Monday, October 3, 2016

CÁI ÁC ĐANG ĐƯỢC DUNG TÚNG (Phạm Đình Trọng)





Nhảy thách lên, toàn thân cong như một cánh cung và dồn toàn bộ sức bật của cánh cung cơ bắp đó vào cú phóng chân đầy uy lực đá thẳng vào mạn sườn một thân hình mảnh mai tay khư khư ôm chiếc túi nhỏ bên người. Khi tiếp cận kẻ hứng đòn vừa tầm tay tấn công, cánh cung cơ bắp lại dồn hết sức mạnh vào nắm đấm thoi thẳng vào mặt nạn nhân. Không kịp chống đỡ và cũng không biết chống đỡ, phải hứng trọn liên tiếp những cú ra đòn của một thế đánh thuần thục, bài bản đầy sức mạnh, máu mồm kẻ lãnh đòn trào ra. Sự việc diễn ra trên cầu Nhật Tân vắt qua sông Hồng lịch sử ngay cửa ngõ đất kinh kỳ Thăng Long ngàn năm văn vật một ngày thu nắng đẹp 23.9.2016 giữa thời bình yên.



Người tung thế võ hiểm ra đòn là Ngô Quang Hưng, cảnh sát hình sự công an huyện Đông Anh, Hà Nội và người hứng trọn cú đòn độc hộc máu mồn là Trần Quang Thế, phóng viên báo Tuổi Trẻ. Cả hai đều là người Việt Nam, cùng một thế hệ thanh niên, cùng sống trong một thời mà như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.

Công an và nhà báo cùng đến hiện trường làm phận sự của mình, công an điều tra và nhà báo lấy tin về một vụ việc dân sự không phải là an ninh chính trị, không phải là bí mật nhà nước vì thế công an và nhà báo đều bình đẳng, có thể hợp tác, hỗ trợ nhau. Nhưng ỷ thế là quyền lực nhà nước, là công cụ bạo lực con cưng của đảng cầm quyền tồn tại bằng bạo lực, lại muốn độc quyền khai thác sự việc, công an đã xua đuổi nhà báo và thế võ nghiệp vụ trấn áp tội phạm của công an hình sự đã được phô diễn với nhà báo chỉ biết khư khư giữ túi đồ nghề làm báo.

Công cụ bạo lực nhà nước tùy tiện giáng bạo lực xuống dân lành là chỉ dấu, là bằng chứng của một nhà nước suy đồi và một xã hội bất an. Sự suy đồi và bất an càng nghiêm trọng hơn khi con người công cụ nhà nước sử dụng bạo lực với dân không được nghiêm khắc nhìn nhận và ngăn chặn lại được bao che, dung túng. Người lính công an lao tới trong thế võ độc cước phóng chân đá vào mạn sườn và thoi nắm đấm vào mặt nhà báo được người chỉ huy công an bao che, biện bạch trơ trẻn là “gạt tay trúng má nhà báo”.

Bao che lấy được cho bạo lực mất tính người, bao che lấy được cho cái ác, bất chấp sự thật hiển nhiên trước sự chứng kiến tại chỗ của nhiều người và được ghi hình đưa lên mạng xã hội cho cả xã hội chứng kiến. Bao che bất chấp sự thật hiển nhiên đó là sự phỉ báng lòng trung thực không thể thiếu ở con người chân chính.

Bao che cho bạo lực vô lối là bao che cho cái ác phản con người, phản văn hóa. Bao che cho cái ác là sự vô cảm, không còn lương tâm để bất bình trước cái xấu, cái ác lộng hành.

Bao che cho cấp dưới làm điều tồi tệ đến mức ứng xử côn đồ với dân lành, sự bao che đó đã không còn biết đến danh dự và bổn phận của người công an nhân dân.

Coi chuyện công an vô cớ đánh hộc máu dân lành chỉ là chuyện thường, người vô cớ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với dân chỉ bị khiển trách nhẹ nhàng như thú nhận rằng bạo lực với dân như đã trở thành phương cách hành xử, như đã là qui trình làm việc của công an.

Công an tùy tiện sử dụng bạo lực với dân được bao che, dung túng và dân lành bị công an đánh hộc máu, đánh đến chết diễn ra khắp nơi trên cả nước, kéo dài suốt năm này qua năm khác. Dựa vào bạo lực để tồn tại, nhà nước cộng sản Việt Nam đã quá chăm bẵm, o bế, nuông chìu công an và lực lượng công an đông đúc chưa từng có đã trở thành kiêu binh ngạo nghễ thoải mái dùng bạo lực với dân là nỗi ám ảnh khủng khiếp, nỗi bất an thường trực của người dân và là nỗi bất an của cả xã hội giữa thời yên hàn.

Ôi một thời đại rực rỡ!

01.10.2016

-------------------------


Vụ việc viên thiếu úy Bùi Xuân Hải, công an P.6, Quận 3 bạo hành với một người bán hàng rong đã và đang gây ra một cơn sốt phẫn nộ trên các trang diễn đàn mạng internet. Trong một video clip quay thật rõ ràng cảnh viên CA nọ thản nhiên nắm đầu kéo xềnh xệch một người phụ nữ giữa đám đông người qua đường. Sau đó bị ngăn cản không kéo đầu người phụ nữ nọ vào xe, anh ta còn đứng đó với khuôn mặt câng câng thách thức, và cả tức tối nữa vì bị ngăn cản (hình). Thật không thể tưởng tượng được lại có một cảnh đáng buồn và xuống cấp đến thế ngay giữa Thành Phố HCM, giữa một viên CA to khỏe với một người phụ nữ nhỏ bé đã bị thương chảy máu nơi đầu. Và nếu không phải giữa đường đông người qua lại, hay ở đằng sau những cánh cổng kín mít của đồn CA thì sự việc còn đi tới đâu, số phận người phụ nữ sẽ ra sao?

Chỉ vì mấy câu chửi mà thiếu úy CA Bùi Xuân Hải đã hành động như một gã điên. Và có cần phải bôi bẩn bộ sắc phục, hay bôi tro trét trấu vào lực lượng thực thi pháp luật mà mình đang là đại diện bằng một hành động quá đáng như thế đối với lỗi vi phạm nhỏ của một phụ nữ làm nghề bán hàng rong. Một phụ nữ nghèo khổ của một nghề nghiệp nghèo khổ và đáng thương nhiều hơn là đáng ghét trong xã hội hiện nay.

Đây là thời đại của internet, của điện thoại có quay phim chụp hình và gần như mỗi người dân là một nhà báo vô tư nhất. Mọi sự kiện lớn nhỏ đều được lên hình và lên sóng đi khắp thế giới trong chớp mắt. Và ngày 29/9/2016 đoạn video quay được tại Hồ Con Rùa đã cho mọi người dân thấy được sự phản cảm của một nhân viên CA, hành xử như một tên cướp ngày chứ không phải của một nhân viên công quyền, cũng không phải của một đấng nam nhi. Có lẽ nhờ mặc bộ đồ CAND trên người mà anh ta đã thoát khỏi một trận đòn nhừ tử chắc chắn của các nghĩa hiệp đứng chung quanh anh ta. Video clip này cũng cho đa phần người dân đã xem nó có cảm giác rằng, đây là một hành động không thể chấp nhận, và cũng không thể tha thứ được.

Vụ việc này không phải là lớn nếu so sánh với vô số các vụ trấn áp người dân, các vụ bạo lực quá mức cần thiết của lực lượng thực thi pháp luật, hay các vụ người dân chết bí ẩn trong đồn CA đang diễn ra đầy dẫy trên đất nước này. Nhưng nó đã khiến cho dư luận bùng nổ cơn giận dữ với ngành CA nói chung và nhân viên CA nói riêng bởi nhiều lẽ.

Sự tác oai tác quái của lực lượng kiêu binh này thì vẫn như cũ và chỉ có tính che đậy lấp liếm khi có sự việc nổ ra. Còn đằng sau các cánh cổng đồn CA, trong bóng tối hiểm ác và với những người có vấn đề về pháp luật thì CA luôn hiện ra như một con quái vật hung ác, hành xử rừng rú và sẵn sàng làm trái với pháp luật hiện hành. Không phải tất cả nhưng có rất nhiều các hành vi chống lại quyền tự do của công dân, xúc phạm thân thể, tinh thần họ một cách hệ thống và xuyên suốt từ trên xuống dưới của một bộ phận không nhỏ những người thực thi pháp luật. Không hề có một cơ quan vững mạnh và độc lập nào chế tài và kiểm soát được thứ lực lượng vũ trang hùng mạnh này. Quyền lực quá lớn và khó kiểm soát đã nằm trong tay một lực lượng quân nhân chuyên nghiệp có phương tiện, vũ trang, chính danh ngôn thuận, quyền lực sinh sát và cả những hành tung bí mật không ai kiểm soát nổi. Tất đã khiến cho họ trở thành một thứ kiêu binh không biết sợ ai ngoài sợ cấp trên của họ. Các ưu đãi chỉ xét tuyển vào ngành CA cho con cái những người trong ngành, các trường đại học CAND không phải trả học phí mà còn được trả lương. Các điều kiện với bao đặc quyền đặc lợi sẽ theo những người khoác bộ đồ CA này đến suốt đời, rồi lại truyền cho đời con, đời cháu họ. Giống như họ được hưởng các quyền đó từ cha ông của họ vậy.

Còn nếu phạm tội thì các tòa án dân sự lại co dúm lại khi xét xử các tội trạng liên quan đến lực lượng này, thay vì phải xử thật nặng để làm gương những kẻ lợi dụng bộ máy công quyền để làm trái pháp luật thì lại bao che, lấp liếm cho họ. Trong các vụ án hiếm hoi phải mang ra xét xử thì thật khôi hài là tòa án còn căn cứ vào các điều đã lỗi thời, lạc hậu để xét giảm án như Gia Đình Có Công Với CM, cha mẹ có công hoặc là thương binh, liệt sĩ, có huân huy chương. Những thành tích của cha mẹ, họ hàng họ chẳng liên can gì đến sự phạm tội của họ. Trong khi đáng lẽ phải trừng trị thật nghiêm khắc, phạt tù nặng hơn người bình thường có cùng tội danh đối với những kẻ thủ ác còn đang khoác trên mình cái áo công quyền.

Đó là những điều kiện cần và đủ cho một số kẻ cơ hội sống chết chui vào ngành CA, và một số khác trong đó được bộc lộ thú tính, lấy việc tra khảo và hành hạ người dân nào lọt vào tay họ làm niềm vui. Cũng như gây tiếng xấu cho ngành và tạo nên một mối thù khó có thể hàn gắn với mọi người dân Việt Nam. Việc nhân viên CA Bùi Xuân Hải đã làm cái việc tiếp nối những vụ việc thô bạo, hành xử rừng rú mà nhân viên CA đã, đang và sẽ còn hành xử với người dân mà thôi.

Những vụ việc bạo hành của một số người trong ngành thực thi pháp luật, ngành công an trong thời gian gần đây đã gây dư luận phẫn nộ và mang tiếng xấu rất nhiều cho ngành nghề bảo vệ pháp luật này. Từ những vụ việc như chết người ở trong đồn CA cho đến những vụ hành hung, sử dụng bạo lực quá mức cần thiết đối với người dân trên đường phố đã khiến cho hình ảnh của người công an càng lúc càng trở nên phản cảm hơn trong mắt người dân. Sự việc đáng buồn này một lần nữa lại khiến cho câu hỏi tuy xưa cũ nhưng không bao giờ mất đi tính thời sự của nó, là làm thế nào để giảm bớt hay triệt tiêu hẳn những hành động quá đáng như thế của ngành CA, của nhân viên CA?

Có nhiều cách thức mà ngành CA phải thực hiện ngay như một sự cải tổ, đổi mới cho phương pháp hành xử với người dân của mình. Người dân bất kỳ nào cũng phải là chủ thể để được phục vụ chứ không phải là đối tượng có thể bị bắt giữ, khi chưa chứng minh được tội trạng. Giảm bớt hay bỏ hẳn cái kiểu "mời" công dân về đồn CA để hợp tác điều tra. Giảm bớt quyền lực của CA, tăng cường ngành giám sát, kiểm tra độc lập, hay báo chí độc lập đối với ngành CA, để chế tài được sự lộng hành nếu có của ngành CA. Phải chấm dứt sự tra tấn, bạo hành trong công tác chuyên môn. Phải trừng phạt thật nặng và không thương tiếc những kẻ phạm tội thủ ác trong lực lượng CA....

Đó chỉ là những việc bình thường của mọi quốc gia dân chủ trên thế giới này nhưng lại là những ước mơ khó thành của nền pháp trị Việt Nam. Thậm chí với các điều luật đã có sẵn trong pháp luật, trong vô số các điều khoản đã ban hành thì chúng ta chỉ cần thực thi đầy đủ, nghiêm túc những điều đã viết ra thì cũng đã phúc phần cho dân tộc này lắm rồi.

Và như thế thì mới không còn có những con sâu ghẻ kiểu như thiếu úy công an Bùi Xuân Hải xuất hiện trong cuộc sống và cả trong những giấc mơ êm đềm của mọi người dân Việt Nam nữa.

01.10.2016


------------------------------------


Tình trạng côn an hoành hành bạo ngược khắp nơi trên đất nước dưới quân phục hay thường phục ngụy trang cho chúng ta thấy hình ảnh một xã hội (XH) thoái hóa, bất ổn và đau thương với những giá trị đạo đức tối thiểu của nhân loại cũng bị đào thải. Một là họ (côn an) được tuyển chọn từ thành phần côn đồ cặn bã của XH để bảo vệ chế độ bằng bạo lực ươn hèn, hai là chế độ đã bất lực?

Côn an cộng sản (CS) là hung thần ác quỷ của thời đại chẳng còn xa lạ với người dân hôm nay. Bạn nghĩ sao khi muốn gia nhập hàng ngũ côn an thì lý lịch phải có hai đời tham gia cắt mạng, nên chẳng lạ khi họ mang giòng máu lạnh.

Ngày xưa người lớn thường dọa con nít bằng hình ảnh ma quỷ hoặc những gì ghê rợn, xấu xa, ghê tởm; bây giờ chỉ nói "côn an (CS) tới kìa", trẻ em lập tức run rẩy hơn bị sốt rét và câm như cá bị ám ảnh Formosa, người già chỉ thở dài "ôn dịch". Như vậy là nhà cầm quyền CS đã "thành công" trong việc gây dựng lực lượng bảo vệ chế độ độc tài gian ác qua hình ảnh người chiến sĩ côn an "trung với đảng (hèn với giặc), ác với dân - nhiệm vụ nào cũng bất cần, khó khăn là chuyện của dân".

Điển hình

Chuyện côn an hành dân xảy ra từng giờ và trên từng cây số trở thành nỗi ám ảnh của người dân nhưng ba vụ đặc trưng mới nhất mà báo lề đảng buộc phải lên tiếng trong vòng 10 ngày vừa qua liên quan đến côn an làm người viết nhớ về quá khứ lịch sử thời chúa Trịnh với loạn kiêu binh. Xin được tóm tắt ba vụ nêu trên như sau:

1. Miền Trung: Ngày 21/09/2016, phóng viên Đỗ Thanh Hải báo lề đảng bị lực lượng côn an xã Cư Pô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắc Lắc giật máy ảnh, đàn áp vì... chưa xin phép tác nghiệp (?!) khi nhà cầm quyền đang cưỡng chế thô bạo người dân địa phương để xây dựng nhà "văn hóa" thôn Nam Tân. Lãnh đạo côn an tỉnh sau đó xác nhận vì không biết là phóng viên nên mới xảy ra vụ việc.

2. Miền Bắc: Ngày 23/09/2016, nhà báo lề đảng Quang Thế được côn an hình sự "vuốt má, đá nhưng không trúng" (theo cách nói của côn an Hà Nội sau vụ việc) khi đang muốn làm phóng sự trên cầu Nhật Tân (Hà nội) về một tài xế Taxi nhảy cầu tự tử. Theo côn an, đây là "bí mật nhà nước"(?!) nên không cho phép bất cứ ai tới hiện trường.

3. Miền Nam: Ngày 30/09/2016, thiếu úy Bùi Xuân Hải "xoa tóc", kéo lê đến đổ máu chị Nguyễn Thị Thu Thảo trên khu vực hồ Con rùa, quận 3, thành hồ (bị ngập).

Phân tích

Khi lượng định và đánh giá về vấn đề nào đó, đầu tiên là luôn giữ thái độ khách quan để từ đó có thể đưa ra nhận định trung thực nhất. Thứ hai là người có nhiệm vụ giữ gìn pháp luật hoặc là quan chức của chế độ phải am hiểu luật pháp và cuối cùng là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó người viết cũng theo tinh thần nêu trên để bình luận về ba vụ điển hình Trung-Bắc-Nam. Đúng sai tùy theo góc độ và người viết mong đón nhận mọi góp ý để học hỏi. Người viết chỉ yêu cầu DLV tham gia tích cực có lý luận, không nhất thiết phải là người Bắc như đảng trưởng lý sự cùn và kỳ thị chủng tộc của DLV. Người viết xin phép có vài ý kiến như sau.

1. Phát biểu của phía côn an "lãnh đạo côn an vì không biết là phóng viên nên mới xảy ra vụ việc". Lý giải của côn an cho thấy là tùy vị trí công tác/xã hội sẽ có giá trị khác nhau và cũng sẽ được "quan tâm" khác nhau, từ đó cho thấy "công bằng XH" của CS chỉ nói cho vui. Họ thừa biết là phóng viên nhưng tảng lờ như không biết, giả sử là thường dân thì sẽ ra sao?

Phóng viên chờ làm thủ tục xin-cho thì chỉ khác người dân khía cạnh chuyên môn và khi được tác nghiệp thì kịch bản đã hoàn thiện đúng-quy-trình. Nếu vậy thì làm ơn dẹp cánh phóng viên, nhà báo lề đảng vì chỉ đăng tải nội dung từ tuyên giáo trung ương đưa ra, bày chi hơn 700 truyền thông của đảng với hơn chục ngàn phóng viên cho hao tốn tiền thuế nhân dân.

Theo tư duy của người viết thì thông tin lề đảng đã có tiến bộ khi đụng chạm quyền lợi. Điều này nên hoan nghênh với thái độ tôn trọng và khuyến khích nếu giữ vững nguyên tắc có lẽ xa vời với người làm báo lề đảng. Người viết không phải là nhà báo hoặc phóng viên chỉ viết với cảm nghĩ của cá nhân.

2. Khi điều tra hiện trường thì nhà chức trách phải rào dây hoặc dựng bảng cảnh báo cho những ai không có trách nhiệm biết mức giới hạn. Nếu không có ít nhất động thái nêu trên thì với quyền tự do di chuyển được ghi rõ trong Hiến pháp thì không thể cấm đoán công dân tới hiện trường.

Vấn đề càng khó hiểu mà người dân cho là lạm dụng chức vụ khi nói "đây là bí mật nhà nước"(?!). Nhà nước sao lắm bí mật không thể cho nhân dân biết, đến độ một tài xế lái Taxi tự tử hoặc án mạng cũng là bí mật nhà nước? Có đại biểu quốc hội phát biểu là văn thư đóng dấu "mật" mà ai cũng biết (?!). Người viết từng chứng kiến một chị lượm túi nhựa trong bãi rác cãi với nhà cầm quyền khi bị bắt. Chị cho là rác nên vì nhu cầu mưu sinh đâu có gì sai, nhà cầm quyền lý luận chị đã xâm hại tài sản xã hội chủ nghĩa (XHCN) nên đã phạm luật. Ai đúng ai sai, người viết không bình luận vì tài sản XHCN chỉ là đống rác sao?

Cái "tài" như diễn viên phường tuồng của lãnh đạo côn an là anh cảnh sát hình sự bị "kỷ luật" với hình thức khiển trách (sau đó luân chuyển công tác lên cao hơn, ai biết được). Anh nhà báo "được" xử phạt hành chính hơn 14 triệu VND chỉ vì làm theo lời đảng.

3. Tội danh treo lơ lửng trên đầu công dân bất hay bạo động luôn là "chống người thi hành công vụ" dẫu kẻ thi hành công/tư vụ hành xử thế nào vẫn... đúng, tệ lắm là sai quy trình. Như thế nào là chống người thi hành công vụ thì nhà cầm quyền độc tài không cần giải trình. "Miệng nhà quan có gang có thép, đồ nhà khó vừa lọ vừa thâm" nên nhà cầm quyền luôn xử "công khai" để nhân dân ngửi mùi vị và cảm nhận nó khai cỡ nào.

Có bao giờ nhà cầm quyền tự hỏi, chống người thi hành công vụ phải bị trừng trị để làm gương nhưng kẻ thi hành công vụ gian ác hành dân được bào chữa với những điệp khúc "sai đến đâu xử lý đến đó và rút kinh nghiệm,..." thì kỷ cương phép nước được diễn giải ra sao để thuyết phục nhân dân? Đảng "bịt tai đánh trống" nhưng nên nhớ chỉ bịt được một tai vì tay kia phải đánh trống. Nhà cầm quyền luôn tự cho phép mình rút kinh nghiệm khi làm sai, với người dân thì phạt tù với những lý do vớ vẩn thì thử hỏi pháp luật là gì? Nó chỉ có giá trị áp đặt với kẻ bị trị?

Kết luận

Khi nhà cầm quyền tự cho phép đứng trên/ngoài pháp luật thì có đỏi hỏi công dân thượng tôn pháp luật? Chẳng lạ khi XH ngày một suy đồi, nền tảng gia đình gia đình bị đảo ngược, tình người là xa xỉ phẩm, văn hóa chỉ còn là kỷ niệm,... do đâu?

Một XH mà kẻ thực thi pháp luật chính là hung thủ, phạm pháp một cách có hệ thống thì nhà cầm quyền này phục vụ cho ai? Một nhà nước bất lực thì dẫu có viện dẫn và áp đặt điều 4 Hiến pháp có xứng tầm lãnh đạo đất nước? Một đảng chỉ biết mình làm sao để tồn tại bất chấp thiệt hại của đất nước dân tộc thì nên gọi là đảng gì?

Côn an trị là thế cuối cùng mong tồn tại của đảng cầm quyền. Chúng ta không thể tác động hoặc thay đổi nhưng phải lên tiếng.

Về phía người dân chúng ta có trách nhiệm với đất nước có ưu tư gì? Nêu những bất công XH là cần thiết nhưng chưa đủ để đất nước chúng ta khá hơn. Chúng ta nghĩ và cảm nhận gì về người dân miền Trung đang làm với tội ác của Formosa? Họ có cô đơn khi chúng ta không chung bước?

Hãy nhập cùng giòng chảy dân tộc, mỗi tiếng nói của bạn sẽ làm thay đổi vận mệnh đất nước theo chiều hướng tích cực. Cá nhân chúng ta chỉ là cánh én lẻ loi trên bầu trời u ám nên chẳng thể tạo nên mùa xuân nhưng nếu biết kết hợp, chắc chắn sẽ đem tự do dân chủ đến mọi nhà. Bạn hãy tin và cố gắng hành động trong khả năng thì chắc chắn sẽ đem mùa xuân Tự do Dân chủ cho đất nước.

Chúng ta có làm được không? Tôi tin!

1.10.2016


-----------------------

.



No comments: