Monday, March 29, 2010

CÔNG DÂN SIÊU HẠNG MỘT hay NHÀ ĐỘC QUYỀN CÔNG LÝ ?

Công Dân Siêu Hạng Một hay Nhà Độc Quyền Công Lý?

http://taphopthanhniendanchu.org/index.php?option=com_content&view=article&id=805:cong-dan-sieu-hng-mt-hay-nha-c-quyn-cong-ly&catid=67:tp-chi-phia-trc&Itemid=82

-Từ phiên xử tội yêu nước đến mặt thật của “nền pháp quyền Xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam -

Bạn có biết ở nước Việt Nam ta có ít nhất 3 hạng con người? Thực chất sự phân loại này đã tồn tại dưới các triều đại phong kiến, nay không hiểu vì cớ gì vẫn không xó bỏ được giữa thế kỷ 21 văn minh hiện đại. Nếu không biết điều này thì bạn cũng không nên buồn, bởi vì còn rất nhiều người không biết giống như bạn, hoặc biết nhưng nhu nhược nên như không biết.

Loại 1 và 2

Với phiên tòa xử 4 đảng viên Đảng Dân Chủ Việt Nam vừa rồi, qua các triệu chứng lạ được ghi nhận bởi vô số nhà chẩn bệnh uy tín từ nhiều quốc gia, ắt sẽ thành lý do để người Việt Nam viết lại sách. Rất có thể bản giảm tải năm tới ghi rõ như sau: “Công dân Việt Nam được chia làm 2 hạng. Công dân trong mỗi hạng đều bình đẳng với đồng loại mình, nhưng hai kiểu bình đẳng đem so với nhau thấy khác”.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong phiên tòa chính trị vừa qua, người ta đã ghi nhận một loại công dân được chính quyền ưu ái đặc biệt. Độ 200 công dân loại này đã được xe biển xanh tìm tới tận nhà, mời đi xem xét xử. Để bồi thường tổn hao thể lực của hai tiếng ngồi vỗ tay, vị Bao Công hào phóng của chính quyền nhân dân đã biếu mỗi người 50.000 VNĐ tiền công quỹ. Được trả tiền công, lại được đi xe công, nếu tấn tuồng có gì sơ suất khiến những công dân này phải phật lòng, thì chỉ có thể là do ban tổ chức quên phát bỏng ngô miễn phí.

Những công dân thuộc loại thứ hai, ngược lại, chẳng có xe đưa rước, chẳng được trả tiền, cũng chẳng được phát bỏng ngô. Nhưng xem ra họ còn được chính quyền chăm sóc chu đáo hơn loại 1. Người ta đã không tiếc mồi hôi và phí tổn để điều động cả rừng cảnh phục, súng ống và dùi cui chỉ để ngăn toàn thể loại công dân thứ hai bén mảng quanh nơi xử án. Một số anh dân đã được cơ quan an ninh ân cần gô cổ, cẩn thận tháp tùng tới tận bàn trà của đồn công an vì tội dại dột ngồi uống cà phê trong các quán gần nơi, và đúng lúc cuộc thực thi công lý… mật đang diễn ra.

Gia đình các bị cáo may mắn hơn. Sau khi bị lột sạch những công cụ trót mang hơi hướm của nền văn minh trái đất sau công nguyên như điện thoại, máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim, họ cùng các phóng viên bị nhồi chung vào một phòng cách ly, căng mắt theo dõi cơn hoạn nạn của con em mình qua một màn hình vừa mờ vừa cũ.

Loại 0, hay siêu 1 hảo hạng

Nói về phiên tòa, sáu vị trong Hội đồng xét xử, những ông mặt sắt cầm cân nảy mực, những người thừa hành chính nghĩa, nắm quyền sinh sát trong tay đều là đảng viên Cộng Sản. Rừng dùi cui và súng ống chiếm đóng phòng xử hôm ấy đều phải nhất nhất trung thành với đảng Cộng Sản theo qui định của hiến pháp, và theo luật lệ của đồng tiền lương. “Quần chúng” đến dự, xin hân hạnh giới thiệu, đều là những đảng viên Cộng Sản hưu trí. Như thế, trong cuộc xử kín hôm 20 tháng 1, cùng với các luật sư của mình, bốn người tù chính trị bị cáo buộc hoặc tham gia đảng Dân Chủ Việt Nam, hoặc móc nối với đảng Dân Chủ Việt Nam đã bị bao vây bởi một hội đồng hoặc tham gia đảng Cộng Sản Việt Nam, hoặc cấu kết với đảng Cộng Sản Việt Nam, trong tay lăm lăm súng đạn, dùi cui, và quyền định đoạt công lý.

Một công dân ăn gan hùm nào đó đã từng “vu cáo” đảng Cộng Sản vừa đá bóng, vừa thổi còi trong trận tranh quyền làm chủ đất nước với… nhân dân. Tôi thấy anh này nhận thức lệch lạc nên không hiểu vấn đề. Phải nói lại cho đúng hơn: trong trận tranh hùng với dân, Đảng ta đã vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa tự tiện soạn luật bóng đá.

Ứng cử viên trong cuộc bầu gồm những vị nào là do Mặt Trận Tổ Quốc quyết định. Mà Mặt Trận Tổ Quốc lại là một tổ chức con của đảng Cộng Sản. Thế là nhân dân được tự do bầu chọn những ứng viên nào đảng Cộng Sản cho phép.

Thế thảo nào tuyệt đại đa số “đại biểu nhân dân” là đảng viên Cộng Sản. Thảo nào luật pháp Việt Nam, kết tinh công sức ngồi nhắn tin và ngủ gật của họ trong các buổi họp hành lại lắm những luật lạ: qui định đảng Cộng Sản là lãnh đạo đất nước, quân đội và công an phải vệ đảng trước vệ quốc, trung với Đảng trước trung với dân. Thảo nào lời nói đầu trong bản hiến pháp Việt Nam hiện hành có 530 chữ, nhưng chỉ có 53 chữ được dành cho 4000 năm lịch sử của nước Việt Nam. Phần còn lại, chiếm tròn 90%, dùng để ca ngợi công ơn của đảng Cộng Sản với nước, với dân. Thế rốt cuộc nó là hiến pháp của nước Việt Nam, hay là quyển sổ ghi nợ của đất nước và nhân dân Việt Nam, do vị chủ nợ quang vinh tuỳ tiện sáng tác?

Thì ra là thế…

Khi được Đảng và nhà nước tạo điều kiện cho nói lời cuối cùng trong phiên xét xử, luật sư Lê Công Định đã bộc bạch:

“Thứ nhất xét về hành vi khách quan, luật pháp và hiến pháp của Việt Nam đã quy định và bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của đảng CSVN đối với nhà nước và xã hội Việt Nam. Cho nên là những lời kêu gọi đa nguyên đa đảng mặc nhiên là muốn thể hiện ý muốn thay đổi thể chế chính trị hiện nay. Và những tổ chức nào chủ trương đa nguyên đa đảng thì như vậy là đương nhiên vi phạm vào điều 79 theo định nghĩa của điều 79 của luật hình sự”.

Thì ra là thế. Thì ra là trong số những người đã, đang và sẽ còn lao mình vào nhà ngục với tội trạng “lật đổ chính quyền nhân dân”, chẳng ai ham hố làm ông vương ông tướng gì, cũng chẳng ai mong mỏi xoá bỏ sự tồn tại của đảng Cộng Sản vì những thù hằn cũ. Họ chỉ mong mỏi xây dựng cho đất nước một nền chính trị đa đảng đa nguyên, trong đó đảng Cộng Sản không còn hưởng những đặc quyền đặc lợi tự ban phát, không còn là những ông vương ông tướng độc tôn quyền hành của nước Việt Nam, mà được dành một chỗ đứng ngang hàng với mọi chính đảng khi đại diện cho nhân dân và chăm lo việc nước.

Dự định cao đẹp này chắc chắn không được háo hức chia sẻ vởi một đảng cầm quyền tề tựu đông đủ các vị quan tham vừa mê tít quyền lực, vừa tài năng và đức độ tới nỗi chẳng dám mơ tới chiến thắng trong các cuộc bầu cử đa đảng, cũng như mọi ông bạo chúa đã chẳng chịu từ bỏ ngai vị để ích nước lợi dân. Đảng Cộng Sản đã nắm cả quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp trong tay. Và “đạo đức cách mạng” sẵn có đã giục họ nhanh tay qui sự nghiệp đấu tranh vì một nền dân chủ và lẽ công bằng ở nước Việt Nam thành một tội phạm thượng phải chém.

Nghĩ mà xem, các loại công dân nói trên đều thuộc giống người, và cùng sống ở nước Việt Nam. Họ vẫn tương đồng với nhau về nhiều đặc điểm hình thể, chẳng hạn như số con mắt, số lỗ miệng, lỗ tai, dù tần suất tự do sử dụng những cơ quan này có khác nhau ở hai loại, điều có thể gây hiện tượng tiêu biến. Và dù trong mọi phát ngôn không bí mật, những công dân loại 1 và siêu 1 vẫn thường nhũn nhặn tự xưng là đầy tớ của các đồng bào loại 2. Có đầy tơ nào tự quyền định đoạt công lý và ăn trên ngồi trước cả chủ của mình không?

Phan Thủy
©Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC

(Hết phần 1)

Download tại đây TCPT số 31:

Bản PDF – HD
Bản PDF – Standard
Bản PDF – Mini

Phần 2

Những công dân siêu hạng ăn trên ngồi trước có những cách cầm cân nãy mực “siêu đẳng” đến nỗi công dân hạng 2 chỉ biết kêu trời không thấu, kêu đất không nghe.

Khi công dân siêu hạng xử án

Trong phiên toà ngày 20 tháng 1, Trần Huỳnh Duy Thức đã để lộ một thông tin “tuyệt mật”: các nhà điều tra giàu óc tưởng tượng kia đã phải dùng nhục hình để buộc anh kí nhận tội. Trong khi đó, Lê Thăng Long cũng bác bỏ hoàn toàn cáo trạng dành cho mình với cùng lý do. Trước đó ít lâu, ông Trần Anh Kim, một tù chính trị khác cũng đã làm điều tương tự.

Điều đáng thắc mắc là cho tới nay vẫn chưa có ông quan ông cớm nào dốc hết can đảm xuất hiện trước ống kính máy quay để phủ nhận lời buộc tội đến từ đám dân “phản loạn”. Thêm vào đó, hơn 700 tờ báo hợp pháp nước mình cũng đã rủ nhau “lú lẫn tập thể” như không hay biết cái chuyện “nhục hình” đầy giật gân kia. Và nếu lời tố cáo của các bị cáo là dối trá, thì mục đích của việc bộ phận xử lí âm thanh trong tòa án đã bị gây nhiễu là gì?

Trong vụ PCI, phía Nhật đã có chứng cứ cho thấy ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã nhận hai triệu rưỡi đôla Mỹ tiền hối lộ. Đảng ta đã bắt ông trả giá cho hành động to như củ khoai này bằng một bản án lệ ba năm, với tội danh như con kiến nhờ có “nhân thân tốt”. Công dân hạng hai càng ngán ngẩm hơn khi cuối nắm 2009 còn “lòi” ra vụ Securency, trong đó công ty in tiền polyme “đút túi sơ sơ”…mười hai triệu đô la Úc cho các quan Việt Nam mình. Công dân hạng hai XHCN chờ dài cổ mà cũng chẳng thấy ai bị phạt, nhìn mấy cái khẩu hiệu chống tham nhũng nằm chèo queo.

Nào đâu đã hết, dân đen lại nghe “lao xao” chuyện bauxite Tây Nguyên – một thương vụ hủy hoại khủng khiếp môt trường sống, tài nguyên và an ninh quốc gia. Theo trình độ luật “cấp ba trường làng tiêu chuẩn luật quốc tế” của thảo dân thì ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị cho là vi phạm từ luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ di sản văn hóa, luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật, cho tới cả luật quốc phòng. Vì những tội này, ông bị kiện bởi luật sư Cù Huy Hà Vũ.

Chưa biết ai đúng ai sai thế nào nhưng…hỡi ơi “những điều trông thầy mà đau đớn lòng”: đơn kiện đã bị trả lại với lý do cũng không kém phần “trời ơi đất hỡi” – “luật nhà nước chưa có mục xử lý Thủ Tướng”!? Thảo dân nghe qua mà rợn người, té ra “mọi công dân không bình đẳng trước pháp luật”.

Những vụ án vì cong

Mấy hôm nay nay thảo dân đứng ngoài nghe ngóng thì thấy nhiều công dân yêu nước bị bắt bớ theo tinh thần “siết chặt” của Đảng ta. Trình độ thảo dân có hạng, chỉ nghe ngóng được vài chuyện kể ra cho công dân hạng hai chúng ta giải trí.

Số là Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, kỹ sư tin học tốt nghiệp ở Pháp, người sáng lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, đã hân hạnh lọt vào top 16 đứa con tài giỏi nhất, đức độ nhất, và … “phản động” nhất của dân tộc Việt Nam vì tội dám viết thư cho Đại hội khoá X. Thư rằng: “Ở các nước tiến bộ chỉ có khái niệm ‘Nhà nước pháp quyền’, nghĩa là mọi công dân ‘sống và làm việc theo pháp luật’. ‘Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ là một khái niệm tôi hoàn toàn không hiểu. Không hiểu Đảng và Nhà nước lấy định nghĩa này ở đâu ra? ‘Pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ tốt đẹp hơn ‘pháp quyền’ ở chỗ nào?”

Kết quả ra sao thì ai cũng biết, chẳng những không được trả lời mà công dân này phải trả giá cho cái tội “dám thắc mắc” bằng bản án bảy năm trong sự ngơ ngác của cả thế giới!

Không chỉ vậy, năm 2001, trong lúc mãi đua xe hơi, một cậu quí tử nhà chú công an đã chẳng may đâm chết tại chỗ cháu Phạm Phương Linh, tân đại sứ hòa bình của trẻ em Việt Nam ở Liên Hợp Quốc. Tai nạn này mở đầu một cuộc kiện tụng dài sáu năm, tiêu tốn những tám phiên tòa. Dù mọi bằng chứng thu được tại hiện trường đều khẳng định sự tồn tại của cuộc đua xe, thì những hội đồng xét xử qui tụ nhiều bằng hữu của phụ huynh bị cáo tới nay vẫn phủ nhận chuyện này. Gia đình công dân, dĩ nhiên hạng hai này chỉ biết tiếp tục đâm đơn, và tiếp tục oan ức.

Hôm 11 tháng 6, 2008, thảo dân lại nghe rằng ba mươi dân oan dắt díu nhau rời cổng công đường, tìm đến nhà ông Tổng thanh tra chính phủ vì nộp đơn kiện lâu ngày mà không có hồi âm. Cảnh kêu oan cảm động này kết thúc rất nhanh, bởi oan ức của họ được giải quyết rất nhanh: người đầy tớ tận tụy của nhân dân đã khẩn trương và kịp thời gọi điện cho công an quận Đống Đa, quyết liệt chỉ đạo hội này đánh đập và bắt nhốt đám “chủ”.

Người ta nói “Điếc hay ngóng, ngọng hay nói”, thảo dân không ngọng cũng không điếc nhưng chắc bị bưng bít thông tin một thời gian dài nên đâm ra thích ngóng chuyện. Ở Hà Giang, thầy hiệu trưởng Sầm Đức Xương đã có được những mười lăm cuộc “tiêu khiển” với các cô trò cưng dưới 18 tuổi, nhờ biết dọa đánh tụt điểm hạnh kiểm của các nữ sinh không chịu làm “thân phận Nàng Kiều ở chốn lầu xanh”! Để tiện đường thăng tiến, thầy lại còn chia sẽ những miếng ngọt bùi này với nhiều đồng chí của mình: ông Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch huyện Vị Xuyên, trưởng công an tỉnh, hai công an, một cán bộ hải quan, một tài xế lái xe bưu điện tỉnh, và ngài giám đốc ngân hàng chính sách. Vừa bị lộ, tình quan dân vùng cao đã tức khắc làm toàn dân Việt Nam xúc động, và làm các quan Hà Giang kinh động. Tòa án tỉnh nhanh chóng cho thầy giáo Xương đi tù mười năm, và nhân tiện, cho hai nữ sinh xấu số đi tù năm và sáu năm vì tội “môi giới mại dâm” (!?). Còn các ông quan yêu dân như vợ, thì tới nay vẫn còn tại ngoại, và nhất là vẫn được cống hiến cho Đảng. Các ngài, vâng, sẽ còn thăng tiến.

Giáo sư Huệ Chi và nhà văn Phạm Toàn rủ nhau can ngăn kế hoạch bán tháo tài nguyên và lãnh thổ nước Việt cho Trung Quốc nên bị điệu lên đồn công an. Vài sinh viên Hà Nội nhặt được truyền đơn kêu gọi biểu tình bảo vệ chủ quyền biển đảo nên cũng bị nhà trường dọa đuổi học nếu tham gia, dù họ không vi phạm một nội qui hay điều luật nào, và trường học cũng không có thẩm quyền xử lí những cuộc biểu tình nằm ngoài phạm vi của nó. Nhóm “Người Việt Yêu Nước” in áo phông có chữ “SOS, giữ màu xanh và an ninh cho Việt Nam”, và “No Bauxite, No China, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”, đã bị tạm giam để liên miên tra hỏi. Đến như cô Phạm Thanh Nghiên, dù chỉ tới thăm gia đình những ngư dân bị hải quân Trung Quốc giết hại, và ngồi phản đối quân xâm lược trước một biểu ngữ treo trong… nhà thôi, cũng “nhờ” thế mà được một “phiên tòa đúng người đúng tội”!

Khi công lý bị độc quyền

Nước Đức ngày xưa, dưới ánh sáng rạng ngời của Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc và trong tình thương bao la của lãnh tụ Adolf Hitler, cũng từng có một nền độc quyền công lí. Nhờ biết thiết lập độc đảng để giữ công lí riêng của mình, Đảng Đức Quốc xã quang vinh đã có quyền treo cổ và thiêu sống cả triệu công dân Do Thái của nước Đức, mà một cách hợp pháp hẳn hoi. Ở Đức hồi ấy, sự hít thở không khí của một người Do Thái là vi phạm trắng trợn pháp luật, và nó còn phi pháp hơn cả việc đấu tranh cho dân chủ của Nguyễn Tiến Trung trên nước Việt Nam hôm nay!

Thế nên những trại tập trung kinh hoàng, những “phiên tòa đúng người đúng tội” đều là những công cụ thực thi công lí của Đảng quang vinh. Mà theo nhà nước thì những việc thi hành pháp luật đó sẽ giữ cho đất nước được bình yên và ổn định. Nên nhớ rằng sáu triệu người Do Thái trong cái thuở bình yên và ổn định ấy đã phải chết, bằng những cách hành quyết man rợ, chỉ vì họ bị chính quyền Đức gọi là “đáng ghét”, “suy đồi”, “kẻ thù của nhà nước”. Vậy nếu biết rằng ngày hôm nay, ở nước Việt Nam rất mực “giàu mạnh, văn minh và phát triển”, vô số công dân đã phải đi tù, bị quản thúc, bị tra tấn bằng nhục hình, hoặc bị bắn vỡ sọ chỉ vì họ bị nhà cầm quyền gọi là “bất mãn”, “phản loạn”, “chống chế độ”, thì người ta nên nghĩ gì đây?

Phan Thủy
©Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC


Download TCPT32 – TỰ HÀO VIỆT NAM

Bản chất lượng cao (HD – 8.5MB)
Bản Thường
(Standard – 4MB)
Bản Mini
(2.5MB)

.

.

.

No comments: