Sợ là một ý thức hiển nhiên gắn liền với số phận con
người. Sợ sống, sợ già, sợ đau, sợ chết, nói chung, sợ tất cả những hiện tượng
mà con người luôn phải đối đầu nhưng chưa giải thích được bản chất của chúng.
Tuy nhiên, dưới chế độ CS sợ là một căn bịnh xã hội và bịnh phát cơn khi có một
nguồn kích động xảy ra. Giống như ánh sáng tuy không phải là lý do của bịnh đau
đầu kinh niên nhưng mỗi khi bịnh nhân bước vào căn phòng quá sáng hay đèn bật
sáng bất ngờ, cơn nhức đầu lại bừng bừng nổi dậy.
Trong nước, từ một em bé tiểu học cho đến một cán bộ
đảng cao cấp có lập trường chính trị hồng như ráng trời chiều đều có ít nhiều
vi khuẩn sợ trong người. Từ những bài tập viết văn cho đến các tiểu luận, biên
khảo vẫn nặng phần trích dẫn. Thậm chí trong một bài viết vỏn vẹn hai trang đã
hơn một nửa là trích dẫn những câu kinh điển do các "lãnh tụ anh
minh" CS nào đó để lại. Trích dẫn không phải để chứng minh cho cái đúng
hay che giấu cái dốt của mình mà quan trọng hơn là để an tâm.
Trong buổi họp, nếu ai lên tiếng phàn nàn, phản đối
trước một đề nghị nào đó, chủ tọa chỉ cần dọa "một lần đề nghị đó cũng
chính là ước vọng của lãnh tụ anh minh", tức khắc sự phàn nàn dù không ai
khuyên cũng xì nhanh hơn bong bóng. Thói quen dựa hơi những người được trao cho
quyền "bất khả xâm phạm" trong xã hội, dù còn sống hay đã chết, cũng
đều từ sự sợ hãi mà ra. Thói quen đó đã theo thời gian phát triển thành một cố
tật trong sinh hoạt văn hóa xã hội tại Việt Nam.
Ngoài nịnh bợ, bịnh sợ hãi còn gây ra biến chứng trầm
trọng khác là đổ thừa. Trong các bài tự phê bình chính thức hay không chính thức,
những lý do khách quan bao giờ cũng nhiều hơn chủ quan. Chậm tiến là vì, nghèo
đói là vì, tham nhũng là vì, tuyệt nhiên không có cái vì nào trong số đó là lỗi
của mình.
Trong lúc sự sợ hãi là một phần của số phận con người
như vừa trình bày, nó chỉ trở nên tai họa tập thể khi mức sợ hãi phát triển
thành một bịnh trạng của cả xã hội, tồn tại như một phần của đời sống văn hóa,
gây nên những phản động lực cản trở sự phát triển tinh thần của con người và
ngăn chận sự thăng tiến của xã hội.
Trong lịch sử của nhân loại thời cận đại, xã hội
Liên Xô dưới thời Stalin và Bắc Hàn trong thời Kim Nhật Thành, có thể được xem
là những nơi căn bệnh sợ hãi đã bị xã hội hóa đến mức độ gần như toàn diện.
Dưới chế độ toàn trị của Stalin, con người thấy
chung quanh họ không có ai là bạn mà chỉ toàn là kẻ thù, kể cả cha mẹ, vợ chồng,
anh em, bè bạn. Đảng có kẻ thù của đảng, nhà nước có kẻ thù của nhà nước, nhân
dân có kẻ thù của nhân dân. Chủ trương trồng cấy vi khuẩn sợ hãi vào toàn bộ xã
hội Liên Xô của Stalin thành công đến mức có lần y cho rằng một ngày các cơ
quan an ninh để kiểm soát dân chúng có thể không còn cần thiết. Lý do Stalin tự
tin như thế bởi vì sợ hãi đã có thể tự quản được trong chính mỗi con người.
Bệnh trạng sợ hãi tại Bắc Hàn so với Liên Xô còn trầm
trọng hơn vì nhiều nơi tại Bắc Hàn con người được thuần hóa đến mức không còn
biết sợ là gì. Nhận thức của con người họ phụ thuộc hoàn toàn vào một trung tâm
chỉ đạo ý thức được điều khiển từ bên ngoài. Nhiều người dân Bắc Hàn hoàn toàn
mất ý niệm không gian và thời gian. Ngày tháng và nơi chốn đã bị đổi thay sau
khi Kim Nhật Thành xóa bỏ niên lịch AD đang được dùng trên thế giới và thay vào
đó bằng lịch Juche lấy năm sinh của họ Kim làm chuẩn. Ví dụ, năm 2000 là năm cuối
cùng của thiên niên kỷ đối với phần lớn thế giới nhưng tại Bắc Hàn chỉ mới là
năm Juche 99.
Nếu lý luận theo quan điểm kinh tế của Mác, khi mức
độ xã hội hóa của nền kinh tế đạt đến mức toàn diện, chế độ kinh tế tất yếu sẽ
biến thái, thì sự biến thái của các xã hội khống chế bằng nỗi lo sợ toàn diện
như trường hợp Bắc Hàn, không có gì khác hơn là mang con người trở về thời
nguyên thủy.
Cũng may, con người có lý trí và dù trong hoàn cảnh
nghiệt ngã đến đâu nghị lực con người vẫn âm thầm phản kháng và tìm mọi cách
vươn lên. Phong trào chống sợ và vươn lên như thế đang lan rộng tại Việt Nam.
Đó là một tin mừng, bởi vì bịnh sợ càng thuyên giảm nhanh bao nhiêu, ngày tự do
cho đất nước sẽ đến sớm bấy nhiêu.
Trần
Trung Đạo
--------------------------------
No comments:
Post a Comment