Tuesday, March 30, 2010

TƯ CÁCH CỦA MỘT HUYỀN THOẠI

Tư cách của một huyền thoại
Sông Lô

30-03-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7278

- Thưa Đại tá, theo nhiều nguồn tin chúng tôi được biết, trong khoảng 3 đến 4 tháng nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Quân y 108. Ông có thường xuyên vào thăm Đại tướng không ạ?
- Tôi là một trong số ít người được vào thăm Đại tướng thường xuyên.
- Dạ thưa, sức khỏe của Đại tướng tại thời điểm này (25/1/2010) như thế nào ạ?
- Trước đó, cũng có lúc Đại tướng bị mệt nhiều nhưng hiện tại đang có dấu hiệu bình phục. Bác sĩ điều trị trực tiếp nói với tôi rằng Đại tướng có dấu hiệu bình phục tốt nhất trong những bệnh nhân được điều trị tại khu đặc biệt này. Hiện Đại tướng chỉ còn phải thở oxygen ban đêm.
Các bác sĩ đang nỗ lực điều trị và chăm sóc để trong thời gian tới, Đại tướng có thể ngồi xe lăn đi lại.
- Đại tướng có trao đổi, trò chuyện với ông bình thường không ạ?
- Đại tướng vẫn nói chuyện được nhưng không được rõ. Còn tôi nói thì Đại tướng nghe hết. Hiểu hết. Cái gì bằng lòng thì gật đầu. Cái gì không bằng lòng thì lắc đầu.

Trên đây là những mẩu đối thoại giữa phóng viên Bee.net.vn với Đại tá Nguyễn Huyên, thư ký, trợ lý của ông Võ Nguyên Giáp tại số 30 đường Hoàng Diệu Hà Nội được đăng trên trang mạng home.vnn.vn ngày 25-01-2010 lúc 15:30. Chiếu theo tiểu sử thì vào ngày 25 tháng 8 năm 2010 (1) này ông Võ Nguyên Giáp sẽ sống thọ được 100 tuổi. Tuy nhiên trong thời gian gần đây có những đồn đại ông Giáp đã từ trần, hư thật thế nào chỉ những nhân vật chóp bu trong đảng mới rõ.

Gần đây nhất, các báo Việt Nam cũng đồng loạt đưa tin lãnh đạo Bộ Quốc phòng tới thăm ông, xóa tin đồn không đúng về sức khỏe của ông. Các báo đăng lại tin của Thông tấn xã Việt Nam cho hay Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã tới thăm "chúc sức khỏe và mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước sang tuổi 100 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Hà Nội. Bản tin chính thức nói Tướng Giáp đã "nhận hoa chúc mừng và bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng". Tuy nhiên, TTXVN không cung cấp hình mới nhất của ông và bản tin ngắn cũng không cho biết chi tiết gì thêm.

"Theo kinh nghiệm của tôi, ở Hà Nội không một vụ án hay sự kiện tuyệt mật, mật hay nội bộ nào, kể cả vụ đổi tiền, được giữ kín trong 2, 3 ngày. Chỉ vài giờ hay sau 1, 2 buổi, các phó thường dân, từ lái xe, thư ký riêng, các phu nhân, cậu ấm, cô chiêu và bồ bịch của các cụ, quán cà phê các cụ hay lui tới, cho đến bạn thân các nhân vật kể trên đều biết cặn kẽ mọi sự. Họ thì thầm: này, cực bem đây nhé! tuyệt mật đây nhé, chỉ riêng cậu biết thôi đó; và họ lao đi thầm thì từ môi đến tai để tỏ ra vẻ ta đây, biết đầu tiên mọi sự!"

Ông Bùi Tín đã chẳng từng thổ lộ kinh nghiệm của mình là gì. Suy ra, tin đồn tướng Giáp từ trần chỉ là một tin đồn không có cơ sở. Tuy nhiên việc ông Giáp từ trần hay đang nằm bệnh vốn là đương nhiên của một người với số tuổi như ông. Vấn đề ở đây là với số tuổi và sự nghiệp đồ sộ như đảng CSVN đã vinh danh, ông Giáp đã làm gì cho dân, cho nước và xa hơn là cho đời mới là mục đích của người viết.


Theo những thông tin phổ biến trên những trang mạng bằng tiếng Việt cũng như trong nội bộ của một số đảng viên đảng CSVN thì vào năm 1987 Hội nghị các nhà nghiên cứu quân sự hàng đầu Thế giới được tổ chức ở Thủ đô Luân Đôn (London) đã nhất trí bầu ông Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam là 1 trong số 10 vị tướng huyền thoại xuất sắc nhất của nhân loại ở mọi thời đại. Việt Nam có 2 danh tướng trong danh sách ngoài ông Võ Nguyên Giáp cón có đức Trần Hưng Đạo.

Đây là một trong số những thông tin của người VN trong nước đã tự hào nói về ông Võ Nguyên Giáp, thật hư thế nào về cuộc bầu chọn trên cũng cần phải kiểm chứng, không chỉ vì là thần tượng để rồi tưởng tượng theo cảm tính mà phóng đại. Lấy ví dụ như trước đây đảng CSVN đã huyền thoại hóa cây đuốc sống Lê Văn Tám, Kim Dồng hay đưa tin sai lạc về ông Hồ rồi tự cho ông là nhà văn hóa thế giới được Unesco công nhận, v.v...

Theo tài liệu của đảng CSVN, ông Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại Tướng lúc 37 tuổi, đây cũng là quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân Đội CS Việt Nam. Tính đến tháng 7/2009 CSVN đã có 12 nhân vật trong quân đội được phong quân hàm Đại Tướng trong đó có 2 nhân vật được đặc cách phong hàm Đại tướng không qua các cấp trung gian là ông Võ Nguyên Giáp (1948) và ông Nguyễn Chí Thanh (1959).

Với câu hỏi của phóng viên nước ngoài về việc dựa vào đâu và vào tiêu chuẩn nào để phong quân hàm tướng cho các sĩ quan trong quân đội? ông Hồ đã trả lời: "Ai đánh thắng đại tá thì phong đại tá, ai đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, ai đánh thắng trung tướng thì phong trung tướng và lẽ dĩ nhiên ai đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng".

Cũng theo tài liệu của đảng CSVN cho biết, với tiêu chí phong tướng mà ông Hồ đã trả lời với báo chí thì suốt cuộc đời binh nghiệp của ông Giáp, ông đã lần lượt "đọ sức" và cho "đo ván" tất tần tật 10 đại tướng của Pháp và Mỹ (4 Pháp và 6 Mỹ), Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông Giáp vẫn thường gọi ông là "Đại tướng 5 sao", Tướng Westmoreland gọi ông là "Tướng huyền thoại"(2). Thượng tướng Trần Văn Trà thì mệnh danh ông là tư lệnh của tư lệnh…

Riêng mới đây trong bài viết Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chân dung một huyền thoại của luật sư Cù Huy Hà Vũ có đoạn viết về ông Võ Nguyên Giáp như sau:

“Nghe nói trong mười danh tướng xuất sắc nhất từ cổ chí kim được một số nhà nghiên cứu lịch sử có uy tín thế giới bầu chọn thì Việt Nam được đại diện những hai lần: Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Để được đứng vào danh sách đó, danh tướng được đề cử phải thỏa mãn 3 điều kiện: xây dựng quân đội, đánh trận giỏi và có lý luận quân sự. César của La mã không được chọn chỉ vì không để lại tác phẩm quân sự nào. Cả ba tiêu chí trên, Võ Nguyên Giáp không những thỏa mãn mà còn đáp ứng một cách nổi trội. Không như các danh tướng khác, Võ Nguyên Giáp không có đội quân nào để thừa kế mà phải bắt đầu từ “con số không” theo đúng nghĩa đen của từ này: lo từ tìm cấp phó cho tiểu đội trưởng, từ mở lớp cứu thương lo đi, tất bật chẳng khác nào một bà nội trợ. Đánh trận giỏi thì chả phải đợi đến sau này mà ngay hai trận đầu ra quân - Phai Khắt và Nà Ngần- đã làm phía Pháp phải nhìn nhận ông là “cao thủ” (exécutés de main de maitre). Và chỉ riêng nguyên lý “thay đổi cách đánh hay là chết” trên cơ sở cập nhật tương quan lực lượng giữa các bên tham chiến cũng đã đủ đưa Võ Nguyên Giáp vào hàng “đại gia” trong lý luận quân sự.”

Ông từng giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngoài ra ông còn giữ những chức vụ khác như: Phó thủ tướng chính phủ, Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban khoa học nhà nước, Chủ tịch ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch.

Từ khi nắm quyền Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu ông đã được đảng CSVN đánh giá như sau:

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tác giả của chiến thuật chiến tranh du kích được nhiều người xem như một huyền thoại quân sự thế giới khi chỉ huy một đội quân nhược tiểu đánh bại những cường quốc lớn.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã có công xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12 năm 1944 thành một đội quân với hơn một triệu người năm 1975. Ông đã chỉ huy tốt quân đội trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, với nỗi hổ thẹn của Quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam, với học thuyết "Chiến tranh Nhân dân", với toàn bộ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

- Nhiều tờ báo của Đảng, của Quân đội, cũng như của công chúng và các kênh truyền hình trong quá khứ đã luôn nhắc đến ông như là một thiên tài quân sự kiệt suất của người Việt. Thông tin chính thống gần đây cho biết: Trong suốt thời kỳ chiến tranh tất cả các ý kiến của Tướng Giáp đều được Bộ Chính trị tiếp thu và tán thành, chứng tỏ ông là người có viễn kiến chiến lược.

- Danh tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ bó hẹp ở Việt Nam mà bạn bè năm châu bốn biển khi nhắc đến tên Võ Nguyên Giáp đều bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc, các dân tộc châu Phi và Mỹ La tinh tin rằng chiến thắng Điện Biên Phủ do ông chỉ huy là khởi nguồn cho nền độc lập hôm nay của họ. Kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số đầu tiên, Time Asia đã ra số đặc biệt giới thiệu các "Anh hùng châu Á", gồm các nhân vật làm thay đổi cục diện châu lục trong những thập kỷ gần đây. Những nhân vật được giới thiệu gồm Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bách khoa toàn thư của Mỹ khi nói về quân hàm của ông luôn viết rằng Võ Nguyên Giáp là “Đại tướng 5 sao” để nói đến một phẩm hàm tột đỉnh, mặc dù trên vai ông luôn luôn là quân hàm mang 4 ngôi sao 5 cánh như nhiều vị đại tuớng Việt Nam khác.

Ai muốn leo lên đỉnh cao ngồi phải chấp nhận mọi trận gió thổi vào mặt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không là ngoại lệ. Đối với những người CSVN hay những người dân sống trong lòng chế độ chỉ được phép biết những thông tin một chiều hay nói theo kiểu nhà nước CHXHCNVN là thông tin lề phảI Thiếu vắng thông tin của lề trái hay những thông tin đa chiều thì việc chỉ biết khen tặng, tôn vinh hoặc hạ bệ thậm chí sỉ nhục bất cứ một ai mà đảng muốn là điều không lấy gì lạ và ông Võ Nguyên Giáp cũng không ngoại lệ.

Sau đây người viết cũng đưa ra những phần đánh giá và thẩm định ngược dòng về ông Giáp như sau:

- Về tài năng quân sự và cầm quân của tướng Giáp cũng rất tương đối và hạn chế trên căn bản lãnh đạo tập thể, theo nhận xét của ông Bùi Tín, ông Giáp rất ít khi có mặt ngoài trận địa. Ông không hề vào chiến trường Miền Nam. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, từ năm 1949 ông Giáp luôn có cố vấn Trung Quốc đi kèm.

- Nếu đem chuyện đánh bạc ra để ví von cho việc cầm quân thì ông Võ Nguyên Giáp là một người đánh bạc không bao giờ sợ hết tiền, ý nói ông Giáp đã có 1 lượng quân số bất tận được lấy ra từ đông đảo nông dân nghèo, ít học, dễ dụ để ông có thể dùng cả chiến thuật biển người thí quân một cách bừa bãi. Hai Tướng Marcel Bigeard của Pháp và William Westmoreland của Hoa Kỳ tuy nể trọng ông nhưng cả hai đều phê phán là ông thí quân quá nhiều và rất vô trách nhiệm đối với vấn đề tù binh bị chết và mất tích. Tựu trung, ông Giáp vô trách nhiệm với mạng sống con người.

- Đem chuyện thưởng phạt của quân đội các nước dân chủ trên thế giới đối chiếu với quân đội nhân dân CSVN thì nếu là tướng của những nước này tướng Giáp đã bị cách chức lâu rồi! Vì dưới quyền chỉ huy của ông, chiến sĩ và nhân dân chết quá nhiều, cái giá phải trả về nhân mạng quá cao, số người chết và bị thương gấp nhiều chục lần so với quân Pháp và quân Mỹ.

- Về việc xây dựng quân đội của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không thể bảo là ông đã xây dựng một quân đội từ 34 người năm 1944 thành hơn 1 triệu người vào năm 1975. Trong việc xây dựng này là công của tập thể, của đảng.

- Trong trận chiến Điện Biên Phủ ông Võ Nguyên Giáp chỉ là người thi hành kế hoạch do cố vấn Trung Cộng là Vy Quốc Thanh đề ra. Chính các cố vấn Trung Cộng đã giúp ông trong các chiến dịch biên giới, Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Trung Cộng đã tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ 8286 tấn vũ khí, lương thực, v.v... Cố vấn Trung Cộng có mặt ở mọi đơn vị, họ đã giúp điều khiển cũng như bố trí pháo binh tạo sự bất ngờ cho quân đội Pháp. Sự giúp đỡ của Trung Cộng không ngừng ở chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, mà vẫn được tiếp tục trong cuộc chiến xâm lăng miền Nam 1954-1975.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp không có tư cách của một vị tướng vì nếu có thì ông không thể nào nhắm mắt làm ngơ khi mà một số thuộc cấp tay chân của mình bị phe nhóm của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ hãm hại và ngay cả chính ông cũng bị hạ nhục nhưng vẫn nín thở qua sông chấp nhận không phản ứng. Bằng chứng là từ một Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân lừng lẫy ông bị nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ điều sang làm Chủ tịch ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch, ông vẫn ngoan ngoãn thi hành. Thế là nhân dân cả nước đồn thổi những câu thơ châm biếm hóm hỉnh mà cũng rất ư là cay đắng như:

Ngày xưa Bộ trưởng Quốc phòng
Ngày nay thủ trưởng đặt vòng tránh thai

Ngày xưa Bộ trưởng cầm quân
Ngày nay thủ trưởng cầm quần chị em
Theo ông Bùi Tín sau ngày 30/4/75, hai ông Lê Duẩn và Lê đức Thọ vẫn tiếp tục trù dập ông Giáp. Đầu năm 1976, hai người này đã không để ông nắm quân đội cũng như loại các tướng phe cánh của ông thuộc Bộ quốc phòng, Tổng Tham mưu.

Ông Bùi Tín còn cho biết thêm, hồi ấy sau Cải cách ruộng đất với những sai lầm kinh khủng, Tổng bí thư Trường Chinh mất chức, hai ông Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ ở miền Nam ra, bắt đầu có chức trọng quyền cao, ra sức củng cố quyền lực. Tướng Giáp với hào quang Ðiện Biên Phủ, lại được ông Hồ Chí Minh tín nhiệm chọn để đứng ra ổn định tình hình là trở ngại tiềm tàng trên con đường thâu tóm quyền lực của cặp Duẩn - Thọ. Thế là vụ án tưởng tượng “xét lại - chống đảng, làm gián điệp cho nước ngoài” hình thành, với hơn 30 công thần bị thí bỏ. Riêng Tướng Giáp yên vị vì được lãnh tụ che chở; ông hú vía, dửng dưng trước bi kịch tra vấn tù đày của đồng chí thân cận, miễn là riêng mình an toàn (cho đến nay những ngôi sao tướng trên vai ông như xỉn hẳn vì cái sự thiếu "dũng" này).

- “Trong suốt thời kỳ chiến tranh tất cả các ý kiến của Tướng Giáp đều được Bộ Chính trị tiếp thu và tán thành". Đánh giá này có được trung thực hay không khi mà trong cuộc chiến chống Mỹ, ông Giáp đã bị hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ vô hiệu hoá nên làm sao có thể tạo được công trạng ở vị trí của ông lúc bấy giờ? Lại nữa, chính ông đã kể lại một câu chuyện thật lịch sử trong cái gọi là chiến tranh chống Mỹ cứu nước như sau:

“Năm 1971, còn gọi là chiến dịch đỏ lửa tại thành cổ Quảng Trị. Khi đó, tôi vẫn lấy phương châm tiến công như mọi khi: "Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy yếu tố bất ngờ để tạo thế chủ động, làm địch trở tay không kịp". Cứ dùng chiến tranh du kích tiêu diệt hàng ngày, hàng giờ, hết đêm này sang đêm khác để địch suy tổn lực lượng rồi đánh cấp tập một trận giải phóng dứt điểm thành cổ như mọi trận khác vẫn diễn ra từ trước đến nay. Không ngờ quan điểm của tôi bị ông Lê Duẩn bác bỏ không thương tiếc. Giữa hội nghị, anh Ba đập tay xuống bàn, quát: – "Thế là giảm sút ý chí chiến đấu. Phải cho địch biết thế nào là quả đấm chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Vì vậy tôi yêu cầu: Cứ đánh vỗ mặt thành cổ Quảng Trị cho tôi. Sống chết, đúng sai tôi chịu trách nhiệm.”

Kết quả trong suốt 60 ngày đêm của chiến dịch thành cổ, cứ 5 giờ 30 phút chiều, khi trời bắt đầu nhập nhoạng tối, một đại đội ta có mặt ở bên này bờ sông Thạch Hãn, lặng lẽ bơi sang để đánh vỗ mặt thành, 8 giờ 30 phút bơi trở về chỉ còn được mươi, mười lăm người. Lần nhiều nhất là 35 đồng chí (cả lành lặn, cả bị thương). Lần ít chỉ còn 5, 7 đồng chí thương tích đầy người, thậm chí có lần cả một khúc sông, không một bóng người, chỉ có tiếng gió hú ghê rợn như những âm hồn vọng vang khắp đáy sông. Như vậy, trung bình mỗi ngày ta tiêu hao một đại đội chủ lực (khoảng 135 đồng chí), và 60 ngày đêm tấn công thành cổ cũng là 60 ngày đêm ta mất gần một vạn người, biến thành cổ Quảng Trị thành nấm mồ chôn biết bao nhiêu thanh niên Việt Nam.”


-Trần Quỳnh, Phó Thủ tướng từ năm 1976 đến 1984 cũng như Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Đoàn Khuê, những nhân vật quyền lực của đảng CSVN vào năm 1996 cũng đã công khai nói toạc ra rằng ông Võ Nguyên Giáp đã từng là con nuôi của trùm mật thám Pháp Marty và nhờ đó ông mới được nhập học vào trường Albert Sarrault, một trường dành cho con cái của thực dân Pháp cũng như của quan lại Nam triều.

Đổi lại, cũng vì phương vị con nuôi này của ông Giáp mà đã có biết bao chiến sĩ quốc gia ái quốc và tổ chức chống thực dân Pháp bị chỉ điểm và bị bức hại. Cũng trong hồi ký đánh máy của Trần Quỳnh được đưa ra năm 1994 kể rằng ông Giáp phạm tội làm gián điệp cho Liên Xô, đã bị loại ra ngoài Bộ Chính trị nhưng không công bố. Ngoài ra ông còn bị cho là người không có đạo đức, vì đã gian dâm với vợ nhà văn Đào Vũ khi bà nầy dạy piano tại tư gia của ông.

Mới đây, ông đã tạo nên một điểm son ở phần cuối đời, ông đã có nhiều góp ý về các sự kiện gọi là lớn của đất nước. Tiêu biểu là việc góp ý báo động về tình hình cực kỳ nghiêm trọng tại Tổng cục II cũng như dự án Bauxite ở Tây nguyên. Riêng dự án Bauxite ở Tây nguyên không dưới 3 lần, ông đã viết thư yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dừng dự án này, vì lý do an ninh quốc gia và vấn đề môi trường.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng hay anh hèn của dân tộc Việt Nam? Bằng những nguồn thông tin nhiều chiều, đáng tin cậy cùng những bằng chứng thực tế, những phân tích khoa học, những nhận định khách quan, thấu đáo tự mỗi người có thể đánh giá mà trả lời câu hỏi trên. Người viết chỉ có tham vọng là cố gắng làm sao thu nhặt những tài liệu, những thông tin đáng tin cậy về thân thế, sự nghiệp và tư cách của vị tướng mà đảng CSVN cho là "huyền thoại" này.

Trong bài viết "Tự Hào Dân Tộc" của tác giả Trần Văn Giang có kể một mẩu đối thoại giữa đại sứ nước CHXHCNVN với quốc vương Thái Lan như sau:
”Nước Việt Nam chúng tôi rất tự hào vì đã đánh thắng 3 đế quốc.”

Quốc Vương Thái Lan điềm đạm trả lời vị đại sứ VN là:

“Nước Thái lan chúng tôi cũng rất tự hào vì không phải đánh nhau với một đế quốc nào cả!”

Câu trả lời trên của Quốc Vương Thái Lan đáng để người VN chúng ta suy ngẫm.

Phải chăng đất nước VN vốn đã bất hạnh càng thêm bất hạnh khi mà ở thế kỷ 20 đã có những người VN theo cộng sản làm chính trị lắm mưu xảo như ông Hồ, có một ông tướng "huyền thoại" cộng sản không có dũng khí và vô trách nhiệm như Đại tướng Võ Nguyên Giáp?


Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính, biên tập và minh hoạ và chú thích.

(1) Ngày sinh của Tướng Giáp còn những nguồn khác ghi lời Võ Nguyên Giáp nói ông sinh năm 1911 (Senior General Vo Nguyen Giap remembers by Currey, Cecil B, Journal of Third World Studies, Fall 2003). Tài liệu khác, Vo Nguyen Giap, Commnad and Leadership Series của Joint Services Command And Staff College, October 2008 ghi Võ Nguyên Giáp sinh năm 1912.
(2) Trong một cuộc phỏng vấn với W. Thomas Smith, Jr. của Tạp chí Geogre (November 1998), Westmoreland chỉ trích sức mạnh chiến trường chiến của đối thủ , Đại tướng Võ Nguyên Giáp của CS Bắc Việt. “Tất nhiên, ông [Giáp] là một đối thủ ghê gớm,” Westmoreland nói với phóng viên của Tạp chí George, “Tôi cũng xin nói rằng, Giáp đã được đào tạo đánh trậnh bằng đơn vị nhỏ, với chiến thuật du kích, nhưng ông khăng khăng tiến hành cuộc chiến ở mức đại đơn vị và gây thiệt hại khủng khiếp cho binh lính của ông ấy. Chính ông ta xác nhận, vào đầu năm 1969, tôi nghĩ, ông hy sinh một nửa triệu binh sĩ. Chính ông ta báo cáo như vậy. Sự không đếm xỉa đến mạng sống con người có thể đã làm cho ông ta là một kẻ thù ghê gớm, nhưng điều đó không làm nên một thiên tài quân sự. Sĩ quan chỉ huy Mỹ thí quân như thế e rằng sẽ khó tại chức hơn một vài tuần.”

.

.

.

No comments: