Thứ năm, 30/6/2016 | 16:12 GMT+7
17h, cuộc họp báo bắt đầu. Khác với những buổi họp
báo thường kỳ, hôm nay có sự góp mặt của báo chí quốc tế. Từ trước đó 45 phút,
hàng chục máy quay và hàng trăm phóng viên đã ngồi kín phòng, sẵn sàng tác nghiệp. Hai
bên bàn chủ tọa đã chuẩn bị sẵn hai màn hình máy chiếu lớn.
Chủ trì cuộc họp báo là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn
phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Tham dự còn có lãnh đạo các bộ Thông tin và Truyền
thông, Tài nguyên Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Y tế, tùy viên các đại sứ quán.
Cuộc họp thu hút
đông đảo sự quan tâm của báo giới. Ảnh: Bá Đô.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo, hôm nay Chính phủ
tổ chức họp báo chuyên đề 2 nội dung. Một là thông báo ban hành nhiều nghị định
quy định chi tiết các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7. Nội
dung thứ hai là cam kết của Chính phủ trong tháng 6 sẽ công bố nguyên nhân cá
chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung.
Sau khi thông tin ngắn gọn về nội dung văn bản nghị
định, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển sang nội dung quan trọng nhất - thông báo
về nguyên nhân sự cố môi trường khiến hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền
Trung.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến
Dũng. Ảnh: Bá Đô
Theo Bộ trưởng Dũng, tháng 4 tại 4 tỉnh ven biển miền
Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên - Huế xảy ra sự cố hải sản
chết bất thường, ảnh hưởng tới an ninh, môi trường, xã hội. Ngay sau sự cố,
Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã chỉ đạo bước đầu đánh giá thiệt hại về môi trường,
đời sống người dân, điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố, có hướng xử lý.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm
Khoa học và Công nghệ Việt Nam huy động trên 100 nhà khoa học đầu ngành của 30
cơ quan trong và ngoài nước, tổ chức thu thập dữ liệu, có sự phản biện độc lập
của các chuyên gia quốc tế, và đã xác định có nguồn thải xuất phát từ khu vực
Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Đây là nguồn thải lớn nhất ở khu vực Vũng Áng, chứa
độc tố tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển
chết. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, thành lập các đoàn kiểm tra liên
ngành về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với sự tham gia của các chuyên gia.
Đoàn phát hiện Công ty TNHH Hưng Nguyên Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) vi phạm,
xả thải độc tố ra biển, chất hydroxit, vượt quá mức cho phép.
Kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi
công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây
ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết
bất thường.
Một nhà máy của Formosa. Ảnh: Đức Hùng.
Với chứng cứ khoa học khách quan, chính xác, Bộ Tài
nguyên và Môi trường đã cùng các bộ, ngành và 4 địa phương nhiều lần làm việc với
Tập đoàn Formosa Đài Loan, công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh.
Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây
ra sự cố môi trường trên, đồng thời cam kết 5 điểm:
1. Công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam vì
để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
2. Thực hiện bồi thường thiệt hại kinh tế cho người
dân, bồi thường xử lý môi trường biển, số tiền 11.500 tỷ đồng, tương đương 500
triệu USD.
3. Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống
xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi xả ra môi trường,
không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.
4. Phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền
Trung xây dựng giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự, tạo
niềm tin với người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế.
5. Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, nếu
vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật Việt Nam.
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Bá Đô.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sự cố môi trường vừa
qua đã ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của người dân 4 tỉnh miền Trung, Thủ
tướng yêu cầu thực hiện ngay công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi
nghề cho người dân, trên tinh thần công khai, minh bạch, sát thực tế với sự
tham gia của người dân, Mặt trận Tổ quốc. Formosa Hà Tĩnh phải thực hiện đầy
đủ, trách nhiệm 5 cam kết, triển khai lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tại
miền Trung.
Chính phủ đánh giá cao và cảm ơn sự ủng hộ của nhân
dân cả nước, nhân dân 4 tỉnh miền Trung; sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, sự vào
cuộc kịp thời của các tổ chức chính trị xã hội, bộ, ngành địa phương và cơ quan
báo chí trong ngoài nước. Chính phủ hoan nghênh thái độ và dư luận Đài Loan tỏ
rõ quan điểm ủng hộ Chính phủ Việt Nam, xử lý nghiêm sai phạm vừa qua, yêu cầu
Formosa hợp tác giải quyết vụ việc. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa
phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực thi pháp luật.
"Đây là bài học cho các doanh nghiệp trong quá
trình đầu tư phải tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật, trong đó có pháp luật
về môi trường", Bộ trưởng Dũng kết thúc phần trình bày.
Ngay sau đó Chính phủ chiếu video lời xin lỗi của
Formosa.
*
"Tôi là Trần
Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp
Formosa Hà Tĩnh. Tôi cùng ban lãnh đạo công ty thay mặt cho hơn 6.300 cán bộ và
nhân viên xin phát biểu về sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung như
sau", đại diện Formosa Hà Tĩnh nói.
"Công ty chúng
tôi đến Việt Nam với mong muốn đầu tư và phát triển bền vững, lâu dài để đóng
góp tích cực cho sự phát triển kinh tế Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thử của công ty và qua kết quả kiểm tra
nghiên cứu, đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường
chủ trì cho thấy sự cố đã xảy ra trong nhà máy là nguyên nhân gây ra sự cố môi
trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam là Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế (giai đoạn vận hành thử do các nhà thầu phụ
được công ty chúng tôi tuyển chọn và ký hợp đồng thực hiện). Công ty xin
nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi nhân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh
Hà Tĩnh, Quảng Bình, quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Công ty xin lỗi Đảng,
Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam vì đã gây ra sự cố môi trường
thời gian qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, việc làm của
người dân và môi trường 4 tỉnh miền Trung. Chúng tôi xin cam kết thực hiện
bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi
thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung".
"Chúng tôi cam
kết khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, hoàn thiện
công nghệ của nhà máy theo yêu cầu của các bộ, ngành Việt Nam và UBND Hà
Tĩnh.
Chúng tôi sẽ phối hợp
với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để
kiểm soát môi trường biển miền Trung, đảm bảo phòng, chống các sự cố môi
trường tương tự đã xảy ra và tạo niềm tin với người dân Việt Nam, cũng như bạn
bè quốc tế.
Chúng tôi xin cam kết
thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết với Chính phủ liên quan đến vụ việc này và
cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và
tài nguyên nước của Việt Nam.
Chúng tôi mong rằng
bằng sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa trong giải quyết sự cố này,
chúng tôi sẽ nhận được sự cảm thông của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi vô cùng
biết ơn Chính phủ đã có chỉ đạo tìm ra nguyên nhân sự cố môi trường tại 4 tỉnh
miền Trung vừa qua. Chúng tôi tha thiết mong người dân rộng lượng và tha thứ
cho chúng tôi", ông Thành kết thúc lời xin lỗi.
Kết thúc video, ban
lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu nhận lỗi với nhân dân Việt Nam.
*
Tại Hà Tĩnh, theo dõi công bố nguyên
nhân cá chết, nhiều người dân cho hay kết quả này đã dự đoán được từ trước và
"không hề bất ngờ". Chị Trần Thị Thoa, chủ tiệm buôn bán hải sản ở xã
Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, mong muốn nhà nước hỗ trợ trong thời gian hàng hóa ế ẩm,
đồng thời muốn trả lại môi trường biển như trước kia.
Một linh mục ở xã Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho
rằng kết quả công bố hôm nay sẽ giải tỏa, làm cho những người đi biển yên lòng.
Tuy nhiên, mức đền bù và biện pháp khắc phục thì phải chờ xem thế nào. “Người
dân muốn ra khơi, bám biển, nhưng sau khi Formosa gây ra sự cố thì họ lại băn
khoăn”, linh mục nói.
Anh Đàn mong muốn môi trường biển trở lại trong sạch
để có thể thể tiếp tục ra khơi. Ảnh: Nguyễn Hải.
Tại bến Âu Thuyền, anh Nguyễn Chu Đàn (41 tuổi, xã Kỳ
Lợi, Kỳ Anh) đánh giá cao việc Chính phủ và các Bộ ngành đã công bố nguyên nhân
cá chết, làm cho người dân tin tưởng. Mong muốn của ngư dân tiếp theo là ngư
trường đươc trong sạch trở lại để có thể ra khơi.
*
Sau phần thông báo của Bộ trưởng Dũng và phát video
xin lỗi của đại diện Formosa là đến phần hỏi đáp. Một nhà báo đặt câu hỏi: Xin
hãy cho biết quá trình xác định nguyên nhân cá chết, sự tham gia của các nhà
khoa học trong và ngoài nước ra sao?
Bộ trưởng Trần hồng Hà. Ảnh: Bá Đô.
Bộ
trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Qua video vừa rồi chúng ta cũng biết việc xác định nguyên nhân cần chứng
cứ khoa học chặt chẽ, bài bản. Thủ tướng chỉ đạo sự cố xảy ra diện rộng, phức tạp
nên phải làm khoa học, khách quan. Chúng tôi tiến hành ba việc. Thứ nhất
xác định nguyên nhân, cái gì đang diễn ra ở vùng biển miền Trung, cơ chế gì gây
ra hải sản chết hàng loạt. Thứ hai là xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu.
Nhóm thứ nhất tập trung hơn 100 nhà khoa học trong
và ngoài nước ở các lĩnh vực hải dương học, vũ trụ học... tiến hành nhiều công
việc từ lấy mẫu cá, mẫu nước, sinh vật..., đồng thời thực hiện nhiều hoạt động
từ việc xác định sự việc từ vệ tinh. Nhiều nhà khoa học đã phải xuống biển lần
theo dấu hiệu vệ tinh chỉ ra.
Kết quả phân tích của hàng nghìn thí nghiệm, có thí
nghiệm xác định độc tố kim loại nặng phải hàng tuần mới có kết quả. Nhiều thông
số cần kiểm chứng để đảm bảo tính pháp lý. Khi có kết quả, chúng tôi tổ chức hội
đồng khoa học của nhà nước để đánh giá, lấy ý kiến phản biện độc lập của các
nhà khoa học quốc tế, từ đó mới công bố kết quả.
Qua nghiên cứu khẳng định, hợp chất theo dòng hải
lưu từ Hà Tĩnh di chuyển đến Thừa Thiên - Huế. Đây là một ổ độc hấp thu kim loại
trực tiếp, bản thân nó có nhu cầu ôxy, đi đến đâu lấy ôxy và gây độc tố làm cá
chết.
Nhóm việc thứ hai, chúng tôi rà soát hàng trăm
cơ sở có nguồn thải ra biển miền Trung, trong đó có: Formosa Hà Tĩnh, nhà máy
điện Hà Tĩnh và khu công nghiệp Hà Tĩnh. Quá trình kiểm tra đã phát hiện vấn đề
sai sót, lỗi. Trong 5 ngày khi kiểm toán năng lượng thì điện tụt 15%. Từ đó
chúng tôi xác định chỉ có lò luyện cốc là thải ra phenol và xyanua.
Đến nay chúng tôi có đủ bằng chứng thuyết phục, xác
định nguồn thải từ Formosa và lò luyện cốc. (Lò luyện cốc thực chất là quá
trình luyện than, biến than thành than cốc. Than cốc được sử dụng rộng rãi
trong quá tình luyện kim cổ, có tác dụng nung chảy gang thép trong lò cao hoặc
chất khử trong các quá trình luyện kim).
Một nhà báo đặt câu hỏi: Đến nay đã có đánh
giá tác động môi trường biển miền Trung, Chính phủ có giải pháp thế nào?
Bộ
trưởng Trần Hồng Hà: Nhiều người băn khoăn đây là chất thải vô cơ hay
sinh học. Qua nhiều nghiên cứu mới xác định cái gì xảy ra và cái gì là nguyên
nhân chính. Có thể nói chúng ta đã làm đẩy đủ đảm bảo tính khoa học và pháp lý.
Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh. Ảnh: Bá Đô.
Hỏi: Ngày 23/4, Bộ Nông nghiệp khẳng định cá chết do độc tố môi trường,
sau đó Bộ Tài nguyên Môi trường công bố do thuỷ triều đỏ, tại sao 3 tháng mới
chính thức công bố nguyên nhân?
Bộ
trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh: Ngay khi sự
việc xảy ra Thủ tướng đã phân công các bộ ngành liên quan khẩn trương tìm ra
nguyên nhân. Các nhà khoa học đã vào cuộc với nỗ lực cao nhất. Quá trình tiếp cận
bằng nhiều phương pháp khoa học. Có khó khăn là chúng ta phải tìm kiếm những dấu
vết ngay tại thực địa, dưới đáy biển và cả hồi tố. Nhiều chuyên gia đến từ Nhật,
Pháp, Đức, Mỹ... đã bổ sung dữ liệu cùng nhà khoa học Việt Nam đối chứng phân
tích chỉ tiêu, từ đó có những chứng cứ được các nhà khoa học quốc tế thừa nhận.
Kết quả công bố hôm nay thể hiện nỗ lực của các nhà
khoa học cũng như trình độ và năng lực trong việc giải quyết những vấn đề phức
tạp. Tháng 12/2004, Nhật Bản có sự cố môi trường nghiêm trọng, hơn một năm
sau, hội đồng đánh giá với những chuyên gia hàng đầu mới có thể kết luận được
nguyên nhân là từ công ty gang thép. Như vậy để thấy sự nỗ lực của chúng ta.
Hỏi: Quá trình công bố nguyên nhân cá chết đến nay xác định là chậm
so với bức xúc của dư luận, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn giải thích thế nào?
Bộ
trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Việc công bố hôm nay thể hiện chủ trương công khai của Đảng và Nhà nước.
Ngay từ đầu những người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo yêu cầu
điều tra nhanh chóng xác định nguyên nhân, thủ phạm gây ra, đánh giá hậu quả
gây ra, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng... Công bố nguyên nhân là để giải quyết kịp
thời hiệu quả, công bố thủ phạm là để khắc phục hậu quả.
Điều tra nguyên nhân và thủ phạm là hai việc khác
nhau. Điều tra nguyên nhân được tiến hành bởi nhà khoa học, đối tượng là dữ kiện.
Điều tra thủ phạm là cơ quan điều tra, có sự tham gia của cơ quan bảo vệ pháp
luật, các ngành, địa phương. Kết quả điều tra là khách quan, hoàn toàn loại trừ
các nguyên nhân làm chậm quá trình. Các cơ quan đã làm việc nỗ lực hết mình.
Thời gian qua có sự bức xúc vì chậm công bố nguyên
nhân, đây là điều bình thường vì ảnh hưởng đến đời sống người dân nhưng sự phản
ứng thái quá làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến quá trình điều tra. Một số
thế lực lợi dụng sự việc này để kích động, gây bất an trong nhân dân. Chúng tôi
tôn trọng sự bức xúc của người dân nhưng không chấp nhận sử dụng bức xúc để chống
đối Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ảnh: Bá Đô
Hỏi: Đề nghị Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, có sửa
đổi bổ sung gì các quy định hiện hành về môi trường của doanh nghiệp hiện nay?
Bộ
trưởng Mai Tiến Dũng: Quy chuẩn về môi trường Việt Nam là văn bản dưới
luật, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua quy chuẩn về môi trường là không
đúng thẩm quyền của Quốc hội. Nên tới đây Chính phủ không đề xuất Quốc hội ban
hành quy chuẩn về môi trường của Việt Nam.
Hỏi: Có hay không việc ngăn cản cơ quan báo chí đưa tin, việc giấu
thông tin với nhân dân?
Bộ
trưởng Trương Minh Tuấn: Đầu tháng 4 sau sự cố môi trường,
báo chí đưa tin rất nhiều chiều, với tần suất dày đặc. Đảng, Nhà nước không có
chủ trương che giấu thông tin, không chỉ người dân cần biết sự thật mà Đảng,
Nhà nước cũng cần biết sự thật. Nhưng để tạo thuận lợi cho quá trình điều tra,
chúng tôi có yêu cầu các cơ quan báo chí tạm ngừng đưa thông tin suy diễn, để
chờ quá trình điều tra. Trong sự cố phức tạp vừa rồi, sự điều tra của báo chí
không đủ tìm ra nguyên nhân bằng sự điều tra của cơ quan điều tra, các nhà khoa
học.
Hỏi: Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xả thải cho Formosa
như thế nào? Việc giám sát ra sao?
Bộ
trưởng Trần Hồng Hà: Nguồn nước thải của Formosa gồm: nước thải công
nghiệp, nước thải từ sinh hoạt, sinh hoá, trạm xử lý cốc... Về quy chuẩn, có 2
quy chuẩn 40 - xác định với nước thải công nghiệp, kiểm soát nhiều thông số
hơn. Quy chuẩn 52 - tiêu chuẩn đối với ngành gang thép, kiểm soát 12 con số.
Toàn bộ lượng nước thải ra, quy chuẩn 52 không thể bao quát được con số nước thải
từ cảng. Việc áp dụng quy chuẩn chưa sát tình hình nguồn thải của Formosa. Nguồn
cần giám sát chặt chẽ nhất là nguồn nước thải sinh hoá từ các cốc.
Thực tế, các nhà máy của Formosa đang ở giai đoạn vận
hành thử nghiệm nên chưa có cơ quan nhà nước vào giám sát. Hệ thống giám sát tự
động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng. Đây
là lỗ hổng pháp luật.
Infographic: Quy
trình xả thải của Formosa Hà Tĩnh.
*
Bộ trưởng Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Bá Đô
Hỏi: Cơ quan công an có khởi tố vụ án hình sự hay không?
Bộ
trưởng Mai Tiến Dũng: Trước hết, phải có biện pháp khắc phục đời sống
người dân ven biển như hỗ trợ lãi suất, việc làm, mua hải sản của ngư dân đánh
bắt; công bố sớm vùng hải sản an toàn, cảnh báo vùng hải sản không an toàn để
người dân tránh dùng sản phẩm không an toàn. Việc đấu tranh tìm ra thủ phạm là
thái độ cương quyết của Đảng, Chính phủ Việt Nam; xử nghiêm không loại trừ bất
kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Nhưng, Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư, tạo
lập hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, được các nhà đầu tư đánh giá cao về ổn định
chính trị, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài
thành công là thể hiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Formosa đã nhận lỗi trước
người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ. “Đánh kẻ chạy đi chứ
không đánh kẻ chạy lại”, Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh
trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng. Nếu các nhà đầu
tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ đảm bảo cho hoạt động
hiệu quả. Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt
Nam vốn khoan hồng, độ lượng.
Trả lời bổ sung việc Chính phủ Việt Nam có khởi tố
Formosa hay không, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, việc khởi tố hay không
thì cơ quan tố tụng tư pháp sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp. Tất cả mọi
quyết định phải được xem xét trên cơ sở luật pháp và lợi ích.
*
Từ thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), một lãnh đạo thị xã cho
biết đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của tất cả ban ngành để đưa ra kết quả
công bố trong tháng 6 như đã hứa. “Formosa là thủ phạm khiến hải sản chết đã
rõ, chúng tôi sẽ đưa ra các phương án hỗ trợ bà con ngư dân khắc phục sự cố, vượt
qua khó khăn”, vị lãnh đạo nói.
Người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh, theo dõi thông tin họp
báo công bố nguyên nhân, thủ phạm khiến cá chết hàng loạt. Ảnh: Đức
Hùng
Một ngư dân ở thôn Ba Đồng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ
Anh) cũng đánh giá cao thái độ của Formosa: “Họ đã gây ra, thừa nhận và không
chối cãi, như vậy là được. Việc giải quyết hậu quả, khắc phục khó khăn cho bà
con ngư dân thì phải chờ cấp trên. Tiền bồi thường bao nhiêu cũng khó mà đủ,
chúng tôi chỉ mong muốn biển trở lại như ngày xưa, nếu chính quyền sắp xếp chuyển
đổi nghề thì cũng phải là nghề phù hợp để mưu sinh”, ngư dân nói.
*
Thứ trưởng Đặng Huy Đông. Ảnh: Bá Đô.
Hỏi: Formosa từng có nhiều vi phạm trong đầu tư, vì sao Hà Tĩnh vẫn
chào đón. Tới đây tỉnh có gì thay đổi trong thu hút đầu tư?
Thứ
trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Sau sự cố này,
chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam là nhất quán, đảm bảo đúng cam
kết với các nhà đầu tư nước ngoài. Sự cố là điều đáng tiếc, cũng là bài học cho
các cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát chức năng nhiệm vụ để việc thu hút đầu
tư nước ngoài theo đúng quy định pháp luật. Chính phủ Việt Nam không đánh đổi đầu
tư nước ngoài bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước
ngoài.
Hỏi: Mức đền bù 500 triệu USD dựa trên cơ sở
nào?
Bộ
trưởng Trần Hồng Hà: Số tiền đền bù dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc
sống người dân, môi trường. Còn có những tổn thương lớn hơn đến tâm lý, nhưng
chúng tôi thấy rằng không cần thiết là bao nhiêu mà yêu cầu Formosa chuyển đổi
công nghệ, không bao giờ xảy ra sự cố tương tự. Chúng tôi cũng sẽ phục hồi môi
trường đang bị ô nhiễm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh. Ảnh: Bá
Đô.
Hỏi: Quá trình nhà máy Formosa vận hành, tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra việc
xả thải đối với dự án này như thế nào? Trách nhiệm của địa phương sau khi phát
hiện sự cố?
Phó
chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh: Thời gian
qua nhân dân Hà Tĩnh đã kiên trì chờ đợi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, các nhà
khoa học tìm ra nguyên nhân. Hôm nay Chính phủ tổ chức công bố họp báo công bố
nguyên nhân, Formosa đã xin lỗi, phần nào giải tỏa được sự chờ đợi của người
dân.
Dự án của Formosa rất lớn, nhiều việc vượt ra ngoài
Hà Tĩnh. Mặc dù vậy tỉnh đã phối hợp với các bộ ngành Trung ương trong việc kiểm
tra giám sát. Tỉnh đã giao việc giám sát cho các sở ngành liên quan. Sự cố xảy
ra, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân và công bố rộng
rãi.
Quá trình vừa qua do khả năng có hạn, việc kiểm tra
giám sát chưa làm được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Chúng tôi rút kinh
nghiệm sâu sắc và xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Hỏi: Bộ Y tế đánh giá mức độ an toàn của nước biển từ Hà Tĩnh đến Thừa
Thiên - Huế như thế nào?
Thứ
trưởng Y tế: Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường, Bộ Y tế đã
chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, quản lý, Sở Y tế tiến hành các biện pháp cần
thiết để bảo vệ sức khoẻ người dân, tập trung xét nghiệm hải sản sống. Trong 3
tuần đều tiến hành các xét nghiệm hàng ngày, cập nhật thông tin cho người dân,
đăng tải trên website của Bộ. Tất cả hải sản xét nghiệm đã công bố minh bạch.
Thứ
trưởng Nông nghiệp: Bộ Nông nghiệp với vai trò quản lý nhà nước về
thuỷ sản ngay từ đầu đã chỉ đạo 3 việc: lấy mẫu, giám sát và xác định vùng ảnh
hưởng để tham mưu cho Chính phủ. Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khoanh
vùng ảnh hưởng, Bộ đã tham mưu là tính từ bờ ra ngoài khơi 20 hải lý. Những
vùng trong 20 hải lý ở 4 tỉnh, những tàu khai thác dưới 90CV, nếu phát hiện hải
sản nhiễm độc thì lập tức tiêu hủy và sẽ có chính sách hỗ trợ.
Vùng ngoài 20 hải lý là an toàn. Bộ đã tham mưu địa
phương tổ chức kiểm định chứng nhận an toàn cho hải sản ngoài vùng 20 hải lý.
Nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo 2-3 ngày lấy mẫu một lần, nếu phát hiện độc tố vẫn
xử lý.
Đối với nuôi trồng thuỷ sản, chúng tôi khuyến cáo
khi chưa xác định rõ nguyên nhân thì đề nghị không nên thả nuôi. Khi lấy mẫu
hàng ngày phát hiện mẫu an toàn thì khuyến cáo địa phương có thể lấy nước,
nhưng phải qua ao lắng và quy trình nghiêm ngặt trước khi thả nuôi. Hiện nay nước
lấy vào cơ bản an toàn, khi chưa xử lý hết tồn dư thì hàng ngày vẫn phải lấy mẫu
xét nghiệm để đảm bảo an toàn. Bộ liên tục cử người để hỗ trợ người dân 4 tỉnh
miền Trung làm việc này.
*
Trước khi họp báo kết thúc, ông Trương Minh Tuấn cho
biết, để sự cố môi trường không tái diễn, Thủ tướng chỉ đạo rà soát các tiêu
chuẩn bảo vệ môi trường áp dụng cho các doanh nghiệp. Trách nhiệm cán bộ công
chức trực tiếp liên quan, dù cấp nào đều chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy mức
độ liên quan.
Trước đó đầu giờ chiều 30/6, tại phiên họp trực tuyến
Chính phủ thường kỳ tháng 6, phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho
biết, trước sự cố cá chết nghiêm trọng ở miền Trung thời gian qua, Chính phủ đã
chỉ đạo các bộ ngành nỗ lực, làm hết sức mình để tìm ra nguyên nhân, cũng như
xác định đối tượng gây ra sự cố môi trường này, trên tinh thần khách quan, khoa
học, chặt chẽ, đúng pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành mời tư vấn độc lập
trong và ngoài nước phản biện trước khi kết luận chính thức. "Đến nay
chúng ta đã tìm ra nguyên nhân và đối tượng chịu trách nhiệm. Chiều nay Chính
phủ sẽ chính thức công bố nguyên nhân và những giải pháp khắc phục sự cố cá chết
tại các tỉnh miền Trung", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Diễn tiến điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt. Đồ
họa: Tiến Thành
Hiện tượng cá chết xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu
công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng
Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà
Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống
ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh
lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi
phí đánh bắt.
Nhiều giả thiết về nguyên nhân cá chết được đưa ra,
tập trung vào hai nhóm là tảo đỏ và độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con
người. Trong số các nguồn xả thải gần khu vực Vũng Áng, cái tên được nhắc đến
nhiều lần là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa).
Ngư dân và các nhà khoa học nghi vấn hệ thống xả thải
ngầm không đảm bảo và nhiều phụ phẩm độc hại của Formosa là nguyên nhân chính
khiến môi trường biển biến động đột ngột, cá tầng đáy chết hàng loạt. Đường ống
xả thải dài 1,5 km, đường kính hơn một mét được chạy ngầm dưới biển. Đường ống
này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép theo tiêu chuẩn 52/2013.
Nhóm
phóng viên
No comments:
Post a Comment