Friday, March 26, 2010

CON NGƯỜI VĨ ĐẠI

Con Người Vĩ Đại

Nguyễn Đại

Thứ Sáu, 26/03/2010

http://danluan.org/node/4539

Trong hầu hết các lãnh vực của cuộc sống, ta thường đọc và nghe thấy hai từ “vĩ đại” để nói về cá nhân nào đó.

Newton, Einstein, Hawking… là những nhà vật lý vĩ đại

Micheal Faraday, Mendeleev, Lomonosov là những nhà hóa học vĩ đại

Plato, Kant, Khổng Tử… là các triết gia vĩ đại

Lịch sử một dân tộc nào đấy cũng không ngoại lệ, cũng có những con người mà sự nghiệp và công lao của họ là rất vĩ đại

Bài viết này này nhằm chia sẻ suy nghĩ của cá nhân tôi về hai chữ “vĩ đại” trong lịch sử một dân tộc. Và rất mong nhận được sự phản hồi của quý vị.

Xin bàn về hai nhân vật tôi ngưỡng mộ.

* * *

Nhân vật thứ nhất là George Washington (1732-1799). Ông là người lãnh đạo dân Mỹ trong cuộc đấu tranh cách mạng chống lại thực dân Anh. Có thể xem ông là cha đẻ của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhân dân Mỹ gọi ông là Cha. (1)

Cuộc đời và sự nghiệp của ông, mọi người có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Nhưng với tôi, ông trở nên vĩ đại hơn những người khác không phải vì ông chỉ huy đánh nhau giỏi, càng không phải ông là tổng thống có năng lực. Ông vĩ đại vì ông chỉ làm tổng thống có 2 nhiệm kỳ. Sau đó, ông không chỉ định con hay cháu ông lên thay thế, mà để dân Mỹ tự do bầu ra tổng thống mới. Chuyện gì sẽ xảy ra khi ông Washington, dựa vào việc dân Mỹ coi ông như Cha, để rồi:

* Giành toàn bộ công lao của cuộc cách mạng,
* Nắm quyền lực tuyệt đối trong tay,
* Làm tổng thống trọn đời,
* Truyền ngôi cho con hoặc em của mình,
* Thực hiện những chính sách hoàn toàn sai lệch về kinh tế,
* Bỏ ngoài tai mọi phản biện, thậm chí sử dụng công an, quân đội đàn áp bất đồng chính kiến,
* …

Lúc đó, có lẽ đời sống dân Mỹ sẽ không khác đời sống dân Bắc Triều Tiên hiện nay. Có lẽ nước Mỹ cũng có mức tăng trưởng kinh tế cỡ như Cuba hiện nay. Dân Mỹ cũng sẽ chết đói vài chục triệu người như dân Trung Quốc thời kỳ “đại nhảy vọt”. Và ông sẽ bị nhân dân Mỹ đứng lên đánh đuổi, và chịu hậu quả như là Ceausescu đã chịu ở Rumani.

Nhưng ông không làm như thế. Ông trở thành vĩ đại cũng vì thế và nhân dân Mỹ vẫn mãi gọi ông là Cha cũng vì thế. Ông nhân danh tự do để tập hợp dân Mỹ tiến hành cách mạng và ông giữ đúng tinh thần tự do sau khi cách mạng thành công.

* * *

Người thứ hai đáng ngưỡng mộ chính là nhân vật của bài báo trên. Ông năm nay 91 tuổi, còn mạnh khỏe. Ông đã từng bị bắt và ở tù 27 năm vì bị cho là “phá hoại đất nước”. Ông là người Nam Phi da đen đã chống lại chủ nghĩa Apartheid. Khi ra tù, ông trở thành tổng thống của nước Nam Phi tự do, dân chủ, bình đẳng chủng tộc. Ông là Nelson Mandela.

Nhưng với tôi, ông trở nên vĩ đại hơn những người khác không phải vì ông can đảm hơn người, cũng không phải chuyện ông đã có phương pháp đấu tranh hợp lý, trở thành Tổng Thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Ông vĩ đại bởi vì sau bao năm tù đày, ông không hề thù oán chế độ cũ. Và khi đã có quyền lực trong tay, ông lập tức thực hiện ước nguyện xây dựng nước Nam Phi tự do, dân chủ của mình. Ông được so với Mahatma Gandhi. Có thể xem ông như vị Thánh, là Cha đẻ của nước Nam Phi hậu Apartheid.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như ông quyết định đền bù cho 27 năm tù đày của mình bằng cách:

* Coi đất nước Nam Phi là của riêng mình,
* Bắt bỏ tù người của chế độ cũ,
* Bắt hoặc thủ tiêu tất cả những người đối lập.
* Đưa anh, em, con, cháu, họ hàng nắm toàn bộ các ngành trọng yếu như Tư Pháp, Quốc Phòng, Ngân Hàng, Công An…,
* Ký hợp đồng khai thác Kim Cương với Trung Quốc không thông qua Quốc hội, bất chấp sự phản đối của nhân dân Nam Phi.
* Làm tổng thống đến hết đời và truyền ngôi cho con hoặc em của mình,

- …

Khi đó, nhân dân Nam Phi sẽ sống trong chế độ toàn trị. Từ việc làm, con cái đi học, cư trú, phát ngôn, đi lại, y tế đều bị kiểm soát bởi nhà độc tài Nelson Mandela. Cả nước Nam Phi sẽ chỉ có một tư tưởng là tư tưởng Nelson Mandela. Mọi thông tin chỉ một chiều, ai có quan điểm trái chiều sẽ bị quy là phản động. Nhẹ thì bị mất việc, bị cắt điện thoại. Nặng thì bị quản chế, nặng hơn là bị bắt giam. Và hậu quả là cuộc sống của nhân dân Nam Phi còn tồi tàn hơn ở chế độ cũ. Liệu rằng nhân dân Nam Phi có tôn trọng ông hay không, có coi ông như ân nhân hay không? Hay là họ sẽ rơi vào trạng thái “trong héo ngoài tươi”.

Không! Ông đã không làm thế. Rất may mắn cho dân tộc Nam Phi có người con như ông. Ông trở nên vĩ đại là vì thế.

* * *

Tôi không biết 2 nhân vật vĩ đại trên có nghiên cứu Triết học hay không, nhưng hành động của họ lại hết sức biện chứng. Trong triết học, cặp phạm trù “tất nhiên” và “ngẫu nhiên” đi liền với nhau. Mỗi một đất nước, ở một giai đoạn nhất định, “tất nhiên” sẽ có cách mạng và “tất nhiên” sẽ có lãnh tụ. Nhưng ai sẽ lãnh đạo cuộc cách mạng và trở thành lãnh tụ thì mang tính ngẫu nhiên (hiểu theo nghĩa không có anh thì sẽ phải có người khác). Cách mạng Mỹ chống thực dân Anh là tất nhiên, nhưng ông Washington làm lãnh tụ là ngẫu nhiên. Chủ nghĩa Aparthai phản động sụp đổ là chuyện tất nhiên, hành động của ông Nelson Mandela là ngẫu nhiên. Do đó, việc hai ông không tự cho mình là vĩ đại, không giành hết công lao của lịch sử, không biến mình thành kẻ độc tài là thuận theo phép biện chứng. Hai ông đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, tôn trọng tự do và quyền lựa chọn của nhân dân mình. Hai ông không tự xưng, cũng không ép nhân dân gọi mình là Vĩ Đại. Hai ông vĩ đại bởi vì thế. (2)

Để làm rõ hơn ý “vĩ đại” trong bài viết này, ngược dòng lịch sử, đã có những nhân vật “xém nữa vĩ đại”. Có nghĩa là họ đã có những công lao nhất định với dân tộc, với nhân dân họ. Nhưng do tham quyền cố vị, độc tài, thực hiện chính sách lạc hậu, lỗi thời, họ chỉ là người có công chứ không là người vĩ đại. Thậm chí, đôi lúc họ còn trở thành có tội đối với dân tộc họ. Trường hợp Tần Thủy Hoàng là một ví dụ. Ông có công thống nhất Trung Hoa, nhưng chính sử không coi ông là anh hùng dân tộc. Nếu sau khi thống nhất đất nước, ông tôn trọng quyền tự do tư tưởng, không khủng bố trí thức thì nhà Tần sẽ vững mạnh, chắc chắn địa vị của ông trong lịch sử sẽ khác. Đằng này, ông độc tài tàn bạo, đốt sách, chôn học trò, đòi trường sinh bất lão. Ông lại tham vọng truyền ngôi cho con cháu là Nhị Thế (hai đời), Tam Thế (ba đời),… cho đến Vạn Thế (muôn đời!). Kết quả nhà Tần như thế nào thì ai cũng biết.

Gần đây, giữa thế kỷ 20, các nhân vật nổi đình nổi đám như Stalin, Mao Trạch Đông có được coi là vĩ đại hay không? Stalin thắng Đức phát xít, đưa Liên Xô lên hàng siêu cường, Mao đánh Nhật, đuổi Tưởng, xây dựng nên nước Cộng Hòa Nhân Dân Trunh Hoa. Công lao của hai ông lớn lắm chứ, nhưng tiếc hai ông chỉ là những nhân vật “xém vĩ đại thôi”. Vì sự nghiệp của họ sau đó có vấn đề, lịch sử còn đang xem xét. Thậm chí người ta còn đòi luận rõ công và tội. Vậy thì nhất định chưa thể xem là Vĩ Đại được. Cho đến khi lịch sử - vị giám sát công bằng nhất – trả lời.

.

Để kết thúc bài viết, xin mời quý vị cùng đọc bài báo, với những câu văn tâm huyết và sâu sắc:

“Ngày đó, sau 27 năm sống trong ngục tù, Mandela đã được trả tự do. Và ngay sau phút giây đầu tiên được ngắm nhìn bầu trời bao la ấy, Mandela bắt tay vào công cuộc xây dựng tự do, hàn gắn những chia cắt trong lòng dân tộc.”

“Giờ đây, khi được trả tự do, có thể ông sẽ báo thù. Cái lối tư duy này thậm chí đã đẩy không ít người vào quyết định rời khỏi Nam Phi. “

“ Nụ cười không chứa đựng hận thù. Nụ cười của cuộc đấu tranh vì tự do vẫn tiếp diễn. Nụ cười của niềm tin mãnh liệt vào một tương lai, nơi mà dân tộc Nam Phi hòa chung một khối, bỏ quá khứ Apartheid đen tối lại phía sau.”

“Và ông đã cùng nhân dân tiếp tục cuộc đấu tranh, nhưng không phải bằng con đường bạo lực đẫm máu, để đưa đất nước tươi đẹp này thoát khỏi đêm trường Apartheid.”

“Trong hoàn cảnh ngục tù đằng đẵng, ông vẫn luôn giữ được khí tiết của một chiến sĩ dám dấn thân vì đại nghĩa. Mandela từng nhiều lần từ chối các điều kiện trả tự do của nhà cầm quyền. Chính vì vậy mà uy tín của ông ngày một lớn trong lòng người dân Nam Phi, bất chấp chính quyền Apartheid đã sử dụng mọi biện pháp để ngăn cấm việc truyền bá hình ảnh, tài liệu về ông. Rốt cuộc, bản án khắc nghiệt của nhà cầm quyền nhằm triệt tiêu ý chí chiến đấu của ông, cũng là của người dân Nam Phi bị áp bức, đã trở nên vô hiệu.”

“Rốt cuộc, chế độ Apartheid bị bãi bỏ. Mandela trở thành Tổng thống Nam Phi vào năm 1994. Đó là cuộc bầu cử đầu tiên với những ý nghĩa dân chủ thực sự."

Nelson Mandela, dù đã cùng đám đông hô vang “Chính quyền thuộc về chúng ta” khi ở Cape Town trong buổi tối tự do đầu tiên sau 27 năm tù đày, đã chọn cách bước lên nắm chính quyền bằng việc tuân thủ đầy đủ nguyên tắc của một nền chính trị dân chủ lành mạnh.“

“Và ông cũng chỉ làm tổng thống trong một giai đoạn ngắn - từ 1994 đến 1999 - sau đó rời chính trường và trao quyền chọn người kế nhiệm vào tay cử tri Nam Phi.”

“Mandela vĩ đại không chỉ bởi quá trình đấu tranh, những năm tháng bất khuất trong chốn lao tù, hành trình xóa bỏ chế độ Apartheid hay nỗ lực hòa giải dân tộc. Ông còn bất tử bởi đã xây dựng những nền móng vững chắc cho nền dân chủ ở Nam Phi. Công lao xóa bỏ chế độ Apartheid của ông sẽ trở nên vô nghĩa nếu rốt cuộc ông không xây dựng được một nền dân chủ lành mạnh cho đất nước này.”

Nguyễn Đại – 25 tháng 3 / 2010

________________

1. Lấy ý câu “nhân dân ta gọi Người là Bác” của Tố Hữu.

2. Vĩ Đại thật sự là do lịch sử đánh giá, không thể “tự xưng” được.

.

.

.

No comments: