Thursday, October 6, 2016

THÉP CÀ NÁ : "NGU GÌ MÀ KHÔNG LÀM"? (Đoàn Xuân Tuấn, từ Anh Quốc)




Đoàn Xuân Tuấn, gửi từ nước Anh
2016-09-26

Theo Wikipedia, có truyền thuyết cho rằng công chúa Huyền Trân lúc hưởng tuần trăng mật ở tỉnh Bình Thuận với vua Chiêm Thành Chế Mân, đã đặt tên cho giòng nước khoáng ở đây là  Vĩnh Hảo nghĩa là “Đời đời tốt đẹp”.

Cũng theo trang này, nước suối Vĩnh Hảo được khai thác bởi người Pháp từ thời Pháp thuộc dưới tên gọi Vichy Đông Dương vì chất lượng tuyệt vời của nó ngang bằng với nguồn nước khoáng Vichy hoặc Vals của Pháp.

Nguồn nước khoáng này được liên tục khai thác gần cả trăm năm nay qua nhiều chế độ từ Pháp đến Việt Nam Cộng Hòa và nay là “biểu tượng của ngành công nghiệp nước khoáng đóng chai của VN – là nhãn hiệu nước khoáng duy nhất được sử dụng trong các bệnh viện”.
Từ sau 1975 đến nay, Nước Suối Vĩnh Hảo vẫn tiếp tục là thương hiệu nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng.

Ưu đãi của thiên nhiên
Mà nổi tiếng là phải. Dọc con đường Quốc lộ 1, đoạn đường từ Phan Rang đổ ra là một đoạn đường tuyệt đẹp. Đẹp vì một bên là biển xanh với bao gò đá, với sóng vỗ rì rào. Bên còn lại là đồi, núi hoang vu, khô cằn mà ngay cả cỏ dại cũng hiếm, chỉ lác đác đây đó vài bụi cây làm cảnh vật thêm phần hoang sơ.

Có lẽ vì khô cằn quá nên vùng đất này hồi đó chưa thấy bóng dáng của một sự khai thác gì của con người.

Phan Rí, Phan Rang, Vĩnh Hảo, Cà Ná, những địa danh, cung đường mà theo tôi là đẹp không kém cái xanh ngắt, trù phú của vùng Sông Cầu, Phú Yên, những vùng đất mà nếu biết tận dụng cái lợi thế được ưu đãi của thiên nhiên, sẽ có thể trở thành những điểm đến nổi tiếng của “ngành công nghiệp không khói” – du lịch.

Thế mà vùng đất tuyệt đẹp này sắp phải trở thành một nơi không có sự sống bởi dự án nhà máy gang thép Cà Ná, một ngành công nghiệp nặng, gây lắm ô nhiễm, hủy hoại môi sinh. Mà ngành thép, một ngành sản phẩm hiện quá dư thừa nguồn cung trên khắp thế giới.
Và nước suối Vĩnh Hảo, chỉ hơn 20Km về phía Nam của Cà Ná, gần bên ranh giới giữa hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.

Sẽ không khó khi hình dung ra cái số phận tương lai của nó khi mà những thành phần khoáng chất bổ ích trong nước suối như Calcium, Magnesium, Potassium, Sodium… rồi đây sẽ được cộng thêm những chất độc như Phosphorous, Arsenic trong những bình nước đóng chai đi khắp toàn quốc.

Formosa, Bauxite Tây Nguyên, và các nhà máy hoá chất

Năm nay, chỉ trong vòng vài tháng, tôi mất hai người bạn thân. Cả hai đều mất vì bệnh ung thư.

Bạn tôi có lẽ cũng nằm trong con số tử vong 205 ngưòi/ngày theo một thống kê chính thức của Bộ Y Tế VN, một con số mà thực tế có lẽ còn cao hơn rất nhiều.

Bệnh ung thư, hiểu một cách đơn giản nhất, là sự sinh sản tế bào trong cơ thể một cách không kiểm soát. Các tế bào cứ tiếp tục nhân đôi, chưa có cơ hội trưởng thành, lại tiếp tục nhân đôi. Tiến trình này tạo nên những khối u.

Và để có thể tiếp tục sinh sản, các tế bào này, ngoài việc cản trở các tế bào chung quanh làm đúng chức năng, còn là thủ phạm ngốn hết những chất dinh dưỡng vốn dành để cung cấp cho những tế bào bình thường. Từ đó, nó đưa người ta đến cái chết không tránh khỏi.

Formosa, Bauxite Tây Nguyên, các nhà máy hoá chất, nhà máy giấy Hậu Giang… và bao nhiêu nhà máy, công ty, đập thủy điện tràn lan trên đất nước này. Tất cả đều vì kinh tế, vì công ăn việc làm, vì tăng trưởng, vì đầu tư… Và điều đó là chuyện đáng làm, phải làm cho một quốc gia muốn thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu như Việt Nam.

Trong lần gặp lại người thầy cũ gần đây. Khi tôi đề cập đến vấn đề khó hiểu là sao người ta có thể nói đến một dự án thép nữa như dự án Cà Ná sau khi vừa có sự kiện Formosa, Thầy có giải thích rằng vì Ninh Thuận là một tỉnh khô cằn, thiếu nước, thiếu nguồn đầu tư từ các công ty ngoại quốc nên họ cố chụp lấy những gì được mời, được đề nghị và bất chấp hậu quả.

Câu nói mới đây làm dậy sóng dư luận của ông Lê Phước Vũ “Ngu gì không làm”. Người ta trách ông, đả kích ông cũng như người ta đòi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.

Câu nói của ông Vũ, hành động xả thải vô trách nhiệm của Formosa và biết bao công ty khác ở khắp đất nước Việt Nam, tác nhân chính tạo nên những làng ung thư, là điều không lạ.

Các nhà tư bản vẫn là các nhà tư bản. Mối lợi là điều quan tâm hàng đầu của họ.

Cần một chiến lược phát triển

Tư bản Phương Tây đã trải qua hàng trăm năm để trưởng thành. Họ dù muốn dù không vẫn phải có “corporate ethics” - đạo đức kinh doanh. Họ có được điều này một phần vì luật pháp ở nước sở tại, một phần vì lợi ích dài lâu và uy tín của một thương hiệu.

Phần khác nữa là tầm nhìn xa về một sự phát triển bền vững (sustainability) sau nhiều thập niên kinh nghiệm về sự tàn phá và hủy hoại cả mội trường lẫn tài nguyên. Vì vậy, liên tục cập nhật công nghệ sản xuất và xử lý chất thải là mối quan tâm hàng đầu cả về lý do lợi nhuận lẫn tuân thủ luật pháp. Và đượng nhiên, giá thành sản phẩm của họ sẽ cao hơn.

Tư bản “Đỏ” như thường thấy ở Trung Quốc và Việt Nam không bị ràng buộc bởi những điều này. Họ là những kẻ mới đến trong cuộc chơi. Trong một môi trường pháp lý và chính trị không minh bạch và với phương châm phát triển bằng mọi giá của chính quyền, họ không phải lo lắng bởi đạo đức kinh doanh, thương hiệu họ cũng chẳng cần, luật pháp thì lơi lỏng. Vì vậy câu nói “ngu gì không làm” là một câu nói “thật thà” tuy phũ phàng và trần trụi.

Edward Abbey, một nhà văn Mỹ, viết trong cuốn sách của ông – The Journey Home: Some Words in Defense of the American West – :“Growth for the sake of growth is the ideology of the cancer cell - Tăng tưởng chỉ vì mục tiêu là tăng trưởng chính là cái hệ tư tưởng của tế bào ung thư”.

Sự tàn phá kinh khủng về môi trường của Trung Quốc qua nhiều thập niên tăng trưởng bằng mọi giá cho thấy một đất nước tuy có giàu hơn xưa nhưng chất lượng sống thì nhiều phần nghèo đi và một tương lai đầy u ám khi mà nước sông, suối, hồ, biển, nước ngầm bị nhiễm độc đến hơn 60%. Bầu khí ô nhiễm nặng gấp nhiều lần mức an toàn xảy ra trên 80% tổng số các thành phố lớn và là tác nhân chính cho hơn 1.2 triệu cái chết theo số liệu từ năm 2010.

Và Việt Nam, kẻ đến sau. Một đất nước mà những người lãnh đạo, trong cố gắng để vừa giữ gìn vị trí độc tôn của Đảng CS, để tìm kiếm tình chính danh và cũng để làm giàu cho mình, đã và đang làm gì?

Đuổi Formosa, dừng Thép Cà Ná?

Thèm muốn miếng bánh như Trung Quốc đã có, ĐCSVN sẵn lòng bỏ qua những “tiểu tiết”. Phương châm là tăng trưởng, tăng trưởng và tăng trưởng. Cụm từ thường thấy là “Đi tắt đón đầu”. Luật môi trường cũng có. Quy định xả thải cũng đầy đủ, chặt chẽ.

Thế mà theo một báo cáo từ 10 năm trước, chỉ riêng ở miền Nam, có khoảng 4.000 công ty xả thải thẳng xuống sông Đồng Nai, Thị Vải và Sài Gòn một lượng nước thải trên 137.000 m3 chứa 93 tấn chất thải mỗi ngày.

Một chính quyền mà một bao cao su cũng không bỏ sót. Ai đi nước ngoài, đi đâu, gặp ai, làm gì, huấn luyện những gì vào ngày nào… họ đều biết. “Việt Tân gởi tiền” về thuê người biểu tình họ cũng “nắm rõ””.

Vậy mà một lượng khổng lồ chất thải độc hại xả thẳng xuống biển Vũng Áng họ không biết.
Một lượng chất thải rắn hàng trăm tấn được chôn vùi trên đất liền họ cũng không hay?
Một đảng Cộng sản anh minh thần vũ, một bộ máy công an, an ninh khổng lồ chi phối, giám sát từng ngóc ngách, từng bước đi của mọi người dân lại ngu ngơ đến độ không nghĩ đến sự gian dối đầy hủy diệt của một công ty lớn như Formosa?

Formosa đáng tội. Nhà máy giấy sông Hậu cần lên án. Thép Cà Ná cần dừng lại.

Dù vậy, thủ phạm chính, nguyên nhân chính là Chính quyền VN, là bộ máy tham nhũng đồ sộ của ĐCSVN, kẻ đã cố tình nhắm mắt làm ngơ khi những đồng tiền tiếp tục chảy vào túi họ.

Và vì thế, tống cổ Formosa, ngăn cản ông Vũ thì vẫn sẽ có những công ty khác thế chân vào và rồi mọi sự đâu vẫn hoàn đó.

Và dân chúng Việt Nam, đất nước Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối diện với một ngày mai u ám.
Ngu gì mà không làm?

(Đoàn Xuân Tuấn, Portsmouth, UK)

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

--------------------
Tin, bài liên quan




No comments: