Friday, October 31, 2014

Lá Thư Hằng Tuần số 6 của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo : THẮP SÁNG Ý THỨC và lời kêu gọi KHẨN (PTTPGQT)





PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
2014-10-30 | | PTTPGQT

PARIS, ngày 30.10.2014 (PTTPGQT) - Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin hân hạnh giới thiệu Bạn đọc Lá Thư Trong Tuần – Tuần thứ Sáu, trình bày về diễn tiến việc tạo mãi Ngôi Chùa Phật Quang, làm cơ sở sinh hoạt cho Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Giáo hội đã đặt cọc mua với số tiền 220 nghìn Mỹ kim. Chùa nằm trên đại lộ Beach, cách Bolsa năm phút lái xe. Từ đây đến 4 tuần lễ, Giáo hội phải chồng thêm Một Triệu Mỹ kim để kết thúc việc tạo mãi và có nơi sinh hoạt ngay. Nhưng đã có những bàn tay phá hoại việc tạo mãi, không muốn cho Giáo hội có chùa, không muốn cho Phật tử sinh hoạt tôn giáo, không muốn cho Giáo hội chuyển vận ước mơ và ngưỡng vọng thiết tha của người dân Việt ra toàn thế giới. Xin mời Bạn đọc vào Trang Thư thứ Sáu :


Lá Thư Trong Tuần – Tuần 6 :
THẮP SÁNG Ý THỨC và lời kêu gọi KHẨN


Bắc bán cầu đang bước vào mùa thu. Đông phương thường nhìn mùa thu ảm đạm, sầu mị. Tây phương thì thấy mùa thu rực rỡ những chiếc lá thay màu, của thu hoạch mùa màng và lễ hội. Cũng hình ảnh rừng thu pha sắc vàng và đỏ nhưng hai nền văn hoá đông, tây có hai cảm quan riêng biệt. Cũng hình ảnh đó người ta thấy là khởi sắc cũng có người nghĩ là ảm đạm. Cũng khí thu lành lạnh mà khiến kẻ thấy cô liêu, còn có người vui thoát được cái oi bức của mùa hè. Tất cả đến từ nhận thức chủ quan. Mùa thu năm nay Giáo Hội tạo lập ngôi chùa chung. Ngày hoàn tất thủ tục tạo mãi cũng trong khoảng thời gian đại tường Đức Phó Tăng Thống (1). Tối nay Hoà thượng Thích Trí Hoà gọi điện thoại hỏi han chuyện vận động tài chánh. Ngài là cố vấn của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo. Sức khoẻ kém nhưng vẫn lo lắng nhiều cho Phật sự tạo mãi ngôi chùa Phật Quang. Mấy ngày trước, một Phật tử từ Atlanta gởi text với dòng chữ nầy : Ngày cũng như đêm, chuyện GHPGVNTN ở trong tâm trí của con. Đọc chừng đó chữ, chúng tôi tự hỏi những thăng trầm của cuộc sống mang lại những điên đảo vọng tưởng hay những tấm lòng cao khiết. Có thể cả hai. Giống như mùa thu cho chúng ta cả hai cách nghĩ hoặc vui hoặc buồn.

TRONG KHỔ NẠN THẤY ĐƯỢC THẾ NÀO LÀ VÔ SỞ UÝ

Những tháng ngày đầu sau 30 tháng 4 năm 1975 cả miền nam Việt Nam run rẩy trước sự đàn áp bạo tàn. Ai cũng có thể bị tù đày. Tài sản có thể bị tịch biên bất cứ lúc nào. Một lời vô ý cũng có thể là nguyên nhân bị bắt đi biệt tích. Thế mà khi Cô nhi viện Quách Thị Trang bị nhà cầm quyền ngang nhiên chiếm dụng thì vị Tổng thư ký Viện Hoá Đạo (2) đã ra thông tư số 2 phản đối hành động vô pháp, vô cương. Phải sống ở Miền Nam trong giai đoạn đó mới cảm nhận sự quả cảm của một bậc tu hành tay không tấc sắt chỉ tin vào lẽ phải và lên tiếng vì lẽ phải cho dù phải đối mặt với muôn ngàn khổ nạn. Lịch sử Phật giáo mai hậu sẽ ghi lại chính giai đoạn đầy đau thương khổ nạn của Giáo Hội sau năm 1975 đã có những bậc lãnh đạo dám xem nhẹ an nguy của mình để đối diện với bạo lực một cách can đảm. Người ta đã tìm mọi cách dìm các ngài xuống nhưng sẽ không ai xoá đi được sự thật.

CHẤP NHẬN HÀNH TRÌNH ĐƠN ĐỘC

Một thực trạng mà nhiều Phật tử Việt Nam vẫn không mấy quan tâm là cho dù Đạo Phật là một tôn giáo lớn của dân tộc nhưng hiện nay không có được một cơ cấu tổ chức độc lập với nhà nước. Nói cách khác là tổ chức Phật giáo dân lập bị đặt ra ngoài vòng luật pháp. Sự việc rõ nét từ năm 1980 khi nhà cầm quyền thành lập Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo. Năm 1981 cơ cấu mang tên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời trực thuộc sự quản chế của Ban Tôn Giáo nhà nước và là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc. Tất cả tổ chức Phật giáo tại Miền Nam đều phải “tự nguyện giải tán và gia nhập”. Dễ hiểu thôi. Bất tuân là bị đàn áp, tù đày. Một lần nữa hai bậc lãnh đạo (3) (3) của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ chối gia nhập. Lại tiếp tục tù đày. Cả hai trải qua nhiều nhà tù rồi cuối cùng bị an trí trong ngôi chùa tại sanh quán của mình. Thái độ như vậy vào thời điểm đó không phải là lựa chọn của số đông. Các Ngài nằm trong số rất ít ỏi quên đi sự an nguy của bản thân chỉ vì đại nghĩa. Những năm tháng kế tiếp là tù đày nối tiếp tù đày. Hành trình đó tuy cô độc nhưng làm toả sáng hùng tâm đại nguyện của người con Phật.

HÀNH ĐỘNG CHÂN CHÍNH PHẢI DỰA TRÊN CÁI NHÌN TOÀN DIỆN

Chiến tranh Việt Nam là một cục diện phức tạp. Tương lai của dân tộc chứa đầy những nan đề. Năm 2001 Hoà thượng viện trưởng Viện Hoá Đạo gởi đi Lời Kêu Gọi Dân Chủ Cho Việt Nam. Bản văn đó không những đề cập đến thực trạng đau thương của đất nước mà còn nêu rõ những nguyên nhân chính yếu và giải pháp cho sự bế tắc. Nói thuần lý thì lời kêu gọi nầy là biểu đạt của hệ luận tứ diệu đế : Đau khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ và hành trình dẫn đến sự diệt khổ. Cái nhìn toàn diện ở đây rất quan trọng. Ai cũng biết cuộc sống có vấn đề. Nhưng vấn đề thật sự là gì ? Đâu là nguyên nhân ? Đâu là giải pháp ? Đâu là phương cách đạt đến giải pháp đó ? Ba nguyên nhân tạo nên một đất nước nghèo khó, lạc hậu và 8 tám đề nghị cụ thể là nội dung chính của văn kiện. Cái nhìn toàn diện đó rất quan trọng. Những vấn đề được nêu ra không từ quan niệm phe nhóm chống đối mà là đề xuất mang tính xây dựng thực tiễn. Lời kêu gọi cũng nhắm vào người Phật tử Việt Nam với tinh thần vô úy thắp sáng ý thức hộ quốc — hộ dân — hộ pháp. Tôn chỉ đó không phải chỉ mới ghi trong Hiến chương GHPGVNTN đương đại mà xuyên suốt trong giòng lịch sử Phật giáo Việt Nam.

VAI TRÒ DẪN ĐẠO ĐÒI HỎI KHẢ NĂNG TIÊN LIỆU

Tháng 3 năm 2009 vị lãnh đạo GHPGVNTN (4) đưa ra lời phản đối khai thác quặng mỏ bô-xít ở Tây Nguyên. Bên cạnh sự quan tâm về môi trường là lời cảnh báo về nạn ngoại xâm Bắc phương. Nhiều người, kể cả người Việt ở hải ngoại, không tin về một sự xâm lăng mới của Trung Quốc đối với Việt Nam. Có lẽ người ta tin là với sự nhượng bộ tối đa của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như giao thương mật thiết giữa hai quốc gia thì sự xâm lăng bằng vũ lực sẽ rất khó xẩy ra. Bây giờ thì đó không phải là điều đáng lo mà là sự thật hiển nhiên. Đây là một trong nhiều thí dụ cho thấy về cái nhìn xa của chư tôn lãnh đạo Hội Đồng Lưỡng Viện. Tất cả những tiên liệu về vận nước và nội tình Giáo Hội đều cho thấy mức chính xác đáng kinh ngạc. Dự đoán được những tình huống xấu sắp xẩy ra và cương quyết có biện pháp cụ thể không phải là điều dễ dàng trong cương vị lãnh đạo. Sự khẳng khái chấp nhận búa rìu của công luận để giữ vững con thuyền Giáo Hội chưa bao giờ gặp nhiều thách thức như trong mười năm qua.

HÌNH ẢNH CỦA MỘT CỘI TÙNG

Có những lần đi dọc miền duyên hải bắc California nhìn thấy những cây tùng, cây bách trơ gan cùng phong ba tuế nguyệt. Bỗng nhiên nhớ tới những con người trong cơn bão loạn vẫn kiên cường gìn giữ những giá trị cao đẹp. Lịch sử của Giáo Hội trong bốn thập kỷ qua đầy những cuồng phong bão tố. Thấp thoáng trong đó là hình ảnh của Hoà thượng Thích Huyền Quang và Hoà thượng Thích Quảng Độ. Bây giờ Đức Đệ Tứ Tăng Thống đã đi rồi chỉ còn Đức Đệ Ngũ Tăng Thống. Cuộc đời của Đức đương kim Tăng thống không đơn giản để điểm xuyến bằng chức vị, bằng những công trình sọan dịch trước tác to lớn, bằng tiếng nói ảnh hưởng sâu rộng trên các diễn đàn quốc tế. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu quên đi sự chánh trực, bất khuất, trí tuệ sắc bén của Ngài. Để thấy rõ điều đó chỉ cần nhìn lại những biến cố trên sẽ thấy được phần nào tâm thái của một người sống vì lẽ phải, vì lợi lạc của nhân quần. Sự nghiệp tinh thần của Ngài chính là tài sản vô giá của tất cả chúng ta.

CON SỐ CỦA TUẦN NẦY

Khởi sự viết lá thư số 6 thì riêng đoạn nầy thay đổi vào phút chót. Phía bên bán vừa có yêu cầu là trong tuần nầy Giáo Hội phải có giấy tờ chứng minh là đã có đủ một triệu Mỹ kim trong chương mục. Mặc dù theo khế ước mua bán thì tới cuối tháng 11-2014 mới là ngày phải giao đủ số tiền. Trong lịch trình vận động tài chánh thì chúng ta mới hoàn tất hai nơi trong số mười một điểm gây quỹ và còn 4 tuần lễ để tiếp tục kêu gọi sự đóng góp. Chúng ta hoàn toàn tin là sẽ đủ số tiền sau bốn tuần lễ nữa. Nhưng phía bên bán đang bị tác động bởi những người nào đó cho thấy là Giáo Hội sẽ không bao giờ hoàn tất việc tạo mãi với số tiền đã hứa. Ở đây, phải chăng “những người nào đó” là những kẻ mong cầu cho Giáo hội không có chùa, Phật tử không có nơi sinh hoạt tôn giáo, và chuyển vận ngưỡng vọng thiết tha của người dân Việt ra thế giới ? Vấn đề trở nên cấp bách. Xin khẩn thiết kêu gọi tất cả những cơ sở đơn vị, những Phật tử hữu tâm đã hứa cúng dường hoặc cho mượn, xin nhanh chóng gởi về văn phòng Giáo Hội hay deposit thẳng vào chương mục của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo (5). Đồng thời xin kêu gọi khắp nơi mạnh mẽ hơn nữa trong sự tiếp tay vận động tạo mãi ngôi chùa chung. Chúng ta sẽ vượt qua khó khăn to lớn nhưng nhất thời nầy bằng sự thắp sáng ý thức. Cũng như nhân loại có nhiều cách nhìn về mùa thu. Đối với chúng ta tất cả trở lực chỉ là cơ hội tôi luyện thiện tâm, vun bồi phước hạnh.

Houston 29.10.2014
Tỳ Kheo Thích Giác Đẳng


Ghi chú của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế :

(1) Hoà thượng Thích Hộ Giác
(2) Hoà thượng Thích Quảng Độ
(3) Hoà thượng Thích Huyền Quang và Hoà thượng Thích Quảng Độ
(4) Hoà thượng Thích Quảng Độ
(5) VAN PHONG II VIEN HOA DAO

CHASE BANK
ACC. 610595337
SWIFT code CHASUS33
ROUTING No. 111000614

---------------------------------







No comments: