Thursday, October 30, 2014

Khắc Khoải Chờ Chết (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 29/10/2014)

Cô Rukmini Maria Callimachi, 41 tuổi, người Mỹ gốc Romania, là một người tị nạn Cộng Sản, một ký giả, một thi sĩ, và một phóng viên điều tra rất tỉ mẩn và kiên nhẫn. Callimachi không đến Trung Đông, không chứng kiến cảnh lính IS cắt đầu tù nhân, nhưng cô cho độc giả The New York Times thấy rất rõ những ngày tháng khắc khoải chờ chết của anh ký giả Mỹ James Foley, và nhiều người bạn đồng cảnh tù tội với anh. Cô tìm gặp, phỏng vấn 5 cựu tù nhân của quân IS, một người lính IS đào ngũ, nhiều tù nhân Âu Châu được chuộc mạng... để dựng lại thiên phóng sự về cảnh khắc khoải chờ chết của tù nhân trong tay IS, trước giờ bị chúng cắt cổ.

Hình :  Cô Rukmini Maria Callimachi xem cảnh nhà giam tù của quân IS

Cô gặp ông bố của anh Jejoen Bontinck -cựu tù nhân IS- bị giam chung một phòng với ký giả Foley; để được thấy một tấm ảnh anh Bontinck, chụp cảnh nhà giam.

Bontinck, một thanh niên người Bỉ, kể lại là tù nhân bị gọi từng người, từng người một ra khỏi phòng giam, để cật vấn. Họ phải khai 3 chi tiết thầm kín, mà chỉ mỗi cá nhân mới biết chuyện riêng tư của mình thôi. Thí dụ: tên của người cầm đầu đội banh ngày anh còn học trung học, tên người bạn gái của anh mà mẹ anh không thích, hoặc người bạn cùng sở làm với bố anh, thỉnh thoảng đến ăn chiều trong gia đình anh.

Sau khi cung cấp những chi tiết đó, tù nhân trở về phòng giam, mừng húm tin là quân IS sẽ dùng những chi tiết riêng tư của tù nhân để chứng minh với gia đình anh là anh vẫn còn sống, và chúng sẽ trả tự do cho anh nếu gia đình hoặc chính phủ nước anh đồng ý trả cho chúng một số tiền chuộc mạng.

James Foley cũng vậy; đi hỏi cung về, anh nằm vật xuống đất thút thít khóc vì mừng rỡ; câu quân IS hỏi anh “ai khóc trong đám cưới cậu em trai của anh?” chỉ có bố, mẹ anh biết để nêu ra với tên môi giới gọi đến nhà anh đề nghị gia đình anh vận động tiền chuộc mạng anh. Anh cung cấp tên nhân vật đã khóc trong đám cưới, giúp bọn trung gian thuyết phục gia đình anh là anh còn sống, và đốc thúc họ chạy tiền, gửi cho chúng, hy vọng anh được trả tự do. Trên 20 người Âu và Mỹ -cũng là những tù nhân như anh - chỉ nhìn anh, họ không còn có xúc động để bộc lộ nữa.

Câu chuyện thương tâm của 23 thanh niên khiếp đảm trong cảnh chờ chết xẩy ra vào tháng Chạp 2013. Tháng Chạp là tháng Giáng Sinh. Họ nhìn Foley bám víu vào một dấu hiệu mong manh, một ánh sáng hiếm hoi, mơ hồ hơn phép lạ, để gắng gượng hy vọng vào quyền phép cứu rỗi của Thượng Đế.

Hơn một năm trước phóng viên nhiếp ảnh Foley, 40 tuổi, đang tìm săn những bức ảnh đau thương của chiến tranh thì anh bị quân kháng chiến Syria bắt. Những ngày tháng vô vọng, cực khổ, mất tự do đánh gục nghị lực của người đàn ông trung niên, thích mạo hiểm và yêu nghề nhiếp ảnh.

Hình : Tháng 11/2012, Foley còn ngồi tại thị trấn Aleppo, Syria, edit những dĩa video anh quay cảnh chiến tranh; tháng Tám 2013, anh bị IS hành quyết

Tháng Tám vừa rồi anh bị quân IS bắt quỳ gối trên một ngọn đồi trọc, và quỳ trước một tên IS cầm máy quay video; bên cạnh anh là tên đao phủ bịt mặt, tay cầm lưỡi dao bén. Anh bị cắt cổ, đầu anh được xếp trên lưng anh; đó là hình ảnh cuối cùng gia đình anh, và thế giới được thấy.

IS giết Foley để 23 gia đình Âu, Mỹ và 12 chính phủ đang có 23 con tin trong tay chúng phải lo tiền chuộc mạng cho những tù nhân chúng đang giam giữ.

Những nhân chứng sống kể lại cho Callimachi là quân IS giam những tù nhân Âu, Mỹ dưới hầm, họ bị bỏ đói 5, 7 ngày là điều thông thường, đánh đập, trấn nước cũng thông thường. Kháng chiến quân Syria gồm nhiều nhóm, nhóm nào cũng bắt giam người Âu, Mỹ với hy vọng đòi tiền chuộc; cuối cùng nhóm IS -nhóm mạnh nhất- mua lại số tù binh này để hệ thống hóa việc đòi tiền chuộc.

Ngoài 2 chính phủ Anh và Mỹ, đa số những chính phủ khác đều kín đáo giúp tiền cho những gia đình nạn nhân để chuộc mạng người thân. Nhân chứng kể lại với Callimachi tâm trạng vô vọng của tù nhân; họ ngồi hàng ngày không nói một tiếng, không làm một cử động nhỏ nào cả. Đôi khi họ tổ chức đánh cờ, đánh bài, nhưng không ai có một trị giá nào để thua, hay để thắng; họ tìm an ủi trong quyền lực tôn giáo, họ cầu nguyện, có người còn theo Hồi giáo, lấy tên theo dòng Muslim.

Callimachi viết, “viên chức Hoa Kỳ nói họ làm tất cả những gì họ có thể làm để cứu mạng sống cho Foley, nhưng họ không trả tiền chuộc mạng anh, để bảo vệ sinh mạng cho những người Mỹ khác, không bị khủng bố bắt cóc, vì mọi người đều biết chính sách không khuyến khích bắt cóc bằng cách trả tiền chuộc.”

Cô mô tả tình trạng của những con tin bị giam giữ hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài chỉ còn kỳ vọng vào khả năng chuộc mạng của gia đình và chính phủ. Họ thường xuyên nuôi giấc mộng vượt ngục.

Hôm thứ Hai 27 tháng Mười 2014 quân IS phổ biến một đoạn video cho thấy ký giả Anh John Cantlie đứng trước một thành phố đổ vỡ -có thể là thị trấn Kobani. Đoạn video dài 5 phút mang tựa đề “Bên Trong Ayn al-Islam”, Ayn al-Islam là một cái tên khác cũng của Kobani. Trong lúc quân IS đã bị đánh bật ra khỏi diện tích Kobani, thì Cantlie nói trong video là Kobani sắp hoàn toàn rơi vào quyền kiểm soát của IS.

Nguyên văn câu anh nói như sau, “Trận giao tranh Kobani đang bước vào giai đoạn cuối cùng, Thánh Chiến Quân đang quét sạch những ổ kháng cự cuối cùng, trên từng đường phố.”

Kobani là trận giao tranh quyết liệt tại một thị trấn biên giới Syria do lực lượng Nhân Dân Tự Vệ (NDTV) người Kurd phòng thủ; lực lượng này không thuộc hệ thống quân đội Syria, mà cư dân Kobani cũng không phải là người Syria nên không được Syria yểm trợ.

Hoa Kỳ trợ chiến NDTV Kobani bằng hỏa lực không yểm và thả dù tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược; cho đến giờ này lực lượng NDTV Kobani người Kurd vẫn giữ vững thị trấn trú quán của họ.
Việc anh Cantlie phải đứng ngoài thị trấn Kobani để “tường thuật” chiến trường là chỉ dấu quân IS muốn có một tiếng nói uy tín trong sinh hoạt truyền thông Tây Phương giúp chúng nói về một trận đánh mà chúng không đủ sức mạnh quân sự để chiến thắng.

Cantlie là phóng viên người Anh, viết trên những tờ báo Sunday Times, the Sun và the Sunday Telegraph; anh bị quân IS bắt cùng một lúc với anh Foley -phóng viên nhiếp ảnh Mỹ.

IS thất bại cả trong việc khai thác cái chết của anh Foley, lẫn việc lợi dụng mạng sống của anh Cantlie: chúng không làm thế giới khiếp sợ vì chúng trình diễn màn hành hình man rợ, cắt cổ anh Foley; mặt khác, cũng không ai tin là IS đang chiến thắng tại Kobani, mặc dù họ vẫn tín nhiệm tin tức của phóng viên Cantlie là đúng đắn chính xác từ nhiều năm nay.

Thiên phóng sự dài 4877 chữ The Horror Before the Beheadings (Khiếp Đảm Trước Phút Đoạn Đầu) của cô Callimachi giúp độc giả nhìn thấy rõ hơn sự thất bại của hành động giết người thô bạo của IS; cho đến giờ này, không ai tìm cách thỏa hiệp với chúng, kể cả nhiều quốc gia Hồi Giáo.
Thế giới đồng ý là chỉ có một lối giải quyết khổ nạn IS: tiêu diệt chúng.

Nguyễn đạt Thịnh



No comments: