Thứ
Bảy, 10/01/2016 - 11:13 — nguyentuongthuy
Ngày
29 Tháng 9 năm nay là ngày kỷ niệm 20 năm Đài Á Châu Tự do (RFA) phát thanh buổi
đầu tiên. Vậy xin coi đây là kỳ ghi chép nhân sự kiện này.
RFA
do Chính phủ Hoa Kỳ điều hành và cung cấp tài chính, phát thanh 9 thứ tiếng, hướng
vào đối tượng thính giả ở các quốc gia lạc hậu, yếu kém về nhân quyền: tiếng Quảng
Đông, tiếng Tây Tạng, tiếng Quan Thoại, tiếng Uyghur, tiếng Miến Điện, tiếng Việt,
tiếng Lào, tiếng Khmer và tiếng Triều Tiên. Buổi phát thanh đầu tiên vào ngày
29/9/1996. Đó là chương trình phát thanh bằng tiếng Trung Quốc vào lúc 7 giờ
sáng giờ Bắc Kinh và kéo dài trong 30 phút. Trong 30 phút ấy, người dân Trung
Quốc đã được nghe tin tức ngay tại quê nhà - những tin tức họ chưa từng được
nghe do sự bưng bít thông tin của nhà cầm quyền. Đó là giây phút đánh dấu sự ra
đời của RFA. Sau đó, các chương trình bằng những ngôn ngữ khác lần lượt được
phát sóng. Chương trình phát thanh Tiếng Việt phát sóng vào năm 1997.
Hiển
nhiên, nhà cầm quyền các nước là đối tượng phát sóng không hoan nghênh. RFA đã
bị phá sóng ở Trung Quốc, Việt Nam và ở các nước khác.
Nhiệm
vụ của Đài Á châu Tự do là "phát thanh tin tức và thông tin đến
người nghe đài ở Á châu mà những người này thiếu thông tin tường thuật đầy đủ
và cân bằng từ truyền thông trong nước. Qua phát thanh và chương trình gọi điện
thoại vào, Đài Á châu Tự do hướng mục tiêu là san lấp một lỗ hổng lớn trong đời
sống của người dân khắp Á châu." (wikipedia)
Với
nhà cầm quyền Việt Nam thì chương trình phát thanh Việt ngữ của RFA, nếu so với
các đài phát thanh tiếng Việt khác như RFI, BBC và kể cả VOA thì RFA là một
hãng truyền thông “phản động” hơn cả nên họ rất khó chịu với đài này. Tuy vậy,
nếu xét về sự chỉ trích thì RFA còn có phần nhẹ hơn so với các blog độc lập.
Nhiều bài viết của blogger còn gay gắt hơn nhiều. Có lẽ, RFA nguy hiểm hơn
các trang blog ở chỗ lĩnh vực đề cập toàn diện hơn và tính qui mô của nó. Những
vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam được chương trình Việt ngữ ưu tiên với thời lượng
chiếm tỉ lệ cao. Ở Việt Nam những người quan tâm đến thời cuộc theo dõi RFA nhiều
hơn cả. RFA còn có một hệ thống blog với sự tham gia đông đảo các cây bút sắc
bén, có nghề.
Ngày
nay, phương tiện truyền thông phong phú hơn nên hình thức truyền tải thông tin
của RFA cũng đa dạng hơn, Ngoài đài phát thanh, RFA còn có trang website, trang
facebook, youtube phục vụ cho nhiều đối tượng độc giả và thính giả.
RFA
là một trong 5 thành viên của Ban tổ chức chuyến đi của đoàn điều trần về tự do
báo chí từ Việt Nam sang. Khi tôi lên đường thì RFA tiếp xúc với tôi đầu tiên,
đó là Nhà báo Gia Minh gọi điện phỏng vấn lúc tôi đang quá cảnh ở Hàn Quốc. Khi
máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Washington Dulles thì đảng Việt Tân có
anh Huỳnh Quốc Huy, làm nhiệm vụ đón và đưa tôi về nơi ở. Đón và làm truyền
thông tại chỗ có Hoàng Đức Chân Như và Diễm Thi – một chàng trai hào hoa và một
người đẹp của RFA.
Với
Nhà báo Diễm Thi ở sân bay
Trong
hai tuần ở WaShington, chúng tôi làm việc ở trụ sở RFA 5 ngày. Trụ sở của RFA
là một tòa nhà đủ lớn mà không tỏ ra đồ sộ. Đường nét xây dựng rất chuẩn, các
góc cạnh trong và ngoài sắc nét như nhìn trên bản vẽ thiết kế. Ở đây, cùng một
con phố, không có tòa nhà nào nổi bật, cao một cách vô duyên, “nuốt” những ngôi
nhà bên cạnh. Cái sự không nổi bật còn ở chỗ sắc màu không rực rỡ xanh, đỏ,
vàng lòe loẹt như các khu người Hoa hay như ta thường thấy Hà Nội. Phố phường
phần nhiều là gam màu nhạt hay gam lạnh.
Một
buổi làm việc tại Ban Việt ngữ RFA
Ở
đây, lần đầu chúng tôi gặp những anh chị em phóng viên, biên tập viên Ban Việt
ngữ đã quen biết nhau từ lâu, đã từng phỏng vấn, trao đổi tin nhắn hay chỉ biết
đến tên nhau như Chân Như, Hòa Ái, Gia Minh, Diễm Thi…
Ngoài
buổi kỷ niệm Ngày Tự do báo chí toàn thế giới, chúng tôi còn có một khóa huấn
luyện nhỏ. Nghe nói đến khóa huấn luyện, hẳn là cơ quan an ninh Việt nam nghĩ
ngay đến gieo rắc tư tưởng, các kỹ năng tuyên truyền, cách thức hoạt động nhằm
lật đổ chế độ. Thực ra trong suốt thời gian ở Mỹ, tôi chẳng thấy ai tuyên truyền
gì. Không có ai nhồi nhét cho chúng tôi về những điều xấu xa ở Việt Nam. Không
có ai gieo vào đầu óc chúng tôi lòng căm thù hay tư bản tốt, cộng sản xấu ra
sao. Không có ai xúi bẩy chúng tôi về nước phải làm thế này, thế nọ. Chúng tôi
chỉ việc quan sát, tiếp xúc rồi tự biết mình nên làm gì. Nó đối lập với lối
tuyên truyền nhồi sọ mà tôi được biết ngay từ khi còn chưa đi học.
Nội
dung của khóa học chỉ đơn thuần về kỹ năng truyền thông và an ninh mạng: yêu cầu
và cách làm một bản tin, các biện pháp bảo mật trên internet, cách làm phim.
Khóa này do ông Nguyễn Khanh, Giám đốc Ban Việt Ngữ, chị Minh Thúy và một cô
gái người Mỹ chính gốc mà tôi không còn nhớ tên hướng dẫn.
Thời
gian làm việc ở RFA khá căng. Buổi trưa đặt cơm suất, ăn xong ngồi nói chuyện một
chút rồi tiếp tục công việc. Tôi thì lại thú vị với kiểu ăn như thế, nó không
rườm rà, không lâu như ngồi nhà hàng mà thức ăn cũng hợp khẩu vị.
Bà
Libby Liu Chủ tịch RFA - Ảnh cắt từ clip
Những
ngày làm việc ở RFA, không chỉ Ban Việt ngữ, chúng tôi còn gặp Chủ tịch, Phó Chủ
tịch và một số lãnh đạo ở các ban khác của RFA. Chủ tịch RFA hiện nay là bà
Libby Liu, người gốc Đài Loan. Phó Chủ tịch, Tổng biên tập là ông Dan
southerland nguyên là một phóng viên chiến trường Việt Nam. Ông ở Sài gòn cho đến
những giờ phút cuối cùng ngày 30/4/1975. Ông là một trong những người khai sinh
ra Đài RFA. Biết tôi là cựu chiến binh Bắc Việt, ông giở cho tôi xem mấy bức ảnh
mà ông còn giữ được, trong đó có bức ảnh thương binh ở chiến trường trên một
chiếc xe JEEP. Ông kể hoàn cảnh chiến trường khi ấy máy bay trực thăng không thể
hạ cánh để chở thương binh về tuyến sau. Ông phải lái xe JEEP trung chuyển
thương binh hết chuyến này đến chuyến khác về vị trí tập kết rồi trực thăng mới
lại chở đi. Bất kể thương binh bên này hay bên kia đều được đưa về hết tuyến
sau chữa trị. Người nào bị thương nặng thì chở trước, nhẹ chở sau, không phân
biệt thương binh thuộc bên nào. Ông chỉ vào hình một bộ đội cộng sản, tôi thốt
lên: Vi xi. Xong tôi chỉ vào ngực mình cười: Vi xi (ý nói tôi cũng là Việt cộng).
Chúng tôi cùng cười vang. Âu đấy cũng là giá trị của hòa bình. Không biết hồi
đó, tôi và ông chạm nhau ở chiến trường, điều gì sẽ xảy ra? Chắc không cần nói,
ai cũng hiểu.
Cũng
tại trụ sở RFA, tôi được gặp Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Sau đó, ông là Hội viên
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam được thành lập hai tháng sau đó. Tôi không ngờ, đấy
là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng gặp ông. Ông đột ngột qua đời ngày
3/3/2015 trên chuyến bay tới thủ đô Malina (Philippines).
Trưa
ngày 7/5/2014, chúng tôi có cuộc chia tay tại Ban Việt ngữ để hôm sau đi
California. Buổi chia tay diễn ra với nhiều nước mắt. Mọi người bịn rịn vì
không biết bao nhiêu lâu nữa mới gặp lại nhau. Những giọt lệ long lanh trên
gương mặt chị Thanh Trúc, Hòa Ái, nghệ sĩ Kim Chi… Hình như chị Thanh Trúc khóc
nhiều nhất.
Mới
thế mà hơn hai năm đã qua. Bây giờ, muốn có một chuyến đi thăm lại các anh các
chị, tôi không dám nghĩ tới. Sau chuyến đi Mỹ, tôi bị an ninh Việt Nam theo dõi
chặt chẽ hơn. Ngày 6/12/2015, khi lên đường sang Myanma, tôi bị chặn ở Sân bay
Nội Bài. Tất nhiên việc gặp lại anh chị em ở Đài RFA và đồng bào Việt ở Mỹ
không phải là điều không thể. Có điều sớm hay muộn, nó tùy thuộc vào cuộc đấu
tranh đòi dân chủ của chính chúng tôi với sự tác động bởi nhiều nhân tố khác.
Chỉ biết rằng, sự cấm đoán tùy tiện, ngăn cản thô bạo quyền đi lại của con người
không thể tiếp diễn được mãi.
Nhân
kỷ niệm 20 năm ngày Đài Á Châu Tự do phát sóng buổi đầu tiên, xin kính chúc anh
chị em phóng viên, biên tập viên Ban Việt ngữ nói riêng và Đài RFA nói chung
nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc. Chúc RFA đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu
thông tin của thính giả, độc giả Việt Nam.
Ngày
1/10/2016
Nguyễn Tường Thụy
Phó
Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
No comments:
Post a Comment