Wednesday, March 31, 2010

TRUNG QUỐC và MỸ CÒN ĐỤNG ĐỘ NỮA VỀ ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ

Trung Quốc và Mỹ còn đụng độ nữa về đồng nhân dân tệ

Lê Mạnh Hùng
Đăng ngày 30/03/2010 lúc 20:46:52 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4710

Tranh chấp giữa Washington và Bắc Kinh về vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ có triển vọng sẽ trở nên tệ hai hơn trong những tháng tới. Ngày 15 tháng 04 này, Bộ Tài Chánh Mỹ sẽ công bố phúc trình đầu tiên của hai phúc trình bán niên về tiền tệ theo đạo luật được Quốc Hội Mỹ thông qua kể từ năm 1988. Người ta dự trù rằng phúc trình này sẽ nhận định “Trung Quốc có thể được coi là thao túng tỷ giá tiền tệ của mình với mục tiêu là ngăn chặn một sự điều chỉnh hữu hiệu cán cân thanh toán quốc tế hoặc là để có được một ưu thế cạnh tranh không công bằng trong mậu dịch quốc tế”. Kể từ 2003 đến nay, Bộ Tài Chánh Mỹ và Quốc Hội đã tranh luận liên tục mà không ra được quyết định nào về chính sách tỷ giá của Trung Quốc khi thặng dư mậu dịch của nước này mới chỉ bằng một phần sáu hiện nay. Và lần này thì kết quả có thể khác.

Nếu Trung Quốc vẫn cương quyết không nhương bộ trước áp lực của Mỹ thì hầu như chắc chắn Mỹ sẽ đưa vấn đề này ra trước Tổ Chức Mậu Dịch Thế giới. Quan trọng hơn nữa, hầu như chắc chắn đây sẽ là vấn đề nổi bật nhất trong một loạt những tranh chấp song phương, qua đó Mỹ đe dọa sẽ áp đặt một khoản thuế quan trừng phạt lên toàn bộ hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc và Bắc Kinh đe dọa sẽ đổ các công trái phiếu của chính phủ Mỹ ra bán ngoài thị trường. Một cuộc chiến tranh kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ thì sẽ không lợi cho ai cả, nhất là cho Trung Quốc, nhưng có vẻ như là không thể tránh được vì ba lý do.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tài chánh lần này đã kích “shock” Hoa Kỳ và Tây Âu vào một thay đổi lớn trong cung cách sống và cho thấy mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc nay mâu thuẫn với hệ thống kinh tế thế giới. Hoa Kỳ, nước con nợ lớn nhất thế giới, nay sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn và đi vay ít hơn. Những thay đổi này đã bắt đầu ở khu vực tư và khu vực công chẳng bao lâu nữa cũng sẽ phải đi theo. Nhưng chính sách này chỉ có thể có kết quả nếu Trung Quốc, nước chủ nợ lớn nhất, tiết kiệm ít hơn. Nếu tất cả chúng ta ai cũng lo tiết kiệm thì kinh tế thế giới sẽ càng ngày càng rơi vào suy thoái dẫn đến bảo hộ mậu dịch. Hoa Kỳ chắc chắn không thể ngồi yên nhìn kinh tế mình suy thoái thành ra không thể không đòi Trung Quốc có hành động.

Thứ hai, vấn đề căn bản không phải tỷ giá đồng nhân dân tệ mà là sự cứng rắn của chế độ tỷ giá tại Trung Quốc. Trên thực tế, có thể rằng mặc dầu những lời tuyên bố của các giới chức Trung Quốc, Quốc Vụ Viện Trung Quốc có thể sẽ chấp nhận điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân Dân tệ để làm nhẹ bớt áp lực của Mỹ. Nhưng một đồng Nhân Dân tệ yếu chính là tâm điểm của một mô hình phát triển dựa trên xuất cảng và đầu tư. Chính sách tỷ giá hiện nay của Trung Quốc chính là một khoản thuế đánh trên tiêu thụ, mà hiện nay chỉ chiếm có 36% tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong khi là một trợ giá lớn cho xuất cảng. Thặng dư trong tiết kiệm vốn giúp cho mô hình này tồn tại sẽ không giảm sút nếu không có những thay đổi vượt ra ngoài giới hạn chính sách tỷ giá.

Ta có thể thấy thực tế tiết kiệm thặng dư vì sao đã xảy ra trong một nền kinh tế mà đã khiến cho 800 triệu người dân ở thôn quê sống trong tình trạng tụt hậu trong thu nhập và không ổn định trong cuộc sống kinh tế; trong hệ thống “hộ khẩu” ưu đãi những người dân thành thị nhưng buộc hàng triệu những người dân thôn quê lên thị thành làm việc bắt buộc phải tìm cách tiết kiệm một phần quan trọng thu nhập của mình để phòng ngừa những bất trắc; trong tình trạng thiếu thốn một mạng lưới an sinh xã hội; trong mức lời khổng lồ của công ty quốc doanh mà không thể được phân phối cho dân chúng dưới dạng những cổ tức và trong chính sách dân số một con, buộc người ta phải tiết kiệm để dành cho tuổi già. Thay đổi tỷ giá không có ảnh hưởng gì đến những trở ngại cơ cấu này cả.

Thứ ba, chính sách bảo vệ ổn định xã hội bằng mọi giá của các giới lãnh đạo đã dẫn Trung Quốc đi theo một chính sách tiền tệ và ngân sách nguy hiểm. Tuy rằng một số những lời cảnh báo gần đây về một hiện tượng bong bóng kinh tế tại Trung Quốc có thể hơi quá, Trung Quốc không phải chỉ gồm có một số những thành thị và tỉnh ven biển nơi mà hầu hết những chuyện người ta dẫn ra làm bằng chứng xảy ra. Và một nước chuyên chế như Trung Quốc có nhiều khả năng hơn trong việc kiềm chế và giải quyết những vấn đề trong hệ thống ngân hàng (mà hầu hết là quốc doanh) hơn những nước mà kinh tế tự do hơn. Mặc dầu vậy chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn bị làm phức tạp hơn bởi chính sách tỷ giá vốn không tính đúng giá và chi phí của những dự án đầu tư và thúc đẩy một cách không cưỡng lại được một chính sách tiền tệ lỏng lẻo trong đó lãi suất thật (lãi suất mệnh danh trừ tỷ lệ lạm phát) là âm. Chính sách tiền tệ hiện nay của Trung Quốc có nhiều điểm tương tự như chính sách của Mỹ trong những năm 1920 và của Nhật trong những năm 1980. Và người ta đã biết những hậu quả xảy ra của những chính sách này.

Với một dân số 1.3 tỷ người, đông nhất thế giới, và một tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 8% một năm từ hai thập niên nay, Trung Quốc là cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới. Nhưng nếu Trung Quốc không, bằng cách này hay cách khác, tìm thấy được một khả năng bên trong chính chính thể của mình để thay đổi thì những tiến bộ mà người Trung Quốc kỳ vọng không chắc gì được bảo đảm và nếu có tiến bộ được thêm nữa thì cũng không lâu dài.

Lê Mạnh Hùng

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: