Nguyễn
Trần Sâm
28/10/2014
Khi kể tên các dân tộc có đóng
góp lớn cho nhân loại, không thể không nói đến nước Nga. Chỉ cần nhắc đến những
cái tên người Nga như các nhà văn Aleksandr Pushkin, Lev Tolstoy, Aleksandr
Solzhenitsyn,… các nhà soạn nhạc Pyotr Chaikovsky, Dmitry Shostakovich,… các
nhà khoa học Pyotr Kapitsa, Andrey Kolmogorov,… các vị tướng soái Mikhail
Kutuzov, Georgi Zhukov,… hay công lao của nước Nga trong việc đập tan các nhà
nước phát-xít Đức và quân phiệt Nhật, cũng đã thấy phần nào tầm vóc vĩ đại của
dân tộc này.
Mặc dù vậy, cuộc sống của người
dân Nga cho đến đầu thế kỷ XXI này vẫn chưa thoát khỏi những bi kịch. Xã hội
Nga vẫn chưa thật sự có dân chủ. Đời sống người dân Nga vẫn còn khá chật vật,
và người Nga đi ra nước ngoài vẫn còn bị kỳ thị. (Tất nhiên đây là so sánh với
châu Âu và Bắc Mỹ, chứ không so với Việt Nam hoặc Triều Tiên.)
Lý do chính có lẽ ở chỗ nhiều
tầng lớp người Nga vẫn chưa có bản lĩnh và nhận thức tốt về chính trị – xã hội,
chưa có tác phong sống năng động và vẫn còn tâm lý dựa dẫm vào nhà nước, trông
chờ vào “lãnh tụ”.
Trên một nền dân trí như vậy,
giới quan chức thường lợi dụng sự nhẹ dạ của quần chúng để tạo ra sự sùng bái
cá nhân cùng một guồng máy cai trị hà khắc, tiếp tục chính sách ngu dân. Đối
với họ, những thành tựu của dân tộc trở thành phương tiện để họ gieo vào đầu
dân chúng tâm lý tự tôn dân tộc đến mức ngông cuồng. Về đối ngoại, họ lợi dụng
những ưu thế của dân tộc, trong đó có ưu thế về vũ khí, và tâm lý bài ngoại của
dân chúng để gây rắc rối trong quan hệ với các nước khác. Rồi sự rắc rối và
căng thẳng trong quan hệ đối ngoại lại được họ lợi dụng để kích động tiếp tinh
thần bài ngoại và củng cố địa vị thống trị trong nước.
Ít nhất trong vài thế kỷ qua,
giới cầm quyền Nga – kể cả lãnh tụ Liên Xô người Gruzia Iosif Stalin
(Jugashvili) – luôn theo đuổi chính sách bành trướng. Với các nước láng giềng
vốn nhỏ hơn, họ tìm mọi cách gây sức ép hoặc ve vãn để các nước này tham gia
vào các cơ chế do người Nga thao túng. Việc thành lập Liên Bang Soviet vào năm
1922 và mở rộng nó trong 3 thập niên tiếp theo là một trong những động thái như
vậy. Với các cường quốc phương Tây, chính quyền Nga luôn làm mình làm mẩy, và
đặc biệt luôn tiến hành chính sách chạy đua vũ trang và cố tìm cách mở rộng (một
cách vô vọng) vùng ảnh hưởng của mình. Các cuộc giao tranh với người Cosack ở
Ukraina, người Tatar ở Crym, xung đột với đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), chiếm
đóng Phần Lan trong thế kỷ XIX là những thí dụ về chính sách bành trướng đó.
Gần đây nhất, khi hai nước “đàn em” là Gruzia (2008) và Ukraina (2014) ngả sang
phương Tây, giới cầm quyền Nga đã vô cùng tức tối và ra tay “trừng phạt”, đẩy
dân hai nước này vào thảm họa chiến tranh. Về Ukraina, Vladimir Putin còn liên
tục đưa ra những phát biểu bóng gió rằng phần lớn lãnh thổ Ukraina thực ra là
một phần của Nga (và để vuốt ve người hàng xóm Ba Lan, ông ta nói Lviv – hay
Lwow, Lvov – phải trở về với nước này), rằng Nga phải “lấy lại” Kiiv
(Kiev).
Chính sách bài phương Tây và
chạy đua vũ trang, sự tranh giành ảnh hưởng và thái độ ngang ngược trước các
nước lân bang nhỏ yếu hơn trong đối ngoại, cùng với sự cai trị độc đoán trong
đối nội là những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém trong phát triển kinh tế và sự
sụt giảm uy tín không chỉ của nhà nước Nga, mà còn cả của dân tộc Nga trên
trường quốc tế. Người Nga đi sang phương Tây không chỉ bị coi thường vì sự
nghèo hèn, mà còn bị ghét vì đến từ một quốc gia hay kiếm chuyện, không hòa
nhập được với cộng đồng quốc tế. Nước Nga càng trơ trọi thì nhà cầm quyền Nga
càng điên lên, càng tìm cách o ép các nước nhỏ phải theo mình. Và họ không bao
giờ tự hỏi vì sao các nước “đàn em” từng rất thân thiết cứ dần bỏ họ mà đi (trừ
những nước mà nhóm cầm quyền được Kreml nuôi béo). Những người Nga hiểu biết
nhận thức rõ điều này, nhưng họ không làm gì được.
Trong quá khứ, giới cầm quyền
Liên Bang Soviet, mà thành phần quyết định là Nga, trong khi tìm cách bành
trướng đã vô tình tự cô lập và làm suy yếu chính mình. Kết quả là sự tan ra của
liên bang này và sự sụp đổ của thể chế XHCN ở tất cả các nước thành viên Liên
Bang. Sự theo đuổi chính sách của các Sa Hoàng trong thời đại mới tất yếu cũng
sẽ dẫn đến sự cô lập ngày càng trầm trọng của Nga trên trường quốc tế. Việc lợi
dụng thứ vũ khí mạnh hơn cả bom hạt nhân là dầu và khí đốt để làm các nước bạn
hàng phải điêu đứng chắc chắn sẽ không thể duy trì lợi thế của nước Nga được
lâu. Những đối tác châu Âu đang tìm cách để thoát dần khỏi ảnh hưởng của nguồn
cung khí đốt từ Nga. Giá dầu và khí đốt trên thị trường quốc tế đang tiếp tục
giảm. Giá trị của đồng ruble Nga cũng đang xuống dốc. Các nhà đầu tư, kể cả
chính người Nga, đang theo nhau rút vốn khỏi Nga để đầu tư sang các thị trường
khác.
Trong những ngày vừa qua, tổng
thống Nga Putin một mặt vẫn tiếp tục đe dọa Ukraina và phương Tây, nhưng mặt
khác đã có những động thái xuống thang rõ rệt. Điều đó không phải do lòng trắc
ẩn của ông ta trước số phận của người dân Ukraina hay của người dân Nga ở
Ukraina, mà nó thể hiện thế yếu và việc ông ta đã thấm đòn. Nếu tiếp tục chính
sách thù địch với phương Tây và các nước láng giềng, kinh tế Nga trong những
năm tới sẽ hết sức khó khăn và khủng hoảng ở Nga là không tránh khỏi, giống như
ở Liên Xô những năm 1980. Khi đó, xã hội Nga sẽ bị xáo trộn một lần nữa, giống
như Liên Xô năm 1991, và tập đoàn Putin sẽ khó lòng giữ được vai trò cầm quyền.
Một mình Nga cùng với vài nước đàn em không thể chống lại được cả thế giới
phương Tây hiện vẫn rất hùng mạnh và vẫn đang có ảnh hưởng quyết định nhất đối
với tương lai của hành tinh.
Có thể nói giới cầm quyền Nga cho
đến tận những năm đầu thế kỷ XXI này vẫn hành xử theo cách của các Sa Hoàng
trước đây. Không phải ngẫu nhiên mà thủ tướng Đức Angela Merkel, người mà vài
năm trước đã thể hiện mối thiện cảm khá đặc biệt với Putin, gần đây đã phải
thốt lên rằng bà “không tin là ông ta đang sống với thực tại (in touch with the
reality)”, rằng Putin đang sống “trong một thế giới khác”.
NGUYỄN TRẦN SÂM
No comments:
Post a Comment