Việt Nam sẽ xây hai nhà máy điện hạt nhân
Cập nhật lúc 12:16, Thứ Tư, 25/11/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/200911/Viet-Nam-se-xay-hai-nha-may-dien-hat-nhan-880709/
- Với 77,48% số phiếu tán thành, Quốc hội vừa thông qua sáng nay dự án đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. 39 vị ĐBQH không tán thành và 18 người không biểu quyết.
Chọn thế hệ lò hiện đại nhất
Mỗi nhà máy sẽ gồm hai tổ máy, công suất hai nhà máy trên 4.000 MW. Tổng mức đầu tư vào khoảng 200.000 tỷ đồng.
Địa điểm xây dựng nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được xây vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.
Trước đó, trong các phiên thảo luận tại tổ và Hội trường, nhiều ĐBQH đề xuất không nên xây hai nhà máy cùng lúc mà nên xây trước một nhà máy để rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên quyết giữ phương án cũ.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đặng Vũ Minh khẳng định, tuy vẫn xây hai nhà máy, nhưng Nghị quyết Quốc hội đã nêu rõ: “Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2”.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH và Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Chính phủ thống nhất lựa chọn công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế.
Tổng mức đầu tư 200.000 tỷ đồng cho hai nhà máy điện hạt nhân được xem là con số ước lượng. Bởi trong giai đoạn lập báo cáo đầu tư, việc lựa chọn công nghệ, nhà thầu vẫn chưa được xác định. Mặt khác, thời gian giữa lập báo cáo đầu tư với lập dự án và quyết định đầu tư vẫn còn khá dài…
Trước đó, khi thảo luận tại Hội trường, nhiều ĐBQH đã bày tỏ lo ngại về việc số tiền đầu tư xây nhà máy sẽ không chỉ dừng ở mức dự toán của Chính phủ, vì hầu như tất cả các công trình trọng điểm quốc gia nhiều năm qua đều “đội” vốn.
Khẩn trương đào tạo nhân lực
Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện chín nhiệm vụ.
Chính phủ phải lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm lâu năm trong thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành nhà máy, phải thuộc quốc gia có tiềm lực cao về khoa học, công nghệ. Nhà thầu đó phải có khả năng thu xếp tài chính và suất đầu tư hợp lý. Đồng thời có kế hoạch từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong xây dựng và chế tạo thiết bị.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tính toán thiết kế công trình theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt, bảo đảm an ninh, an toàn cao nhất. Đồng thời, nghiên cứu đánh giá đầy đủ tác động của các đứt gãy, kiến tạo địa chất, các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở khu vực triển khai dự án.
Đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH Ninh Thuận, Quốc hội cũng đề xuất Chính phủ cần có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội ở địa bàn xây nhà máy. Đồng thời lên phương án cụ thể và tổ chức thực hiện tốt công tác di dân, tái định cư.
Một yêu cầu quan trọng khác là khẩn trương triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.
Trong quá trình triển khai xây nhà máy cần phải nghiên cứu, đánh giá tài nguyên, trữ lượng, khả năng khai thác, chế biến và nhu cầu sử dụng lâu dài urani trong nước.
Mặt khác, cần có kế hoạch sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu xây dựng khu vực xử lý chất thải hạt nhân đảm bảo an toàn.
Quốc hội nhấn mạnh, Chính phủ bằng nhiều hình thức cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để tạo đồng thuận cao trong xã hội khi triển khai xây nhà máy.
Các ĐBQH cũng thống nhất với phương án trước khi khởi công xây dựng tổ máy đầu tiên, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả việc chuẩn bị, đồng thời hàng năm báo cáo tiến độ thực hiện.
--------------------------------------
Cũng trong sáng nay, với 85,8% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về nhà máy thủy điện Lai Châu, công trình thuỷ điện lớn nhất cuối cùng của đất nước.
Tổng mức đầu tư của dự án nhà máy thủy điện Lai Châu dự tính là 32.600 tỷ đồng. Nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016, hoàn thành vào năm 2017.
Quốc hội cũng đồng ý cho phép áp dụng những cơ chế chính sách đã thực hiện trong dự án thủy điện Sơn La.
Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng quy hoạch, tổ chức tốt công tác di dân, tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho bà con tái định cư. Đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè - Mường Nhé, bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực biên giới.
Nhà máy thủy điện Lai Châu được thực hiện sẽ thực hiện các nhiệm vụ: Cung cấp điện; cùng với các nhà máy thủy điện trên sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ; phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Lê Nhung
Tin liên quan :
"Không đánh đổi mọi giá để làm điện hạt nhân"
Tọa đàm về điện hạt nhân Ninh Thuận, thủy điện Lai Châu
"Điện hạt nhân không phải muốn làm thì nghĩ ra để làm"
Điện hạt nhân và những câu hỏi đặt ra
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận–một hay hai nhà máy?
Điện hạt nhân: Đại biểu muốn một, bộ trưởng nói hai
Điện hạt nhân: Không phải việc của riêng ngành điện
Đến nhà máy điện hạt nhân lớn nhất, cũ nhất nước Đức
Điện hạt nhân sẽ đắt gấp ba?
Điện hạt nhân:Chỉ nên xây một nhà máy để rút kinh nghiệm
Dư luận đa chiều xung quanh dự án điện hạt nhân
ĐBQH muốn được thông tin về dự án điện hạt nhân
Điện hạt nhân: 10 kiến nghị của đại biểu QH Ninh Thuận
Điện hạt nhân: 75% vốn đi vay nước ngoài
S.O.S. sản xuất điện hạt nhân với tác phong “tiền công nghiệp”
---------------------------------------
Năm 2014 xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (VNExpress)
Vietnam nuclear plants to be approved despite concerns (The Earth)
No comments:
Post a Comment