Sunday, May 26, 2019

PHẢN BIỆN NGUYỄN KIỀU DUNG & NGUYỄN ĐÌNH CỐNG (Trần Ghị Ngư)





Trần Thị Ngự
27/05/2019

Trong bài viết tựa đề “Đã đến lúc phải đưa ra những yêu sách cụ thể, thiết thực hơn” đăng tải trên Dân Luận ngày 20 Tháng 5, 2019 [1] tác giả Nguyễn Kiều Dung cho rằng hiện nay các nhóm hay cá nhân [đấu tranh cho dân chủ] đưa ra các yêu sách rất to tát như đa nguyên đa đảng, luật biểu tình, báo chí tư nhân, v.v. tác giả cho rằng những yêu sách này không thể thực hiện được với 3 lý do: 1) đảng cộng sản vẫn đang có vị thế mạnh, không dễ gì để họ tự dưng nhả quyền lực ra như vậy; 2) thực hiện những yêu sách trên có thể sẽ gây ra hỗn loạn, dễ mất chính quyền, dễ dẫn đến trả thù; 3) “những yêu sách đó cũng không được lòng đa số công dân Việt nam ở thời điểm này, bởi người dân cũng rất lo sợ bất ổn” (kết quả điều tra của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng yên, có đến 90% sinh viên và giảng viên trẻ ủng hộ chế độ độc đảng hiện nay). Nguyễn Kiểu Dung đề nghị những nguười yêu nước đưa ra những yêu sách mà tác giả cho là cụ thể và thiết thực hơn, như cho phép biểu tình có giới hạn về địa điểm và số người tham dự, khoảng non nửa đại biểu quốc hội do dân bầu trực tiếp không qua hiệp thương, cho phép báo chí tư nhân nhưng giới hạn về số lượng và thời gian; 4) cho phép lập đảng đối lập nhưng rất giới hạn về số lượng và thời gian hoạt động.

Quan điểm của tác giả Nguyễn Kiề̉u Dung được sự ủng hộ của tác giả Nguyễn Đình Cống qua bài viết “Hưởng Ứng Kiều Dung” đăng tải trên Dân Luận ngày 23 Tháng 5, 2019 [2]. Tác giả cho rằng quan trọng nhất là phải có một quốc hội thật sự làm việc chứ không phải là quốc hội bù nhìn như hiện nay. Và để cho đảng CSVN cầm quyền yên tâm về quyền lực, tác giả đề nghị một nửa đại biểu quốc hội sẽ do đảng CSVN đề cử.

Tôi xin cảm ơn hai iả Nguyễn Kiều Dung và Nguyễn Đình Cống đã viết hai bài báo tạo cảm hứng cho tôi viết bài phản biện. Trước hết, tôi xin phản biện quan điểm của hai tác giả Nguyễn Kiều Dung và Nguyễn Đình Cống và sau đó đưa ra đề nghị để tiến tới dân chủ cho Việt Nam.

1. Nguyễn Kiều Dung: Đảng CSVN hiện nay đang có vị thế mạnh.

Phản biện: Điều này có thể đúng ngày hôm nay nhưng có thể không đúng trong tương lai xa hay gần. Dựa vào quan điểm mâu thuẫn xã hội (conflict perspective) của Karl Marx, tất cả tùy thuộc vào tương quan về sức mạnh của giai cấp thống trị (đảng CSVN) và giai cấp bị trị (nhân dân và các tổ chức đối lập).

2. Nguyễn Kiều Dung: Thực hiện đa nguyên đa đảng, luật biểu tình, báo chí tư nhân có thể gây hỗn loạn, dễ dẫn đến trả thù.

Phản biện: Lập luận trên thường được những người trong giới cầm quyền, và những người ủng hộ chế độ độc tài đảng trị hiện nay, nêu ra để từ chối tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam. Lịch sử thế giới cho thấy không phải các cuộc cách mạng hay thay đổi thể chế nào cũng đưa đến trả thù tàn bạo như từng xảy ra trong cuộc cách mạng cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam cuối thập kỷ 1950s hay trong chính sách tập trung cải tạo ở miền Nam Việt Nam sau 1975. Điển hình là tinh thần nhân đạo của phe thắng trận trong chiến tranh Nam-Bắc ở Hoa Kỳ (1861 -1865) không những không trả thù những người thuộc phe bại trận mà còn tạo được tinh thần đoàn kết và hợp tác của dân chúng trên toàn quốc để tái thiết và phát triển đất nước. Thí dụ thứ hai là không có bạo lực hay hỗn loạn ở hầu hết các nước Đông Âu khi thay đổi thể chế vào cuối thập kỷ 1980s, ngoại trừ có lật đổ và bạo lực ở Romania. Tại Đức, sự thay đổi thể chế diễn ra êm thắm và không lâu sau đó, một công dân từ Đông Đức (Angela Merkel) và từng là thành viên đoàn thanh niên CS Đông Đức trở thành thủ tướng (Chancelor) của nước Đức thống nhất, tự do và dân chủ.

3. Nguyễn Kiề̉u Dung: Những yêu sách [đa nguyên đa đảng, luật biểu tình, báo chí tư nhân... ] không được lòng đa số công dân Việt nam ở thời điểm này, bởi người dân cũng rất lo sợ bất ổn.

Phản biện: Tác giả nêu kết quả điều tra của Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Hưng Yên [có đến 90% sinh viên và giảng viên trẻ ủng hộ chế độ độc đảng hiện nay] để làm hậu thuẫn cho lập luận kể trên. Tuy nhiên việc nêu kết quả điều tra tại Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Hưng Yên hoàn toàn phản khoa học nên không thuyết phục. Ý kiến của sinh viên và giảng viên ở Đại Học Sư Phạm Hưng Yên không thể đại diện cho sinh viên và giảng viên đại học toàn quốc, chứ đừng nói đến đại diện cho dân chúng cả nước. Chỉ một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc và minh bạch mới thể hiện ý nguyện của người dân.

4. Nguyễn Kiều Dung: Chính phủ cho phép biểu tình có giới hạn về địa điểm và số người tham dự, giới hạn báo chí tư nhân về số lượng (2 hay 3 tờ) và thời gian (5 năm).

Phản biện: Quyền tự do biểu đạt thông qua các hình thức biểu tình hay làm và viết báo là một trong các nhân quyền căn bản được quốc tế công nhận (Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền, Điều 18-19) và được chính phủ nước Việt Nam thống nhất cam kết thực hiện khi gia nhập Liên Hiêp Quốc năm 1977. Để nghị trên đi ngược lại nguyên tắc dân chủ và nhân quyền khi duy trì chế độ độc tài đảng trị và đơn phương đề nghị trao cho chính phủ quyền giới hạn việc thực thi dân chủ và nhân quyền của công dân.

5. Nguyễn Kiều Dung: Giới hạn về số lượng (1 hay 2) đảng đối lập và thời gian hoạt động của các đảng đối lập (5 năm).

Phản biện: Tham gia hay thành lập đảng phái là một trong các nhân quyền căn bản được quốc tế công nhận (Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Điều 20) và được chính phủ nước Việt Nam thống nhất cam kết thực hiện khi gia nhập Liên Hiêp Quốc năm 1977. Quyền tham gia hay thành lập đảng phái cũng là một yếu tố cơ bản của dân chủ. Không thể có dân chủ khi bầu cử không có cạnh tranh mà chỉ có độc diễn hay độc đảng. Đề nghị để những người cầm quyền giới hạn hoạt động đảng phái đi ngược lại nguyên tắc dân chủ.

6. Nguyễn Kiều Dung: 30-50 phần trăm đại biểu quốc hội do dân bầu trực tiếp không qua hiệp thương, Nguyễn Đình Cống: phải có một quốc hội không bù nhìn, 50 phần trăm đại biểu quốc hội do đảng CSVN đề cử.

Phản biện: Bầu và ứng cử tự do trên nguyên tắc công bằng là một yếu tố cốt lõi của dân chủ vì thông qua bầu và ứng cử, người dân tham gia vào việc điều hành đất nước (tức là người dân làm chủ đất nước). Khi đơn phương qui định bầu cử không công bằng (ưu đãi thành phần đảng viên CSVN) tức là không có bầu cử tự do và đi ngược lại nguyên tắc dân chủ. Tác giả Nguyễn Đình Cống còn tự mâu thuẫn khi không muốn đại biểu bù nhìn nhưng lại đề nghị một nửa số đại biểu do đảng CSVN đề cử. Thực tế là hiện nay đa số đại biểu quốc hội ở VN là do đảng CSVN đề cử và đa số đại biểu quốc hội ở VN là “nghị gật.”

Đề Nghị Lộ Trình Cho Dân Chủ Ở Việt Nam

Nói một cách vắn tắt, dân chủ có nghĩa là người dân làm chủ hay cai trị bởi người dân (rule by people). Việc này được thực hiện thông qua bầu cử khi người dân lựa chọn những người đại diện cho họ để làm công việc điều hành đất nước.

Việc điều hành đất nước phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản để tránh tình trạng tùy tiện, đồng thời giúp việc điều hành có hiệu quả. Những nguyên tắc cơ bản này thường được gọi là hiến pháp, kim chỉ nam cho việc tổ chức chính quyền, vận hành chính phủ và bảo vệ các nhân quyền và dân quyền của công dân chống lại sự lạm quyền của nhân viên chính phủ.

Tiến trình dân chủ cho Việt Nam cần phải bắt đầu với một hiến pháp do dân làm ra (hiến pháp của Việt Nam hiện nay là do đảng CSVN áp đặt chứ người dân không được hỏi ý kiến vì các đại biểu quốc hội làm ra hiến pháp đều do đảng CSVN đề cử). Một ủy ban làm dự thảo hiến pháp sẽ được thành lập và bao gồm đại diện của các thành phần dân chúng ở VN (nhân sĩ, trí thức, công nhân, nông dân, tôn giáo, v.v.) và đương nhiên sẽ có đại diện của đảng CSVN. Dự thảo hiến pháp sẽ bao gồm các nguyên tắc dân chủ, tôn trọng quyền tham gia chính trị của mọi công dân, trong đó có những đảng viên đảng CSVN. Sau khi hoàn tất, dự thảo hiến pháp sẽ được đem ra để lấy ý kiến của toàn dân bằng một cuộc trưng cầu dân ý công bằng và minh bạch. Theo nguyên tắc dân chủ, nếu đa số dân chúng đồng ý với dự thảo hiến pháp thì dự thảo sẽ trở thành hiến pháp mới cho VN. Sau đó việc tố chức chính phủ – thể chế, ban ngành, v.v. – cứ tuân theo hiến pháp. Nếu dự thảo hiến pháp không được đa số dân chúng đồng ý thì tiến trình dân chủ coi như thất bại, và đảng CSVN vẫn tiếp tục cầm quyền.

Việc thực hiện dân chủ hoá như trình bày ở trên sẽ xảy ra một cách hoà bình, và đảng CSVN vẫn có toàn quyền tham gia chính trị, nhưng phải cạnh tranh với các tổ chức/đảng phái khác, chứ không còn độc quyền như hiện nay. Khía cạnh này khiến việc thực hiện dân chủ hoá (khởi đầu với việc soạn thảo hiến pháp mới) nhiều phần không được dễ dàng vì sự chống đối của đảng CSVN. Đây không phải là vấn đề riêng của VN mà là kinh nghiệm từ các cuộc đấu tranh cho dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới. Nó cho thấy dân chủ không phải là quà cho không, biếu không, hay do những người cầm quyền ban phát cho dân. Dân chủ thực ra là một tiến trình đấu tranh không ngừng nghỉ giữa hai thế lực: giới cầm quyền (hay giai cấp thống trị) và tầng lớp nhân dân (hay giai cấp bị trị).

Dân chủ hoá ở VN có thể bắt đầu khi tương quan quyền lực nghiêng về phía nhân dân (bao gồm những người thiết tha mong muốn dân chủ). Sức mạnh của quần chúng sẽ buộc những người cầm quyền phải thương thảo đế đạt thỏa thuận sống chung hoà bình hay là chết.

Con đường đi đến dân chủ có nhiều chông gai, nhưng không phải là không thực hiện được. Kinh nghiệm của các nền dân chủ lớn mạnh trên thế giới đã chứng minh điều đó. Vì một nền dân chủ bền vững đến từ người dân, cần gia tăng ý thức dân chủ trong dân chúng, khuyến khích người dân lên tiếng đòi dân chủ và dân quyền. Sức mạnh của quần chúng sẽ tăng lên khi họ biết đoàn kết cùng cất tiếng đòi hỏi tự do và dân chủ.







No comments: