Friday, October 31, 2014

Lời trần tình gởi tác giả bài viết “Phạm Duy, qua cách viết của Trịnh Thanh Thủy” Trịnh Thanh Thủy - Tiền Vệ)





30.10.2014

Kính thưa anh Nguyễn Đăng Thường.

Trước tiên xin phép anh cho Thủy gọi anh bằng anh vì Thủy đã biết anh và quen với cách gọi này dù anh lớn tuổi hơn Thủy nhiều. Thủy cũng trân trọng biết ơn anh đã bỏ thì giờ ra viết một bài viết dài để chỉ dẫn cho Thủy cách viết một bài phê bình như thế nào cho thật đạt, và gây ấn tượng cho độc giả. Qua bài viết của anh, Thủy đã học hỏi được nhiều điều và có lẽ độc giả cũng được lợi ích nhiều khi đọc bài viết ấy. Từ xưa đến nay, Thủy vẫn hằng ngưỡng mộ tài năng, kiến thức của anh và kính trọng anh như một người anh lớn trong làng văn.

Tuy nhiên, Thủy nghĩ có lẽ anh đã hiểu lầm bài viết của Thủy hay do cách đọc của anh mà anh nhìn bài viết dưới một con mắt khác. Thủy xin xác định khi Thủy viết bài này Thủy đặt nó dưới chủ đích: viết “Một bài tiểu luận nhận định” hơn là “Một bài phê bình”.

Từ phần mở đầu anh viết:
“Tôi cũng không muốn xúc phạm hay gây buồn cho nhà văn Trịnh Thanh Thủy. Khi gõ phím, do phản ứng chẳng đặng đừng sau khi đọc hết bài tiểu luận ‘Những bức tranh xã hội trong ca khúc của Phạm Duy’, mục đích của tôi là phân tích về cách viết phê bình của Trịnh Thanh Thủy nói riêng và một số không ít các cây viết phê bình khác hôm nay, mà theo thiển nghĩ của tôi, đã thiếu mạch lạc lô-gích, và tôi chỉ muốn đọc nó theo tinh thần khoa học, khách quan mà thôi.”

Khi Thủy cảm thụ những tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy, Thủy đặt Thủy dưới địa vị và mắt nhìn một khách thưởng ngoạn nhìn và nghe những tác phẩm Phạm Duy. T viết lại cảm nghĩ của mình và mở ra một góc nhìn khác có liên quan tới nghệ thuật tạo hình chứ Thủy không có ý phê bình các tác phẩm của Phạm Duy. Hơn nữa, trong một bài viết nhỏ, Thủy không thể đào sâu, phân tích các tác phẩm (mà Thủy đưa ra) dưới nhiều góc độ khác nhau, và so sánh với các tác phẩm khác trong cùng thời điểm lịch sử như các bài phê bình phải có. Nếu Thủy có ý định viết phê bình, Thủy sẽ chọn một hay hai tác phẩm rồi phân tích thật sâu, và phê bình, chứ không trình bày chúng dưới màu sắc của các bức tranh hội hoạ như Thủy đã làm. Thủy cảm thấy việc ấy quá bao la, một vài trang không chuyển tải nổi. Vả lại Thủy cũng không cần làm điều này vì đã có nhiều người làm việc này rồi. Không biết đã có bao nhiêu bài phân tích và phê bình ca từ, cách viết nhạc khúc cho đến cách phổ thơ của Phạm Duy. Nếu gọi bài viết của Thủy là một bài phê bình để trách cứ cách viết của Thủy, Thủy nghĩ anh đã hiểu sai ý Thủy.

Khi bắt đầu bài viết “Phạm Duy, qua cách viết của Trịnh Thanh Thủy” anh đã bày tỏ cảm nghĩ :
“Thoáng nhìn nhan đề ‘Những bức tranh xã hội trong ca khúc của Phạm Duy’ tôi không ngạc nhiên mấy, vì đã thầm nghĩ, ngay tức thì: lại thêm một bài ca ngợi. Ca ngợi nhạc Phạm Duy tất nhiên là phải ca tụng con người Phạm Duy, trong tâm lý của rất nhiều người cầm bút hiện nay.”

Theo câu viết trên, nếu Thủy không lầm, từ lâu anh đã đọc được nhiều bài viết anh cho là ca tụng Phạm Duy và ngay từ khi đọc nhan đề bài viết của Thủy, anh đã có sẵn trong đầu một ý tưởng “À, lại một bài ca tụng Phạm Duy”.

Thủy thiết nghĩ khi người ta đọc một cuốn sách, một tác phẩm, một bài viết, người ta thường có thói quen dán nhãn và phân loại cho những gì mình sắp sửa đọc. Khi vừa đọc nhan đề bài viết của Thủy, anh liền dán nhãn cho bài viết rằng “Đây là một bài ca tụng thần tượng”. Từ đó về sau tâm lý đọc của anh rặt một màu “Trịnh Thanh Thủy sẽ ca tụng thần tượng” và anh mãi đọc dưới cặp kính ấy. Do đó, Thủy cũng không ngạc nhiên khi, trong định kiến, anh đã dán cho Thủy cái nhãn “Yêu Phạm Duy” từ đầu cho tới cuối bài viết.

Thiên kiến là một điều tối kỵ khi người ta viết phê bình, Thủy nghĩ anh đã không còn công bình trong cái nhìn, khi anh phê bình cách viết của Thủy trong bài viết của anh. Theo Thủy, có lẽ anh đã có thái độ chủ quan khi đọc và viết hơn là khách quan như anh đã bảo “tôi chỉ muốn đọc nó theo tinh thần khoa học, khách quan mà thôi.”

Từ trong trí, anh đinh ninh, Thủy “Yêu Phạm Duy” nên anh cho rằng khi đã có lòng yêu tác phẩm tức yêu luôn con người, anh đã đánh đồng Thủy cùng với một số người khi nói rằng.“Ca ngợi nhạc Phạm Duy tất nhiên là phải ca tụng con người Phạm Duy, trong tâm lý của rất nhiều người cầm bút hiện nay.”

Là một kẻ sinh sau đẻ muộn và không sống dưới thời Phạm Duy, khi đọc hồi ký Phạm Duy, Thủy biết được nhiều thông tin và sự kiện mà Thủy không có cơ hội đọc hay biết được qua các sách vở khác. Trong cách đọc của Thủy, khi chọn đọc hồi ký, nhất là hồi ký của một người từng sống qua nhiều thế hệ và giai đoạn lịch sử, Thủy thường bỏ qua những sự khoa trương hay thổi phồng chính họ, và nhặt ra những điều hay và lợi ích cho riêng mình. Đó là những kinh nghiệm, cung cách sống và ứng xử của tác giả trong những giờ phút lịch sử ấy. Nó cho Thủy biết sự khác biệt trong lối tư duy ngày nay và ngày xưa thế nào, những định kiến xã hội, tôn giáo và chính trị thời đó ra sao. Nhất là các hồi ký viết về lịch sử và chiến tranh cho Thủy hình dung ra được con người và các sự kiện diễn ra như những bức tranh sống động của lịch sử.

Ngay từ thời thanh niên mới lớn, Phạm Duy đã bỏ nhà đi theo gánh hát, sống lăn lóc đầu đình xó miếu và giải quyết những tình cảm cá nhân mình theo cảnh trên bộc trong dâu với các phụ nữ ngoài và trong gánh hát. Ông thay đổi người tình như thay áo. Ông đã kể sau này đi tới đâu ông cũng được ái mộ và yêu chiều nên ông như con chuồn chuồn, bươm bướm bay từ cánh hoa này sang nụ hồng khác không ngừng nghỉ. Đến tuổi già mà ông vẫn còn giấu kín một mối tình với người phụ nữ tuổi đáng con ông, dù ông đã có vợ con. Ông cũng nhắc đến sự hối hận về chuyện scandal với một cô đào kiêm ca sĩ có liên hệ trong thân tộc.

Trong bài viết, Thủy có đính kèm những lời Phạm Duy thú tội mình như người tình lang chạ. Dưới địa vị của một người đọc hồi ký, Thủy càng không muốn dùng những lời chỉ trích nặng nề về đời sống phóng túng của một cá nhân vào bài viết, nên Thủy tránh không viết phê bình trong bài viết này.
Anh đã viết: Trịnh Thanh Thủy ca ngợi không tiếc lời con người nghệ sĩ Phạm Duy “sống hồn nhiên với đào hát, những thiếu nữ ái mộ, cũng như thoả mãn các thú vui nhục dục, phóng túng, đến và đi, cùng các cuộc tình ngắn, dài, như cơn gió thoảng”

Từ đáy lòng, Thủy chưa bao giờ đồng ý với việc làm trong quá khứ của Phạm Duy, lại càng không có ý ca tụng đời sống và con người Phạm Duy, Thủy chỉ lập lại những gì Phạm Duy đã viết trong tập hồi ký ông ta để lại. Tập hồi ký rất dài, Thủy tóm lược cho gọn thôi (có chú thích dưới bài viết phần tham khảo). Qua đoạn Thủy viết: “ông đã sống hồn nhiên với đào hát, những thiếu nữ ái mộ, cũng như thoả mãn các thú vui nhục dục, phóng túng, đến và đi, cùng các cuộc tình ngắn, dài, như cơn gió thoảng”. Khi dùng chữ “hồn nhiên”, Thủy chỉ chuyển ý rằng, Phạm Duy hành động theo tiếng gọi của nhục dục, và bất cần trách nhiệm và hậu quả .Thủy nghĩ nếu độc giả đọc những dòng hay đoạn văn trên mà có ý nghĩ rằng Thủy ca tụng tư cách cá nhân hay con người Phạm Duy thì có lẽ cách chuyển tải văn ý của Thủy quả có vấn đề.

Nếu anh Thường chịu bỏ thì giờ ra đọc hồi ký của Phạm Duy, anh sẽ thấy Phạm Duy thú nhận tất cả những tội lỗi về các cuộc tình đã đi qua đời ông và có lời xin lỗi. Theo Thủy, vì Phạm Duy đã biết lỗi mình và với một ước nguyện xin tha thứ, nên ông mới viết những dòng đó.

Thủy đã đọc, nghe và chứng kiến, có những nơi, dư luận chửi rủa và tẩy chay nhạc Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Thủy nghĩ nếu vì ghét tư cách và chính kiến mang tính cơ hội chủ nghĩa của Phạm Duy mà tẩy chay tác phẩm của ông ta thì có lẽ chúng ta bị thiệt thòi. Do vậy mới có những dòng phi lộ mà anh cho rằng nó thừa thãi và quá lo xa.

Đối với Phạm Duy, Thủy là một hậu bối đáng tuổi con cháu. Thủy chưa bao giờ gặp gỡ quen biết hay có giao tình với Phạm Duy. Cho nên khi Thủy đặt bút viết, vấn đề thiên kiến vì giao tình (trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng) không thể xảy ra. Những khi nghe nhạc Phạm Duy, Thủy có xúc động và trong một dịp tình cờ Thủy đã được đọc hồi ký của ông. Động cơ của bài viết về Phạm Duy của Thủy chính là sự đồng cảm trong mắt nhìn về âm nhạc và hội hoạ của Thủy và Phạm Duy mà thôi. Và nó cũng chính là mục đích bài viết của Thủy.

Khi đọc hồi ký, Thủy phác giác ra Phạm Duy đã từng say mê và có học hội hoạ. Thủy cũng là người yêu hội hoạ và cái đẹp nên Thủy bắt đầu nhìn các tác phẩm Phạm Duy qua lăng kính nghệ thuật tạo hình. Trong nhạc có hoạ. Từ lâu Thủy để ý thấy những người từng học hội hoạ mà viết văn, làm thơ hay sáng tác nhạc, tác phẩm của họ thường có chen lẫn màu sắc và cách bài trí của mỹ thuật. Bài thơ “Ảo” của Đinh Trường Chinh là một ví dụ:

Tôi nghe tiếng gãy của bóng mình
trên bức tường đêm
nơi bóng những sợi mưa đen
rơi nghiêng cửa sổ
khuấy tan giấc mơ.

Thở nhẹ thời gian
bằng khói từ kẽ tay
nơi một que diêm
vừa cháy hết mười năm
màu đỏ của lửa
vẫn bập bùng trong tay khuya.

Đã có những thứ đã chết
cho tôi
những kẻ tuẫn đạo
cho khoảng trống
được
lấp đầy bằng chữ
lấp đầy bằng màu
bằng giấc mơ
(những giấc mơ thèm chết
như tuổi trẻ)
khi tôi mắc cạn
giữa đen & trắng
giữa những vết màu
xước
vào da
...

Phạm Duy cũng vậy, trong nhạc phẩm của ông có các hình ảnh sinh động và màu sắc. Thủy đã xem những nhạc phẩm của ông là một tấm tranh collage (cắt, dán), đa diện, đa thể, đầy màu sắc. Thủy gắp ra những mảnh nhỏ mà Thủy cho là lân tinh lấp lánh hợp với nhãn quan của Thủy, để giới thiệu cùng độc giả. Đó là những bản nhạc trông như các bức tranh xã hội trong nhạc Phạm Duy. Thủy treo chúng lên tường để độc giả thưởng ngoạn như tranh.

Các bức hoạ mang nhiều màu sắc xanh tươi của thôn quê, xám xịt của xóm nghèo đô thị, u uẩn tối đen của bệnh hoạn kiếp người và cái chết. Những trường phái hội hoạ đều có, nào là hiện thực với “Nương Chiều” và “Gánh Lúa”. Ấn tượng với “Chiều Về Trên Sông”, nhục tính với “Cỏ Hồng”, còn “Mẹ Việt Nam” chính là tượng trưng, “Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ” là ẩn dụ. Tất cả những nhạc phẩm ấy Thủy cố gắng gom góp đặt nó dưới nhãn quan mỹ thuật. Dĩ nhiên có lúc nó có chất thi vị hơn như “Em bé quê” trong trường phái lãng mạn hoặc giàu tưởng tượng hơn như “Trường Ca Hàn Mặc Tử” của siêu thực.

Thơ và nhạc gắn bó với nhau từ xưa. Tranh và nhạc tương tác lẫn nhau cũng vậy nhưng có lẽ ít thấy hơn. Thủy luôn có câu hỏi nhạc và tranh giống và khác nhau thế nào, có tương tác với nhau ra sao? Một là nghệ thuật thị giác, một là thính giác. Thị giác thì đa hình, đa sắc, đa chiều, trong khi thính giác đơn giản hơn. Để có một khái niệm, người ta có thể thử so sánh hoạ sĩ Claude Monet (painter) và nhà soạn nhạc Debussy (composer) trong thời kỳ Ấn tượng (Impressionism), người ta sẽ thấy được sự tương đồng trong phong cách (hội hoạ) hay thể loại (âm nhạc) mà cả hai đã sáng tác. Monet vẽ với những nhát cọ ngắn. Những nét cọ ấy thấy rõ khi nhìn gần, nếu người xem lùi xa hơn một chút, hiệu quả sẽ để lại là những ấn tượng thị giác chung về cảnh vật với màu sắc, và ánh sáng chuyển động. Debussy đàn dương cầm rất độc đáo trong lối chơi hợp âm với từng nhát gọn gàng được gọi là choppy chords. Ông đã nổi danh với các cách tân nghệ thuật âm nhạc trong thời đại của ông. Ở Roma, ông sáng tác hai tác phẩm cho dàn nhạc, Zuleima và Le printemps (Mùa xuân) lấy cảm hứng từ bức họa nổi tiếng của Botticelli. Cả hai đều là những nhà tiên phong trong trường phái Ấn Tượng.

Gần đây trên Tiền Vệ, Thủy có thấy một hoạ phẩm do Lê Minh Phong vẽ, lấy cảm hứng từ bản nhạc Gloomy Sunday (Chủ nhật buồn) của Rezso Seress người Hungary.

Có lẽ từ sự cảm thụ âm nhạc của bài hát “Gloomy Sunday”, và từ những bất an khôn cùng, những hoan hỉ tột độ, mà Lê Minh Phong đã vẽ nên bức tranh này. Thủy thấy được nỗi buồn lên men mốc trắng cả một góc gương mặt cánh sen của người con gái. Bờ vai trần cô quạnh nổi bật trong tấm áo chàm màu rêu vỏ cây, như ôm choàng cả nỗi cô đơn quấn quýt. Màu đen, màu chàm, màu vỏ cây đã chạm được đáy nỗi buồn sâu thẳm.

Tranh Lê Minh Phong, “Gloomy Sunday

Chính lúc Thủy cảm nhận được trong nhạc Phạm Duy có tranh, Thủy nhận ra điều thú vị nên mới viết bài này. Tiếc rằng không biết vẽ, nếu không Thủy cũng thử “thừa giấy vẽ voi”, xem nghệ thuật tạo hình và âm nhạc gặp nhau ra sao? Vì làm không được điều này nên Thủy phải vẽ và diễn ý âm nhạc của Phạm Duy qua tranh trong trí tưởng cùng độc giả. Nếu bài viết không đem lại điều gì mới trong việc đọc của độc giả, như anh phê bình, thì Thủy rất lấy làm tiếc.

Còn những lời phê bình của anh về con người và tác phẩm của Phạm Duy, Thủy không dám bàn đến vì nó không phải là mục tiêu của Thủy.

Sau hết, Thủy xin anh và độc giả thứ lỗi cho những cảm giác khó chịu và phiền toái khi đọc bài viết của Thủy. Hơn nữa việc đụng chạm tới những vấn đề quá nhạy cảm đã ra ngoài ý muốn của Thủy.

Trân trọng,

Trịnh Thanh Thủy


-----------------------------

Những bài liên quan:

30.10.2014
... Thiên kiến là một điều tối kỵ khi người ta viết phê bình, Thủy nghĩ anh đã không còn công bình trong cái nhìn, khi anh phê bình cách viết của Thủy trong bài viết của anh. Theo Thủy, có lẽ anh đã có thái độ chủ quan khi đọc và viết hơn là khách quan như anh đã bảo “tôi chỉ muốn đọc nó theo tinh thần khoa học, khách quan mà thôi.”...

23.10.2014
... Nói tóm lại, bài viết công phu của tác giả Trịnh Thanh Thủy để ca ngợi/ca tụng con người và âm nhạc Phạm Duy là một việc làm phí công, vì đã mở ra một cánh cửa đã mở banh từ lâu. “Những bức tranh xã hội trong ca khúc của Phạm Duy“ là một nhan đề tôi nghĩ là quá bao la và đầy tham vọng, chí ít là vì bài viết thật ra chỉ để minh họa cho “nhạc phẩm bộ ba/trilogie” Bà mẹ quê, Vợ chồng quê, Em bé quê ... (...)

15.08.2014
... Sau cùng tôi cũng tạ ơn Phạm Duy đã để lại cho chúng tôi, những người Việt Nam, gia tài âm nhạc để đời đầy ắp quê hương và tình tự. Cám ơn sự góp sức của ông cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung, Miền Nam nói riêng. Ông cũng mang lại cho kho tàng này một màu sắc đa diện, đa phương, chỉ có được trong một thế giới tự do... (...)





No comments: