Sunday, March 28, 2010

GOOGLE CHƯA ĐI KHỎI, MICROSOFT ĐÃ CHỰC ĐẾN

Google chưa đi khỏi, Microsoft đã chực đến

Lê Quốc Tuấn

29/03/2010 1:00 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=18112

Cuộc chiến giữa đại công ty Google và nhà cầm quyền Trung Quốc cuối cùng đã đi vào hồi kết. Google chính thức tuyên bố di chuyển công cụ tìm kiếm bằng Hoa ngữ của mình sang Hongkong.

Ngày 12 tháng 1 đầu năm nay, David Drummond, viên chức phụ trách về pháp lý của Google đã viết trên trang blog chính thức của công ty này những nhận định như sau:

Các cuộc tấn công và giám sát của họ đã được tìm thấy – kết hợp với các nỗ lực nhằm tiếp tục giới hạn quyền tự do ngôn luận trên mạng trong năm qua – đã đưa chúng tôi đi tới kết luận rằng chúng tôi phải xem xét lại tính khả thi của hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Trung Quốc. Chúng tôi đã quyết định rằng, chúng tôi không còn sẵn sàng để tiếp tục kiểm duyệt các kết quả của chúng tôi trong mạng Google.cn, do đó trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ thảo luận với chính phủ Trung Quốc về các cơ sở để chúng tôi có thể điều hành một công cụ tìm kiếm không bị sàng lọc trong khuôn khổ pháp luật, nếu có thể được. Chúng tôi ý thức rất rõ rằng điều này cũng có nghĩa là có thể phải đóng cửa mạng Google.cn, và khả năng đóng cửa các văn phòng của chúng tôi tại Trung Quốc.

Mặc dù có khá nhiều yếu tố thuần túy thương mại nằm bên trong quyết định của Google, nhưng nếu chỉ nhìn vào kích cỡ doanh thương và tiềm năng lợi nhuận của thị trường internet lớn nhất thế giới như Trung Quốc củng có thể nhìn thấy đây quả là một quyết định can đảm, có tính lịch sử trong kinh doanh quốc tế. Trong suốt mấy tuần qua, nhìn chung dư luận thế giới khá đồng tình và hoan nghênh quyết định của chàng khổng lồ intenet này.

Trong tình hình đó, công ty Microsoft, một chàng khổng lồ khác đang chuẩn bị nhảy vào thị trường này.

Theo Reuter, Bill Gates, người sáng lập lãnh đạo thiên tài của Microsoft đã tuyên bố về Trung Quốc rằng:

Bạn phải quyết định: Bạn có muốn tuân theo pháp luật của quốc gia mình đang ở, hay không? Nếu không, bạn không thể làm ăn kinh doanh ở đó.

Những nỗ lực kiểm duyệt internet của Trung Quốc đã rất là giới hạn. Rất dễ tránh được. Và vì vậy tôi nghĩ rằng việc giữ cho Internet được phát triển mạnh là rất quan trọng.

Gates, con người thông minh nhân đạo nhất thế giới này có thể sai lầm khi đánh giá như thế về Trung Quốc và mở đường cho Microsoft tiến vào sâu hơn trong thế giới tranh tối tranh sáng này.

Quả là ông đã xem thường Bức Tường Lửa vĩ đại của Trung Quốc. Nếu đấy “rất là giới hạn” (như ông từng tuyên bố, thì chính phủ Trung Quốc đã không phải bỏ ra một số lưọng thời gian, tiền bạc và nhân lực khổng lồ đến thế để thực hiện kiểm duyệt Internet. Khi chính phủ này, cũng như các chính phủ độc tài khác luôn nhìn tự do thông tin ngôn luận như một cái gai dứt khoát phải loại bỏ. Thực tế cũng đúng là có những cách tránh được sự kiểm duyệt, chẳng hạn như qua các máy chủ proxy, nhưng phần lớn người dân ở Trung Quốc không có khả năng làm được như thế.

Dạy dỗ ai đó muốn làm ăn thì phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại chính là một cú tát vào mặt Google. Lời tuyên bố này cũng phần nào có tính mỉa mai nếu một ai đó nhớ lại nhiều vụ khiếu kiện Microsoft ở Hoa Kỳ và vụ công ty này bị Liên minh Châu Âu phạt vạ một món tiền kỷ lục về các vi phạm lòng tin và luật chống độc quyền.

Về mặt dư luận, những bước chuẩn bị thay thế Google ở Trung Quốc đang khiến Microsoft mất dần lòng tin và sự kính trọng của nhiều người.

Ngay tại chính trường Hoa Kỳ, cách đây vài ngày, tại một buổi điều trần trước Quốc hội, Microsoft đã bị chỉ trích nặng nề vì thái độ hợp tác với Trung Quốc. Cơn giận nhắm vào Microsoft ở Quốc hội là một hành động được cả hai đảng đồng thanh ủng hộ. Đấy là điều hiếm có trong các phản ứng của giới lập pháp Hoa Kỳ. Nghị sĩ Đảng Cộng hoà Chris Smith của bang New Jersey đã nói về Microsoft: “Họ cần ở về phía lẽ phải vì các quyền con người hơn là tạo thuận lợi cho sự chuyên chế”. Đồng thời, theo Christian Science Monitor cho biết, Thượng nghị sĩ Dick Durban thuộc Đảng Dân chủ của tiểu bang Illinois muốn thông qua một luật định nhằm “yêu cầu các công ty Internet phải thực hiện các bước hợp lý để bảo vệ quyền con người”. Và nếu không, ông nói, những công ty ấy có thể phải đối diện với tội hình sự theo luật pháp quy định. Một số nhà làm luật khác có lẽ cũng sẽ lên tiếng ủng hộ đề nghị này.

Và, cho dù đề nghị này có được thông qua hay không, Microsoft cũng đã gánh phải những thất bại về mặt vận động dư luận công chúng. Các phản ứng bất lợi của công chúng đối với Microsoft đã bắt đầu và sẽ chỉ trở nên mạnh mẽ hơn.

Không ai chối cãi rằng Trung Quốc là một siêu cường kinh tế mới. Nhưng giới kinh doanh phương Tây thường không đánh giá hết những mặt tăm tối nguy hiểm đàng sau một chính phủ độc tài. Chưa kể đến một thứ “lòng ái quốc” đang được bơm mạnh vào vào tâm lý quần chúng trong nội địa đất nước này ở một chiều hướng khá cực đoan. Hơn ai hết, có lẽ Google đã thấm được những cơn ê chề này sau một thời gian cố gắng hết sức mà không thể làm vui lòng được “bạo chúa”. Do đó, họ đã chọn một giải pháp rút ra trong danh dự.

Tuy nhiên, nói cho cùng, Microsoft cũng chẳng có gì để mất. Công cụ truy tìm Bing của Microsoft gần như không có thị phần trong nội địa Trung Quốc. Thậm chí tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc, rất hoan nghênh việc Microsoft sẽ chấp nhận đường lối kiểm duyệt, cũng thừa nhận rằng thị phần của Bing chỉ chiếm không đầy 1 % tại Trung Quốc. Một bản tin khác từ Reuter nhận xét rằng hiện nay, trong thị trường tìm kiếm trị giá 293 triệu của quý 3 ở Trung Quốc, với Baidu đạt 69% và Google 31.3%, Microsoft thực sự không có gì ở đó.

Tóm lại, Google đi, Microsoft lò dò đến. Chưa biết chàng không lồ mới này có làm nên cơm cháo gì hay không. Nhưng, chỉ riêng hành động tiến vào của Microsoft sau cuộc rút ra đầy khí phách của Google cũng đã cho thấy sự thất bại của Microsoft về mặt cảm tình của công chúng. Đặc biệt là công chúng ở các nước tự do, sau những cuộc tấn công mạng ảo, những vụ tin tặc ồn ào xuất phát từ đất nước độc tài lớn nhất thế giới này.

© 2010 Lê Quốc Tuấn

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: