Friday, May 10, 2019

LIÊN MINH CHÂU ÂU & BẦU CỬ CHÂU ÂU 2019 (Vũ Ngọc Yên)





Vũ Ngọc Yên
10/05/2019

EU là một liên minh chính trị và kinh tế lớn và quan trọng hàng đầu thế giới. EU có 2/5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, 4/7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (nhóm G7) và 4/20 nước trong nhóm các quốc gia phát triển G20.

EU có nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu với GDP 19.100 USD, là thị trường toàn cầu lớn với dân số trên 512 triệu người (thu nhập bình quân 37.305 USD/ người/ năm và là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở hầu hết các nơi trên thế giới. EU đã đầu tư vào hợp tác phát triển và viện trợ nhân đạo nhiều hơn so với toàn bộ phần còn lại trên thế giới gộp lại. Viện trợ phát triển của EU được cung cấp đến khoảng 150 quốc gia trên thế giới và tập trung vào những nơi nghèo nhất. EU là nhà tài trợ lớn nhất cho viện trợ nhân đạo để chăm sóc cho hàng triệu người bao gồm nam giới, phụ nữ và trẻ em phải rời bỏ chỗ ở vì xung đột, chiến tranh.

Năm 2012, Liên minh EU nhận giải Nobel Hoà Bình cho các nỗ lực phát huy hòa bình, hòa giải, dân chủ, và nhân quyền.

Liên minh châu Âu hiện bao gồm 28 nước thành viên: Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hoà Lan, Anh Luxembourg, Ireland, Đan Mạch, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Thuỵ Điển, Phần Lan, Tiệp, Hungaria, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, LithuaniaMalta, Cyprus, Bungaria, Romania, Croats.

Tiến trình Hội nhập châu Âu

Lịch sử sự hình thành của Liên minh châu Âu (the European Union, EU) khởi đầu là bản Tuyên bố Schuman, ngày 09/5/1950 với đề xuất thành lập Cộng đồng than thép châu Âu.
Năm 1951, Hiệp ước Paris thành lập Cộng đồng than thép châu Âu (ECSC) được ký kết với sự tham gia của Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hoà Lan và Luxembourg.

Năm 1957, Hiệp ước Roma thành lập Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom) và Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC). EEC hướng tới thiết lập thị trường chung, liên minh thuế quan với sự di chuyển tự do của vốn và lao động.

Năm 1967, Hợp nhất ECSC, Euratom và EEC, gọi chung là Cộng đồng Châu Âu (European Communities – EC).

Năm 1992, Hiệp ước Maastricht hay còn gọi là Hiệp ước Liên minh châu Âu (Treaty of European Union), thành lập liên minh kinh tế và tiền tệ với một đơn vị tiền tệ chung và một ngân hàng trung ương độc lập. Điều kiện để tham gia vào liên minh kinh tế và tiền tệ (còn gọi là những tiêu chỉ hội nhập): Lạm phát thấp, không vượt quá 1,5%; Thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% GDP; Nợ công dưới 60% GDP. Quyền công dân EU cũng được đưa vào lần đầu tiên, cho phép người dân ở các nước trong EU được đi lại tự do giữa các quốc gia thành viên.

Hiệp ước này ra đời sau sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu và nước Đức thống nhất, đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình nhất thể hóa châu Âu và dẫn đến việc thành lập Liên minh châu Âu (EU) thay thế Cộng đồng châu Âu (European Communities – EC).

Năm 2002 đồng Euro đã chính thức được lưu hành trong 19 quốc gia thành viên (còn gọi là khu vực Euro) gồm Pháp, Đức, Áo, Bỉ, Phần Lan, Ireland, Ý, Luxembourg, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Estonia, Latvia, Lithuania, Malta, Slovakia, Slovenia, Hy lạp và Cyprus. Hiện nay, đồng Euro đang có tỷ giá hối đoái cao hơn đồng USD.

Năm 2009, Hiệp ước Lisbon sửa đổi nội dung của 2 hiệp định chủ chốt quy định bản chất, tổ chức và hoạt động của EU là Hiệp ước Roma (1957) và Hiệp ước Maastricht (1992). Hiệp ước Lisbon lần đầu tiên trao cho EU tư cách pháp nhân “thay thế và thừa kế tư cách pháp nhân của Cộng đồng châu Âu”. Ngoài ra, EU lập ra chức danh Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Đại diện cao cấp của EU về Ngoại giao và An ninh (đồng thời là Phó Chủ tịch EC) đứng đầu Cơ quan đối ngoại.

Cơ cấu tổ chức của EU

EU có 8 định chế quan trọng chính: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu ÂuTòa án Công lý Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Tòa Kiểm toán châu Âu, và Cơ quan đối ngoại châu Âu.

1.– Hội đồng châu Âu (European Council)
Hội đồng châu Âu là cơ quan chỉ đạo chính trị và có nhiệm vụ nhóm họp ít nhất 4 lần trong năm. Hội đồng châu Âu bao gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và một đại diện của mỗi quốc gia thành. Hội đồng châu Âu chủ động xem xét những thay đổi trong các hiệp ước điều chỉnh hoạt động Liên minh châu Âu cũng như xác định mục tiêu và chiến lược cho Liên minh châu Âu.

Chủ tịch đương nhiệm của Hội đồng châu Âu: Donald Tusk, cựu thủ tướng Ba Lan.

2.- Hội đồng Bộ trưởng (Council of the European Union hoặc Council of Ministers)
Hội đồng Liên minh châu Âu còn được gọi là Hội đồng Bộ trưởng (Council of Ministers) là cơ quan phối hợp chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh và đối ngoại, cùng với Nghị viện châu Âu chấp thuận ngân sách, khuyến nghị EC xây dựng các đạo luật chung và ký kết các thoả ước quốc tế.

Tại Hội đồng Bộ trưởng, các quốc gia thành viên đều cử một bộ trưởng đại diện và luân phiên sau sáu tháng đảm nhận vai trò chủ tịch.
Hiện tại chủ tịch là nước Romania.

3.- Nghị viện Châu Âu (European Parliament – EP)
Nghị viện châu Âu đươc công dân EU bầu trực tiếp. Nhiệm vụ của Nghị viện là phối hợp với Hội đồng Bộ trưởng (hay Hội đồng Liên minh châu Âu) thông qua các đạo luật, thông qua ngân sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách của Liên minh châu Âu. Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm trước Nghị viện, đối với mọi hoạt động phải có sự chấp thuận của Nghị viện, báo cáo kết quả công tác trước Nghị viện châu Âu. Chủ tịch Nghị viện được bầu bởi các nghị sĩ với nhiệm kì 2 năm rưỡi. Nghị viện có quyền thông qua hoặc bãi miễn các chức vụ ủy viên Ủy ban châu Âu.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu, được bầu bởi các nghị sĩ với nhiệm kì 2 năm rưỡi. Chủ tịch đương nhiệm: Antonio Tajani (Ý), thuộc Khối Nhân dân Châu Âu từ ngày 17 tháng 1 năm 2017.

4.- Ủy ban châu Âu (European Commission – EC)
Ủy ban châu Âu là “động cơ của EU” cơ quan hành pháp hoạt động độc lập, có chức năng xây dựng, kiến nghị các đạo luật của EU, thực thi, áp dụng và giám sát việc triển khai các hiệp ước và điều luật của EU, sử dụng ngân sách chung để thực hiện các chính sách chung của cả khối theo quy định.

Về đối ngoại, EC thương thảo các Hiệp định và thỏa ước quốc tế quan trọng giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới.

Ủy ban châu Âu bao gồm 28 uỷ viên đại diện cho 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, nhiệm kỳ 5 năm do các chính phủ cử và chỉ bị bãi miễn bởi Nghị viện châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu đương nhiệm: Jean- Claude Junke, cựu Thủ tướng Luxemborurg.

5.- Tòa Công lý châu Âu (The Court of Justice)
Tòa án EU là cơ quan phán án, có thẩm quyền tư pháp đối với các vấn đề liên quan đến luật pháp của EU. Bao gồm hai tòa chính là: “Tòa sơ thẩm châu Âu” (European General Court) và “Tòa án Công lý châu Âu” (European Court of Justice). Tòa án có vai trò độc lập và có quyền bác bỏ những quy định của các tổ chức của Ủy ban châu Âu và Chính phủ các nước thành viên nếu những quy định này bị coi là không phù hợp với luật EU.

Hiệp ước Lisbon đã trao hiệu lực pháp lý cho Hiến chương Liên minh châu Âu về những quyền cơ bản vào năm 2009.

Điều 1 và 2 Hiến chương Liên minh châu Âu về những quyền cơ bản vào năm 2009. “Nhân phẩm là không thể xâm phạm. Nhân phẩm phải được tôn trọng và bảo vệ. Mọi người đều có quyền được sống. Không một ai bị kết án tử hình hoặc bị xử tử“.

Các điều ước đã ký kết giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu công nhận rằng Liên minh châu Âu được “thành lập trên cơ sở tôn trọng những giá trị nhân phẩm, tự do, dân chủ, công bằng, pháp trị và nhân quyền, bao gồm quyền của những người thuộc những sắc tộc thiểu số… trong một xã hội đa dạng, không phân biệt, khoan dung, công lý, đoàn kết và bình đẳng giới“. Trên bình diện thế giới, Liên minh châu Âu cũng thúc đẩy các vấn đề về nhân quyền. Liên minh châu Âu phản đối việc kết án tử hình và đề nghị loại bỏ hình phạt này trên khắp thế giới. Ngoài ra, việc loại bỏ án tử hình cũng là một điều kiện đối với quy chế thành viên Liên minh châu Âu.

Tòa Công lý châu Âu bao gồm 28 thẩm phán, đại diện cho 28 quốc gia thành viên EU, do các chính phủ thỏa thuận bổ nhiệm, nhiệm kỳ 6 năm. Chủ tịch của Tòa Công lý châu Âu được bầu bởi các thẩm phán với nhiệm kỳ 3 năm có thể tái bổ nhiệm. Chủ tịch chịu trách nhiệm điều khiển các phiên xét xử cũng như các cuộc thảo luận.

Chủ tịch đương nhiệm: Koen Lenaerts (Bỉ).

6. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (The European Central Bank)
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phụ trách về chính sách tiền tệ của khu vực Euro (19 nước thành viên), bao gồm: ổn định giá, ấn định lãi xuất chỉ đạo, ổn định cung tiền, giá trị của đồng Euro, cứu các ngân hàng của các thành viên khu vực sử dụng Euro có nguy cơ đổ vỡ. Điều hành ngân hàng là Ban giám đốc và các chủ tịch ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương Âu châu đương nhiệm: Mario Draghi (Ý)

7.- Tòa kiểm toán châu Âu (The European Court of Auditors)
Cơ quan này không có quyền tư pháp nhưng có quyền kiểm tra các sổ sách kế toán để bảo đảm ngân sách của Cộng đồng được chi tiêu chính xác; lập báo cáo kiểm toán cho mỗi năm tài chính đệ trình Hội đồng và Nghị viện châu Âu, và cho ý kiến về pháp luật tài chính và các hành động chống gian lận.

8.– Cơ quan Đối ngoại của châu Âu (European External Action Service)
Mục tiêu của Chính sách an ninh và đối ngoại chung (CFSP) là thúc đẩy lợi ích của chính Liên minh châu Âu cũng như của cộng đồng thế giới trong việc xúc tiến hợp tác quốc tế, tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp trị.

Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) được thành lập sau khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực và bắt đầu chính thức hoạt động từ ngày 01/12/2010. Đây là Cơ quan (có nhiều chức năng và nhiệm vụ giống Bộ Ngoại giao) chuyên trách về chính sách đối ngoại và an ninh của châu Âu. Người đứng đầu EEAS là Đại diện cấp cao phụ trách về chính sách đối ngoại và an ninh kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

EEAS hoạt động hoàn toàn độc lập và có ngân sách riêng, có nhiệm vụ kiến nghị các chính sách về đối ngoại và an ninh để các nước thành viên EU thông qua.

Đại diện cao cấp của Liên minh châu Âu về ngoại giao và chính sách an ninh hiện nay, bà Federica Mogherini. (Ý)

Bầu cử châu Âu 2019

Từ năm 1979, các Nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu (EP) được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm, mỗi nước thành viên có ít nhất 6 ghế và nhiều nhất 96 ghế.

Qua 40 năm, Liên minh châu Âu (EU) đã phát triển và mở rộng, nên thành phần của Nghị viện cũng thay đổi nhiều.Trong năm 1979, EU có 9 quốc gia thành viên, với 410 nghị sĩ đã tăng lên 28 thành viên với 751 nghị sĩ vào năm 2014.

EP là Nghị viện đa quốc gia lớn nhất ttrên thế giới.

Hiện tại trong Nghị viện có 751 nghị sĩ phân chia theo 8 khối chính trị khác nhau (không phân chia theo quốc tịch). Các nhóm Đảng chính của EP: (1) Khối các đảng Nhân dân châu Âu – EPP (trung hữu): 216 ghế; (2) Khối Xã hội Dân chủ – S&D (trung tả): 185 ghế; (3) Liên minh Tự do và Dân chủ châu Âu – ALDE (tự do): 69 ghế, (4) Đảng Xanh – Green/EFA: 52 ghế; (5) Nhóm Bảo thủ và Cải cách châu Âu – ECR : 77 ghế; (6) Đảng Cánh tả thống nhất châu Âu – GUE/NGL (cực tả): 52 ghế; (7) Nhóm dân tộc và tự do – ENF (dân tuý): 36 ghế

(8) Nhóm Tự do Dân chủ châu Âu – EFDD (dân chủ, tự do và dân chủ trực tiếp – dân túy): 42 ghế; (9) Nhóm không thuộc khuynh hướng chính trị cụ thể: 20 ghế.

Hơn 400 triệu cử tri được kêu gọi tham gia cuộc bầu Nghị viện châu Âu lần thứ 9 cho nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra từ ngày 23 đến 26.5. 2019 tại 28 quốc gia thành viên EU. Riêng Đức cuộc bầu được tổ chức vào ngày 26.05.

Đây là cuộc bầu quan trọng nhất của EU. Ngoài vai trò của EP đã được nâng cao ngang tầm với các định chế Hội đồng và Ủy ban châu Âu từ khi thoả ước Lisbon có hiệu lực. Cuộc bầu cử sẽ còn xác định đường hướng và thành phần lãnh đạo tương lai của các định chế EU (Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị Viện châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Đại diện ngoại giao cấp cao).

Cuộc bầu cử châu Âu 2019 diễn ra trong bối cảnh: Các lực lượng chính trị dân túy, cực hữu chống EU trỗi dậy và Anh rút khỏi EU (Brexit).

Dân túy trỗi dậy liên kết chống EU

Mặc dù phần lớn dân chúng trong các quốc gia thành viên luôn cảm nhận là công dân EU và khu vực EU tương đối ổn định, dù còn tồn tại một số vấn đề (khủng hoảng Euro, nhập cư, tị nạn). Nhưng các chính đảng dân túy theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan chống Liên minh EU và toàn cầu hóa đã khai thác những nỗi lo sợ của người dân về an ninh, thịnh vượng, phát triển thành những lực lượng đáng kể đang gây áp lực lên các chính đảng dân chủ truyền thống trong các Nghị viện của nhiều quốc gia thành viên.

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy các đảng dân túy, chống nhập cư ở các nước trong EU đang nhận được nhiều sự ủng hộ.

Tại Hungary tỷ lệ ủng hộ đối với đảng cực hữu Fidesz của Thủ tướng Viktor Orbán cùng với đồng minh là đảng Nhân dân Dân chủ Thiên chúa giáo đã đạt trên 60%. Tại Ý, đảng cực hữu Lega của Phó Thủ tướng Matteo Salvini tăng lên mức 30% và tỷ lệ ủng hộ đối với Phong trào dân túy M5S, đối tác của Lega trong liên minh cầm quyền tại Rome, là 27%.

Tại Pháp, phong trào dân túy “áo vàng” liên tiếp xuống đường chống đối chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron cũng nhận được sự hưởng ứng từ các đảng cực hữu ở Anh, Đức, Hungary, Serbia. Qua nhiều cuộc thăm dò ý kiến, đa số công dân Pháp muốn trưng cầu dân ý tư cách thành viên EU của nước này(Frexit). Mức ủng hộ Macron hiện chỉ còn 20% – mức thấp từ trước đến nay. Tỷ lệ ủng hộ đối với phong trào Cộng hòa Tiến lên (LREM) của Macron hiện ít hơn so với đảng dân túy Tập hợp Quốc gia (RN) của Marine Le Pen.

Tại Đức, tỷ lệ bầu đảng cực hữu AfD “Chọn lựa cho nước Đức“ ước chừng trên 10%. Đảng này từng kêu gọi Đức rời khỏi EU, gọi là “Dexit” chống đồng Euro, nhưng trong thời gian gần đây đẩy mạnh các hoạt động bài ngoại, chống nhập cư, chống Hồi giáo và hiện là đảng đối lập mạnh trong Quốc hội Liên bang Đức. AfD hợp tác với các đảng quốc gia cực hữu khác như Đảng Tự do Áo hay Lega Ý. Cả hai đảng này đều nằm trong liên hiệp cầm quyền tại Vienna và Rome.

Trong thời gian gần đây phe cực hữu, dân túy đã có có những nỗ lực liên minh nhằm đạt được các mục tiêu chung trong cuộc bầu cử sắp tới. Phó Thủ tướng Ý, Matteo Salvini đã gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và hai bên cam kết thành lập một mặt trận dân túy chung. Salvini và Jaroslaw Kaczynski, lãnh tụ đảng Luật pháp và công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan đã thỏa thuận thành lập trục Ý – Ba Lan trong Nghị viện mới. Salvini cũng có cuộc gặp với lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen (Tập hợp quốc gia) và Phó thủ tướng dân túy Áo Heinz Christian Strache (Đảng Tự do) bàn về liên minh chống nhập cư.

Tác động của Brexit đối với EU
Sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23.06.2016, nước Anh quyết định sẽ rút khỏi EU. Brexit đang gây ra những tác động to lớn về kinh tế và tài chính cho EU. Nhưng hơn hết nó tạo thay đổi cục diện địa chính trị, lung lay nền tảng quyền lực của châu Âu.

Vào năm 1973 Vương quốc Anh gia nhập Liên minh EU. Từ thời điểm đó Anh cùng Pháp và Đức đã tích cực xây dựng và phát triển EU. Anh rời EU sẽ khiến những chương trình mở rộng và hội nhập các quốc gia thành viên trong EU trì trệ và đặc biệt làm vị thế của EU trên thế giới bị suy giảm. Vì thiếu đi một thành viên có chân trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc và một cường quốc về quân sự, EU trong tương lai khó có thể đối phó trước những thách thức quốc tế, như cuộc khủng hoảng di cư, chủ nghĩa khủng bố hay cuộc xung đột với Nga.

Brexit là một hình mẫu đi trước, thúc đẩy chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Euroskeptics) ở các nước khác trong khu vực và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho châu Âu. Hai đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của Marine Le Pen và đảng Tự do của Geert Wilders đang gây ồn ào xáo trộn ở hai nước Pháp và Hoà Lan. Cả hai chính trị gia “ái quốc” này nhiều lần lên tiếng đòi tiến hành trưng cầu dân ý trong các quốc gia thành viên EU và cảnh báo hội chứng Brexit sẽ tạo ra “một mùa xuân ái quốc” mở đầu cho tiến trình giải thể EU.

Thay lời kết

Chính sự thắng thế của phong trào dân túy đã dẫn tới việc nước Anh rời khỏi EU. Brexit đã đẩy Anh lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cũng như làm vị thế toàn cầu của EU bị suy giảm. Và cũng chính làn sóng dân túy và quốc gia cực đoan đã đưa một doanh nhân lên làm nguyên thủ quốc gia tại Mỹ vào cuối năm 2016 đang khởi động cuộc chiến tranh thương mại với nhiều nước trong đó có Âu châu, khiến tăng trưởng kinh tế thế giới bị kìm hãm.

Trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp diễn ra, giới lãnh đạo chính trị và người dân trong EU rất lo ngại về sự trỗi dậy và liên kết của các đảng dân túy, quốc gia cực hữu.

Hệ thống chính đảng ở các quốc gia thành viên EU trong những năm qua đã bị thay đổi sâu rộng.Các đảng dân chủ truyền thống không còn nhiều hậu thuẫn của quần chúng như trước nên có lẽ không đảng nào đạt được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Nghị viện mới để chiếm ưu thế trong các cuộc bầu lãnh đạo EU. Trong Nghị viện mới, các đảng dân túy sẽ tranh cãi, đòi xét laị mọi chính sách liên hệ các vấn đề giới hạn tị nạn, di dân, an sinh xã hội, kiểm soát biên giới, kinh tế, thương mãi, đối ngoại, viện trợ, biến đổi khí hậu.

Cuộc bầu cử Âu châu 2019 là cuộc bầu quan trọng nhất của EU và cuộc bầu cử lần này sẽ có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến sự đoàn kết châu Âu và có nguy cơ đe doạ cuộc sống của mọi người dân trong liên minh EU.






No comments: