Friday, March 12, 2010

NGUYỄN TẤN DŨNG VỪA ĐÁNH VỪA RUN

Vừa đánh vừa run

Phạm Trần
Đăng ngày 11/03/2010 lúc 15:49:05 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4653

Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam có thói quen “đánh trống bỏ dùi” và “vừa đánh vừa run”, khiến người dân lâm vào cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.

Hãy bắt đầu từ chuyện chống “quốc nạn” tham nhũng. Luật thì có từ 2005 mà càng chống nó càng lên cao như núi. Ngay đến chuyện kê khai tài sản cũng chẳng ra ngô khoai gì. Có khai hay không, khai bao nhiêu hay giấu đi bao nhiêu cũng chẳng ai biết. Ngay đến cấp lãnh đạo cũng mù tịt vì khai xong nạp cho văn phòng Thủ trưởng để bỏ vào hộc tủ giấu đi, chỉ khi nào có vi phạm tày trời không trốn được thì mới bị lôi ra điều tra.
Rất nhiều vụ có điều tra cũng không đi đến đâu, đôi khi lại không bị ngồi tù mà còn “được” lên chức hay thuyên chuyển đi chỗ khác. Có nhiêu trường hợp người đi tố cáo lại bị hàm oan thay cho kẻ bị tố cáo có hành vi tham nhũng nên người dân đành ngậm miệng vì sợ.
Ngay đến ngành giám sát, kiểm tra của đảng và nhà nước cũng xoa tay cho xong chuyện, dĩ hoà vi quý, nay anh mai tôi sống chung hoà bình, hay trên bảo dưới không nghe, hoặc anh ăn cam thì tôi cũng phải được ăn quýt, huề cả làng!

Hãy đọc: “Nếu hoạt động kiểm tra, giám sát, bảo vệ kỷ luật Đảng ở các cấp được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, chí công, vô tư, được thông báo rộng rãi trong đảng viên và quần chúng ở cấp đó biết thì tác dụng của hoạt động kiểm tra, giám sát sẽ lớn hơn nhiều... Hoạt động kiểm tra giám sát của Đảng đã bộc lộ một thực tế là: Khả năng phát hiện các vi phạm của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng ở các Uỷ ban Kiểm tra cùng cấp còn ít và yếu; Công tác kiểm tra ở một số nơi vẫn còn thụ động, lệ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đối với nhiệm vụ của Uỷ ban Kiểm tra; Việc kiểm tra, giám sát đối với các đối tượng cùng cấp còn ít, còn tình trạng nể nang, né tránh; Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm còn biểu hiện e ngại, chờ đợi, để vi phạm kéo dài, gây hậu quả rồi mới tiến hành kiểm tra; Việc xử lý vi phạm cũng kéo dài, không dứt khoát, chưa đồng bộ giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính…” (Đài Tiếng nói Việt Nam, 13-01-2010)
Như vậy có khác gì là “đổ gáo nước lạnh” vào câu phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" vẫn được Nhà nước tuyên truyền ra rả ngày đêm ở Việt Nam?
Ngay đến Mặt trận Tổ quốc, tổ chức ngoại vi của đảng SCVN và Quốc hội được trao nhiệm vụ giám sát nhà nước, cán bộ và đảng viên cũng không giám sát được ai, nói chẳng ai nghe. Quốc hội tuy được dân bầu nhưng do đảng cử nên mọi chuyện đều do đàng giật dây, không ai dám phản đối.

Đọc tiếp trên báo Nhân Dân ngày 1-12-2009:
“...Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên đối với tổ chức đảng cấp dưới, hướng dẫn của uỷ ban kiểm tra cấp trên đối với cấp uỷ, tổ chức đảng và chỉ đạo hướng dẫn đối với uỷ ban kiểm tra cấp dưới còn những khuyết điểm, hạn chế, bất cập... Nhiều cấp uỷ chưa trực tiếp tổ chức nghiên cứu, quán triệt các quy định, quyết định, hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của Ðảng, của cấp uỷ cấp trên, còn khoán trắng cho uỷ ban kiểm tra thực hiện. Ít quan tâm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới trong tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện các nghị quyết, quy định, quyết định, quy chế về công tác kiểm tra, giám sát do cấp mình hoặc cấp trên ban hành. Nhiều cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp trên chưa chủ động thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện đúng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đề ra...”
Những bất cập, thiếu sót, cấp trên bảo, dưới không nghe hay cấp dưới báo cáo lên, cấp trên vứt vào thùng rác là chuyện đang diễn ra hàng ngày trong các tổ chức của đảng CSVN. Vì vậy đã có tình trạng nói nhiều làm ít, hay nói mà không làm nhan nhản trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong phòng, chống tham nhũng, nhất là khi các vụ tham nhũng dính líu đến người cùng địa phương.

Đó là lý do tại sao sau hai năm hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, trên tất cả 63 tỉnh, thành phố cả nước mới “đưa vào danh sách theo dõi, chỉ đạo xử lý hơn 200 vụ án, vụ việc nghiêm trọng phức tạp liên quan đến tham nhũng xảy ra trên địa bàn”.
“Thành tích vẻ vang” này đã được Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng báo cáo tại Hội nghị chuyên đề về công tác phòng chống tham nhũng tại Cần Thơ ngày 11/3/2010! Vì vậy mà Tổ chức Tư vấn Rủi ro Chính trị-Kinh tế (PERC), trụ sở tại Hong Kong đã kê Việt Nam vào hạng tham nhũng thứ 3, sau Nam Dương và Cao Miên, trong tổng số 16 nước châu Á-Thái Bình Dương.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI) năm 2010 cũng xếp Việt Nam vào hạng 120 trên 180 quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh đã chứng minh với Phương Loan của ViệtNamNet về vài trò “đại biểu hờ” của mình tại Quốc hội:
“Đi làm nhiệm vụ giám sát, nhưng soi vào luật, luật chung chung, còn quy định cụ thể mình lại không được biết, thì thử hỏi, giám sát thế nào?”.
“ Khóa 10, tôi phát biểu gay gắt về chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng gần đây hạn chế hơn. Không đổ lỗi cho khách quan, nhưng mình nói người ta có tiếp thu?
Đại biểu dựa vào bằng chứng trên báo chí, nhưng có lúc báo đăng đúng, lúc chưa, dẫn tới chỗ người ta đánh giá thiếu ý thức chính trị, thông tin thiếu cơ sở. Phức tạp lắm!
Là đại biểu là phải nói nhưng nói gay gắt một tí, tâm lý lãnh đạo của ta chưa quen.
Vẫn có số ít người không muốn cho ĐB phát biểu. Có người phát biểu trên hội trường, bị lãnh đạo tỉnh đó gọi lên nhắc nhở phát biểu cẩn thận.
Nhiều ĐB trăn trở, muốn làm cho tốt, nhưng để làm được còn nhiều ràng buộc, mà trước hết là ràng buộc ngay ở chính mình, mình không thoát ra được.
Thế nên, nói hay không nói là trăn trở chung của đại biểu. Như nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An từng nói: vấn đề nêu lên “được lòng dân thì mất lòng quan”.


Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước mà còn như thế thì câu phương châm “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền” có gía trị gì không?

Hãy đọc tiếp tục ý kiến của Vũ Minh Trực trong Bài “Thay đổi nếp cũ trong lựa chọn nhân sự lãnh đạo” đăng trong Tuần ViệtNam ngày 10-03-2010 để biết thêm về “tính địa phương, phe đảng” của nhà nước CSVN:
“Một đất nước đã thống nhất hơn 30 năm mà tư tưởng của Đảng viên vẫn chưa vượt qua được rào cản vùng, miền càng thấy sự độc ác trong chính sách nô dịch của chế độ thực dân với đất nước ta. Từ tư tưởng sẽ dẫn đến hành vi trong sinh hoạt ,trong hành động của chúng ta. Từ vô thức sẽ dẫn đến ý thức bè phái.
Đảng ta đang cần những người tài giỏi để lãnh đạo đất nước ta với mục tiêu vĩ đại Một đất nước Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội dân chủ, văn minh. Người tài thì khắp đất nước đều có. Chẳng có một công trình nghiên cứu nào chứng minh được rằng: Người miền Bắc Việt Nam giỏi lý luận hơn người miền Nam, hay người Nam bộ thì giỏi làm kinh tế hơn miền Trung... Nếu cả ba vị trí quan trọng đều từ một địa phương nào đấy thì có sao? Đều là người Việt, cùng dòng giống Lạc Hồng, sao phải phân biệt?”


Tư duy lấy địa địa phương làm tiêu chí để chia quyền cho nhau không có trong văn kiện đảng , nhưng thực tế đã chứng minh cái tâm địa chia để “khỏi mất lòng địa phương” còn được Tác gỉa Vũ Minh Trực chứng minh:
“Có một điều gần như luật "bất thành văn" mà ai cũng thấy, đó là sự sắp xếp "Bắc - Trung - Nam" đối với chức vụ Đảng, Nhà nước và Chính phủ sau Đại hội.
Thử nhìn lại quá trình từ Đại hội IV đến nay sẽ thấy nhận định này không phải là không có cơ sở. Lãnh đạo cao nhất của đất nước ta luôn được phân ra như sau: Lãnh đạo đường lối (Hiểu ngầm là giỏi lý luận CN Mác) phải là người Miền Bắc (trước 1975). Lãnh đạo Nhà nước phải là người Miền Trung (trước 1975). Còn lãnh đạo chính phủ (hiểu ngầm là người năng động dám nghĩ, dám làm) thì chắc chắn là một người Nam Bộ”.

Đánh một nửa

Nếu lấy câu chuyện “địa phương” này áp dụng cho quyết định ngày 09/03/2010 của Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng người gốc Nam có vẻ như không sai mấy ?

Ông Dũng đã ra lệnh cho Uỷ ban Nhân dân các Tỉnh ngừng “không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong phạm vi các lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản”.
Quyết định này nhằm giải tỏa áp lực trong dư luận từ Việt Nam ra nước ngoài rất bất bình trước hành động của các Quan chức 10 Tỉnh đầu nguồn đã bất chấp luật pháp và an nguy của đất nước để tự ý cho các Công ty người Tầu của Trung Quốc, Hồng Kong và Đài Loan thuê dài hạn 50 năm diện tích trên 264 nghìn mẫu đất ở các tỉnh “xung yếu biên giới”.
Sở dĩ có dư luận nổi lên như sóng cuồng là nhờ vào Thư tố cáo ngày 22/1/2010 của hai ông Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh được đăng trên website Bauxite Việt Nam đã tiết lộ việc làm “tày trời” này.
Nhưng trước khi gửi cho Bauxite Việt Nam, hai tướng Nguyên và Vĩnh đã gửi cho Bộ Chính trị nhưng không nhận được trả lời nên buộc họ phải công khai với báo chí việc làm này.

Vậy tại sao Bộ Chính trị 15 người do Nông Đức Mạnh, người miền Bắc đứng đầu, đã không thèm trả lời hai Công thần của chế độ mà để cho Nguyễn Tấn Dũng, người miền Nam phải ra tay? Hay là Bộ Chính trị thấy dư luận bất bình quá cao nên mới “mở cửa” cho ông Dũng hành động, vì ông Dũng cũng đứng hàng thứ 5, sau Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước, trong Bộ Chính trị?

Nhưng trước khi có Công văn 405 , ông Dũng chỉ “hứa bằng miệng” với tướng Đồng Sĩ Nguyên sẽ có quyết định sau hai ngày họp liên tiếp 2 - 3/3/2010 của Chính phủ bàn về vụ cho thuê đất. Tuy nhiên trong Công văn số 405/TTg-KTN ngày 09/03/2010 gửi cho 5 Bộ trong Chính phủ (Kế hoạch và Đầu tư, Nộng nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông) và Uỷ ban Nhân dân các Tỉnh trực thuộc Trung ương, ôngDũng chỉ tạm ngưng không cấp giấy cho “đầu tư mới” mà không lấy lại các đất đã cho các Công ty của người Tàu thuê, hay chuẩn bị ký giấy thuê.
Ông Dũng còn trấn an dư luận trong Công văn 405: “Trong lĩnh vực lâm nghiệp,10 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng cho các nhà đầu tư nước ngoài với tổng diện tích dự kiến là 305.353 ha.
Thực tế đến nay các tỉnh mới chỉ quyết định cho thuê và cho phép liên doanh, liên kết được 33.824 ha (bằng 11,1% so diện tích dự kiến được cấp giấy chứng nhận đầu tư); trong đó, diện tích đã cho thuê là 15.664 ha (bằng 5,2%) và diện tích cấp phép liên doanh, liên kết giữa các nhà đầu tư với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước là 18.160 ha (bằng 5,7%).”

Tuy nhiên ông Dũng nhìn nhận: “Việc quyết định cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất ở một số địa phương có biểu hiện chưa đúng với những quy định hiện hành của Nhà nước, có nơi đã cho thuê đất chồng lấn lên phần đất đã được giao và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình nông dân địa phương; hoặc có nơi đã cho thuê cả diện tích đất có rừng tự nhiên; quy hoạch cho các dự án thuê đất vào những vùng nhạy cảm đã phải thu hồi lại”.
Công văn của ông Dũng viết tiếp: “Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành liên quan lập đoàn công tác tiến hành rà soát kiểm tra, đánh giá và báo cáo Thủ tướng về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản”.

Nhóm hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh đã đòi đảng phải ra lệnh ngưng ngay các kế hoạch cho “thuê dài hạn” và lấy lại đất đã cho thuê và bồi thương mọi thiệt hại cho họ, nếu cần.
Hai ông viết: “Đây là một hiểm hoạ cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn.
Cho Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc khai thác rừng đầu nguồn là tiềm ẩn đầy hiểm hoạ. Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thuỷ lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thuỷ điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp. Năm qua nhiều tỉnh miền Trung đã hứng chịu đủ, chẳng phải là lời cảnh báo nghiêm khắc hay sao?”
“ Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai hoạ cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những “làng Đài Loan”, “làng Hồng Kông”, “làng Trung Quốc”. Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng”.
Hai công thần của chế độ còn cảnh cáo: “Đất đai là thứ nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của nhân dân, hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng. Trước mắt đề nghị Chính phủ cho đình chỉ ngay việc cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn dài hạn với diện tích lớn, dù có phải bồi thường cũng được, để tránh thảm hoạ cho dân cho nước”.

Nguyễn Tấn Dũng đã không nghe lời khuyên của hai ông Tướng, ngược lại chỉ ngưng không cấp giấy phép cho “đầu tư mới” và “không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong phạm vi các lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản”.

Vậy các khu “đầu tư cũ” tại 10 tỉnh chiến lược và đã ký hợp đồng rồi thì cứ làm à? Rõ ràng Nguyễn Tấn Dũng đã vừa đánh vừa run và làm nửa vời trước nanh vuốt của Tàu.

.

Phạm Trần
11/03/2010

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: