27.06.2016
.
Một phụ nữ đi ngang
qua sạp bán báo trên đường phố ở Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2015.
Không rõ từ bao giờ mà nghề làm báo ở Việt Nam bị
coi như một thứ nghề mạt hạng đến vậy, bị cả phía dân lẫn phía chính quyền
khinh khi. Ngay sau vụ một chai nước giải khát của Tân Hiệp Phát bị phát hiện
có chứa 1 con ruồi, thì công ty TNHH URC bị tố cáo đã sử dụng gần 600 tấn acid
citric nhiễm độc chì nặng trong hơn 1.500 lô sản phẩm, tương đương 1 tỉ chai nước
trà xanh C2 và Rồng đỏ. Tuy nhiên, thông tin này không được dư luận biết đến và
quan tâm cho đến khi có nguồn tin hàng loạt tờ báo có tiếng ở Việt Nam bị URC
mua chuộc để viết bài theo ý của tập đoàn này. Theo thông tin được chia sẻ, số
tiền mà URC dùng để đút lót lên tới hơn 10 tỷ đồng. Cho đến nay, các bài báo
bênh vực, bào chữa cho tập đoàn này vẫn chưa được chỉnh sửa hoặc gỡ xuống. Và
quan trọng hơn, số lượng sản phẩm của URC vẫn được bày bán trên thị thường Việt.
Nghề viết, nghề làm báo, hay các ngành nghề liên
quan đến truyền thông nói chung, không tạo nên một sản phẩm hữu hình, nhưng có
sức mạnh cực kỳ lớn. Những người làm truyền thông không đi theo guồng quay của
xã hội, chính họ là người tạo guồng quay cho xã hội, chỉ bằng ngôn từ và hình ảnh.
Tại các đất nước nơi tiếng nói cá nhân được đặt lên hàng đầu, những người làm
nghề viết lách, và nhất là trong lĩnh vực báo chí, luôn khiến xã hội phải nể sợ.
Họ là những tay cảnh sát không súng, những luật sư không cần bước vào tòa án,
nhưng đủ sức mạnh để tìm hiểu và lên án nhiều mặt tối của xã hội.
Nếu có bạn đọc nào yêu thích phim ảnh, có lẽ sẽ biết
đến bộ phim Spotlight, được giải Oscar 2016 cho bộ phim xuất sắc nhất. Spolight kể
về cuộc tìm kiếm sự thật của báo The Boston Globe trong vụ bê
bối lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục của nhà thờ công giáo Boston.
Martin Baron, nhà báo, nhà biên tập của The Boston Globe sau sự
kiện đó, đã được trao giải thưởng Pulitzer danh giá. Năm 2012, Martin Baron
chuyển sang làm biên tập cho báo The Washington Post, một tờ báo
chính thống có tiếng của Mỹ. Ông tiếp tục đem lại thành công lớn cho The
Washington Post khi tờ báo này chiếm 2 giải Pulitzer vào năm 2014.
Martin Baron trở thành một trong những nhà báo nhiều quyền lực hàng đầu nước Mỹ.
Mới đây, The Washington Post bị tước quyền tham dự các buổi họp
báo của Donald Trump bởi có những bài viết chỉ trích mạnh mẽ ứng cử viên tổng
thống đảng Cộng hòa này.
Ngày 21 tháng 6 hàng năm được gọi là ngày Báo chí
cách mạng, để tôn vinh ngành báo chí Việt Nam. Tôi không rõ từ “cách mạng” ở
đây mang ý nghĩa gì, khi mà các cây bút hiện nay không tạo nên nổi 1 hiệu ứng
nào trong việc thay đổi xã hội. Nhìn vào báo chí nước nhà, ta thấy như một
sân khấu tuồng chèo, các vở kịch với nội dung hời hợt, trống rỗng cùng những
con rối nói lời nịnh nọt, dối trá. Tuy nhiên, tôi không muốn trách cứ, bởi
chính bản thân tôi cũng hiểu, chọn con đường làm báo ở đất Việt, là chọn đi vào
một cái ngõ cụt.
Có một sự thật rất phũ phàng đối với nghề làm báo,
đó là nếu họ chọn lương tri của nghề nghiệp, viết lên sự thật, dù dân là người
hưởng lợi, nhưng dân có trả tiền cho nhà báo đâu? Trong khi chính quyền nhà nước,
hay các tập đoàn quyền lực kia, đủ sức để nuôi sống họ đến cả đời. Cứ nhìn “tấm
gương” của ông Mai Phan Lợi viết một chữ “tan xác” oan gia trên trang xã hội cá
nhân mà bị đình chỉ; hay nhà báo Hoàng Khương bị ép nghỉ việc vì “sai sót nghiệp
vụ”, sau khi vạch trần tay cảnh sát giao thông nhận hối lộ; và biết bao cây bút
khác bị chính quyền xử phạt, theo dõi, bắt giam vô cớ, đủ thấy ngậm ngùi và xót
xa cho ngành báo chí Việt Nam.
Ngày nhà báo Việt Nam như một nốt trầm để nhìn nhận
lại một xã hội đang bị đẩy đưa bởi hàng loạt những thông tin hời hợt và sai lệch,
và có lẽ nó giống như một ngày tôn vinh việc “tự vỗ ngực’ mình của nhà nước cộng
sản trong vai trò đạo diễn các vở kịch truyền thông trong hơn 4 thập kỷ.
Mỗi khi có một vụ việc nào gây ồn ào dư luận mà truyền
thông quốc gia lại “im thin thít” và “lặn mất tăm”, tôi lại nhớ đến một câu
trách cứ hài hước “Đài tiếng nói Việt Nam mà chẳng có tiếng nói gì thế
này?!” Thực sự, để có tiếng nói không phải là điều dễ dàng, nhất là khi các
cây bút Việt Nam chưa nhận thức được tầm quan trọng của tác động của các con chữ
lên dư luận quần chúng. Dĩ nhiên, tiếng nói đó chỉ có thể đóng góp được ý nghĩa
lớn lao và lâu dài khi lấy sự thật làm cốt lõi. Tôi tin rằng nếu người làm báo
viết đúng theo lương tâm và lẽ phải, tiếng nói ấy sẽ lớn dần lên và vang vọng
hơn.
-----
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog
cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng
không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
XEM
THÊM :
No comments:
Post a Comment