Thursday, June 30, 2016

ANH QUỐC RƠI TỰ DO SAU BREXIT ? (Nguyễn Giang - BBC)





Nguyễn Giang
BBC World Service, Asia Region
27 tháng 6 2016

Hôm qua Chủ Nhật ở Anh có một vụ tai nạn.

Tại công viên giải trí vùng North Lanarkshire, chiếc xe rồng (rollercoaster) bị trật đường rày, lao xuống đất, làm hai người lớn và tám em nhỏ bị thương, trong đó ba em bị chấn thương rất nghiêm trọng.

Đang lượn trên các tầng cao bị lao xuống đất và gây thương tích cho thế hệ trẻ cũng là hình ảnh của Anh Quốc sau Brexit.

Báo Sunday Times gọi những cú dội liên tiếp sau Brexit khiến nước Anh đang "rơi tự do vào hố đen chưa chạm đáy".
Một bạn người Anh nói với tôi anh nhớ vụ 9/11 đánh vào nước Mỹ khiến anh bàng hoàng nhưng vẫn thấy nó ở xa.
Còn Brexit ập đến như "như cú giáng vào toàn thân" và sau đó thấy tấm thảm dưới chân bị rút đi.
Một người khác đùa cay đắng trên Facebook, "Có ai xâm lược Anh không? Hòn đảo vừa vô chủ, vừa sắp tan ra thành nhiều ốc đảo."
Báo Anh cuối tuần bức hình Samantha Cameron ứa nước mắt đứng cạnh chồng trước Dinh Downing Street khi Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ từ chức.
Nghe nói bà hút thuốc lá trở lại vì quá 'upset' sau Brexit.

Bà Samantha nhìn chồng, thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức

Tsunami chính trị

Nhưng các báo gần như đồng loạt nói chồng bà là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên về cuộc trưng cầu dân ý.
Trước đó, Bộ trưởng thứ nhất phụ trách xứ Wales, ông Carwyn Jones đã cảnh báo Brexit "sẽ tạo cuộc khủng hoảng hiến pháp lớn cho toàn thể Anh Quốc".
Tỷ phú Mỹ gốc Hungary, ông George Soros cũng cảnh báo tiền Anh sẽ mất giá 10-20% sau Brexit.
Nhưng không ai hình dung hết tác động "như tsunami" của Brexit lên mọi mặt cuộc sống ở Anh và cơn địa chấn lan ra quốc tế.

Từ khi có kết quả trưng cầu dân ý vào 7 giờ sáng thứ Sáu và ông Cameron nói sẽ từ nhiệm một giờ sau đó, cuộc khủng hoảng không còn là 'lớn' mà thành "lớn nhất từ Thế Chiến 2".
Cơn lốc lan sang thị trường tài chính, tiền tệ và tạo ra "suy sụp tâm lý cả nước" (national nervous breakdown).
Chỉ trong vòng chừng vài giờ, cường quốc thế giới, nền kinh tế thứ nhì EU và thứ năm trên toàn cầu bỗng chốc tụt hạng và có nguy cơ tan rã.
Một số báo tin rằng chỉ sau một weekend, Anh Quốc đã rơi vào suy thoái và tình hình tệ hơn khủng hoảng tài chính 2008.
Nhiều dự án lớn nay tạm ngưng, kể cả kế hoạch mở rộng sân bay Heathrow.
Đó là điều thật đáng tiếc vì như một tờ báo viết, Heathrow năm qua tăng thu nhập nhờ các đường bay quốc tế mới, gồm cả tuyến mới mở của Vietnam Airlines.

Chỉ được ăn tối

Vì vẫn là thủ tướng, ông Cameron được mời sang EU họp vào thứ Ba tuần này và dự bữa tối cùng lãnh đạo các nước EU.
Nhưng các báo Anh tin rằng sau đó ông sẽ bị mời ra ngoài để lãnh đạo EU bàn riêng về Brexit.

Tiến trình nước Anh tách khỏi EU

Trước mắt, không ai rõ tiến trình đàm phán rời EU sẽ ra sao.
Về̉ thủ tục, các lãnh đạo EU yêu cầu ông David Cameron gấp rút ra thông báo chính thức về quyết định Anh rời EU nhằm kích hoạt thủ tục trong Điều 50 Hiệp ước Lisbon.
Nhưng ông Cameron lại dành việc đó cho tân thủ tướng, dự kiến 'lên ngôi' trong kỳ Đại hội Đảng Bảo thủ vào tháng 10 tới.
Và cũng vì thế, từ nay đến khi đó, nước Anh rơi vào tình trạng gần như vô chủ và không chỉ đảng Bảo thủ khủng hoảng mà Ban lãnh đạo đảng Lao động đối lập cũng vỡ nát.

Cựu Bộ trưởng Tài chính ông Alistair Darling vừa nói chua chát trên kênh BBC Radio 4 về nước Anh trong bốn tháng tới:
"Không chính phủ, không đối lập, và những người đẩy chúng ta vào vũng lầy này thì đã chuồn mất."

Khi tuyên bố rời chức thủ tướng, ông Cameron hoàn toàn hiểu chuyện này nên mới nói Anh Quốc cần "một lãnh đạo mới để vững tay lái cho con tàu".
Vậy là, như một người bạn vừa nói với tôi, nước Anh nay là "phi cơ bay bằng autopilot", lúc nào hạ cánh cũng chưa rõ.

Ai vui ai buồn

Cho tới nay, Brexit chỉ được một số lãnh đạo Iran và Nga và các nhóm thiên hữu châu Âu vỗ tay hoan nghênh.
Về bản chất, trang web thiên tả The Guardian vốn ủng hộ Remain nói 'Brexit là bác bỏ toàn cầu hóa".

Giới trẻ Anh biểu tình sau Brexit

Toàn cầu hóa đúng là tạo ra rất nhiều vấn đề nhưng bỏ nó sang một bên thì nhiều thế lực tiềm ẩn của quá khứ đang ló ra, như lời sử gia Robert Harris.
Nhắc lại các cuộc trưng cầu dân ý thời Hitler, ông đặt câu hỏi về vai trò của chủ nghĩa dân tuý (populism) được nhìn nhận là dân chủ.

Tại Anh, chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại, phân biệt chủng tộc bỗng dâng lên sau Brexit.
Trên mạng xã hội, các nhóm tân phát-xít đòi 'Thánh chiến Trắng' (White Jihad) và đòi trục xuất cả những công dân Anh gốc Á-Phi.
Nhiều hàng quán của người Ba Lan bị bôi bẩn, vẽ khẩu hiệu bài xích.

Sau Brexit, xu hướng ly khai ở Liên hiệp Anh đang xuất hiện trở lại.
Tại Scotland, phong trào độc lập và bàn thảo nổ ra về việc chia tay với Anh (England) trở nên sôi động hơn.
Tại Wales, sau khi đa số dân bỏ phiếu ủng hộ rời EU, chính quyền địa phương yêu cầu London cam kết gấp để bù vào khoản hàng trăm triệu euro mỗi năm họ nhận từ EU.
Tại Bắc Ireland, vai trò giảm đi của EU có thể khiến các nhóm bán vũ trang chỉ miễn cưỡng giải giáp nhờ các thỏa thuận khó nhọc, có EU bảo trợ và tài trợ (peace money), nay tái xuất hiện.

Sau Brexit, xu hướng ly khai ở Liên hiệp Anh đang hiển hiện

Tin mới nhất sáng nay là vùng Cornwall ở phía Tây Nam có đa số bỏ phiếu rời EU nhưng lại muốn được giữ các khoản trợ cấp từ EU.
Đây cũng là nghịch lý chung trong tư duy của rất nhiều người: vừa muốn giữ nguyên miếng bánh vừa muốn ăn bánh.
Nhân vật hàng đầu để lên làm thủ tướng, ông Boris Johnson cũng vừa muốn "giữ quyền gia nhập thị trường chung và di chuyển, làm việc tự do của công dân Anh tại EU" nhưng lại bỏ hết cơ chế pháp lý EU.
Một chính trị gia EU nhắc ngay rằng "Ra là ra. Không thể có chỉ mang bầu một chút".

Hiện các cố vấn chính cho phái Leave như ông Gerard Lyons đang lập luận rằng kinh tế Anh sẽ khởi sắc nếu tự quyết định chính sách mậu dịch của mình và làm ăn với Trung Quốc, Ấn Độ không qua ràng buộc của EU.
Nhưng thời gian cho ban lãnh đạo mới của Anh sẽ không có nhiều.
Một khi điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt, đồng hồ sẽ điểm và sau đúng 24 tháng, tư cách thành viên EU của Anh tự động chấm dứt trừ khi London được cả 27 nước EU đồng ý cho gia hạn đàm phán.

Khẩu hiệu bài ngoại đòi trục xuất người gốc ngoại kiều

Mà chọn gì bỏ gì trong 80 nghìn trang luật lệ EU đã hoà trộn với luật Anh là không dễ.
Chưa kể Anh Quốc cần đàm phán lại hiệp định thương mại với hơn 50 nước khác EU đã ký.

Ít ai lạc quan rằng cả hai quá trình đàm phán đa phương rồi lại song phương với gần 100 đối tác có thể hoàn toàn thành có lợi cho Anh trong chưa đầy 2 năm.
Vì thế, trong phát biểu mới nhất vào chiều nay giờ London trong nghị viện, ông Cameron khẳng định Anh sẽ không chịu 'bấm nút' Điều 50 Hiệp định Lisbon chừng nào chưa xác định rõ hình thức mối quan hệ tương lai với EU.
Brexit như thế đang trở thành phép thử nắn gân tính nhẫn nại của cả EU và nước Anh xem hai bên chịu được nhau lâu đến đâu.

Sau cơn choáng cuối tuần qua, dù EU muốn "ly hôn là hết", phía Anh ngày càng có vẻ muốn chuyển từ hôn nhân sang quan hệ dù gì thì vẫn là "thân nhân".




No comments: