Monday, March 29, 2010

CAMSA KÊU GỌI HOA KỲ XẾP VN VÀO HẠNG 3 VỀ BUÔN NGƯỜI

CAMSA kêu gọi Hoa Kỳ xếp VN vào hạng 3 về buôn người

Sunday, March 28 @ 20:58:28 EDT

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1838

Đạt cao điểm của một năm vận động, Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) vừa chính thức kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào Hạng 3 về buôn người.

Hạng 3 gồm các quốc gia có tình trạng buôn người trầm trọng và chính quyền đã không chứng minh quyết tâm chống buôn người, nhất là trong trường hợp có giới chức chính quyền can dự vào việc buôn người. Các quốc gia trong danh sách Hạng 3 sẽ bị chế tài về các khoản trợ cấp ngoài lãnh vực nhân đạo và mậu dịch.

Giữa năm ngoái, CAMSA khởi đầu chiến dịch vận động này với mục đích thúc đẩy Việt Nam ký kết công ước về chống buôn người của Liên Hiệp Quốc và ban hành đạo luật chống buôn người mà trọng tâm là chống buôn lao động. Từ đó đến nay, CAMSA đã cung cấp cho giới chức Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội tin tức về các vụ buôn bán người lao động, qua các bản phúc trình, các phiên họp và các buổi điều trần.

Ngày 23 tháng 7, 2009 Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên của CAMSA, điều trần về tình trạng buôn lao động ở Việt Nam trước Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos của Hạ Viện Hoa Kỳ. Tại buổi điều trần này, Ts. Thắng trưng dẫn các chứng cớ cho thấy nhiều giới chức chính quyền Việt Nam trực tiếp can dự vào nạn buôn lao động.

Ngày 23 tháng 3, 2010, Ts. Thắng lần nữa điều trần trước Uỷ Hội này với những chứng cớ mới. Hai ngày sau đó, Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos đã mời Đại Sứ Luis CdeBaca, Giám Đốc Văn Phòng Theo Dõi và Bài Trừ Nạn Buôn Người thuộc Bộ Ngoại Giao, ra điều trần. Các vị dân biểu tham gia buổi điều trần đã chuyển các chứng cớ do CAMSA cung cấp cho Bộ Ngoại Giao và yêu cầu cho biết lý do đã không xếp Việt Nam vào Hạng 3 trong những năm trước đây.

"Chúng tôi tập trung vào nạn buôn lao động vì chính phủ Việt Nam rất khôn khéo. Họ sẵn sàng truy tố các thủ phạm buôn nô lệ tình dục để chứng minh quyết tâm chống buôn người. Nhưng họ lờ đi nạn buôn lao động vốn trầm trọng hơn nhiều", Ts. Thắng phát biểu tại buổi điều trần.

Thứ Sáu vừa qua, ngày 26 tháng 3, Ts. Thắng chính thức gửi cho Bộ Ngoại Giao những số thống kê, các hồ sơ buôn người được ghi chú kỹ lưỡng, tên tuổi của một số giới chức chính quyền liên can, và nhiều dữ kiện khác. Thay mặt cho CAMSA, Ts. Thắng đề nghị Bộ Ngoại Giao hãy dùng những chuẩn mực cụ thể để xét thái độ của Việt Nam trong vấn đề chống buôn người:

(1) Chính phủ Việt Nam đồng ý trả số tiền bồi thường 3.5 triệu Mỹ kim cho các nạn nhân trong vụ Daewoosa American Samoa theo phán quyết của toà àn American Samoa, cộng với tiền lãi tích luỹ từ năm 2001 đến giờ.

(2) Chính phủ Việt Nam sẵn sàng điều tra các đơn khiếu nại và tố giác của nạn nhân trong các vụ buôn lao động được CAMSA can thiệp mà chính Bộ Ngoại Giao đã thừa nhận trong các bản phúc trình năm 2008 và 2009.

(3) Chính phủ Việt Nam đồng ý cho các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế tiếp cận với các nạn nhân buôn bán lao động đã hồi hương để giúp đỡ.

(4) Chính phủ Việt Nam thông qua luật chống buôn người.

"Vì lý do kỹ thuật, chúng tôi chưa công bố toàn bộ bản phúc trình gửi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho đến cuối tháng 5," Ts. Thắng giải thích.

Tuy nhiên, Ông cho biết trong những ngày tới đây CAMSA sẽ tuần tự công bố một số thông tin không mang tính cách nhạy cảm.

====

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA

PO Box 8065

Falls Church, VA 22041USA

.

.

.

No comments: