Sunday, October 19, 2014

Việt Nam không phải lo sợ nhận cảnh báo từ Đức Quốc (Matthias Lohre)





Bản dịch của Hùng Hà
Được đăng ngày Chủ nhật, 19 Tháng 10 2014 16:53

Lời bình Huỳnh Minh Tú:  Trong khi bà Thủ tướng Angela Merkel Đức quốc tiếp phái đoàn của Thủ tướng XHCN Việt Nam thì một trong những tờ báo tiếng tăm của Đức đã có bài chỉ trích cả chính phủ Đức. Mới hay ở xứ dân chủ thì quyền lực thứ tư vượt lên trên cả đường lối của chính phủ, là “tiếng nói trái chiều” thật cần thiết.
Hy vọng ngài thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “đi một ngày đàng học một sàng khôn” về Dân chủ, về Tự do ngôn luận như ở Đức.
 ---------------

Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đưa những nhà hoạt động nhân quyền vào tù, hàng năm có rất nhiều người chết trong trại giam. Chính giới Đức lại chỉ quan tâm đến làm ăn.

Thủ tướng Việt Nam đã có nhiều trải nghiệm. Lúc còn đồng niên, Nguyễn Tấn Dũng đã theo việt cộng đánh Mỹ. Sau đó, ông đã gầy dựng sự nghiệp trong đảng Cộng sản. Ngày nay, người đàn ông 64 tuổi này là một vị khách được ưa thích nơi các chính khách và doanh nhân phương Tây. Chuyến thăm viếng Đức Quốc bắt đầu từ thứ Ba tuần này cũng cho thấy: Khi có lợi cho kinh tế, chính quyền Liên bang sẽ nhắm cả hai mắt với các vấn đề về nhân quyền.

Khi ông Nguyễn gặp bà Thủ tướng, họ sẽ phát biểu về việc xây dựng các mối quan hệ của hai quốc gia. Từ ba năm trước, bà Angela Merkel đã ký Tuyên bố Hà Nội nhân chuyến viếng thăm quốc gia Đông Nam Á này. Từ đó, cả hai nước đều mong muốn xây dựng quan hệ “đối tác chiến lược” về chính trị, văn hóa và kinh tế.

Dường như các vị đứng đầu chính quyền cũng có nói về tình hình căng thẳng ở Nam Hải (Biển Đông – ND). Ở đó, Trung Quốc, một cường quốc thế giới mới lên, đang giao tranh với Việt Nam và các quốc gia trong khu vực về hai quần đảo chiến lược quan trọng.

Một mặt, Đức Quốc không muốn xua đuổi Trung Quốc, một đối tác thương mại vô cùng to lớn. Chỉ mới tuần trước, Thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân này đã dẫn phái đoàn hơn 100 thành viên cùng với 14 Bộ trưởng tham gia một cuộc đối thoại cấp chính quyền ở Berlin. Mặt khác, không chỉ có các nhà ngoại giao Đức vui mừng với nỗ lực của các quốc gia Á châu trong việc giới hạn ảnh hưởng ngày càng lớn của Đại đế quốc. Hồi đầu tháng, chính quyền Obama bất ngờ tuyên bố cho phép xuất khẩu vũ khí sang cựu thù chiến tranh Việt Nam sau nhiều thập niên cấm đoán.


Nhà tù cho bloggers và cư dân mạng lớn thứ hai sau Trung Quốc

Vì vậy, vẫn còn vướng mắc một điều quan trọng trong các cuộc đối thoại Đức – Việt tầm cỡ: Tình trạng nhân quyền ở quốc gia 90 triệu dân này. Và những số phận trong đó, như số phận của người phụ nữ 29 tuổi Đỗ Thị Minh Hạnh.

Cách đây vài năm, người hoạt động công đoàn này đã cùng vài người khác thành lập Phong trào Lao động Việt, tập hợp của các nhóm đấu tranh cải thiện tình trạng lao động tại Việt Nam. Chính quyền Hà Nội xem đó là sự sỉ nhục: So với thế giới, mức lương ở Việt Nam thấp khủng khiếp. Thấp đến nỗi ngày càng có nhiều công ty quốc tế chuyển dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Vào tháng Hai năm 2010, cô Đỗ đã bị bắt cùng hai đồng nghiệp. Cô gái, lúc đó chỉ mới 25 tuổi, đã bị xử 7 năm tù giam. Cô đã bị giam giữ trong 5 nhà tù khác nhau. Ngay cả có sự yêu cầu của các Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức, cô chỉ được phóng thích trước thời hạn hồi tháng Sáu, sau 4 năm bị giam giữ. Vào tháng Chín, cô muốn bay sang Wien. Thân mẫu cô đang sống ở đó, vẫn đang bệnh nặng sau ba cuộc giải phẫu. Nhưng cô Đỗ vẫn bị ngăn cản xuất cảnh, mặc dù đã có chiếu khán Schengen hợp lệ.
Những trường hợp như của nhà hoạt động công đoàn này đầy dẫy ở Việt Nam. Trong bảng sắp hạng tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không biên giới, Việt Nam đã tuột xuống rất thấp – chiếm hạng 174 trong số 180 quốc gia. Tổ chức phi chính phủ này cáo buộc, Việt Nam ngày nay là “nhà tù cho Bloggers và cư dân mạng lớn thứ hai sau Trung Quốc“. Các nhà hoạt động nhân quyền của Human Rights Watch ước tính số lượng tù nhân chính trị trong nước đến khoảng 200 người. Chỉ riêng trong năm 2003 đã có 63 người bị kết án và giam giữ vì lý do chính trị. Trong lúc bị cảnh sát giam giữ, từ tháng Tám 2013 đến tháng Bảy 2014 đã có ít nhất 28 người tử vong. Những con số đen tối còn cao hơn nhiều.

Đặc trách các vấn đề về Nhân quyền của chính quyền Liên bang, ông Christoph Strässer, nghi ngờ rằng điều này sẽ không được thay đổi nhiều trong thời gian ngắn: “Những cải thiện cụ thể và nhanh chóng sẽ không thể đạt được dễ dàng và mau lẹ“, chính khách SPD phát biểu với ZEIT ONLINE. “Nhưng chúng tôi có rất nhiều khả năng ảnh hưởng khác nhau“. Nhất là qua “những liên hệ và can thiệp đều đặn tại chỗ thông qua Đại sứ quán của chúng tôi, thường xuyên cùng với những cộng sự EU của chúng ta“. Nhân viên Đại sứ quán gặp gỡ công khai các nhà hoạt động, ví dụ những người sau thời gian giam giữ không được rời khỏi nơi cư trú. Không có nhà đối lập nào được phép bị bốc hơi.

Tuy nhiên điều đó không thể thay thế cho sự bảo vệ bằng pháp luật. Các nhà hoạt động, những người đòi hỏi việc thực hiện chế độ đa đảng ở Việt Nam, luôn đưa tin trên mạng Internet về việc cảnh sát tuỳ tiện bắt giữ, về đánh đập và đe dọa. Cơ sở cho việc này là Điều 72. Từ tháng Chín năm 2013, điều này cấm người Việt Nam phổ biến những thông tin có thể làm “thiệt hại lợi ích quốc gia“. Những người sử dụng Internet từ nay không được phép lan truyền những “thông tin tổng quát” trong Mails, trên Blogs hay các mạng xã hội. Trên mạng vắng tanh. Trong cùng năm đó, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc – một trò hề.

Dù vậy, Nguyễn Thủ tướng không phải lo sợ về những cảnh cáo từ phía Đức trong chuyến viếng thăm này. Ngược lại: Chính quyền Liên bang chủ động quảng bá hơn bao giờ hết cho Việt Nam. Trong năm 2013, lượng xuất cảng sang Đức tăng 9%, đạt 5,6 tỷ Euro. Cùng lúc đó, lượng nhập cảng từ Đức giảm hơn một phần tư – chỉ còn khoảng 1,8 tỷ Euro.

Có thể vì lý do đó mà Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble đã dừng chân ở Hà Nội sau cuộc gặp gỡ căng thẳng giữa các Bộ trưởng Tài chính của các quốc gia G20 tại Úc. Tại đây, ông ca ngợi “những cơ hội lớn cho Đức Quốc trong việc hợp tác với Việt Nam“. Chỉ “những điều kiện khung” cho các doanh nghiệp “có phần không thuận lợi lắm“. Ông không hề nói tới các điều kiện nhân quyền.

Bài của Matthias Lohre
Bản dịch của Hùng Hà




No comments: