Monday, June 27, 2016

LUẬT HÌNH SỰ MỚI CỦA VIỆT NAM "NHIỀU SAI SÓT" (BBC Tiếng Việt)





BBC Tiếng Việt
27-6-2016

Việc giới chức phải tìm phương án nhằm tạm ngưng hiệu lực Bộ luật Hình sự cho thấy một "cuộc khủng hoảng về lập pháp và tư pháp" ở Việt Nam, một luật sư từ Hà Nội nói với BBC Tiếng Việt.

Báo Tuổi Trẻ ngày 27/6 nói: "Cơ quan chức năng đã phát hiện bộ luật này có tới hơn 90 nội dung cần sửa đổi, bổ sung."
Điều này khiến việc đưa Bộ luật Hình sự vào thực thi từ 1/7 tới đây là bất khả thi.

Ngày 1/7 cũng là thời điểm có một số bộ luật khác liên quan tới ngành tư pháp có hiệu lực.
"Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự có vấn đề. Hai bộ luật này có liên quan đến nhau, nhiều điều khoản mâu thuẫn nhau, và gây hậu quả không tốt tới dân chúng và các nhà kinh doanh nếu đem ra thực hiện," luật sư Trần Vũ Hải nói.

Sáng hôm 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phiên họp bất thường, khẩn cấp nhằm tìm giải pháp tình thế, theo đó cơ quan này muốn đề xuất giải pháp lùi hiệu lực của Bộ luật Hình sự và cả hai văn bản luật liên quan; Trong thời gian tạm hoãn, Quốc hội sẽ điều chỉnh sửa đổi các nội dung có sai sót trong các văn bản này.

Bộ luật Hình sự, vốn được thông qua với tỷ lệ nhất trí cao trong Quốc hội, đạt 84% đại biểu có mặt, được xác định có tới 95 nội dung, điều khoản sai sót, trùng lặp hoặc mắc lỗi kỹ thuật.

Mức độ sai sót nhiều như vậy là điều gây ngạc nhiên, khi mà các cơ quan dự thảo luật của Việt Nam luôn rất thận trọng thậm chí tới mức dè dặt trong việc soạn thảo, và các điều khoản dự thảo cũng được cân nhắc rất kỹ khi đưa ra Quốc hội thảo luận nếu đó là các chủ đề nhạy cảm.

Chẳng hạn như dự thảo Luật về Hội, cũng do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng nội dung, "được nâng lên, đặt xuống khá nhiều lần" trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận, đại biểu Dương Trung Quốc nói với BBC Tiếng Việt trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Chín 2015.

Kể cả đã được chuẩn bị kỹ càng như vậy, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó vẫn xác định 'nên tạm lùi để chuẩn bị kỹ hơn' và cho đến nay văn bản này vẫn nằm ở mức dự thảo.

Tính pháp lý của quá trình điều chỉnh

Quốc hội khóa 13, là khóa thông qua Bộ luật Hình sự 2015 mắc nhiều sai sót, đã mãn nhiệm và Quốc hội khóa mới sẽ phải đảm nhận trách nhiệm "sửa sai".
Cuộc "khủng hoảng về lập pháp và tư pháp" này, theo lời luật sư Trần Vũ Hải, đòi hỏi phải được tháo gỡ thận trọng, với sự tham vấn đầy đủ từ các chuyên gia pháp luật.

Trong lúc đó, Quốc hội khóa mới "gần 65% là người chưa có kinh nghiệm lập pháp, 35% là những người cũ, là những người chịu trách nhiệm về các sai lầm về Bộ luật Hình sự", theo luật sư Trần Vũ Hải.

"Bản thân các đại biểu Quốc hội có khá ít các chuyên gia có thể hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này," ông Hải nói. "Trong lúc đó, bộ máy nhân sự của cơ quan tư pháp cũng đã thay đổi rất nhiều trong thời gian gần đây, gồm cả việc thay đổi các vị trí Chánh án Tòa tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, và Bộ trưởng Tư pháp."
"Lẽ ra trưởng ban dự thảo Bộ luật Hình sự phải từ chức và bị kỷ luật. Các quan chức đã làm quá cẩu thả, không chấp nhận được," ông Hải nói thêm.

Tuy nhiên, vị luật sư từ Hà Nội nói việc 'chữa cháy' bằng một nghị quyết của Quốc hội là điều chấp nhận được theo luật Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên các văn bản pháp luật do Quốc hội Việt Nam thông qua bị phát hiện có sai sót nghiêm trọng.
Trường hợp tương tự xảy ra trước đây là với Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, với điều 60 của luật này bị phản ứng gay gắt. Quốc hội sau đó đã ra Nghị quyết 93 hoãn thi hành điều khoản này.

Luật sư Trần Vũ Hải nêu giải pháp cho lần này, với việc áp dụng tạm đình chỉ các điều khoản có nội dung cần sửa đổi. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, "nghị quyết mới không được phép sai lầm thêm".

Ông Hải cũng chỉ ra rằng trình tự làm luật của Việt Nam hiện nay đang "có vấn đề" và đó là nguyên do dẫn tới những sai sót lớn trong quá trình lập pháp.

"Có nhiều điều luật thậm chí các đại biểu Quốc hội còn chưa được bàn tới mà vẫn được đưa vào. Ví dụ như trong Bộ luật Hình sự 2015 có điều luật 292 đang được nêu ra, theo tôi nghiên cứu thì tới tháng Chín, tháng Mười 2015 điều luật đó mới được đưa vào. Trước đó các doanh nghiệp chưa được biết tới điều khoản này [trong các bản dự thảo được công bố trước đó]. Vậy mà tháng Mười Một đã được đem ra bàn thảo rồi thông qua."

Phiên họp khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự tham dự mở rộng của các trưởng hoặc phó đoàn đại biểu, các đại diện từ ngành tòa án, kiểm sát và một số bộ ngành khác, được tiến hành khi chưa đầy một tháng nữa, Quốc hội khóa mới theo kế hoạch sẽ có phiên họp đầu tiên, bắt đầu từ 20/7.



No comments: