi hành đoàn phải đợi là ông Đỗ Tường Minh – Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt.

Việc này, nó ảnh hưởng đến quốc thể hay không, Mết chưa bàn tới. Chỉ lưu ý rằng, vì chờ 72 phút, nên máy bay đã tăng tốc cho kịp điểm đến. Điều này, về mặt kỹ thuật an toàn bay, là điều vô cùng nhạy cảm.

Thêm nữa, cái cách Vietnam Arilines xử lý thông tin vụ việc, là vô cùng thiếu văn hóa khi đổ thừa đêm 28.5 do ảnh hưởng mưa dông nên ảnh hưởng đến nhiều chuyến bay. Tuy nhiên, trong biên bản của Trung tâm Khai thác Tân Sơn Nhất lập, thì việc chuyến bay đó tạm dừng 72 phút là chờ 1 hành khách theo lệnh của ông Hà.

Thêm cái nữa, là một số bài báo phản ảnh vụ việc này, khi sáng và trưa nay 30.5, Mết vẫn còn đọc được. Nhưng cách đây vài tiếng mình truy cập lại, thì báo lỗi 404 huyền thoại!

Rõ ràng, đó là một cách hành xử vô cùng thiếu văn hóa. Mà nôm na, ta gọi là vô liêm sỉ! Bởi nếu có lòng tự trọng, ít nhất là có lời xin lỗi!

Giáo dục về liêm sỉ, hình như, chưa bao giờ cấp bách như bây giờ!


-------------------------------------

LIÊN QUAN
.
.
.


-------------------------------

XEM THÊM

30-5-2019

Đôi khi tôi nghĩ về tác phẩm Trại súc vật của George Orwell và sự nhận định kinh điển. “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con khác.” Sự phân hóa bất bình đẳng chỉ có thể diễn ra ở nơi mà luân lý bình đẳng bị bóp méo để phục vụ cho thứ súc vật có quyền và cai trị lũ súc vật im lặng.

Đang nghĩ vẩn vơ thì có một câu chuyện khác…

Ảnh: internet

Hình ảnh bên phải là ông Đỗ Trường Minh, tổng GĐ tập đoàn Bảo Việt. Ông Minh ra máy bay trễ và cả phi hành đoàn lẫn 215 hành khách phải “bình đẳng” chờ ông vì ông thuộc loại hành khách “bình đẳng hơn”.

Bên trái là ông Lê Hồng Hà phó tổng GĐ Vietnam Airlines- người ra lệnh phi hành đoàn và 215 hành khách trên chuyến bay nói trên phải chờ đợi ông Đỗ Trường Minh.

Đáng nói là chuyến bay ấy có phi trình sang Đức. Nghĩa là khách quốc tế khi đến Việt Nam cũng được “bình đẳng” chờ đợi ông Đỗ Trường Minh, “bình đẳng” chấp nhận trễ chuyến bởi chỉ đạo của ông Lê Hồng Hà.

Theo quy luật hàng không, máy bay đổi lịch/đổi giờ bay thì cả hệ thống sau đó cũng phải thay đổi và dĩ nhiên là có các thiệt hại nhất định. Thiệt hại ấy, các hãng bay (doanh nghiệp) và hành khách nước ngoài, hành khách trong nước (nhân dân) phải gánh một cách rất “bình đẳng”.

Chuyện trễ chuyến bay trước nay có khá nhiều và tôi tự hỏi có bao nhiêu trong số đó là vì chờ những khách hàng hàng không “bình đẳng hơn” như vậy? Phải tự hỏi thêm là có bao nhiêu chuyến bay mà những người quản lý có thể can thiệp bất chấp không phải vì lý do an ninh quốc phòng hay các sự cố bất khả kháng?

Có ai quen hai ông này xin nhắn giúp: Tôi muốn gửi tặng hai ông tác phẩm Trại súc vật, mỗi người một quyển.

Biết đọc, hẳn là hai ông Minh, Hà đều biết. Nhưng đọc sách để không tạo ra những hành vi coi người khác là súc vật thì tôi tin là loài người có những cá thể trông có vẻ giống người, hay mạo danh con người một cách tài tình, không làm được điều đó…









No comments: