Monday, March 29, 2010

HÀ TIÊN THẬP CẢNH BỊ XÂM HẠI

Hà Tiên thập cảnh bị xâm hại

Thứ Hai, 29/03/2010, 08:29 (GMT+7)

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/370718/Ha-Tien-thap-canh-bi-xam-hai.html

TT - Nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang bị lấn chiếm, xâm hại, trong đó có những di tích nổi tiếng trong Hà Tiên thập cảnh (mười cảnh đẹp của Hà Tiên).

Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Mo So (xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) là di tích cấp quốc gia được công nhận vào năm 1985, hiện là một trong những địa điểm du lịch tham quan nổi tiếng của tỉnh Kiên Giang. Đây là dãy núi đá vôi dài gần 1km, bên trong núi có nhiều hang động chằng chịt, những hang động này có những lớp thạch nhũ rất đẹp...

Thản nhiên chèn lấn

Từ đường vào di tích đến chân núi Mo So, các hàng quán nằm chắn “mặt tiền” vào các hang động. Nằm trọn trong khu vực II của di tích (từ chân núi ra ngoài 50m) nhà cửa của người dân cất dày đặc. Cạnh đường vào di tích có một con mương rộng chừng 4m bị ô nhiễm nặng, rác rưởi đầy ắp.

Không chỉ thế, ngay khu vực I của di tích (khu vực bất khả xâm phạm) nằm trong hang núi cũng có người ở. Hang núi này trong kháng chiến chống Mỹ là xưởng đúc vũ khí của bộ đội, nay là nhà của ông Nguyễn Văn Tư.

“Tôi vào đây sống từ năm 2000, tính đến nay đã 10 năm. Hang rộng và thoáng mát nên tôi vừa ở vừa mở quán nhậu phục vụ du khách” - ông Tư thản nhiên nói.

Khi nghe chúng tôi hỏi về điều kiện sinh hoạt của gia đình, ông Tư cho biết mọi sinh hoạt đều trong hang núi. Cũng trong khu vực I của di tích còn có gia đình người em của ông Tư.

Theo quan sát của chúng tôi, nhà vệ sinh của các hộ sống trong khu vực I được che tạm sát bên vách núi trông rất nhếch nhác và ô nhiễm.

Theo thống kê của Ban quản lý di tích lịch sử và thắng cảnh huyện Kiên Lương, hiện có đến 53 hộ sống trong khu vực di tích (trong đó có 7 hộ sống trước khi di tích được công nhận và 15 hộ tự ý bao chiếm, 31 hộ sang nhượng đất trái phép).

Nghiêm trọng nhất là hai hộ dân sống trong “khu vực bất khả xâm phạm” của di tích.

Ngoài tình trạng nhà cửa lấn chiếm di tích, thắng cảnh Mo So còn đứng trước thực trạng bị... “cô lập”, mất đi vẻ đẹp vốn có khi Nhà máy ximăng Holcim tiến hành khai thác núi chỉ cách di tích chừng 100m.

“Trong tương lai, các ngọn núi quanh khu vực thắng cảnh núi Mo So sẽ được khai thác và san bằng hết, khi đó thắng cảnh này chỉ còn lại một mình trơ trọi trên cánh đồng. Thắng cảnh thiên nhiên chỉ đẹp trong sự liên hoàn và tổng thể xung quanh nó” - ông Nguyễn Minh Kế, trưởng Ban quản lý di tích lịch sử và thắng cảnh huyện Kiên Lương nói.

Danh thắng bị ô nhiễm

Di tích thắng cảnh Thạch Động (thị xã Hà Tiên) là một trong mười cảnh đẹp nổi tiếng của Hà Tiên thập cảnh.

Trong lần kiểm tra mới đây, thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang đã ghi nhận từ cổng chính của di tích đến cửa hang Thạch Động xảy ra tình trạng các kiốt kinh doanh hàng hóa lưu niệm (do Trung tâm Xúc tiến thương mại và du lịch Hà Tiên quản lý) ngay tại khu vực II của di tích. Hoạt động kinh doanh hàng hóa bề bộn, xả đổ rác bừa bãi, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan chung.

Trong những ngày tháng 3, chúng tôi trở lại kiểm chứng thì “cảnh xưa” vẫn như cũ. Ngay đường dẫn vào di tích (đoạn đối diện các bậc thang lên xuống) cơm thừa và vỏ thốt nốt ngổn ngang trông rất nhếch nhác.

Cùng nằm trong mười cảnh đẹp của đất Hà Tiên, di tích thắng cảnh Mũi Nai cũng bị xâm hại nghiêm trọng.

Thắng cảnh Mũi Nai có diện tích trên 14 ha, trong đó diện tích khu vực II là 7,5ha. Hiện nay khu vực này hằng ngày đang gánh chịu ô nhiễm của nguồn nước chưa qua xử lý từ các nhà hàng, dịch vụ thải ra.

Ông Nguyễn Chí Nhân - phó chánh thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang - cho biết: “Không chỉ có thanh tra sở mà thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cũng đã nhắc nhở sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải, đảm bảo nguồn nước thải ra bờ biển không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên việc khắc phục thì chậm trễ”.

Giải thích về vấn đề này, ông Tạ Hiệp - giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và du lịch thị xã Hà Tiên (đơn vị chủ quản) - cho biết do thiếu vốn nên khu du lịch này chỉ mới đầu tư xong giai đoạn một (đầu tư hệ thống cống nước thải) mà chưa đầu tư nơi xử lý nước thải. Vì vậy nhiều đơn vị hoạt động trong khu du lịch xả nước thải chưa qua xử lý ra khu vực thắng cảnh, bãi tắm.

“Việc này làm ô nhiễm bờ biển, vì vậy chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp phải tạm xử lý nước thải bằng cách lắng lọc trước khi thải ra biển. Hiện nay Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch lại khu xử lý nước thải là dời vị trí nhà máy từ bãi trước (giáp biển) ra bãi sau. Quy mô công trình trên 7 tỉ đồng và dự kiến trong năm nay sẽ tiến hành xây dựng”, ông Hiệp nói.

TẤN THÁI

.

.

.

No comments: