Wednesday, March 31, 2010

ĐỖ VĂN MINH và TIÊU DAO BẢO CỰ

Đỗ văn Minh và Tiêu Dao Bảo Cự
Đỗ văn Minh

31-03-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7280

“Tiếng Chim Báo Bão” và “20 năm tranh luận trên báo chí” của ông Tiêu Dao Bảo Cự

Ngày 17 tháng 3, 2010



Thưa ông Tiêu Dao Bảo Cự,

Một lần nữa, tôi nhận thư trả lời của ông (*) và lần này, tôi cảm thấy thật là áy náy. Tình trạng sức khỏe của ông không được khả quan cho lắm, vậy mà ông đã không quản ngại viết cho tôi cả 3 trang giấy. Sự quan tâm này khiến cho tôi phải thành tâm hồi đáp lần lượt những ý kiến của ông về những điều tôi đã viết trong thư trước. Đó cũng là để tỏ lòng tôn trọng ông, với tôi, là một tiền bối trong làng văn chương chữ nghĩa.

Xin thưa ngay để ông khỏi phải băn khoăn là ông không hề xúc phạm gì đến tôi hay làm tôi thương tổn chút nào. Trong những lần tập tành viết lách, tôi đã nhiều lần được những người đi trước dạy bảo, nhiều lúc như là mắng mỏ, khiến cho tôi được sáng mắt ra, tỉnh táo lên, biết thế nào là lẽ công bằng, biết khách quan trong khi nhận xét. Tôi mang ơn chưa đủ, nói chi đến việc trách móc để ông phải thốt lời xin lỗi. Một người thẳng thắn như ông có lý nào lại thèm dùng lời lẽ để mỉa mai hay xiên xỏ một kẻ thuộc hàng hậu bối như tôi.

Lời giải thích của ông về tựa đề “Tiếng Chim Báo Bão”, dựa trên câu trích được ông coi là tinh thần của toàn bộ tác phẩm, đã cho tôi một bài học mới về ngôn ngữ. Trước nay, tôi vẫn nghĩ rằng “Bão” là để chỉ một cái gì độc địa, hung tàn, là trận cuồng phong đem đến đổ nát, tan hoang, tạo ra chết chóc, đau thương. Nhưng theo ông dạy thì “Bão” lại tượng trưng cho “những ngọn gió phóng khoáng của dân chủ, tự do, của sự thật, bao dung, nhân bản và hòa bình, những giá trị đích thực của con người sẽ chiến thắng trên đất nước và cả hành tinh này.”

Theo sự hiểu biết của tôi thì như thế phải gọi là “Báo Điềm Lành” mới hợp lý chứ, “Báo Bão” sao được! Về mặt khác, “Báo Bão” có thể được hiểu như là báo trước, đưa ra những chỉ dấu của một biến chuyển, một thay đổi lớn lao nào đó mà người ta chờ đợi sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng tôi lại không thể tìm được trong cuốn sách của ông một báo hiệu nào có tính cách “điềm lành” như ông đả rao giảng, trong phạm vi địa phương nước Việt Nam chúng ta cũng chưa thấy, nói chi là huyênh hoang nói bao trùm lên cả cái hành tinh này. Tôi không tin ông lại theo thói quen “đại ngôn” cho tác phẩm của ông đến như vậy!

Trong phong trào tranh đấu miền Trung ở Huế suốt từ năm 1964, lên đến cao đỉểm trở thành một cuộc phiến loạn năm 1966, ông đã cùng các ông Ngọc Tường, Ngọc Phan, Đắc Xuân, …tích cực tham gia. Do đó, tôi nói ông “đồng lông đồng cánh” với mấy người kể trên là nói có minh chứng chứ không phải là chỉ nói theo cảm nhận, cảm xúc. Ông cùng có tư tưởng như họ, cùng họ thực hiện lý tưởng bằng hành động tranh đấu đi đến bạo động hầu lật đổ chính quyền VNCH, hay ít nhất là lật đổ chính quyền tại địa phương hầu tạo ra 1 quốc gia trong 1 quốc gia, tương tự như những nhóm sứ quân Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài ờ miền Nam các năm 1954
1955 khi chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm mới nắm
quyền.

Ông khẳng định là có xu hướng độc lập, tranh đấu cho tinh thần tự trị đại học chứ không thân Cộng, thân Phật Giáo như nhiều người khác. Vậy mà ông lại là Trưởng Đoàn Sinh Viên Quyết Tử trong phong trào Tranh Đấu. Tranh Đấu cho Tự Trị Đại Học mà phải Quyết Tử! Nói vậy tôi nghe không xuôi tai chút nào. Bị chính quyền trung ương của Tướng Kỳ dẹp tan, phong trào xụp đổ, các ông Ngọc Tường, Ngọc Phan, Đắc Xuân, …nhanh chân chạy ra ngoài theo Việt Cộng, còn ông không thoát và bị bắt. “Đồng Lông Đồng Cánh” thôi, nhưng “Không Đồng Số Phận” là như thế đó! Tôi không hề nói ông có tham dự vào vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế, ông không có gì mà phải “động lòng”. Chỉ có các ông Ngọc Tường, Ngọc Phan, Đắc Xuân dịp Tết đầu năm 1968 đã theo đoàn quân Cộng Sản trở về và trong thời gian chiếm đóng Huế đã mặc tình “báo oán” chứ ông ở Ban Mê Thuột lúc đó, làm sao có cơ hội để hoành hành như họ được!

Khi nói đến vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế, ông không chỉ nói riêng về biến cố này mà luôn luôn hòa nhập với toàn cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông “liên tưởng” đến vụ phát hiện mồ chôn tập thể mà trong thư này ông đã mập mờ không dám nói là ở đâu hòng người đọc cho là cũng xảy ra ở Huế:

“… tôi có liên tưởng đến vụ phát hiện hố chôn người tập thể mà tôi đọc trên báo một hai năm trước. Tôi chẳng bịa đặt làm gì vì nếu muốn so sánh con số người bị giết thì tốt nhất là con số tổng kết sau chiến tranh”.

Tôi đã đặt câu hỏi với ông là tin tức này xuất xứ từ báo nào, báo tên gì, ngày tháng nào? Có thêm tin tức nào liên hệ không? Ông đã không trả lời rõ ràng mà chỉ nói thật gọn và chắc nịch là không bịa đặt. Hố chôn người này ở khu Long Bình, gần Biên Hòa, chính trong thư trước ông đã tiết lộ, sao lần này ông lại không nói cho rõ.

Tin tức như vậy, nếu không phải là bịa đặt thì cũng chỉ là tin tức vu vơ, hoàn toàn không có giá trị gì. Hơn nữa, chính ông cũng đã viết trong thư trước, những xác trong hố chôn tập thể gần Long Bình là của những “chiến sĩ giải phóng”. Đưa những sự kiện có thực là mồ chôn tập thể hàng ngàn dân lành bị sát hại, tay không có vũ khí và cũng không có điều kiện chống trả đem so sánh với cái tin vu vơ về hố chôn tập thể vài trăm người lính Việt Cộng có vũ khí đầy đủ bị tử thương khi đang giao tranh, như thế có hợp lý không? Ông cũng đã không thẳng thắn trả lời mà cho rằng chỉ là sự liên tưởng! Tôi xin nói ngay rằng đây chính là ngụy biện một cách trắng trợn và thiếu lương thiện. Ông còn ngụy biện thêm bằng cách chạy tội cho bọn sát nhân rằng “tốt nhất là con số tổng kết sau chiến tranh”. Nói như ông thì vụ thảm sát Tết Mậu Thân, cũng như những tin tức, những gì liên quan đến các lò thiêu người Do Thái của Phát Xít Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến, những vụ tàn sát có tính cách diệt chủng của Khmer Đỏ trong các năm sau 1975 đếu phải bỏ qua hết, đem gộp chung làm tổng kết sau chiến tranh là xong! Thật là gọn! Ngay đến cả con số tổng kết sau chiến tranh Việt Nam mà ông đã đưa ra là “mỗi bên hàng triệu người”, dựa “theo số liệu của cả hai bên Nam-Bắc và của Người Mỹ” cũng là mơ hồ nữa. Nói một cách chung chung như thế này thì không có gíá trị chứng minh gì hết. ‘Hàng triệu” có nghĩa là từ 2 triệu trờ lên. Mỗi bên ‘hàng triệu” có nghĩa là tổng số phải từ 4 triệu trở lên. Nhưng theo tài liệu trong cuốn “Death by government” của Rudolph J. Rummel, giáo sư chính trị học đại học Yale thì con số chết vì chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam là 1.670.000 người (1). Ít nhất thì con số tôi đưa ra cũng có xuất xứ rõ ràng, từ nguồn tin đáng tin cậy chứ không mơ hồ như con số ông nêu lên và vu vơ như nguồn tin ông cho biết.

Ông cứ một mực cho rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường không can dự gì vào vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế. Lý do thứ nhất là “Hoàng Phủ Ngọc Tuờng không phải là Hoàng Phủ Ngọc Phan, lại càng không phải là Nguyễn Đắc Xuân.”

Tất nhiên rồi, họ chỉ là đồng bọn thôi chứ người này sao lại có ai nhầm cho là người kia được. Vậy là họ phải khác nhau. Khác nhau ở chỗ nào? Theo ông thì ở chỗ Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là “đao phủ Mậu Thân”. Vậy thì nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là “đao phủ” thì ông cũng công nhận rằng hai ông Ngọc Phan và Đắc Xuân phải là “đao phủ” vì như thế mới là khác nhau chứ! Lý do thứ hai là “lúc đó Hoàng Phủ Ngọc Tường ở ngoài bưng, không vào thành phố như những người khác”. Ông đoan chắc như thế dựa “theo những gì tôi đã đọc được trên báo chí, trên mạng”. Một lần nữa, lại không thấy ông cho biết là báo nào, mạng nào, ai nói, ai kể. Hay đây lại là “cảm xúc” và “liên tưởng” của một người đã từng “tranh luận trên 20 năm về các vấn đề gai góc”, đâu phải là ‘chính luận’ mà cần đến chứng minh! Như tôi đã viết trong bài nhận xét đầu tiên, vụ thảm sát Tết Mậu Thân đã được nhiều nguời thuật lại như Nhã Ca trong “Giải Khăn sô cho Huế”, như Nguyễn Mộng Giác trong “Mùa Biển Động” Tập 3, và nhiều bài viết khác. Tôi xin kể thêm 1 tài liệu nữa, bài “The Vietcong Massacre at Hue” (Vụ Thảm Sát của Việt Cộng tại Huế), Vintage Press, New York, 1976 của Alje Vennema mà một trích đoạn được dịch ra sau đây:

Ngày hôm sau, du kích và nằm vùng địa phương tỏa ra đi tìm những người có tên trong danh sách viết tay nguệch ngoạc. Họ được đưa về Tiểu chủng viện, nơi dựng tòa án nhân dân. Một anh cựu sinh viên chủ tọa phiên tòa với sự hiện diện của một người Bắc Việt và hai sinh viên khác. Hai sinh viên này chúng tôi biết. Các phiên tòa nhân dân mấy ngày trước đã chấm dứt. Dân chúng hiện diện khá đông tại các phiên tòa ở Tiểu chủng viện, ở Gia Hội bên kia cầu và ở trong thành. Tòa án ở Tiểu chủng viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì. Anh này tốt nghiệp đại học Huế và là cựu lãnh tụ sinh viên trong Ủy Ban Phật Giáo chống chính quyền trước đây. Cầm đầu ở Gia Hội là Nguyễn Ðắc Xuân, trước kia là một liên lạc viên cộng sản nay đột nhiên lại xuất hiện. Tòa trong thành do hai sinh viên Nguyễn Ðọc và Nguyễn Thị Ðoan điều khiển. Các phiên tòa vang lên những lời đe dọa với khẩu hiệu tuyên truyền, kết tội, qui chụp. Hầu hết những người bị lôi ra tòa chẳng biết lý do mình bị bắt. Nhưng tất cả đều bị kết tội, một số bị tử hình tức khắc.

Ít nhất thì những chuyện trên đã được kể trong một tài liệu không thể gọi là vu vơ và cho thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cò mặt tại Huế, thậm chí đã đóng vai phán quan trong “toà án nhân dân” để lên án tử hình những người dân vô tội. Cho nên, tổng hợp tin tức từ các sách báo, các bài viết trên mạng …, nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải đã trực tiếp cầm súng bắn người, cầm dao chém người thì cái tiếng “đao phủ” mà nhiều người gán cho đương sự cũng không phải là hoàn toàn vô căn cứ.

Thưa ông Tiêu Dao Bảo Cự,

Sau khi gửi ông đọc bài tôi nhận xét về 2 tác phẩm của Đào Hiếu cùng thư trả lời của ông nhà văn này, tôi không muốn đề cập gì tới ông ta nữa. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng khi trả lời thắc mắc của tôi về những trang nào trong tác phẩm của Đào Hiếu mà ông cho là “tuyệt bút”, ông đã cho biết “thực ra đó là những đoạn tả cảnh, tả tuyết rơi”. Tác phẩm của Đào Hiếu có “trình độ cao”, chứa đựng nhiều “tư tưởng thâm sâu” như thế mà khi đọc ông lại chỉ đánh giá “những trang tả cảnh là tuyệt bút” thì tôi không khỏi lấy làm lạ!

Đọc tác phẩm “Tiếng Chim Báo Bão” của ông, tôi chỉ đưa ra những nhận xét về 1 đoạn ngắn chưa đầy 1 trang trong tác phẩm có bề dày hơn 600 trang này. Tôi không có ý “phê phán” cả cuộc đời ông như ông đã nghĩ. Tuy nhiên, tìm hiểu tác giả qua tác phẩm là chuyện thông thường vì tác phẩm phản ảnh phần nào cuộc đời tinh thần của tác giả, nói lên những suy nghĩ của tác giả đưa đến những hành động trong tương lai hoặc để giải thích cho những hành động trong quá khứ.

Ông đã học đại học, nhu thế cũng là người có kiến thức. Ông lại là người hằng suy tư về đất nước, về tự do, hạnh phúc của người dân, từ đó đưa đến việc ông tham gia vào phong trào tranh đấu chống chính quyền. Đó là vào thời gian các năm 1964
1966. khi cuộc chiến tranh tại miền Nam do Cộng Sản Bắc Việt phát động đang ở cao độ. Là người có đọc sách lại có đầu óc chính trị, chẳng lẽ ông không đọc cuốn “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” do Hoàng Văn Chí chủ biên, xuất bản trước đó vào năm 1959, để hiểu vụ đàn áp các nhà văn nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm như thế nào sao? Chẳng lẽ ông không biết đến phong trào Đấu Tố khởi đầu từ năm 1953, vụ Cải cách Ruộng Đất năm 1956 đưa đến việc nông dân nổi dậy ở Quỳnh Lưu để rồi bị chính quyền Cộng Sản thẳng tay đàn áp? Ông chắc không hiểu tại sao 1 triệu người dân miền Bắc trong các năm 19541955 đã bỏ cả nhà cửa
, mồ mả tổ tiên để vào Nam tránh nạn Cộng Sản. Vì vậy ông có niềm ước vọng lật đổ cái chính quyền miền Nam đang phải dốc toàn lực đối phó với cuộc xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt để cho toàn miền Nam này sẽ “được” sống trong cái “Thiên Đường Cộng Sản” mà ông mơ ước đó chăng?

Ở miền Nam vào lúc đó, cũng như cho đến cuối tháng 4, 1975, vẫn có một số người mang tiếng là “trí thức”, muốn ra điều ta đây tiến bộ, theo trào lưu tả khuynh cho hợp thời trang, nhưng thực sự ra chỉ là loại “trí thức chồn lùi” như nhà văn Duyên Anh diễn tả. Cũng như họ, ông đã chống miền Nam, đòi tự do dân chủ để rối sau 1975 người dân miền Nam được tự do dân chủ nhu thế nào, chống bất công áp bức để được thấy chính bản thân ông có bị áp bức không, chống tham nhũng thì tệ nạn tham nhũng hiện nay ra sao, chống lệ thuộc ngoại bang thì cái hiểm hoạ Trung Quốc đang đè nặng lên nước Việt Nam ra sao, cả về mặt chính trị lẫn kinh tế và xã hội.

Trên trái đất này, không có một chế độ nào, một xã hội nào là toàn hảo cả. Nhưng tương đối thì phải biết phân biệt giữa nhũng cái xấu để chọn cái nào ít xấu hơn. Ở miền Nam, chính quyền thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa không phải là hoàn toàn dân chủ và có nhiều khuyết điểm khác. Nhưng Cộng Sản là cái xấu nhất, tệ hại nhất trong các chế độ, gây ra cái tai họa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người. Một thí dụ nhỏ là các nhà văn nghệ miền Bắc, trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã chỉ dám xin chính quyền cho đôi chút tự do, đừng đem chính trị vào lãnh vực văn nghệ, vậy mà họ đã bị trấn áp, trừng phạt tàn tệ. Trái lại ở miền Nam, ông đã tham dự vào việc dùng võ lực lật đổ chính quyền, trực tiếp qua chức vụ “Trưởng Đoàn Sinh Viên Quyết Tử”. Vậy mà sau khi vụ phiến loạn bị dẹp, ông bị bắt sau đó cũng chỉ bị giam giữ một thời gian rồi được cho trở lại nhà trường, thậm chí sau khi mãn khóa còn được bổ nhiệm đi dạy học. Thử tưởng tượng nếu một vụ tương tự xảy ra ở miền Bắc thì chính quyền sẽ đối xử với những người nổi loạn ra sao? Ngay như Đào Hiếu cũng phải công nhận rằng sau khi tổ chức biểu tình chống chính phủ ở Quy Nhơn thất bại và bị bắt, ông đã được “trả tự do một cách nhanh chóng, không bị hạch hỏi hay làm thủ tục giấy tờ gì rườm rà”. Sự khác biệt đến như vậy mà ông vẫn chưa thức tỉnh để tiếp tục hoạt động nội thành cho Cộng Sản rồi năm 1974 được chính thức vào Đảng.

Trong những tháng ngày Cộng Sản Bắc Việt tiến quân xâm chiếm miền Nam đầu năm 1975, chắc vì “say men chiến thắng” nên ông đã không thấy là các ông tiến đấn đâu, dân chúng bỏ nhà bỏ cửa chạy dài đến đó, đến khi trong nươc không còn chỗ chạy thì phải chạy ra nước ngoài, kéo dài cả chục năm sau tạo thành phong trào “Thuyền Nhân” mà cả thế giới đều biết. Thế rồi chỉ 1 năm sau khi chiếm trọn miền Nam, các ông các bà trong cái được gọi là Mặt Trận Giải Phóng, trong cái được mệnh danh là Chính Phủ Cách mạng Lâm Thời hoặc được “cho đi chỗ khác chơi” hoặc cho “ngồi chơi xơi nước”. Và mọi người dần dần đã sáng mắt ra nhưng dưới chế độ sắt máu toàn trị của khoảng trên 10 năm sau 1975, có ai dám lên tiếng chống đối! Các ông cũng biết thân phận lắm cho nên trùm chăn nín khe, nắm “thẻ Đảng” như lá bùa hộ mệnh, chờ cho đến năm 1986 sau khi Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh ban lệnh “cởi trói”, một số mới dám hó hé. Nhiều người chờ thêm cho đền những năm trong thập niên 1990 mới dám lên tiếng cho chắc ăn. Tôi rất thông cảm với những người đó, trong hoàn cảnh họ đang phải sống. Nhung tôi chỉ bất bình khi thấy có những người, trong khi chỉ trích chế độ đương thời, vẫn tự bào chữa cho rằng những năm họ chống đối chính quyền miền Nam là có chính nghĩa. Đem phá bỏ cái chính thể có tự do dân chủ nhưng không đầy đủ trọn vẹn để mang vào cổ cái ách độc tài tuyệt đối thì là chính nghĩa nỗi gì, nếu không muốn nói là ngu xuẩn. Cái chính quyền thiếu tự do dân chủ ấy còn có ngày trở thành dân chủ được, như trường hợp Đài Loan, Đại Hàn…, chứ còn chính quyền Cộng Sản thì chuyện ở Việt Nam tới nay mấy chục năm sau họ vẫn còn tồn tại chính là câu trả lời xác đáng nhất.

Ông Tiêu Dao Bảo Cụ lên án “chiến tranh là tội ác, và trong chiến tranh chỉ có nhân dân là kẻ chiến bại”. Ông nói đúng lắm! Ông còn nói “Hai bên chiến tranh đều cho mình có chính nghĩa”. Cũng đúng nữa, nhưng chưa đủ. Nhưng ông đã không viết gì hơn nữa mà chỉ lý luận và giải thích thêm là: “Cả hai miền đều nhận viện trợ của nước ngoài, đem bom đạn của nước ngoài về bắn giết lẫn nhau … gọi đó là chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh giải phóng, chiến tranh tự vệ hay gì gì đó nhưng không ai có thể chối cãi đó là cuộc nội chiến trong đó người Việt đã giết nhau trên chiến trường và hận thù nhau trong tim óc”. Tất nhiên là trong chiến tranh, bên nào cũng cho mình là có chính nghĩa. Nhưng khi xét đóan về chiến tranh, người có đầu óc phải biết suy luận để thấy bên nào đã phạm tội. Có lý nào trong đệ nhị thế chiến, các nước Đức, Nhật có chính nghĩa khi họ là kẻ gây chiến trước bằng cách xâm chiếm các lân bang. Khi Bắc Hàn thinh lình tổng tấn công Nam Hàn năm 1950 cũng là có chính nghĩa, chính nghĩa của kẻ xâm lăng sao? Cứ lý luận như ông thì thằng ăn cướp và kẻ bị cướp chống trả lại đều cùng có chinh nghĩa như nhau? Nói như thế thì chỉ là ngụy biện. Thằng ăn cướp Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam và miền Nam chỉ tự vệ khi chống trả. Nếu Bắc Việt không đem quân xâm nhập gây chiến tại miền Nam thì tự dưng đất nước miền Bắc có bị hứng chịu bom đạn của Hoa Kỳ không? Ông viết như thế có khác gì bênh vực cho thằng ăn cướp! Lý do ông tham dự vào cuộc tranh đấu vũ trang chống lại chính quyền miền Nam năm 1966, tiếp tục hoạt động nội thành cho Cộng Sản những năm sau đó hẳn là vì ông cho rằng Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam là có chính nghĩa, và mặc dù sau khi kinh qua thực tế sống dưới chế độ Cộng Sản, ông đã tỉnh ngộ, đã chống chính quyền và đã bị bạc đãi, ông vẫn cho rằng những việc làm của ông trước kia là chính đáng. Thái độ này tôi cho là tự ái hão, là ngoan cố của “con cà cuống chết đến đít vẫn còn cay”.

Thưa ông Tiêu Dao Bảo Cự,

Thực tình, tôi rất phân vân trước khi viết bức thư này. Nhưng khi đọc lại thư phản hồi của ông, có những điều trong đó khiến tôi phải trả lời. Trả lời một lần này rồi thôi, và chỉ một lần này thôi nên tôi viết đã dài. Tôi đã cố gắng hồi đáp thư ông từng điểm một và chỉ trong phạm vi bức thư của ông mà thôi. Cũng như khi nhận xét về một quyển sách, một bài viết nào, tôi luôn luôn hạn chế phạm vi trong nội dung quyển sách, bài viết đó, và tôi thẳng thắn nói rõ ràng mọi chuyện chứ không bàn bạc vu vơ, đưa ra những cái gọi là chứng cớ mang tính cách ‘chung chung’, tổng quát. Tôi cũng không có thói quen tránh né những gì cần được trả lời hẳn hoi mà mập mờ nói lảng sang chuyện khác, hoặc là dùng những lời lẽ đao to búa lớn.

Tôi không phải là người có lối suy nghĩ một chiều, theo định kiến. Tôi rất hiểu và thông cảm cảnh ngộ của những người thực sự tranh đấu ngay ở trong nước chống chính quyền độc tài hầu đem lại tự do no ấm cho người dân. Nhưng tôi cũng không tán thành những người, trong lúc nói lên những xấu xa, tệ đoan trong xã hội và chế độ hiện hành, đã đi qúa mức khi mô tả không đúng sự thực bằng những sự kiện vu vơ, không có thực, những chuyện bịa đặt, tưởng tượng. Vì như thế, những sự việc có thực đã bị những điều bịa đặt, tưởng tượng che khuất đi, hậu qủa là tạo ra phản ứng ngược, khiến người đọc không tin được những gì kể ra trong bài viết hay trong sách nữa.

Những người ở trong nước viết bài, viết sách một cách trung thực để chống đối chế độ độc tài đang đưa xã hội đến tình trạng suy xụp, đưa đất nước vào cảnh điêu linh, vạch trần ra tệ đoan tham nhũng chưa từng thấy dẫn đến những khoảng cách biệt không tưởng tượng nổi giữa kẻ giàu, người nghèo, … mà không hề tỏ ý khoe khoang chữ nghĩa, đề cao thân phận, lên mặt kẻ cả dạy đời, tôi đều kính trọng và thán phục vì họ thực sự đang ‘tranh đấu trong lòng địch’, chịu đựng khó khăn đi tới hiểm nguy cho bản thân và gia đình. Một trong những người đó là nhạc sĩ Tô Hải với cuốn “Hồi Ký của Một Thằng Hèn”. Tôi có bài Nhận Xét về tác phẩm này và đã viết thêm 1 bài để lên tiếng về mấy bài phê bình ông Tô Hải cùng hồi ký của ông từ mấy nhân vật tại hải ngoại. Xin gửi để cùng ông chia sẻ.

Tôi không có lý do gì để coi ông là kẻ thù như ông đã có ý nghĩ phảng phất trong đầu. Kẻ thủ đích thực của tôi chỉ là cái Đảng Cộng Sản tàn ác vô luân cùng nhóm lãnh đạo cái chính thể hiện hành tại Viêt Nam, tất cả đã và đang đưa đa số người dân Việt đến tận cùng của đau khổ.

Xin cầu chúc ông sức khỏe sớm được hoàn toàn bình phục.

Trân trọng kính chào,

Đỗ Văn Minh

Thư Tiêu Dao Bảo Cự gởi Đỗ Văn Minh


(*) From: TieuDao BaoCu
Sent: Sunday, March 14, 2010 3:44 AM
To: Minh Do
Subject: Re: Hoi am gui ong Tieu Dao Bao Cu

Thưa ông Đỗ Văn Minh,

Khi một tác phẩm được xuất bản, nó thuộc về công chúng. Công chúng có quyền đánh giá, phê phán và tác giả phải chấp nhận những phản hồi đó. Về phần tôi, thực sự tôi tôn trọng mọi ý kiến đóng góp. Có người thích, chia sẻ, đồng cảm, tôi có niềm vui. Có người bất đồng, phê phán, tôi tôn trọng và lắng nghe.

Tôi thực lòng xin lỗi nếu trong mail trước tôi viết có gì làm ông cảm thấy bị xúc phạm hay thương tổn. Tôi không hề cố ý làm như vậy đối với bất cứ ai. Nhưng những điều chung khi nói ra có thể làm người ta liên tưởng.

Về những điều ông góp ý, nếu trả lời hết, e đó sẽ là một cuộc thảo luận rất dài. Do tôi hiện không được khỏe, tôi cố gắng trao đổi một số ý sau đây, bằng cách gạch đầu dòng. Tôi xin lỗi về sự thể này nhưng tôi không thể làm khác hơn vì lý do sức khỏe.

Nhầm lẫn Phiếm đàn và Phiếm đàm chỉ là lỗi đánh máy. Tôi không đến nỗi không phân biệt hai từ này và cũng chẳng có lý do gì để mỉa mai ở đây khi chỉ nhắc đến sự kiện.

Ông
đọc không kỹ ý tôi viết về tựa đề TCBB. Dĩ nhiên tựa đề này do tôi đặt. Tôi chỉ nói đề nghị nxb in một câu trích ở bìa sau để giải thích ý nghĩa tựa đề đó chứ không phải tôi đề nghị nxb đặt tên cho tác phẩm. Tôi làm việc này khi liên hệ với nxb lúc còn ở Mỹ nhưng sau khi tôi về VN, lúc in sách, nxb đã thay câu khác mà không trao đổi lại với tôi, tôi đành chịu thôi.

Câu trích đó như sau, cũng chính là tinh thần của toàn bộ tác phẩm:

“Tiếng vọng lẻ loi không còn là tiếng vọng lẻ loi mà đã trở thành tiếng chim báo bão. Ðây không phải là bão tố cuồng nộ của hận thù, máu lửa và áp bức, mà là những ngọn gió phóng khoáng của dân chủ, tự do, của sự thật, bao dung, nhân bản và hòa bình, những giá trị đích thực của con người sẽ chiến thắng trên đất nước và cả hành tinh này.”

Cho đến nay tôi cũng chưa có cuốn sách của mình trong tay vì nxb gởi về đã bị tịch thu.

Trong một bài
viết, không phải bất cứ câu nào, ý nào cũng phải chứng minh. Dĩ nhiên có những điều bắt buộc phải có. Thí dụ khi ông nói tôi “đồng lông đồng cánh” với những người đó, ông đâu cần chứng minh mà chỉ nói lên cảm nhận của ông thôi. Thực tế lại không đúng như vậy. Giữa tôi và những người đó rất ít điểm chung ngoại trừ việc tham gia phong trào tranh đấu năm 1966. Thời kỳ đó tôi là một trong những người trong ban lãnh đạo sinh viên có xu hướng độc lập với tinh thần tự trị đại học trong khi nhiều người khác thân Phật giáo, thân cộng. Thậm chí tôi đã có lần xung đột với họ trên điễn đàn sinh viên về quan điểm.Tôi không dính líu gì đến vụ Mậu Thân Huế vì lúc đó tôi đã ra trường dạy học ở Ban Mê Thuột, cũng ở BMT trong mấy ngày tế đó và nói chung trước năm 1970 tôi không dính líu gì đến cộng sản. Sau này, cuộc sống và quan điểm của tôi cũng hoàn toàn khác những người đó, vậy sao có thể nói là “đồng lông đồng cánh”.

Vụ Mậu Thân Huế là một chương bi thảm nhất trong chiến
tranh VN, đăc biệt về quy mô, tính chất và số lượng người bị giết. Đó là một tội ác cần lên án. Không vụ nào có thể so sánh nhưng khi liên tưởng ta có thể nghĩ đến vụ tàn sát ở Mỹ Sơn nhưng vụ này là do người Mỹ làm. Trong đoạn nhật ký tôi có liên tưởng đến vụ phát hiện hố chôn người tập thể mà tôi đọc trên báo một hai năm trước. Tôi chẳng bịa ra làm gì vì nếu muốn so sánh con số người bị giết thì tốt nhất là con số tổng kết sau chiến tranh. Không ai có thể tổng kết đầy đủ nhưng theo số liệu của cả hai bên Nam-Bắc và của người Mỹ thì số nạn nhân thương vong của phía Miền Bắc và MTGP lớn hơn rất nhiều phía VNCH và đồng minh. Mỗi bên hàng triệu người. (Đây tôi không có thời gian chứng minh với con số cụ thể nhưng nếu ai muốn nghiên cứu chuyện này dễ dàng tìm ra các tư liệu). Vấn đề là rất nhiều người VN đã bị giết trong chiến tranh. Chiến tranh là tội ác. Trong chiến tranh chỉ có nhân dân là kẻ chiến bại. Hai bên chiến tranh đều cho rằng mình có chính nghĩa. Như thế nạn nhân phía bên kia đều đáng chết cả ư? Thực tế bây giờ mọi người đều thấy hai miền Nam – Bắc đều nhận viện trợ của nước ngoài, đều đem bom đạn của nước ngoài về bắn giết người Việt, bắn giết lẫn nhau. Người ta gọi đó là cuộc chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh giải phóng, chiến tranh tự vệ hay gì gì đó nhưng không ai có thể chối cãi đó là một cuộc nội chiến, trong đó người Việt đã giết nhau trên chiến trường và hận thù nhau trong tim óc. Hình như tôi đã viết điều này nhiều lần. Và bây giờ nhiều người vẫn còn nhân danh chính nghĩa để tiếp tục hận thù và mạt sát nhau nữa. Tôi gọi đó là “hội chứng chính nghĩa”.

Tôi chẳng có lý do gì để bênh vực HPNT hay những người khác.
Tôi không có quan hệ gì đặc biệt với họ và tôi cũng rất khác họ. Tôi chỉ nêu suy nghĩ khi liên tưởng đến một vấn đề. Trước tội ác ta căm giận nhưng phải tỉnh táo và công bằng, nếu không ta cũng sẽ phạm vào tội ác hay bất công. Dù là anh em nhưng HPNT không phải là HPNP, lại càng không phải là NĐX. Cho đến nay chưa ai chứng minh được HPNT trực tiếp giết người vì lúc đó ông ta ở ngoài bưng, không vào thành phố như những người khác (Theo những gì tôi đã đọc được trên báo chí, trên mạng). Thế thì sao có thể gọi ông ta là “đao phủ”. Còn về trách nhiệm gián tiếp, dĩ nhiên là có nếu cho rằng ông ta có liên đới trách nhiệm vì đã theo cộng sản. Nhưng nếu nói đến trách nhiệm gián tiếp thì rất nhiều người phải có, từ hai phía của cuộc chiến. Trong vụ Mậu Thân ở Huế, trách nhiệm chính là của bộ chỉ huy chiến dịch. HPNT và những người như ông chẳng có quyền hạn gì lắm khi chỉ là những kẻ mới theo, riêng HPNT chỉ được kết nạp đảng rất lâu sau này vào khoảng 1989. Những kẻ giết người trực tiếp phải có bằng chứng mới có thể gọi họ là đao phủ, như bài viết của Nguyễn Thị Thái Hòa (Cũng cần phải kiểm tra chính xác vì viết một bài như thế không khó như ta đã thấy khi có những bài tố cáo Bùi Tín giết người, HCM hiếp dâm thiếu nhi… Tôi không có ý nghi ngờ bài viết của NTTH nhưng trước một vấn đề quan trọng như thế tất nhiên phải có bằng chứng, đối chứng hết sức xác thực.)

Nhận xét về cuốn Lạc đường của Đào Hiếu chỉ là
một đoạn nhỏ trong bài chính luận chứ không phải là trọng tâm của bài viết đó. Tôi ghi nhận trong tác phẩm có một số trang tuyệt bút (thực ra là những đoạn tả cảnh, cảnh tuyết rơi), thái độ đối với các loại chính quyền, thái độ không phản tỉnh. Ghi nhận không phải là đồng tình, đồng ý, tán thành. Tôi đưa vào đoạn đó để góp thêm luận cứ cho vấn đề “hội chứng chính nghĩa”.

Nói về những
chuyện cũ, người ta có thể không đồng ý với nhau khi nhìn từ những góc độ, quan niệm khác nhau, có hoàn cảnh, quá khứ, sự từng trải khác nhau. Nhưng nếu vì khác nhau như thế mà trở nên chia rẽ, hận thù thì có ích gì cho hôm nay và ngày mai khi đang cần có sự đoàn kết để chống lại chế độ độc tài toàn trị đang tiếp tục gây tội ác. Do đó tôi đề nghị là tạm thời “đồng ý với những bất đồng” để cùng nhau hướng tới tương lai.

Tác phẩm, quá khứ, cuộc đời của tôi có người
chia sẻ, đồng cảm, có người không thích, ác cảm. Đó là quyền của mọi người. Và chắc những người khác cũng đều như thế. Đó chính là cuộc đời. Nhưng phê phán cả cuộc đời một con người không phải là điều dễ dàng nếu như ta chưa hiểu rõ.

Trong tranh luận, tôi rất thẳng thắn nhưng không bao giờ mỉa mai,
xiên xỏ ai. Tranh luận để tìm cầu chân lý chứ không phải để chia rẽ, thù hận. Tôi mong mỏi có sự chia sẻ để tiến đến hòa giải, đồng thuận. Ngay cả đối kẻ thù còn có lúc cũng phải hòa giải huống gì chỉ là giữa những người bất đồng quan điểm về chuyện cũ nhưng có cùng mục tiêu chung cho tương lai.

Tôi không hi vọng ông tán đồng những gì tôi viết trên đây vì ông sẽ có ý kiến để phản bác và ngược lại tôi cũng vậy. Tôi hi vọng cuộc trao đổi này sẽ mang lại một người bạn thay vì một kẻ thù. Nếu thêm một kẻ thù thì cuộc trao đổi không nên tiếp tục. Có ích gì khi thêm thù bớt bạn trong cuộc sống đã lắm hận thù máu lửa này.

Một lần nữa cám ơn ông.

TDBC


Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ và chú thích
(1)
DEATH BY GOVERNMENT, By R.J. Rummel, New Brunswick, N.J.: Transaction Publishers, 1994. Đây, con số “1.670.000 bị ám sát: Trong chiến tranh Việt Nam”, là ước tính trung bình. Ước tính thấp là 721.000 người và ước tính cao là 3.664.000 người.
(2) Đọc thêm
Statistics Of Vietnamese Democide Estimates, Calculations, And Sources, From the pre-publisher edited manuscript of Chapter 6 in R.J. Rummel, “Statistics of Democide”, 1997. For full reference to “Statistics of Democide”, the list of its contents, figures, and tables, and the text of its preface, read here.

.

.

.

No comments: