Monday, March 29, 2010

BÊNH THAM NHŨNG CÓ HỆ THỐNG

Bệnh tham nhũng có hệ thống

Đinh Từ Thức

29/03/2010 6:20 sáng 1 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=17915

Cùng trong ngày 17 tháng 3, 2010, có mấy tin đáng chú ý:

Thứ nhất là Công ty Tư vấn Rủi ro Chính trị và Kinh tế (PERC – Political and Economic Risk Consultancy) có trụ sở ở Hong Kong mới đây đã xếp Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba trong danh sách các nước xảy ra tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất ở châu Á – Thái Bình Dương năm 2010. Trong bảng xếp hạng 16 nước trong khu vực lần này, Việt Nam chỉ đứng sau hai quốc gia khác là Indonesia và Campuchia.

Thứ nhì là Tòa phúc thẩm ở thành phố HCM tăng gấp đôi mức án trong vụ án mà AFP bình luận là đã khiến Nhật Bản ngưng viện trợ. Tòa tuyên án ông Huỳnh Ngọc Sĩ 6 năm tù giam so với 3 năm ở cấp sơ thẩm, và ông Lê Quả 5 năm tù giam so với 2 năm ở cấp sơ thẩm. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ nguyên là giám đốc sở giao thông công chánh Tp.HCM, đồng thời là giám đốc ban quản lý dự án Đại lộ Đông – Tây và môi trường nước Tp.HCM, còn ông Lê Quả là phó giám đốc. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng hai ông phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” có vai trò tương đương, thuộc vào khung hình phạt 10-15 năm tù.

Trừng phạt tham nhũng ngoạn mục như vậy, tại sao Việt Nam vẫn đứng hàng thứ ba Á châu về tham nhũng? Cũng vào ngày 17 tháng 3, đài VOA đã nêu câu hỏi tương tự với ông Bob Broadfoot, Giám đốc Điều hành PERC[1]:

VOA: Thưa ông, chính phủ bấy lâu nay đã thể hiện quyết tâm bài trừ tình trạng tham nhũng, nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong số các nước có tình trạng tham ô nghiêm trọng, như theo xếp hạng của PERC. Vậy công ty của ông đánh giá ra sao về nỗ lực của Hà Nội?

Ông Bob Broadfoot: Tôi nghĩ đúng là họ đã thể hiện quyết tâm. Đảng Cộng sản Việt Nam biết rằng họ cần phải củng cố quyền lực và biết rằng họ cần phải cho dân chúng thấy quyết tâm chống tham nhũng. Nhưng nguồn gốc vấn đề là nhiều vụ tham nhũng xảy ra ở cấp cơ sở Đảng, thế nên nếu họ tiến hành một phương thức chống tham nhũng một cách có hệ thống, tức là truy tố và trừng phạt ở bất cứ cấp nào, điều đó sẽ làm suy yếu cơ cấu và quyền lực của Đảng.

Chính bởi lẽ đó, họ đã tạo ra các vụ án nổi bật để chứng tỏ với dân chúng là nhà nước có hành động. Khi họ quyết tâm tấn công ai đó, sự trừng phạt rõ ràng nghiêm khắc hơn ở các nước tây Phương. Nhưng họ chỉ xử lý các vụ việc đơn lẻ, không theo hệ thống.”

Ông Bob Broadfoot chỉ biết thỉnh thoảng có “ai đó” bị kết án nặng để trình diễn, mà không biết những gì xảy ra sau đó. Nếu tìm hiểu kỹ hơn, công ty PERC sẽ thấy rằng: nếu ai đó là cán bộ cao cấp của Đảng, thì dù có lãnh án nặng để trình diễn, cái án đó cũng không giống hình phạt dành cho người khác.

Không biết hiện nay các tù chính trị như Nguyễn Văn Đài, Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long… bị đối xử ra sao, nên không dám lạm bàn. Chỉ xin so sánh việc thi hành án tù giữa Lê Thị Công Nhân và mấy nhân vật tham nhũng khác:

Lê Thị Công Nhân, chẳng những không được ra sớm ngày nào, mà ngày mãn hạn tù, mặc dù có mẹ đi hàng trăm cây số đến đợi con ở cửa nhà tù từ sáng sớm, cô vẫn bị trong vòng kiềm tỏa cho đến gần tối mới được áp giải về nhà.

Trong vụ án Năm Cam năm 2003, các ông Trần Mai Hạnh, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, bị 10 năm tù; Bùi Quốc Huy, Thứ trưởng bộ Công an, 4 năm tù; Phạm Sĩ Chiến, Phó Viện Kiểm sát Nhân dân và Thiếu tá Công an Dương Minh Ngọc, mỗi người 6 năm tù, và hàng chục viên chức thấp hơn, đều đã được đặc xá vào năm 2005, sau khi chỉ ngồi tù trên dưới 2 năm.

Gần đây hơn, các ông Mai Văn Dâu, nguyên thứ trưởng bộ Thương mại, bị 12 năm tù vì tội tham ô, và ông Lương Quốc Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao, bị tù 8 năm, can tội hiếp dâm trẻ vị thành niên. Ông Dâu mới thi hành 1 phần 6 án tù, và ông Dũng trên 1 phần 2. Cả hai đều được ân xá dịp Tết Kỷ Sửu, công bố ngày 15 tháng 1, 2009.

Đời sống trong tù cũng khác nhau một trời một vực. Theo Lê Thị Công Nhân trả lời phỏng vấn VOA[2]:

Buồng giam của tôi trung bình có khoảng 60 người. Gần một nửa trong số này là án chung thân. Tôi là người hiếm hoi trong đây bị tù đầu, tức là chưa có tiền án, tiền sự, mà lại án ngắn là 3 năm. Nhà tù thì quá tải. Ví dụ mỗi người đựơc quy định chỗ nằm là 2 mét vuông, mọi người được chiều dài là 2m, nhưng chiều ngang chỉ còn được 60cm, vai kề vai

Nói về bẩn thỉu thì ô uế, hôi thối không thể tả được, vì nhà vệ sinh ở ngay chỗ nằm luôn. Khi vào đấy, tôi cảm thấy là địa ngục cũng không đến mức như vậy

Trước khi chuyển trại 1 tuần, tôi đã nhịn ăn ở Hoả Lò, phản đối việc trại cho chúng tôi ăn quá bẩn thỉu.”

Và nói với báo Người Việt[3]:

Tôi bị cô lập từ khi vào tù đến khi ra”; “Tôi chỉ có thể trao đổi với các người khác một cách bí mật”; “Ở thế kỷ 21 mà cả trăm nữ tù phải tắm như một bầy thú. Người nọ cãi nhau với người kia vì tí nước, trần truồng như vậy.” “Có phòng tắm trong phòng giam nhưng họ không cho tắm vì sợ tắc cống. Không thể tưởng tượng nổi”.

Trong khi tù chính trị Lê Thị Công Nhân bị giam chung với tù hình sự, nhiều người mang án chung thân, hoặc đã từng có tiền án, tiền sự, thì các ông tù tham nhũng Mai Văn Dâu và Lương Quốc Dũng được ở chung với nhau, trong điều kiện dễ chịu hơn nhiều. Theo một bài báo trên Dân trí trước khi hai ông được đặc xá[4]:

Những người ở cùng buồng với hai ông cũng thuộc thế hệ ‘cây cao bóng cả’, nay vào đây với nhiều tội trạng khác nhau. Cách xếp người như thế cũng phù hợp tâm lý, đặc điểm các nhóm phạm nhân bởi dù trên khía cạnh nào, họ khó ‘cụng lưng’ với mấy tay tù hình sự, nghiện ma túy hay những người vị thành niên đua xe, đánh nhau gây thương tích. Bởi vậy, phòng của ông Dâu, ông Dũng thinh lặng hơn, họ kín tiếng và nhã nhặn hơn thường lệ.

Công việc cũng có phần nhẹ nhàng, không xách xô pha trộn bê tông, không cắt đan giày da, bao bì hay cuốc đất trồng rau mà mỗi người được giao chăm sóc cây cảnh hoặc những việc phù hợp tuổi tác. Có lẽ, phong cách gần với cây cảnh, gần với thiên nhiên giúp tâm lý giảm căng thẳng. Nhiều cây cảnh trước trại uốn hình rồng, hình phượng hay kiểu tỉa ngọn xoắn ốc là tác phẩm của ông Lương Quốc Dũng, ông Mai Văn Dâu.

Trời rét, phạm nhân muốn tắm nước ấm thì đăng ký, những người ăn kiêng, ăn theo bệnh lý cũng thực hiện theo chế độ riêng. Các buồng có thêm những phích nước nóng để uống.”

Năm Cam không phải là đảng viên, phải ra pháp trường chịu chết; Lê Thị Công Nhân không phải là đảng viên, phải giam chung với tù hình sự và ở tù đến mãn hạn. Các ông Trần Mai Hạnh, Bùi Quốc Huy, Mai Văn Dâu, Lương Quốc Dũng… nhờ là đảng viên nên được đối xử tử tế, và chỉ phải thi hành từ một phần sáu đến một nửa cái án của mình. Đảng độc quyền lãnh đạo. Phải vào đảng mới có quyền. Phải có quyền mới có thể tham nhũng. Khi bị trừng phạt để trình diễn thì nhờ tư cách đảng viên sẽ được đối xử tử tế và sớm được đặc xá.

Theo ông Bob Broadfoot, đảng không chống tham nhũng có hệ thống. Nhưng đảng bênh tham nhũng có hệ thống.

© 2010 Đinh Từ Thức

© 2010 talawas


[1] http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vietnam-corruption-03-17-2010-88153447.html

[2] http://www1.voanews.com/vietnamese/news/Human-rights-lawyer-speaks-up-after-her-release-03-09-10-87121327.html

[3] http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=109512&z=248

[4] http://dantri.com.vn/c20/s20-303377/ong-mai-van-dau-luong-quoc-dung-truoc-ngay-dac-xa.htm

.

.

.

No comments: