Saturday, March 27, 2010

XE HƠI và XE ĐẠP (ĐIỆN)

Xe hơi và xe đạp (điện)

Dũng Vũ

28/03/2010 1:00 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=17851

Sống ở xứ kỹ nghệ, chiếc xe hơi là phương tiện đi lại cá nhân phổ biến nhất. Hầu như nhà nào cũng có xe hơi. Có nhà sắm hai chiếc. Chồng một, vợ một. Chồng cần xe đi làm, vợ cần xe đi chợ, chở con cái tới trường hay đi bác sĩ.

Có xe hơi kể ra cũng tiện, muốn đi đâu thì đi, đi lúc nào cũng được; đi xe bus, xe điện phải canh giờ xe chạy, đợi chờ mất công. Nhiều khi có chuyện gấp, đi kiểu này không được.

Tôi cũng là người lái xe lâu năm nhưng bây giờ không lái nữa. Hàng xóm thấy ông này chỉ toàn đi xe bus, xe đạp hay… đi bộ. Khổ sở quá, có tiền xây nhà mà không sắm nổi chiếc xe hơi.

Nhớ lại hơn 30 năm về trước, dân Stuttgart còn đông hơn bây giờ nhưng xe hơi không nhiều lắm. Tôi đã ở trung tâm thành phố nhiều năm, trong một khu phố cổ hàng trăm năm của hoàng tộc thời xưa, rất chật hẹp, vậy mà vẫn thừa chỗ đậu xe. Đi đâu về, đậu xe trước nhà là xong.

Theo thời gian, máy cần chỗ ở hơn người. Xe càng ngày càng nhiều. Nhiều khi không còn chỗ đậu xe trước nhà, tôi phải đậu xa mấy trăm thước rồi lết bộ về. Nhiều khi chạy lòng vòng tìm chỗ đậu, không thấy, đành đậu bậy và lại lãnh một cái giấy phạt ít nhất 10 DM, chưa kể có lúc bị cảnh sát kéo xe, tiền phạt còn thê thảm nữa. Gấp 10 lần.

Có xe hơi cũng mệt. Tốn tiền xăng, tiền bảo hiểm, tiền thuế, tiền sửa xe. Thời buổi này còn mệt hơn. Thiếu chỗ đậu. Đậu bậy thì bị kéo xe, bị phạt. Đậu đúng thì phải trả tiền chỗ đậu. Giờ xe đông lại bị kẹt, mất thì giờ. Xe đời cũ nhả CO2 nhiều thì không được vào thành phố, chưa nói còn phải đóng thêm lệ phí làm ô nhiễm môi trường. Và còn đủ chuyện bực mình khác nữa.

Từ đó tôi dẹp luôn chiếc xe hơi. Sáng đi làm, chỉ cần bước xe trạm xe đối diện nhà là có xe đi. Xe có ông tài xế lái, tôi chẳng cần làm gì hết. Thảnh thơi ngồi đọc sách, tán gẫu với người bên cạnh. Không còn bực bội vào mỗi lúc bị kẹt xe. Không còn mất công tìm chỗ đậu. Không còn tốn tiền đổ xăng, đóng thuế, bảo hiểm, lệ phí môi trường và tiền phạt đậu bậy. Tiết kiệm được biết bao và không còn bị stress nữa.

Không riêng tôi, khuynh hướng chung của con người của xứ kỹ nghệ hôm nay là thay đổi thói quen đi lại giống như tôi vậy. Thay vì đi xe hơi họ đổi sang đi xe công cộng. Dĩ nhiên ở chốn xa xôi, phương tiện di chuyển công cộng còn hạn chế, phải cần chiếc xe hơi, nhưng người sống trong thành phố hoặc vùng lân cận không có vấn đề này. Phương tiện giao thông công cộng hết sức dồi dào. Muốn đi đâu, chỉ cần bước lên xe bus, xe điện là xong. Nhanh, tiện, rẻ, an toàn, thảnh thơi. Nhiều khi dậy sớm còn buồn ngủ; lên xe bus, xe điện còn ngủ được, chứ lái xe thì làm sao ngủ.

Tuy nhiên chẳng phải hoàn toàn vì lý do tiện lợi, ít tốn tiền mà còn người Tây phương hiện đại có xu hướng đi xe công cộng. Họ còn lưu tâm đến việc bảo vệ môi trường.

Xe nhiều quá nhả khí độc ngập trời. Tai hại khủng khiếp; khí hậu còn rối loạn huống gì con người. Môi trường ô nhiễm là nguyên nhân chính của bệnh ung thư. Ở xứ kỹ nghệ, căn bệnh này là vị tử thần chăm chỉ nhất.

Mốt đi xe công cộng ngày càng trở nên thịnh hành nhưng dần dà cũng hơi khó chịu vì người đông quá. Nhiều khi lên xe hết chỗ ngồi, phải đứng. Từ đó lại đẻ ra mốt đi xe gắn máy hay xe đạp.

Đi xe gắn máy thì uyển chuyển hơn, đỡ lệ thuộc vào xe công cộng, nhưng vẫn có vài bất lợi. Ví dụ, phải đóng bảo hiểm, phải đội mũ an toàn, không có lối đi riêng, xe chạy chậm không qua mặt được, dễ bị xe hơi va chạm, nguy hiểm. Nếu đi xe nhiều phân khối thì phải có thêm bằng lái, trang phục riêng. Cho nên, nhiều người thích đi xe đạp.

Người đi xe đạp ở Đức được ưu đãi đặc biệt. Hầu hết mọi thành phố đều có lối dành riêng cho xe đạp, rất an toàn. Nếu không thì đi trên vỉa hè cũng được. Có những con đường chạy dọc bờ sông hay xuyên qua những cánh rừng thật là tình tứ. Vừa tà tà đạp xe, vừa ngắm thiên nhiên, nghe chim hót. Không khí trong lành. Gió mát.

Cho nên buổi sáng thiên hạ cũng thường lái xe đạp đi làm. Trong khi xe hơi bị kẹt, thì xe đạp luồn lách đi đường tắt được, thậm chí tới sở làm còn nhanh hơn. Đi xe đạp chẳng cần đội mũ, chẳng cần bằng lái, chẳng cần bảo hiểm, chẳng cần đổ xăng, chẳng cần lo chỗ đậu gì cả. Vừa rẻ tiền, vừa khỏe người, rất tốt cho những ai ngồi suốt ngày trên chiếc ghế văn phòng.

Thế nhưng đi làm bằng xe đạp đôi lúc cũng hơi phiền. Người đi làm văn phòng phải ăn mặc đàng hoàng. Mặc áo vét, thắt cà vạt đã nóng nực, đạp xe, càng nóng nực thêm; đến văn phòng, mồ hôi nhễ nhại thì thật là bất tiện. Từ đó lại xuất hiện một lời giải mới là: đi xe đạp điện.

Cách đây vài năm, ở Đức, đi xe đạp điện chưa mấy phổ biến nhưng bây giờ đã thịnh hành, ít nhất là ở chỗ tôi [1]. Xe đạp điện có nhiều lợi điểm:

Tốn rất ít năng lượng: Bạn thử tưởng tượng, đi 100 km mà chỉ tốn 1kWh điện nạp bình accu, tương đương lượng điện tắm nước nóng 3 phút [2]. Nghĩa là (tính theo giá điện ở Đức) 10 cent Euro = 100 km.

Không làm ô nhiễm môi trường.

Người đi xe đạp điện được kể như người đi xe đạp thường. Nghĩa là có lối đi chung với xe đạp thường, không phải đóng bảo hiểm, không cần có bằng lái, không cần đội mũ an toàn, v.v…

Thích hợp cho mọi người. Đi làm cũng tiện, không sợ đổ mồ hôi. Đi chơi cũng tiện, lên dốc không sợ mệt. Người già cả cần vận động, đi xe đạp không nổi, thì đã có sức chiếc motor…

Điểm bất lợi nhất của xe đạp điện hiện nay là còn đắt. Cách đây 4-5 năm, giá

khoảng 500-1000 Euro một chiếc, nhưng hiện thời đã đắt hơn, xe tốt khoảng 1500-2500 Euro một chiếc.

Thực ra đây là vấn đề trục lợi tự tạo từ giới doanh thương. Ngày xưa ít khách, bán rẻ; giờ khách nhiều, tăng giá. Dẫu vậy đó chỉ là hiện tượng nhất thời. Chắc chắn trong tương lai giá thành chiếc xe đạp điện sẽ giảm nhiều nhờ mức tiêu thụ gia tăng và sự tham gia sản xuất, cạnh tranh.

Nhớ năm 2005 về Việt Nam thăm nhà, thấy mấy anh đạp xích lô ốm tong teo hì hục chở mấy ông bà du khách ngoại quốc to tướng tội quá, tôi sực nghĩ, tại sao kỹ sư Việt Nam không chế ra chiếc xe xích lô điện giúp người ta đạp đỡ mệt hơn [4], thì bây giờ, nơi tôi ở đã có mặt chiếc xe đạp điện rồi. Và ngày càng tăng nhanh chóng.

Siegfried Neuberger, người điều hành “Hiệp hội kỹ nghệ xe hai bánh” (Zweirad Industrie Verband) Đức đã nhìn thấy một thị trường khổng lồ của “một loại xe đạp mới đầy tiềm năng” [5]. Dĩ nhiên giới kỹ nghệ Âu châu cũng nhìn thấy và hiện tại mới ở mốc khởi đầu.

Theo chỗ tôi biết (trong phạm vi nghề nghiệp của mình), ngoài các nước kỹ nghệ ở phương Tây như Đức, Thụy Sĩ, Canada,… đang ra sức phát triển, khai thác thị trường lớn này, thì Nhật Bản, Trung Quốc ở phương Đông cũng đang tích cực tham gia từ vài năm trở lại đây.

Thời đại này, chế chiếc xe đạp, (theo tôi) là chuyện tầm thường đối với ngành cơ khí. Chế chiếc xe đạp điện cũng na ná vậy; chỉ khác là thêm một bình accu và cái motor.

Dĩ nhiên giữa lý thuyết và thực hành có sự khác biệt, nhưng tôi nghĩ – nhìn chung – Việt Nam có thể làm được việc này.

Đây là một cơ hội cho Việt Nam làm nên một sản phẩm trí tuệ thi tài với Trung Quốc. Hãy nên khiêm tốn. Đừng mãi trưng khẩu hiệu “Toàn đảng, toàn dân với trí tuệ ưu việt tiến vào thế kỷ thứ 21” nữa mà nên làm thực tế, cũng chế được chếc xe đạp điện cạnh tranh với Trung Quốc bán khắp thế giới. Đào mỏ bán hoài, ai tin mình có trí tuệ?

Thị trường đã có, rất mới mẻ và to lớn. Thử vận dụng trí tuệ làm đi. Trung Quốc đã làm được rồi, đã bán được nhiều xe đạp điện khắp thế giới rồi. Xe Trung Quốc tuy không tốt lắm nhưng vẫn có người mua vì giá rẻ (600-1000 Euro/chiếc) và đã đem lại rất nhiều lợi nhuận.

Stuttgart, 03.2010

© 2010 Dũng Vũ

© 2010 talawas


[1] http://www.zeit.de/2009/32/WOS-Fahrraeder

[2] http://www.sueddeutsche.de/automobil/514/311436/text/

[3] Xin lưu ý, mọi hình ảnh trích dẫn trong bài chỉ nhằm minh họa, không quảng cáo.

[4] http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=7048&rb=08

Bạn nào có quan tâm thực hiện chiếc xe xích lô điện, tôi sẽ gợi ý cho (trong khả năng mình).

[5] Theo ElektroRad, số 01/2010. Regensburg, 2010.

.

.

.

No comments: