Thursday, March 25, 2010

NGUỒN GỐC "HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM"

Hội Nhà văn Việt Nam: Sự thành lập và hai năm đầu tiên tồn tại (1957-1958)

Lại Nguyên Ân

25/03/2010 7:00 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=17896

.

Tham luận tại Hội thảo hàng năm của Hội nghiên cứu châu Á (Association for Asian Studies), Philadelphia, 25-28/3/2010

.

Đề cương tóm tắt

Đầu tháng 4/1957, Hội Nhà văn Việt Nam ra đời, sau Hội nghị thành lập Hội Nhà văn, họp tại Hà Nội từ 1/4/1957 đến 4/4/1957.

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một hiệp hội của những người viết văn, mặc dù đây không phải một hiệp hội độc lập, trái lại đây là một hiệp hội được đặt trong khuôn khổ là thành viên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đến lượt mình, Hội Liên hiệp VHNTVN là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; và Mặt trận TQVN là tổ chức do Đảng Lao động Việt Nam (đảng cầm quyền) lập ra để tập hợp và lãnh đạo các thành phần xã hội khác nhau; Hội NVVN cũng được đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng LĐVN, trực tiếp là Ban Tuyên huấn Trung ưng Đảng; kinh phí hoạt động của Hội NVVN do ngân sách nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chu cấp.

Bản điều lệ được thảo luận và thông qua tại Hội nghị thành lập Hội cho thấy sự tập hợp các nhà văn vào hội ở buổi ban đầu là rất rộng rãi: “Trên cơ sở Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đoàn kết mọi nhà văn yêu nước và tiến bộ, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, xu hướng chính trị, xu hướng nghệ thuật (điều III). Với việc Hội NVVN ra đời, những cơ sở trực thuộc nó dần dần được hình thành: câu lạc bộ, tờ tuần báo, nhà xuất bản, quỹ văn học…

Tuy vậy, hoạt động của Hội NVVN ngay ở năm tồn tại đầu tiên đã gặp sự cố. Tờ tuần báo Văn do Hội NVVN xuất bản, sau 10 số đầu tiên, đã bị tạp chí Học tập của TƯ Đảng LĐVN phê phán là không thể hiện được “con người thời đại” (= con người XHCN). Các nhà văn trong và ngoài tòa soạn lên tiếng tranh luận với nhận định nói trên; hành động đó bị xem là cãi lại cơ quan lý luận của Đảng; nguyên nhân của sai lầm này được truy nguyên là do sự lũng đoạn, sự chi phối của các phần tử từng tham gia các tập Giai phẩm và các số Nhân văn hồi cuối năm 1956; tuy các ấn phẩm ấy đã bị cấm, nhưng các nhà văn tham gia các ấn phẩm ấy vẫn còn hoạt động bình thường trong các cơ quan và các hoạt động của hội, chưa bị trừng phạt thích đáng. Từ nhận định này, Bộ Chính trị TƯ Đảng phát động một cuộc đấu tranh tư tưởng khốc liệt nhằm thanh toán các hiện tượng “Nhân văn–Giai phẩm” (đòi tự do sáng tác trong văn nghệ, đòi thực hiện dân chủ trong xã hội).

Khi cuộc đấu tranh này được tuyên bố kết thúc thắng lợi (tháng 6/1958), Hội NVVN được chấn chỉnh ở mức đáng kể: khai trừ vĩnh viễn hoặc có thời hạn một số hội viên, buộc một số thành viên ra khỏi Ban Chấp hành hội, bổ sung một số thành viên mới vào BCH hội, chấm dứt tuần báo Văn và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, thành lập mới tờ tuần báo Văn học. Khẩu hiệu “Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” xuất hiện trên manchette báo Văn học số 1 ra ngày 25/5/1958, đánh dấu sự định hình Hội NVVN từ đó đến suốt nửa thế kỷ sau.

__________________

.

Đầu tháng 4/1957 tại Hà Nội, Hội NVVN ra đời, do kết quả của Hội nghị thành lập Hội Nhà văn, họp tại trụ sở câu lạc bộ Đoàn Kết, từ 1/4 đến 4/4/1957. Trong lịch sử văn học Việt Nam thời hiện đại, đây là lần đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam xuất hiện một tổ chức mang tính toàn quốc của những người viết văn (mặc dù khi đó tổ chức hội này chỉ hoạt động giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tức lãnh thổ Việt Nam phía Bắc sông Bến Hải).

Trong lịch sử Việt Nam thời trung đại cũng đã từng có lúc xuất hiện dạng thức tổ chức mà hậu thế gọi là Hội Tao đàn: sự kiện đó xảy ra ở thời Hồng Đức (1470-1497), triều Lê Thánh Tông (1460-1497), nhưng dạng thức mà hậu thế gọi là “hội” đó chỉ bao gồm việc tập hợp một số văn thần cùng hoàng đế xướng họa thơ văn trong một số thời gian nhất định vào mấy năm thời tiết thuận, được mùa (1493-1494), nội dung hoạt động chỉ là làm thơ theo những đề tài do nhà vua đề xướng mà tựu trung là ca ngợi “vua sáng tôi hiền”, − đặc điểm tự đề cao của mọi loại văn chương cung đình. Các dạng thức liên kết văn nghệ sĩ ở thời hiện đại, nhất là thời kỳ 1900-1945 ở Việt Nam, như các nhóm Tự lực Văn đoàn, Hàn Thuyên, v.v… chỉ là các nhóm nhà văn có quy mô nhỏ, tồn tại như những nhóm tư nhân của xã hội dân sự.

Thật ra thì quy mô toàn quốc của Hội NVVN có khởi đầu từ quy mô của các tổ chức tiền thân của nó như Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam (1943-1947), Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1957), Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1957 đến nay), tức là gắn với các dạng thức đoàn thể quần chúng xung quanh Đảng Cộng sản (ban đầu là Đảng Cộng sản Đông Dương 1930-1951; sau đó đổi là Đảng Lao động Việt Nam 1951-1976; từ 1976 đến nay đổi là Đảng Cộng sản Việt Nam), do ĐCS tổ chức và trực tiếp lãnh đạo, chỉ khác các đoàn thể khác (của các giới như phụ nữ, thanh niên…) ở chỗ: đây là đoàn thể của giới văn nghệ sĩ.

ĐCS Đông Dương từ khi ra đời (1930), trong cương lĩnh chỉ nêu các chủ trương chính trị, chưa nêu các chủ trương ở lĩnh vực văn hóa; năm 1943 Tổng Bí thư khi đó là Trường Chinh đã soạn thảo “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, đặt vấn đề từ đây Đảng phải lãnh đạo văn hóa, nêu các phương châm “dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa”, đồng thời xúc tiến thành lập nhóm Văn hóa Cứu quốc do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo; khi Đảng giành được chính quyền tháng 8/1945, nhóm này trở thành Hội Văn hóa Cứu quốc, có chi hội tại các địa phương. Năm 1946 dường như có tranh luận về tổ chức văn nghệ sĩ dưới chính thể mới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: hoặc mở rộng Hội Văn hóa Cứu quốc để nó trở thành hội duy nhất tập hợp văn nghệ sĩ toàn quốc chịu sự lãnh đạo của Đảng,[1] hoặc tìm kiếm dạng thức tổ chức khác, rộng rãi hơn, lấy mô hình ở việc các nước châu Âu mở Hội nghị Văn hóa Toàn quốc sau Thế chiến II, tập hợp ý chí, nguyện vọng và sáng kiến của văn nghệ sĩ trí thức để tái thiết văn hóa sau những đổ vỡ mất mát do chiến tranh. Hội nghị Văn hóa Toàn quốc được mở vào 24/11/1946 ở Hà Nội là nhằm thực hiện phương hướng này, nhưng do tình thế quân sự khẩn trương ở Hải Phòng và Hà Nội, hội nghị chỉ họp được trong 1 ngày,[2] trước khi các tổ chức dân-chính-đảng phải di tản khỏi Hà Nội, chuẩn bị kháng chiến. Vào tháng 4/1948 ở Việt Bắc, một số văn nghệ sĩ nòng cốt của Hội Văn hóa Cứu quốc từ Hà Nội tản cư lên Việt Bắc đã cùng nhau lập ra Hội Văn nghệ Việt Nam.[3] Cũng tại Việt Bắc, tháng 7/1948 diễn ra Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ hai, lập ra Hội Văn hóa Việt Nam.[4] Cả hai hội này đều là hội có quy mô toàn quốc, có các chi hội tại các khu, liên khu, tỉnh, thành phố, nhưng giữa hai hội có sự phân công: Hội Văn nghệ tập hợp văn nghệ sĩ, Hội Văn hóa tập hợp các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia thuộc các ngành văn hóa, giáo dục, khoa học, tuy ranh giới chỉ là tương đối. Giới nhà văn đi kháng chiến hầu hết đều làm việc trong các tổ chức các cấp (khu, vùng, trung ương) của Hội VNVN; bản thân Hội được tổ chức như một cơ quan thuộc bộ máy chính quyền kháng chiến; vào năm 1951, khi ĐCS ra mắt công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, thì Hội VNVN lập tức tuyên bố đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng cho biết đã “chính quyền hóa bộ máy xây dựng văn nghệ nhân dân”,[5] tức là Hội VNVN được xem như một phần của bộ máy chính quyền. Như vậy, dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ đầu những năm 1950, các tổ chức văn hóa văn nghệ đã được tổ chức thành các ngành chức năng trong bộ máy quản lý nhà nước; Hội Văn nghệ là đơn vị tương đương một cục hoặc vụ thuộc một bộ, được cấp kinh phí với tư cách một đoàn thể, tương đương một cơ quan nhà nước. Đầu năm 1957, tại Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ hai, Hội VNVN được chuyển thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, khuyến khích các ngành văn nghệ lập ra các hội thành viên. Hội Nhà văn là một trong vài ba ngành thực hiện điều đó sớm nhất, gần như chỉ sau Hội Mỹ thuật, và sau đó sẽ đến các Hội Sân khấu, Âm nhạc, v.v…

Như vậy, sự thành lập Hội NVVN, một mặt, xét về phía Đảng cầm quyền, chỉ là sự thiết lập và chi tiết hóa những thiết chế để quản lý giới những người lao động nghệ thuật và hoạt động của họ; nhưng mặt khác, xét về phía giới nhà văn Việt Nam và văn học sử Việt Nam, sự thành lập Hội NVVN ở miền Bắc vào năm 1957 lại ghi nhận sự kiện: lần đầu tiên trong văn học Việt Nam hiện đại xuất hiện một tổ chức của những người lao động văn học trong toàn quốc.

Sự ra đời và hoạt động những năm đầu tiên của Hội NVVN đáng chú ý để quan sát kỹ, còn bởi chỗ, hội được thành lập sau một chấn động văn hóa đáng kể: các phong trào “mở rộng dân chủ” trong dư luận xã hội và phong trào “phê bình lãnh đạo văn nghệ”, đòi “tự do sáng tác” bộc phát mạnh mẽ rồi bị dẹp đi vào nửa sau của năm 1956 mà đáng kể nhất là tờ báo Nhân văn và các cuốn sách của nhà xuất bản tư nhân Minh Đức mang tên chung Giai phẩm. Việc chính quyền phát động dư luận chính thống chống lại và sau đó ra lệnh cấm các ấn phẩm nói trên, đã dọn đường cho Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ hai (20–28/2/1957), tại đó, với việc đổi tên Hội Văn nghệ Việt Nam, tức là mở rộng quy mô từ Hội Văn nghệ Việt Nam thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, chính cái khung tổ chức mới này đã khuyến nghị thành lập các hội thành viên, mở đầu là Hội Nhà văn. Hoạt động ngay sau khi ra đời của Hội NVVN, một mặt khác, còn gắn với việc Đảng cầm quyền tiếp tục tìm biện pháp đối phó với bộ phận nhân sĩ trí thức đòi hỏi “mở rộng dân chủ” và bộ phận văn nghệ sĩ đòi “tự do sáng tác”, – ngôn luận của họ đã bị ngăn chặn, nhưng con người họ còn chưa bị trừng phạt.

Người ta biết rằng, tờ báo Nhân văn bị cấm vào ngày 15/11/1956; cuốn sách mang tên Giai phẩm cuối cùng là Giai phẩm mùa Đông phát hành vào cuối tháng 11/1956, sau đó loại sách này không được cấp phép nữa; ấn phẩm cuối cùng trong đó có in tác phẩm của những người từng tham gia báo Nhân văn và các tập Giai phẩm là cuốn Sách Tết 1957 của nhà xuất bản Minh Đức. Như vậy, từ đầu năm 1957 trở đi, hầu như đã không còn phương tiện truyền thông ngoài quốc doanh nào cho những “ý kiến khác biệt” với lãnh đạo được bộc lộ; từ đây chỉ có thể theo dõi động thái của những “ý kiến khác biệt” ấy trên chính các phương tiện truyền thông quốc doanh, tức là trên chính các sách báo của các cơ quan chính quyền, đoàn thể.

Ở khoảng thời gian giữa Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần II (tháng 2/1957) và các cuộc đấu tranh tư tưởng ở ấp Thái Hà (tháng 2–4/1958), những động thái đáng kể nhất trong giới văn nghệ miền Bắc hầu như đều gắn với hoạt động của Hội Nhà văn vừa thành lập, nhất là với tuần báo Văn và Nhà Xuất bản Hội Nhà văn.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất mà các bản tin về sự kiện thành lập Hội NVVN đều nhắc đến, ấy là nội dung sau đây trong điều lệ: “Trên cơ sở Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đoàn kết mọi nhà văn yêu nước và tiến bộ, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, xu hướng chính trị, xu hướng nghệ thuật” (điều III).[6] Nội dung này được dư luận đánh giá là rộng rãi, [7] tuy vậy rõ ràng là nó phù hợp với Hiến pháp 1946 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi đó đang là hiến pháp hiện hành. Song, nội dung này được nêu vào điều lệ là để trang điểm cho chế độ hay để được tuân thủ nghiêm ngặt, – thì chỉ khi đụng chạm vào thực tế có khác biệt về “xu hướng chính trị, xu hướng nghệ thuật”, như trong các lớp chỉnh huấn ở Thái Hà, điều đó mới bộc lộ rõ.

Ngay sau khi được thành lập, Hội NVVN như một tổ chức của những người viết văn ở miền Bắc đã nhanh chóng đi vào hoạt động: lập ra bộ máy điều hành (ban chấp hành, các chức danh đứng đầu hội, các ban kết nạp hội viên, ban chế độ công tác sáng tác, ban nghiên cứu sáng tác, ban văn học nước ngoài, văn phòng hội, quỹ văn học, câu lạc bộ…), lập ra Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, tuần báo Văn…

Tuần báo Văn là tờ báo chuyên đăng sáng tác văn thơ, phê bình, tin tức văn nghệ, ra mắt từ 10/5/1957. Trong sinh hoạt văn nghệ của độc giả miền Bắc đương thời, tờ này giữ vai trò như tờ Văn nghệ (đã ngừng xuất bản ngay sau Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần II – tháng 2/1957 – rồi về sau sẽ tái xuất hiện dưới dạng tạp chí), tức là vai trò của kênh giao tiếp chính giữa giới văn học và công chúng của họ ở miền Bắc đương thời.

Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, sau khi được thành lập, trở thành một trong những nơi công bố các tác phẩm văn học chủ yếu ở miền Bắc.

Chỉ vài ba tháng sau khi hai cơ quan này của Hội NVVN đi vào hoạt động, những dư luận chê trách, cho rằng “có vấn đề”, nhằm vào hai cơ quan này, đã nổi lên, từ phía dư luận chính thống.

Trong số các cuốn sách do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt, có một vài sáng tác mới bị coi là non yếu về tư tưởng (ví dụ bút ký “Thao thức” của Đoàn Giỏi, in trong tập sách Bóng dừa xanh), nhưng bị cho có khuyết điểm nặng hơn lại là việc nhà xuất bản này cho in lại “một cách thiếu chọn lọc” các tác phẩm thơ văn của tác giả Việt Nam trước 1945, hoặc mượn việc giới thiệu tác giả nước ngoài để đưa ra quan điểm trái với tư tưởng văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa (trường hợp Nguyễn Tuân viết bài giới thiệu tập truyện ngắn dịch của Chekhov). Vấn đề giá trị một số tác phẩm ra đời trước 1945 (ví dụ Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng) và cách thức đưa in lại cho độc giả hiện tại: in lại có sửa chữa hay in đúng nguyên tác, – trở thành đề tài thảo luận trên nhiều tờ báo đương thời mà xu hướng chung của những người lên tiếng là nhấn mạnh tác hại nhiều hơn là ích lợi đối với công chúng hiện tại của các tác phẩm ra đời trong “xã hội cũ”. Ngoài ra, ở đây còn có biểu hiện của tinh thần cảnh giác từ phía dư luận chính thống đối với loại hành vi sẽ được gọi là “lấy xưa nói nay, lấy ngoài nói trong” của giới văn nghệ sĩ.

Với tuần báo Văn, mười số đầu của nó, dưới góc nhìn của tạp chí Học tập (cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng LĐVN), khuyết điểm lớn là bài vở đăng tải của nó không thể hiện được “con người thời đại”. “Tờ báo Văn hầu như xa rời thực tế, xa rời cuộc sống, tách rời những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng”; một loạt tác phẩm bị nêu tên phê phán: Phở (tùy bút Nguyễn Tuân), Gió (thơ Xuân Diệu), Xiếc khỉ (bút ký Quang Dũng), Nhật ký người mẹ (Lê Minh), Bóng tối (truyện ngắn Nguyễn Châu Viên), Yêu nhau (thơ Lê Đạt), Căn nhà hạnh phúc (truyện ngắn Nguyễn Hồng Điện), Bích-xu-ra (truyện ngắn Thụy An).[8]

Sự phê phán này tất nhiên đã bị đáp trả, đưa tới cuộc tranh luận giữa tờ báo của Hội Nhà văn với cơ quan lý luận của ĐCS cầm quyền.

Điều đáng chú ý là, trong số những người tham gia tranh luận bênh vực tuần báo Văn chỉ có rất ít hội viên thường (ví dụ nhà văn Lê Minh, lên tiếng với tư cách người có tác phẩm bị phê phán), hoàn toàn không có những hội viên từng dính líu với báo Nhân văn hay các tập sách Giai phẩm; trái lại, đây hầu như đều là những “cán bộ phụ trách” tuần báo Văn (như Nguyên Hồng, thư ký tòa soạn, Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh, ủy viên biên tập) hoặc các cơ quan trong Hội NVVN (như Tô Hoài, giám đốc Nhà Xuất bản Hội Nhà văn), thậm chí cả những nhà văn đang ở trong ban lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNTVN (như Nguyễn Tuân, phó chủ tịch, Nguyễn Đình Thi, tổng thư ký); họ thừa nhận, ở mức độ khác nhau, những thiếu sót của tuần báo Văn mà các nhà phê bình của tạp chí Học tập nêu ra, nhưng họ khá gần nhau ở cách phản ứng trước sự phê bình của các cây bút ở tạp chí Học tập: họ nhìn thấy ở đó một ví dụ tiêu biểu cho lối phê bình công thức, máy móc, giáo điều, trịch thượng, đao to búa lớn, “lấy Đảng ra để dọa anh em viết bài báo”.[9]

Tất nhiên từ phía các nhà phê bình của tạp chí Học tập, họ không ngần ngại một lần nữa lên tiếng nhắc nhở: “Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh chống những thiên hướng lệch lạc đi trệch ra ngoài đường lối văn nghệ của Đảng. Chúng ta cũng kiên quyết phản đối thái độ của một số cán bộ đảng viên phụ trách văn nghệ phạm khuyết điểm sai lầm được báo chí Đảng giúp đỡ phát hiện khuyết điểm sai lầm mà không chịu khiêm tốn kiểm điểm và thành tâm sửa chữa, trái lại, lại đả kích và mạt sát báo chí Đảng. Thái độ đó rõ ràng là không lợi cho việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ.”[10]

Tiếp theo tạp chí Học tập, một loạt tờ báo khác hưởng ứng việc phê bình tuần báo Văn, trước hết là nhật báo Nhân dân của Trung ương Đảng LĐVN, sau đó là hầu hết các tờ báo ở Hà Nội đương thời, từ các nhật báo còn mang danh nghĩa tư nhân như Thời mới, Hà Nội hàng ngày đến các báo, tạp chí các ngành, các đoàn thể: Cứu quốc của Mặt trận Tổ quốc, Độc lập của Đảng Dân chủ Việt Nam, Tổ quốc của Đảng Xã hội Việt Nam, Thống nhất của Ban Thống nhất Trung ương, Quân đội Nhân dân Văn nghệ Quân đội của Tổng cục Chính trị QĐNDVN, Tiền phong của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thủ đô của Đảng bộ Đảng LĐVN Thành phố Hà Nội, Điện ảnh của Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa…

Ngày 6/1/1958, Bộ Chính trị TƯ ĐLĐVN ra nghị quyết “Về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ” do Nguyễn Duy Trinh ký.[11] Chính nghị quyết này đưa tới các đợt học tập chỉnh huấn cho văn nghệ sĩ tại ấp Thái Hà, đưa tới những trừng phạt, hoặc dưới dạng các mức kỷ luật trong nội bộ các hội, hoặc dưới dạng tuyên xử của tòa án. Đây chính là giai đoạn thứ ba, hoàn tất vụ án Nhân văn–Giai phẩm.

Hai đợt học tập chỉnh huấn tại ấp Thái Hà: đợt 1 từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2/1958, cho 172 văn nghệ sĩ là đảng viên; đợt 2 từ 3/3 đến 14/4/1958 cho 304 văn nghệ sĩ, gồm một số người đã dự đợt 1 được giữ lại làm cốt cán cho đợt 2, và số đông văn nghệ sĩ không phải là đảng viên, trong đó có những người từng tham gia viết cho Nhân vănGiai phẩm.[12] Trong các lớp học tập này, bằng việc phát động “đấu tranh tư tưởng” trong giới văn nghệ sĩ, – tức là khuyến khích sự phát hiện và cáo giác lẫn nhau, – một danh mục những người từng can dự hoạt động của Nhân văn Giai phẩm được xác lập,[13] làm cơ sở cho các hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến khai trừ có thời hạn hoặc vĩnh viễn bên trong các hội (nhà văn, sân khấu, âm nhạc, v.v…). Tại các đợt học tập chỉnh huấn với nội dung tương tự ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các giáo sư Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trương Tửu bị miễn nhiệm, thôi giảng dạy. Bên cạnh đó, một số nhân vật Nhân văn–Giai phẩm bị truy tố trong một vụ án được gọi là vụ án “gián điệp phá hoại” dường như tách khỏi cuộc đấu tranh nội bộ kể trên, được tiến hành gần như song song với nó (ngày 10/4/1958 công an Hà Nội bắt giam Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo;[14] đến ngày 19/1/1960 ba người này cộng thêm Phan Tại, Lê Nguyên Chí bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử và đưa ra các mức án từ 5 đến 15 năm tù giam cộng thêm từ 3 đến 5 năm mất quyền công dân sau khi hết hạn tù giam).[15]

Sau hai đợt học tập chỉnh huấn, “đấu tranh tư tưởng”, các hội thành viên của Hội Liên hiệp VHNTVN, mà trọng tâm là Hội NVVN, được chỉ đạo tiến hành “chấn chỉnh về tổ chức”. Phiên họp Ban Chấp hành Hội NVVN đầu tháng 7/1958 đã khai trừ vĩnh viễn khỏi hội đối với 3 người: Thụy An, Trương Tửu, Phan Khôi; khai trừ trong thời hạn 2 năm đối với 2 người: Trần Dần, Lê Đạt; cảnh cáo một số hội viên có sai lầm nặng (tuy không nêu tên nhưng có thể hiểu là gồm tất cả những người bị coi là có liên quan đến Nhân văn–Giai phẩm nhưng không bị khai trừ); cảnh cáo và khai trừ khỏi Ban Chấp hành đối với Hoàng Cầm; cảnh cáo và cho phép Hoàng Tích Linh rút khỏi Ban Chấp hành; hội nghị đã bầu bổ sung 5 ủy viên chấp hành (Hoài Thanh, Nguyễn Văn Bổng, Võ Huy Tâm, Nguyên Ngọc, Phạm Ngọc Truyền), bầu một Ban thường vụ mới (Nguyễn Văn Bổng, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Xuân Miễn, Tú Mỡ, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông), với tổng thư ký mới là Nguyễn Đình Thi. Tuần báo Văn đã ngừng vĩnh viễn từ sau ngày 17/1/1958 (ngày ra số 37); đến ngày 25/5/1958 Hội NVVN cho ra mắt tờ báo Văn học do Nguyễn Đình Thi là thư ký tòa soạn, ngoài tên báo “VĂN HỌC, báo của Hội Nhà văn Việt Nam. Sáng tác – Phê bình – Thời sự văn nghệ” trên manchette còn có thêm tiêu ngữ “Vì Tổ quốc. Vì Chủ nghĩa xã hội”. Nhà Xuất bản Hội Nhà văn được Ban Chấp hành hội đề nghị sáp nhập vào thành một phần của một nhà xuất bản nhà nước chuyên về sách văn học đang được xúc tiến thành lập.[16]

Như vậy, đến đầu tháng 7/1958, tức là chỉ hơn một năm kể từ lúc được thành lập, bên trong Hội NVVN đã có khá nhiều thay đổi. Một số hội viên bị khai trừ hoặc vĩnh viễn hoặc có thời hạn; mặc dù chỉ có 2 người ra khỏi Ban Chấp hành và 5 người bổ sung vào Ban Chấp hành, song ban lãnh đạo đã thay đổi hoàn toàn về cơ cấu: không còn các vị trí chủ tịch, phó chủ tịch hội, chỉ còn vị trí tổng thư ký, và ở vị trí đó là một người mới (Nguyễn Đình Thi), trong khi những nhà văn ở bốn vị trí cũ (chủ tịch Nguyễn Công Hoan, phó chủ tịch Tú Mỡ, tổng thư ký Tô Hoài, phó tổng thư ký Nguyễn Xuân Sanh) may lắm cũng chỉ còn là thành viên ban thường vụ; một vài ủy viên thường vụ như Nguyễn Xuân Sanh, Nguyên Hồng, Tế Hanh, Đoàn Giỏi, lúc này chỉ còn là ủy viên ban chấp hành. Các cơ quan của hội là tờ tuần báo và nhà xuất bản đều bị giải thể để lập cơ quan mới; câu lạc bộ, quỹ văn học cũng vậy. Toàn bộ những dữ kiện có thể kể tên này, tất nhiên, chưa thể biểu hiện hết những chấn động bề sâu trong tâm thế sống và sáng tác của giới cầm bút trên miền Bắc trong hoặc ngoài Hội NVVN, bởi những gì diễn ra đã cảnh báo cho họ về những gì từ nay họ có thể viết hoặc không thể viết.

Tuy thế, những thay đổi bên trong Hội NVVN và một số hội khác vào thời gian ấy dù sao vẫn là sự kiện nhỏ so với sự kiện bao trùm, về sau sẽ được gọi chung là vụ Nhân văn-Giai phẩm, sự kiện cho thấy Đảng cầm quyền không chấp nhận bất cứ đòi hỏi nào về những điều gọi là “mở rộng dân chủ” từ phía giới trí thức hay “tự do sáng tác” từ phía giới văn nghệ sĩ.

Trong tiến trình trải qua ba giai đoạn của sự kiện Nhân văn–Giai phẩm, sự thành lập và hoạt động của Hội NVVN liên quan đến giai đoạn thứ ba (sau giai đoạn 1: cuộc tranh luận về tập thơ Việt Bắc, từ tháng 3 đến tháng 9/1955; và giai đoạn 2: từ phê bình Giai phẩm mùa Xuân đầu năm 1956 đến Đại hội Văn nghệ tháng 2/1957).

Có thể xuất hiện câu hỏi giả định: nếu không có cuộc tranh luận giữa tuần báo Văn với tạp chí Học tập thì liệu có xuất hiện bản Nghị quyết số 30– NQ/TW, ngày 6 tháng 1 năm 1958 của Bộ Chính trị TƯ ĐLĐVN, bản nghị quyết đã chủ yếu căn cứ vào tình hình văn nghệ sau Đại hội Văn nghệ tháng 2/1957 để quyết định mở cuộc đấu tranh tư tưởng và chỉnh đốn tổ chức các hội văn nghệ mà thực chất là sự thanh trừng đối với những người từng lên tiếng đòi “mở rộng dân chủ” và “tự do sáng tác” hồi cuối năm 1956, bị coi là còn “nằm vùng” và tác động xấu đến giới văn nghệ sĩ và các tổ chức văn nghệ trong năm 1957?

Có lẽ không cần chờ đến thời Đổi mới (1986) người ta mới nhận ra thái độ cực tả trong sự nhận định tình hình văn nghệ ở bản nghị quyết 30 nêu trên. Những sự bất mãn và thất vọng về đời sống xã hội và đời sống tinh thần mà văn nghệ sĩ bộc lộ trong một số tác phẩm và ý kiến, công bố trong năm 1957, nhất là trên tuần báo Văn, chỉ là sự phản ứng lại những tiến trình duy ý chí đã và đang được tiếp tục thực nghiệm trong xã hội miền Bắc, nhưng sự bất mãn và thất vọng ấy lại được giới lãnh đạo cảm nhận và diễn tả như là sự hiện diện tiếng nói và bàn tay phá hoại của kẻ thù. Và biện pháp được họ đưa ra là trừng phạt, cấm đoán. Biện pháp này trên thực tế đã được duy trì cho đến tận thời Đổi mới (1986) và vẫn còn được coi như một trong những phương cách hữu dụng, cho đến tận hiện nay.

Tuy nhiên, có thể có ít nhiều lý do để suy luận rằng, từ sau Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ hai (tháng 2/1957), trước thực tế là những người từng lên tiếng đòi “mở rộng dân chủ”, “phê bình lãnh đạo” mới chỉ bị phê phán lên án chứ chưa bị trừng phạt, có thể đã có những nỗ lực đẩy tới sự trừng phạt. Về mặt này, vai trò của hai nhà phê bình ở tạp chí Học tập lên tiếng phê phán tuần báo Văn là dữ kiện rất đáng kể. Đương nhiên, các cây bút này rất tiêu biểu cho não trạng đấu tranh ý thức hệ của giới cán bộ tuyên huấn đương thời, và những tác phẩm nào đó bị họ phê phán cũng là điều dễ hiểu. Song, việc họ gây ra cuộc tranh luận giữa tờ báo của giới nhà văn với tờ tạp chí của Đảng, về tác dụng khách quan, đã giữ vai trò “vận động hành lang” ở phía này và khiêu khích từ phía khác. Đối với lãnh đạo cấp cao, hành động của họ rõ ràng mang ý nghĩa “vận động hành lang”. Đối với giới nhà văn, ngược lại, họ đã giữ vai trò khiêu chiến, khiêu khích; hàng loạt nhà văn lên tiếng, trong đó có cả những nhà văn là quan chức trong giới của mình như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi; quả là giới nhà văn đã rơi vào cái bẫy do họ giăng sẵn. Đối với giới lãnh đạo cấp cao, họ giữ vai trò “vận động hành lang” cho cuộc trừng phạt sẽ tới. Chính Nghị quyết 30– NQ/TW đã nhận định khá kỹ về cuộc tranh luận này:

“Cuộc tranh luận giữa tạp chí Học tập và tuần báo Văn gần đây lại là một biểu hiện cụ thể của cuộc đấu tranh giữa đường lối văn nghệ của Đảng với khuynh hướng chống lại hoặc xa rời đường lối đó. Tư tưởng chủ đạo biểu hiện trên tuần báo Văn chính là tư tưởng tách rời đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh, tách rời những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng trong giai đoạn hiện tại, tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Trong một số bài có tính chất lãnh đạo trên tuần báo Văn, chúng ta thấy rõ những quan điểm lệch lạc, mơ hồ, chịu ảnh hưởng của tư tưởng tư sản. Khi tạp chí Học tập có bài phê bình, tuần báo Văn đã phản ứng lại với một thái độ đả kích, thiếu thành thật. Những bài trả lời của tuần báo Văn đã xoáy vào một vài khuyết điểm trong một số dẫn chứng cụ thể và trong lời lẽ phê bình thiếu thận trọng của người phê bình để phủ nhận những ý kiến phê bình căn bản đúng trên tạp chí Học tập”.[17]

Đặt trong không gian rộng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, của sự đối đầu giữa hai hệ thống thế giới đương thời, nhất là khi thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó vẫn rất cần chứng tỏ đang hội nhập vào hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, việc trừng phạt Nhân văn–Giai phẩm ở miền Bắc Việt Nam là không tránh khỏi, trong khi Liên Xô đang đối phó với các biến động ở Đông Âu, Trung Quốc đang trấn áp “các phần tử phái hữu”. Việc trấn áp Nhân văn–Giai phẩm ở miền Bắc diễn ra hầu như đồng thời với việc giới lãnh đạo bắt tay vào công cuộc “đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội”, một cương lĩnh duy ý chí đã dẫn tới công cuộc hợp tác hóa, quốc doanh hóa toàn bộ nền kinh tế, bắt đầu từ 1958 ở miền Bắc và được triển khai trên quy mô cả nước từ sau năm 1975, kéo dài đến giữa những năm 1980, tạo ra nền kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu “bao cấp”, rốt cuộc đã đưa kinh tế quốc dân đến trước nguy cơ sụp đổ, nếu không tiến hành “đổi mới”.

Trong văn cảnh xã hội chính trị miền Bắc những năm 1957-1958, những thay đổi liên quan đến Hội NVVN chỉ là một loại chi tiết trên bức tranh chung.

Ngay trong giới văn học tại Việt Nam thời ấy và thời nay có thể đã có và vẫn còn không ít người cho rằng, bất kể những xử lý đối với những người và việc khi đó có chỗ bất công, không thỏa đáng như thế nào thì những xử lý ấy cũng đã có tác dụng ổn định tình hình để đưa tới mùa màng văn học tương đối khả quan ở miền Bắc những năm 1959-1964, với sự xuất hiện những tập thơ Gió lộng, Trời mỗi ngày lại sáng, Ánh sáng và phù sa, Riêng chung, Tiếng sóng…, những bộ truyện dài như Sống mãi với thủ đô, Sóng gầm, Vỡ bờ…, những tập truyện ngắn truyện vừa xuất sắc như Mùa lạc, Xung đột, Trăng sáng, Đôi bạn v.v…, trước khi bước vào thời kỳ sẽ được gọi là “văn học chống Mỹ cứu nước” (1964-1975). Đây là sự biện hộ rất nên lắng nghe nhưng chắc chắn không thể tán thành.

Nếu những nội hàm “không phân biệt xu hướng chính trị, xu hướng nghệ thuật” trong điều lệ Hội NVVN 1957 đã không có giá trị gì, thậm chí không hề được nhắc đến, cả trong các cuộc đấu tranh tư tưởng ở ấp Thái Hà lẫn trong hàng trăm bài công kích Nhân văn-Giai phẩm trên báo chí đương thời, thì lời tiêu ngữ “Vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” xuất hiện ở manchette báo Văn học từ ngày 25/5/1958 và còn tồn tại đến hôm nay. Liệu những lời ấy sẽ còn được giữ nguyên đó thật lâu dài?

Hà Nội, 30/12/2009

.

Chú thích

[1] Về kỳ Đại hội Toàn quốc năm 1946 của Hội Văn hóa Cứu quốc, xem:

- “Hoan nghênh Đại hội nghị Văn hóa Cứu quốc lần thứ hai”, Tiên phong, Hà Nội, s. 21 (16/10/1946), tr. 1-2.

- Nguyễn Huy Tưởng, “Tiến tới mặt trận văn nghệ”, Tiên phong, Hà Nội, s. 21 (16/10/1946), tr. 3-6.

- “Tuyên ngôn Đại hội nghị Văn hóa Cứu quốc Toàn quốc lần thứ hai”, Tiên phong, Hà Nội, s. 22 (1/11/1946), tr. 1-2.

- “Đại hội nghị Văn hóa Cứu quốc Toàn quốc, họp những ngày 11, 12, và 13 tháng X năm 1946 ở Hà Nội”, Tiên phong, Hà Nội, s. 22 (1/11/1946), tr. 3-4, 16. [tường thuật]

- Nguyễn Văn Bổng, “Ngày hội của lòng em”, Tiên phong, Hà Nội, s. 22 (1/11/1946), tr. 5-7. [tường thuật]

[2] Về Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất, xem:

- Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam, “Hoan nghênh Hội nghị văn hóa toàn quốc”, Tiên phong, Hà Nội, s. 23 (15/11/1946), tr. 1.

- Phóng viên, “Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất 24/11/1946”, Tiên phong, Hà Nội, s. 24 (1/12/1946), tr. 7. [tường thuật]

- [P.V.] “Vì tình thế, Hội nghị Văn hoá Toàn quốc đã bế mạc sau một ngày thảo luận. Hồ Chủ tịch đã đọc một diễn văn khai mạc trong 40 phút; Đã bầu xong một Uỷ ban Văn hoá Toàn quốc để tiến hành công việc”, Cứu quốc, Hà Nội, s. 416 (25/11/1946), tr. 1.

[3] Về việc thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, xin xem:

- “Tin văn hóa: Hội Văn nghệ Việt Nam thành lập”,Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 2 (tháng 4 & 5/1948), tr. 64.

- Anh Nghĩa, “Hội nghị Toàn quốc năm nay của Văn hóa và Văn nghệ”, Văn nghệ [Việt Bắc], s. 3 (tháng 6 & 7/1948), tr. 39-41.

- Hoài Thanh, “Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn nghệ Toàn quốc”, Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 4 (tháng 8/1948), tr. 3-6.

- Xuân Diệu, “Đại hội Văn nghệ, 23, 24, 25/7/1948”, Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 4 (tháng 8/1948), tr. 7-13.

[4] Về sự kiện thành lập Hội Văn hóa Việt Nam, xin xem:

- “Tin văn hóa: Đại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc đã họp trong 5 hôm liền 16-20/7/1948…”, Văn nghệ [Việt Bắc], s. 4 (tháng 8/1948), tr. 62

- Kỷ yếu Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ hai, 1948, Hội Văn hóa Việt Nam xb. [Việt Bắc], 1948.

[5] Nguyễn Xuân Sanh, “Văn nghệ hoạt động: Hướng công tác năm nay”, Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 29 (15/8/1951), dẫn theo: Sưu tập Văn nghệ 1948-1954, tập 4: 1951 và tập 5: 1952, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, 2003, tr. 23.

[6] Hội Nhà văn Việt Nam, Điều lệ (đã được thông qua trong Hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam ngày 4/4/1957), bản in tại nhà in Ngô Việt Viễn, 58 Hàng Trống, Hà Nội, xong ngày 22/10/57, tr. 3.

[7] Xem: Đào Vũ, “Hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam”, Tạp chí Văn nghệ, Hà Nội, số 1, tháng 6/1957, tr. 109-118); Nguyễn Xuân Sanh, “Các nhà văn nguyện đoàn kết, phấn đấu, sáng tạo”, Nhân dân, Hà Nội, 9/4/1957, tr. 3.

[8] Thế Toàn, “Tuần báo Văn và con người thời đại”, Học tập, Hà Nội, s. 7 (tháng 7/1957), tr. 63-68.

[9] Sự đáp lại từ phía nhà văn gồm các bài: Nguyên Hồng, “Tuần báo Văn và một số bài của báo cần được nhận định như thế nào?”, Văn, s. 15 (16/8/1957); Nguyễn Văn Bổng, “Nhận lại phương hướng qua việc phê bình tuần báo Văn”, Văn s. 20 (20/9/1957), Lê Minh, “Xây dựng con người thời đại”, Văn s. 21 (27/9/1957), Tô Hoài, “Góp thêm vài ý kiến về con người thời đại”, Văn s. 22 (4/10/1957); Nguyễn Tuân, “Phê bình nhất định là khó”, Văn s. 23 (11/10/1957); Nguyễn Đình Thi, “Tuần báo Văn với phương hướng sáng tác và phê bình hiện nay”, Tạp chí Văn nghệ s. 5 (tháng 10/1957); Tế Hanh, “Cùng đặt một số vấn đề”, Văn s. 26 (1/11/1957).

[10] Hồng Chương và Trịnh Xuân An, “Phải thấu suốt đường lối văn nghệ của Đảng”, Học tập, s. 8 (tháng 8/1957).

[11] Nghị quyết của Bộ chính trị số 30 – NQ/TW, ngày 6 tháng 1 năm 1958 về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ (Nguyễn Duy Trinh ký), in trong: Đảng CSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 19: 1958, Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 2002, tr. 1-10.

[12] Thời gian hai đợt học chính trị tại Thái Hà nói trên là xác định theo tin tức báo chí tại chỗ đương thời. Về đợt: 1/ “Tin văn nghệ: Hội nghị Văn nghệ Đảng cuối tháng 1/1958”, Tạp chí Văn nghệ, s. 10, tháng 3/1958, tr. 116; 2/ “Tin văn nghệ: Qua cuộc hội nghị văn nghệ Đảng”, Văn nghệ quân đội, s. 3/1958, tr. 63; 3/ Bọn Nhân văn-Giai phẩm trước tòa án dư luận, Hà Nội: Nxb. Sự thật, 1959, tr. 309), – theo các nguồn này thì hội nghị này mở từ cuối tháng 1/1958, như vậy phần lớn thời gian hội nghị diễn ra trong tháng 2/1958, và kết thúc vào dịp nghỉ Tết Mậu Tuất (ngày nguyên đán Mậu Tuất là 18/2/1958). Về đợt 2: Tin: “Lớp học chính trị thứ hai của ngành văn nghệ đã thành công lớn”, Nhân dân 15. 04. 1958, tr. 1.

[13] Theo cuốn sách Bọn Nhân văn-Giai phẩm trước tòa án dư luận (Hà Nội: Nxb. Sự thật, 1959, tr. 309-310), thì những người tham gia Nhân văn–Giai phẩm gồm: Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huế, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai tức Châm Văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn Khắc Dực, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh, v.v…

[14] “Tin: Bọn Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Minh Đức bị bắt”, Hà Nội hàng ngày, thứ bảy 19/4/1958, tr.3.

[15] Theo các bản tin: P.V.: “Ngày 19-1-1960, Tòa án nhân dân Hà Nội đã xử vụ gián điệp Nguyễn Hữu Đang và Thụy An”, Nhân dân, Hà Nội, 21/01/1960 (s. 2135), tr. 1, 6; P.V.: “Ngày 19-1-1960, trước Tòa án Nhân dân Hà Nội, năm tên gián điệp phản cách mạng phá hoại hiện hành cúi đầu nhận tội”, Thời mới, Hà Nội, 21/01/1960 (s. 2188), tr. 4; P.V.: “Bọn gián điệp phản cách mạng phá hoại hiện hành Thụy An, Nguyễn Hữu Đang… đã chịu tội trước pháp luật”, Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 21/01/1960 (s. 688), tr. 4; Nguyễn Vinh: “Phiên tòa công khai ngày 19-1-1960 xử vụ án gián điệp, phản cách mạng, phá hoại hiện hành Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thụy An”, Thủ đô, Hà Nội, 21/01/1960 (s. 195), tr. 4; Hồng Chương: “Bọn gián điệp phản cách mạng Thụy An, Nguyễn Hữu Đang… trước Tòa án Nhân dân Hà Nội”, Văn học, Hà Nội, 05/02/1960 (s. 80), tr. 11, 14.

[16] Tường thuật: “Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà văn lần thứ 4”, Văn học, Hà Nội, s. 5 (5/7/1958), tr. 2, 11; Tin VNTTX: “Các hội văn học nghệ thuật tiến hành việc chấn chỉnh tổ chức”, Nhân dân, Hà Nội, 9. 7. 1958, tr. 2

[17] Nghị quyết của Bộ Chính trị số 30 – NQ/TW, ngày 6 tháng 1 năm 1958 về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ (Nguyễn Duy Trinh ký), in trong: Đảng CSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 19: 1958, Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 2002, tr. 1-10.

© 2010 Lại Nguyên Ân

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: